Sầu đâu mấy độ nở tàn

Đặng Nguyên Sơn |

Trước cổng nhà mạ có cây sầu đâu nở hoa đẹp chi đến lạ đến lùng. Những cánh hoa tím trắng rơi xuống như tấm thảm mềm mại, ngào ngạt hương. Mỗi lần ai đó chạy xe máy ngang qua ngõ, bánh xe lăn trên hoa đến là thương. 

Tôi thương hoa và thương con đường sự nghiệp của mình đang còn phải đợi chờ trong mòn mỏi. Mạ nói, ở đời đôi khi nỗ lực không bằng duyên may mắn. Màu tím sầu đâu không thắm hay sặc sỡ mà tím vừa đủ để gọi tên cho một sắc màu. Cái sắc tím hạnh phúc như những kiếp người bần nông quê tôi vào vụ lúa, màu bội thu. Nhưng số phận của hoa cũng nghèo nàn như vụ mùa thất bát. Nghèo đến nỗi chẳng ai bán chẳng ai mua. Ê chề xót xa là thế. Ấy vậy mà hoa sầu đâu lại là ký ức khó nguôi với những người con dằn lòng bỏ làng đi bạt xứ.

Hoa của cây sầu đâu
Hoa của cây sầu đâu

 “Tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn tháng nạn”. Câu hát ru nhà bên tắt ngang cuống họng khiến tôi nghẹn ngào giữa mùa hoa nở. Lòng chật chội, ngột ngạt không chợp mắt được trong đêm. Sáng mơ màng, tâm hồn như di dời khỏi thân xác, bung cửa ngước mắt về phía cây sầu đâu trước ngõ. Chợt hoảng hốt. Cây sầu đâu già cành khô trụi lá, những cành cây gầy còm cố ôm chặt lấy thân giống bộ xương cá ủ dột. Ngỡ cái giá rét của mùa đông đã cướp đi đến cùng kiệt nhựa sống trong cây. Mạ ơi? Tôi bật dậy trên giường mồ hôi đẫm trán. Chạy quanh nhà tìm mạ. Gặp mạ dưới gốc sầu đâu, mạ cười: “Mơ ác mộng hay có chuyện chi mà mặt mũi phờ phạc rứa hè?” Trên những cành cây khô khốc trong mơ nay xuất hiện những chồi non xanh tươi mang hoa chúm chím cười dẫu những ngọn gió đông vẫn còn rơi rớt. Tôi gạt nước mắt ôm chầm lấy mạ. Ngày xưa xuân xanh ấy mạ đã biết mình là một đóa hoa không hương không sắc. Nhặt được tôi ở bờ ao mạ mừng hơn lượm được vàng. Trở về làng xin miếng đất cắm cái lều mà sống. Tôi lớn lên học hành đâu có thua kém ai. Mạ tự hào, làng tôi cũng tự hào.

 

Sầu đâu nở rồi tàn rụng đầy trước cổng. Hoàng hôn buồn ngủ lắm rồi nhưng tôi vẫn miệt mài quét rác. Tôi nghĩ, đời người như hoa sầu đâu, khi xinh tươi thì được chủ nâng niu trân trọng nhưng khi tàn úa thì chẳng còn giá trị nữa. Nhưng người cũng như hoa, dù có úa tàn vẫn mong chủ cho vào góc để được thấm trong từng tế bào của cây mang lại màu xanh cho đời. Cây tốt tươi, người nhìn cây trầm trồ phấn khởi, cây bắt gặp mắt nhìn người cũng thầm nói lời cảm ơn. Nghĩ thế nên tôi đã đào một cái hố cạnh gốc cây, chiều chiều cho những đóa hoa tàn xuống đó. Tiếng mạ trong nhà vọng ra: “Không cần phải quét kỹ rứa mô con. Ngày mai hoa lại rụng mà”. Ừ thì đâu còn có đó, hãy sống thật tốt ngày hôm nay đã. Nghĩ vậy mà lòng ngổn ngang như cuộn chỉ rối.

