Những mùa qua thành phố

Nguyễn Bội Nhiên |

Đã lâu mình không nhớ mình có thể làm thơ trong nỗi nhớ người, như tạm quên chiếc hôn giã biệt từng đắm say thầm lặng giữa tâm hồn. Chợt sáng mai này thức giấc, khuấy động những phôi pha từ đâu đó ngược về với vị gió non tơ của mùa rét. Thành phố ngọt ngào hơn khi dõi mắt qua nếp lá để nhìn nắng cứ lên cao về phía đồi xa, nao lòng chợt hiểu sông đang miệt mài quen với những bóng râm mà đến mai sau, đến mãi mãi nắng không biết mình để lại trên mặt nước. Chỉ có tuổi thơ nào ngấp nghé bên đôi cánh chuồn chuồn rung rinh trên khóm ngâu gầy nghe sông thở dài…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Rét non làm dậy hương đất dọc triền sông xanh thẫm. Đây là phía dịu dàng của thành phố và phía ấy cũng là điểm tựa ngữ nghĩa trong tên gọi Đông Hà của thành phố. Mà trong hương đất ở đây đã có chút se sắt sẽ sàng tỏa ra từ những luống hoa bắt đầu vào vụ, bắt đầu một đời sống mới giữa một làng hoa vun đầy hy vọng. Cái tên An Lạc của làng đã và đang là hiện thực như hoa của làng. Cũng như sông chảy qua làng, hoa không vội vì dường như hoa đã biết mùa dành cho mình nở cánh và tỏa hương còn trong sâu thẳm thời gian giao hẹn với đất trời. Nhưng thành phố vẫn luôn rộn ràng, cái rộn ràng không định sẵn như để bù trừ với sông tĩnh lặng và làng êm ả, bởi thành phố đang rủ người quen kẻ lạ đi về phía đồi, trưng trổ trên những sườn đồi ngỡ không bao giờ thôi heo hút và cằn cỗi từng là không gian cảm tác làm nên câu thơ xáo động tâm hồn “vắng một người đồi đổ bóng về đâu…” của một người bạn đời sống mới với những khu nhà mới, để hài hòa giấc mơ của những con người rất yêu thành phố. Những ồn ã thị thành cũng loãng hơn, thưa hơn khi màn mưa như tơ trời buông xuống và mùi hoa sữa đã dịu đằm bên phố. Khi thấy thấp thoáng đâu đó một màu áo đượm sắc lửa làm bâng khuâng góc phố thì đã nghe văng vẳng trên sóng phát thanh giọng ngâm một trong những bài thơ vượt thời gian của một người con ưu tú của Quảng Trị: “Cái rét đầu mùa anh rét xa em/ Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa/ Nửa đắp cho em ở vùng sóng bể/ Nửa đắp cho mình ở phía không em” (Rét đầu mùa nhớ người đi phía bể - Chế Lan Viên). Nhưng, màu rét non cũng gợi niềm thao thiết về cánh đồng mùa lũ vẫn thường chìm dưới những cơn mưa và trận bão của mùa Đông. Nhưng cũng đã nghe trước gió lạnh đầu mùa lời nhắn nhỏ nhẹ “Chúng mình góp áo ấm tặng trẻ em miền núi” bên tách café sáng nay. Chừng ấy cũng đủ để cùng nhau chuẩn bị hành trình gặp lại niềm vui trong những ánh mắt xoe tròn và trên những nụ cười thơ trẻ…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chừng ấy trong rét non đã giúp mình trở lại với con người thơ của mình, để mình trở lại với thói quen ghi vội tứ thơ vừa bật ra trong nỗi nhớ: Tôi viết giữa những tàn phai chan chứa/ Trang thơ nào cũng nồng ấm yêu thương…

* * *

Lần nữa, những cơn nắng mong manh và ngắn ngủi của những ngày Xuân bịn rịn lại phải giã biệt phố phường khi đợt sóng lạnh đã chườm qua bao sông kia đèo nọ ùa tới thành phố khiến người gần người xa đều quấn quýt với áo khăn ngự hàn. Mưa khi ấy cũng bắt đầu rủ rỉ, rê mượt về phía những lóng cóng, vội vã trên đường và dường như thì thầm thêm nồng nàn vào các giai điệu, mùi vị trong quán café trầm mặc. Mời nhau uống café bằng tin nhắn trên điện thoại di động, nỗi chờ đợi cũng khẽ khàng như những cánh hoa tím đang chạm vào nhau bên ô cửa sổ he hé trước gió lạnh, trước cánh cửa tâm hồn bật mở những niềm quên. Nỗi chờ đợi bâng khuâng...

