Trời đất có 4 mùa, nhưng Trần Hoài thuộc mùa thứ... 5. Ngoài xuân, hạ, thu, đông ra anh còn có nguyên một mùa… chán chết! Nói như thế vì tôi quá hiểu anh, con người cô đơn giữa mênh mông con người. Trong thiên hạ, số này ít, và có khi, đó là nghệ sĩ đích thực.
Mà đúng như thế, không còn gì phải bàn cãi. Trần Hoài hát hay, đàn giỏi, viết văn, làm thơ, ở lĩnh vực nào anh cũng tài. Nhưng cái tài lớn nhất của Trần Hoài đó là sự lang bạt. Cùng với thơ, nó kéo theo những nỗi cô đơn, những cảm xúc mong manh.
Nỗi cô đơn Trần Hoài có khi tưởng chừng cầm được. Nhưng vừa chạm tới đã đứt, đó mới là nỗi buồn dai. Có thể mường tượng rằng, Trần Hoài là một đám mây, còn thơ anh là gió. Hai thứ đó tạo nên một hỗn hợp nỗi buồn, vừa mát lành vừa trong trắng, vừa gần gũi vừa xa vời. Chung quy nó tồn tại, mà chỉ cần tinh ý đã nhận ra.
Là Trưởng đại diện Báo Quân đội Nhân dân Quân khu IV, nhưng ít khi chúng ta bắt gặp anh với vai trò nhà báo (hoặc có thể anh ẩn danh dưới một cái tên khác). Gặp anh hầu hết với những truyện ngắn mang màu sắc liêu trai, những câu chuyện rất vô định. Đó là sự tìm tòi, sáng tạo của người viết khi lựa chọn đề tài. Còn thơ anh, là những “trinh tiết” của thi ca, khi chúng ta bắt gặp ở đó những tình yêu mà những người từng trãi qua vẫn ngạc nhiên, sao có thể nó lung linh như thế. Đúng đó là cái nhà thơ đi tìm và chắt lọc.
Đối với thơ, hay nói gần hơn nữa, những câu thơ sau (về đàn bà: mẹ và em) Trần Hoài như một thiền sư bị ném vào bụi trần. Ở đấy, có vẻ như anh thất vọng, với lẽ đời, tất nhiên là đời do con người tạo nên.
Anh khá nhạy cảm với người, với đời, với hiện thực cuộc sống. Mà như tôi nói ở đây, cuộc sống của anh là đạo, của mẹ và em ở đời. Tiếng chuông trong chùa nó khác hẳn với âm thanh cuộc sống. Nó, quá nhiều thanh âm, nhiều cung bậc đẩy nhà thơ đến lằn của ranh giới giữa thực tại và xa xăm, giữa cái mình tưởng giá như và cái đã xảy ra có thể nói là những rạn vỡ. Quá bức là những ngột ngạt, của người đời khi anh thấy rằng nó chẳng hợp gu. Và chính điều ấy khiến anh tìm chỗ trốn. Nhưng không phải đâu xa lạ, vẫn là ở người mẹ “về nằm trong bụng mẹ xưa…” đấy là cái mà người đọc nhận thấy ở Trần Hoài, một người lớn rất đáng yêu.
“Cho tôi mơ một giấc mơ
Có giấc mơ nào cao hơn hiện thực
Khô cằn buồn tẻ
Những giấc mơ đã phái sinh từ khi trong bụng mẹ
Chúng đạp vào tử cung
Hiện thực chói loà của mặt trời, mây gió
Hiện thực người ta yêu và người ta ghét
Căm thù, khinh bỉ
Giận hờn, yêu thương
Hiện thực phong phú vô cùng
Nhưng
Bao chứa hết
Trong giấc mơ ngắn ngủi
Ta mơ em đuổi ta đi không nhà không cửa
Ta không đi níu lại bên thành giường
Gương mặt em hoá thành tảng đá
Bặt câm
Chỉ trong mơ, hiện thực tràn về
Ta chống lại nó nhưng giấc mơ tiếp diễn
Những hiện thực cắt xén rời rạc bện với nhau thành hình hài quái dị
Đến tột cùng phi lý
Nhưng vẽ nên
Sự buồn tẻ của ngày
Đêm
Chiều tà
Những ngôi sao
Nước và đất
Ngũ hành
Nhân sinh
Như thể ta cần đi tìm ranh giới
Giữa thực và mơ
Về nằm trong bụng mẹ xưa”.
Tôi nhớ có lần, ai đấy nói tôi ước mình không được sinh ra! Nếu thế thì nhân gian có ít nhất hai con người, kể cả Trần Hoài. Như vậy thì không thể gọi là cô đơn, khi có hai người. Có thể là anh chưa tìm được tri kỉ, cũng có thể hai người rồi mà vẫn cô đơn. Vì, có khi, như tôi đã nói. Trăm người mình vẫn cô đơn là lẽ thường tình.