Thi thoảng nhìn hoa tôi thấy lòng mình xốn xang, hoa giản dị và chân quê quá đỗi. Phải chi, sầu đâu cũng kiêu sa như hoa đào hoa mai ở tận ngoài Bắc, chắc khách tứ phương đã tập trung về mà ngắm nghía chụp hình. Và tôi dù cách hoa xa xôi hàng ngàn cây số, vẫn sẽ cố tìm đi một chuyến để tận mắt ngắm hoa. Người giàu đi máy bay, ôtô thì gặp hoa, vui với hoa sớm, người nghèo đi bộ, đi xe đạp sẽ được ngắm hoa. Tôi sẽ đợi. Một năm, hai năm, ba năm… e suốt đời chẳng bao giờ được gặp hoa. Và tôi sẽ không oán trách ai cả. Dẫu biết “Cha mạ giàu con có, cha mạ khó con khốn”. Nhưng mạ đã cố hết sức rồi. Cụ thể là mạ đã cho tôi tốt nghiệp đại học với tấm bằng đại học loại giỏi chứ có đùa đâu. Bốn năm mài ghế giảng đường bằng những đồng tiền chắt chiu nặng trĩu mồ hôi nước mắt, đôi khi còn đổ máu của mạ thì sao có thể trách cứ mạ thêm điều gì. Nhiều lần bụng bấm dạ, hay vay mượn mua liều chiếc xe máy mà đi cho kịp người ta. Tuổi trẻ khác chi ngọn nến, một khi đã châm lửa thì nến sẽ lụi dần. Thời gian có dừng lại chờ đợi ai đâu. Nhưng lại sợ, có điều gì không may mắn xảy ra với bản thân trên con đường đến xứ hoa mộng tưởng, mạ lại thêm một lần khốn khó. Nghĩ chỉ có thế mà mưa rơi không dứt trên đầu những sợi mi.

Người dân Ấn Độ thường sử dụng lá sầu đâu để điều trị bệnh về da, răng miệng và rối loạn đường huyết.
Người dân Ấn Độ thường sử dụng lá sầu đâu để điều trị bệnh về da, răng miệng và rối loạn đường huyết.

Chiều nay, gió đưa những cánh hoa sầu đâu bay lất phất kết đọng điểm trắng cả đầu mạ. Bao nhiêu sợi trắng là bấy nhiêu sợi buồn. Tôi ngồi bên mạ đếm sầu đâu nở rồi tàn. Chợt hỏi, một đời người được mấy mùa hoa?

TAGS

Còn đó “Vết thời gian”

Tiến Minh |

Lướt ngang “gia sản” văn chương của Lê Nguyên Hồng quả thực đáng nể. Từ năm 2004 - 2016 anh cho ra đời 2 tập thơ (Nếu một ngày kia và Dấu xưa), 2 tập ký (Một thuở đôi miền và Đất rồng sa) và 3 tập truyện ngắn (Cây dừa thiêng, Anh ở đâu và Tiếc nụ tầm xuân). Năm 2017 anh cho ra đời tập truyện ngắn “Vết thời gian” nâng tổng số đầu sách thành 8 cuốn.

Lạm bàn về cải cách tư pháp Việt Nam

Xuân Đức |

Nói lạm bàn, bởi tôi không học ngành luật, càng không hành nghề luật. Tôi chỉ có thể bàn đến nó dưới cách nhìn triết học và văn hóa học, những thứ mà tôi có học và đang hành nghề liên quan tới nó.

Nhà văn Xuân Đức với khát vọng thống nhất non sông

Xuân Dũng |

Trong các sáng tác của nhà văn Xuân Đức thì tiểu thuyết “Người không mang họ” (xuất bản năm 1983, được giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007) là một cuốn tiểu thuyết thú vị dù nó chưa phải là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông.

Những mùa qua thành phố

Nguyễn Bội Nhiên |

Đã lâu mình không nhớ mình có thể làm thơ trong nỗi nhớ người, như tạm quên chiếc hôn giã biệt từng đắm say thầm lặng giữa tâm hồn. Chợt sáng mai này thức giấc, khuấy động những phôi pha từ đâu đó ngược về với vị gió non tơ của mùa rét. Thành phố ngọt ngào hơn khi dõi mắt qua nếp lá để nhìn nắng cứ lên cao về phía đồi xa, nao lòng chợt hiểu sông đang miệt mài quen với những bóng râm mà đến mai sau, đến mãi mãi nắng không biết mình để lại trên mặt nước. Chỉ có tuổi thơ nào ngấp nghé bên đôi cánh chuồn chuồn rung rinh trên khóm ngâu gầy nghe sông thở dài…