Phố nhỏ thôi, hẳn vậy, nhưng vẫn đủ làm nỗi chờ đợi bên tách café đậm đà, óng ả ngắm mưa bay và gió lạnh có cung bậc cảm xúc bằng những quãng đèn tín hiệu giao thông rất gần. Sông Hiếu trở nên dùng dằng và người yêu sông đã có lúc trải lòng mình với sông: “Tôi viết thơ mấy dòng, làm quà riêng sông Hiếu”. Trong cơn mưa đắm đuối và cái lạnh miên man, thơ của người sông Hiếu là tơ lòng ngân vang, xao xuyến. Rồi phố nhuận sắc trong mưa, trong cái rét đài, rét lộc gần kề cái rét nàng Bân huyền ảo. Vẻ nhuận sắc của phố là những gam màu tươi tắn thỉnh thoảng lại hửng lên trên vòm cây xanh nõn, dưới bầu trời bất chợt quang tạnh lặng lẽ vỗ về những khát khao và nhớ mong âm thầm. Cơn mưa dài, thăm thẳm thả xuống nhân gian những ngày đẫm ướt dưới đám mây trầm và màn tơ trời long lanh. Mắt, môi trầm tư hơn khi yên nghe tiếng tí tách của mưa rơi thảng thốt trên mái ngói nâu và theo nhau giăng kín phía trời xa. Một người thơ đã về miền hư ảo từng đặt tên cho những giọt mưa rơi trên áo của người con gái mình thương là Mưa Hồng, những giọt mưa bay trên rong rêu thời gian là Mưa Xanh, những giọt mưa đọng trên nụ hoa là đóa Mưa Vàng và mưa trên bước chân lang thang của mình là Mưa Trắng. Còn ai có thể gọi tên những giọt mưa rơi trên bàn tay chờ đợi bàn tay như sáng nay bên nhành hoa tím?

Dưới mưa phùn và gió rét là một miền đất ấm. Những đứa trẻ vẫn đưa bàn tay nhỏ ra trong cái lạnh vẫy chào bố mẹ trước sân trường, người bán bánh bao dạo vẫn cất tiếng mời khách trong mỗi nhịp chân chầm chậm giữa đêm khuya, những người già trong một nhóm thiện nguyện vẫn thức dậy lúc ba giờ sáng để cùng nhau nấu nồi cháo tình thương mang đến bệnh viện tặng người bệnh nghèo đều đặn vào mỗi sáng thứ Bảy và Chủ nhật. Sông Hiếu vẫn an nhiên trôi qua phố như đang cất giữ phần đậm đà còn lại của những ngày Xuân tráng kiện dưới làn nước thong dong. Ngắm sông, những vân vi trong lòng lắng dịu và đằm sâu, êm ả hơn. Trên sông, trên những cánh đồng, trên những hàng cây và trên những mái nhà, mưa và gió gửi tới tha nhân bản giao hưởng óng ánh hơi lạnh mê mải. Trong bản giao hưởng ấy, thành phố ngỡ ngàng hiểu ra rồi mình lại sởn sơ, tươi mới sau phút ngừng bặt của bản giao hưởng tê buốt và lại xênh xang khoác áo nắng, che ô mây mà xây thêm, dựng tiếp cuộc sống khôn cùng. Và có lúc, những thật thà của mưa gió thầm thì với nhau rằng ở nơi nào đó của cuộc sống trong thành phố vẫn có trái tim còn xanh biếc với nhân gian...