Xin nhắc một chút riêng tư, ở núi rừng. Trần Hoài uống rượu, đàn hát với người Vân Kiều trong ngôi nhà sàn. Đêm đó trăng sáng ở núi Ala. Đó là hình ảnh tôi nhớ nhiều về anh. Một con người gần gũi với mọi người nhưng lại xa lạ với mình. Khung cửa sổ, nơi anh đọc mấy câu thơ.
“Ngồi bên nhau nghe sóng
Những ngậm ngùi dần tan
Sóng xưa chưa bạc đầu
Cát chưa thầm biển nhớ
Tình khúc hai tư em một thuở
Xa như Hà Nội đêm lặng im
Anh nói về ngày trở về từ đau khổ
Khi không còn nhận ra mình”
(Cuối biển)
Cái mà người nghệ sĩ rất thích và có vẻ đấy như là trào lưu là sự chối bỏ mình. Trần Hoài có như thế không? Cả đời và thơ, anh gần như “đá” mình ra khỏi cuộc sống với những tạp âm của trần tục. Chọn cho mình một vài người bạn, cùng gánh nỗi cô đơn đi. Cứ chuyền vai nhau, người đến tột cùng cô đơn là người chiến thắng. Và có khi, ngôi vị đó thuộc về Trần Hoài.
Trong nhiều đêm tôi mơ cánh đồng
Cỏ cao chân và lúa xác xơ vàng
Những ngọn gió lùa qua
Lay động
Tôi ngồi trên chiếc võng đung đưa
Gió không xô tôi, mắt tôi khô
Cách đồng tràn vào tâm trí
Hoang vắng và câm lặng
Tôi chẳng có ai bên mình
(Cánh đồng biển)
Tới những câu này, chợt nhớ ca từ của Trịnh Công Sơn “Từng người tình, bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ…”. Đã có một nỗi cô đơn thật lớn lao, như một cơn say rồi tỉnh, thấy mình trong phòng vắng. Trần Hoài “rớt” xuống cuộc đời này để gieo hạt cô đơn. Có như thế, lắm lúc anh buồn. Tôi cho đây là cái hay, có khi là sang trọng. Vì trong đặc ha sa số nghệ sĩ rất “xôi thịt” thì Trần Hoài thuộc số sang trọng ở đời, ở thơ, ở nhạc với những nỗi buồn lây.
“Cuộc đời tôi buồn
Đương nhiên là thế
Lịch sử rất xa
Mà tôi thì bé
Một cánh đồng rộng
Em có biết không
Tôi đã đi tìm
Mà đâu thấy bóng”
……………………
“Lịch sử bồi hồi
Một đêm lạnh giá
Tôi nằm co ro
Trong bao tải nhỏ
Tôi nằm tôi mơ”
(Lịch sử)
Trần Hoài là người hay quên đi niềm vui. Nụ cười thường lấp nhanh sau ly rượu nhạt. Mà quả đúng thế, đã là người thơ, có lòng trắc ẩn, với mình và với đời thì không thể cười tan hoang với những nỗi đau thường nhật. Nỗi ám ảnh của cuộc đời, sự lật tẩy mình trong đám lông thú giữa thời hiện đại của anh mới thật sự ám ảnh con người.
“Mỗi ngày sống là một ngày khiếp sợ
Những bóng ma thời hang đá hiện về
Trong ánh lửa thấy bóng mình như thú
Xòe bàn tay tuyết bám đầy tay
Tôi đã chạy trong rừng già không tuổi
Chạy giữa dòng suối cạn trơ dòng
Nỗi sợ hãi càng ngày càng bám đuổi
Tôi vay từng hơi thở của thinh không
Tôi thức dậy lúc rạng đông
Nhìn mặt trời như nhìn vào vũng tối
Tôi không tin đêm ngày là có thật
Tôi không tin tôi tồn tại bấy lâu
Thời gian của người thời gian của tôi?
Đã trôi chảy đi đâu không đọng lại
Thời gian của nhau không gian của nhau?
Đã trộn lẫn vào màu mắt ấy
Mỗi ngày sống là một ngày thu nhỏ
Cho đến khi chỉ còn vết chân
Sẽ biến mất cùng nỗi sợ
Mọc lên đi cây im gió
Im lời”
(Sống)
Quy cho cùng, đời cũng lắm cái vui nhưng cũng có vô số cái buồn. Lẽ thường, người ta nhớ về những rét mướt, những bão giông. Trần Hoài và thơ anh cũng vậy. Đau để ngày mai đứng dậy, có khi sẽ cười vì còn đau.