Và, trong bản giao hưởng có mưa làm phím đàn, gió rét làm nốt nhạc bất chợt hân hoan với cảm thức mê thẳm rằng nỗi chờ đợi bâng khuâng bên ly café cũng đã là một nét thân thuộc và đáng yêu của thành phố.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

* * *

... Trong làn nắng ửng khói mơ tan (Hàn Mặc Tử).

Bất chợt, như vừa có một tấm voan mỏng màu hồng khoác lên mặt đường buổi sớm. Bầu trời cao hơn. Gió ấm hơn. Và người lại qua trên đường nhận ra nhau nhanh hơn, chào nhau thong thả hơn. Ấy là ngày bừng nắng sau chuỗi dài ẩm ướt...

Ấy là khi bạn cảm thấy mọi vật như đang trở giấc, duỗi ra, vươn dậy trong từng giọt nắng tinh khiết, nõn nà và ngọt ngào. Lung linh trên đồng xa, sông gần, phố phường, làng quê và đi vào tâm hồn con người, nắng mang cảm giác rộn rã trở lại với đời sống. Này là mấy chú chim nâu thỏa thích nhảy nhót trên vuông nắng trước hiên nhà, đây là bước chân tự tin của người nông dân giữa ruộng giữa vườn, kia là ánh mắt long lanh trên gương mặt rạng rỡ của học trò trong sân trường, nọ là sự khoan khoái của người già ngồi thụ nắng dưới tàng cây. Trên bờ phải bờ trái của quãng sông hiền hòa giữa lòng thành phố là cỏ mật êm đềm, xanh và thơm đến nỗi có thể làm khuây tiềm thức.

Giữa buổi sáng ươm vàng, nắng mơn man làn tóc mềm mại gợi một miền cổ tích từng xây đắp một phần tâm hồn mộng mơ và tươi sáng. Vẻ duyên dáng hằng ẩn của nắng trên cung đường thời gian hôm nay khiến bạn phấn chấn ngửi mùi thơm và nếm vị ngọt của những tia nắng đầu tiên trong một niềm rung động vừa quen vừa lạ. Lòng bớt lo âu nên ánh mắt thanh thản nhìn nắng dần lên cao với cảm thức biết ơn dịu dàng. Nắng như thế mang thông điệp yên bình, như gửi đến cõi người những nồng nàn phúc ấm, như đang sửa soạn cho cuộc hẹn hò với những mùa vàng thấm đẫm mồ hôi và hy vọng, -“Tiếng chim tha nắng rải đồng vàng thơm” (Định Hải). Trên một dải non Mai sông Hãn ít có những la đà, bâng khuâng của tơ trời và cỏ hoa nhưng vạn vật ở đây cũng bước vào mùa Hạ với sắc nắng vàng tươi mới trong không gian dường như đang được nới rộng từng phút giây. Trong một khoảnh khắc vô ngôn của cơn gió mát lành, ký ức vọng lên một niềm đắm đuối như một khúc đồng dao chợt theo nắng trở về bên triền sông quê ngai ngái mùi hoa dại, - “Đàn cò trắng/ khiêng nắng qua sông” (Trần Đăng Khoa). Ngay trên mấy bậc đá của bến sông óng ánh rêu xanh, phút chốc đã bắt gặp mình ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nên thơ của quê nhà, của cái nắng đầu mùa vẫn còn nhiều dịu ngọt. Từ trên cao, bầu trời trong veo vẫn chầm chậm thả nắng vàng rực và tải đều tới muôn nơi để đất lại ấm, sông lại trong...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hân hoan chào đón ngày mới tràn ngập những tia nắng hồng, bạn cảm thấy trong tim mình có nắng, hệt như nắng từ thưở hồng hoang “Âu Cơ địu nắng theo chồng/ Bế trăm tiếng khóc qua sông sóng cồn” (Nguyễn Ngọc Bích) và nắng bây giờ trên áo Mẹ đã mấy bận thay vai, trên đồng nội, trên ao sen trước ngõ nhà “Chuồn chuồn ớt chấm đỏ vào đám lá/ Mắt hạt cườm bắt sợi nắng vàng rơi” (Nguyễn Đức Mậu). Như vậy là trong bạn đã có giấc linh cảm đến cùng với làn nắng vàng êm và nắng cũng sẻ chia với bạn những cung bậc cảm xúc ùa tới từ sự quyến rũ của nắng trong những gụi gần, thân thiết của đời sống dễ khiến tâm hồn ngân nga thơ và nhạc có em duyên đôi má nắng hoe tròn của nhà thơ Huy Cận, có màu nắng hay là màu mắt em của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... Cũng với nắng tràn nên ngày có thêm nhiều rộn ràng, độ lượng và ở đâu cũng gặp một sức sống mới dào dạt làm lòng người vui hơn, rồi dường như nắng cũng vui cùng con người.

Một ngày theo bước chân của Mẹ đi giữa những đốm nắng vàng tươi lấp lánh trong vườn, bạn lắng nghe “Nắng rung từng giọt, nắng ngân vang” như một phát hiện thật tinh tế của nhà thơ Nguyễn Mỹ: “Ở trong nắng có một ngàn cái chuông”. Khi ấy, bạn hãy tin sẽ có người gõ cửa trái tim mình vào một ngày nắng đẹp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

* * *

Thành phố kỷ niệm sinh nhật của mình vào mỗi dịp sang Thu. Quà mừng sinh nhật thành phố là những vần thơ “Cầu ta xây nối đôi bờ Hiếu Giang/ Cho Đông Thanh quê em gần lại/ Trường đã mở em khoe sách mới/ Công viên đêm ngày rộn tiếng trẻ thơ/ Đại lộ Hùng Vương đẹp đến bất ngờ/ Nhà Văn hóa bông hoa rực rỡ/ Quảng trường thênh thang, lòng rộng mở/ Ngày hội về bè bạn chung vui”, “Nắng ngập tràn Trung Chỉ, Khe Mây/ Gió lan tỏa qua phường Hai, phường Một/ Vườn trái chín, ruộng rau xanh mướt/ Phường Năm rộn ràng bài ca dựng xây”, “Gió Hiếu Giang rười rượi phố phường/ Hoa An Lạc khoe hương sắc mới/ Nghe tiếng máy từ Đông Giang vọng tới/ Cau Đông Thanh trĩu quả sai buồng” (Nguyễn Văn Dùng). Bước vào cảm hứng thi ca và hiện bóng trong những câu thơ thắm đượm ân tình, thành phố mình đang chứa chan sức trẻ. Trong sức vang của vần thơ bát ngát tình “Đông Hà mình đẹp tựa bài thơ”, mình hiểu Đông Hà ở ngay trong tâm hồn và trong những hy vọng...

TAGS

“Thức” đến “Bóng lặng cuối thềm ngày”

Minh Hà |

Lệ thường, người ta dứt tình với thơ rồi tìm đến viết văn. Hoặc giả có người ôm đồm thế! Cả làm thơ và viết văn. Số này thành công ít. Nhưng đem chữ “thành công” mà lượng hóa trên văn đàn thì thật khó khăn.

Bolero của bố

Bấc |

Sáng, cánh cửa phòng được mở, hơi lạnh từ ngoài ùa vào cùng với tiếng hát từ chiếc ti vi bật ra, tôi biết đấy là bolero của bố. Mỗi bản nhạc là một nỗi đau, gộp chung lại thành những nỗi đau lạc vỡ.

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Trần Tuyết Thanh |

Hơn hai tháng nay vì dịch COVID- 19, cùng với các chốt kiểm soát khác của lực lượng bộ đội biên phòng, các chốt phòng dịch COVID- 19 thuộc đồn biên phòng Hướng Phùng (Hướng Hoá, Quảng Trị) đã thường trực 24/24, bám sát địa bàn không hề ngơi nghỉ.

Ngóng lúa trổ đòng đòng

Lê Như Tâm |

Mỗi dịp hè đưa con về thăm quê tôi thường ra cánh đồng đầu ngõ. Cánh đồng rộng lớn xa tít tắp trong ánh nắng mùa hè chỉ thấy thấp thoáng vài chấm xanh của những vườn cây của xóm trên. Gió phơn nam lùa ngang đã thấy cả cánh đồng lúa đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch rung lắc, gió lùa ngang dọc làm cả cánh đồng xôn xao thơm hương mùa lúa mới.