Bolero của bố

Bấc |

Sáng, cánh cửa phòng được mở, hơi lạnh từ ngoài ùa vào cùng với tiếng hát từ chiếc ti vi bật ra, tôi biết đấy là bolero của bố. Mỗi bản nhạc là một nỗi đau, gộp chung lại thành những nỗi đau lạc vỡ.


Ảnh minh họa. Ảnh: Lâm Hưng Thơ
Ảnh minh họa. Ảnh: Lâm Hưng Thơ

Có khi tôi cũng nghĩ, sau tận cùng những nỗi đau của nhạc, của bố, của một vài người và một vài thứ xung quanh rồi cũng đi hết cuộc đời của những nỗi buồn đơn lẻ hay không. Hay chỉ vất vơ kiếm kế sinh nhai trên chính những nỗi buồn níu vào trần thế. Trên đời, vô số thứ lung lay hà cớ chi kiếm nỗi buồn làm xao động con tim.

Không thiếu gì những bài tạm buồn, bố không nghe. Đi mang vào đời mình những bản nhạc chỉ cất lên là chết ngất. Có những lúc ngoài trời nắng cháy, tôi nghe như có mưa, bởi những bản bolero của bố. Không phải ba lơn chơi. Ban đầu nó rất nhỏ giọt, buồn tạm thời, nhưng sau đó là cả màn mưa lung linh nỗi buồn. Tôi đứng nhìn bố, nhìn mưa, nhìn nắng, càng nhìn càng thấy trong bầu trời xanh mây trắng kia có đủ hình ảnh về những nỗi buồn của bố, của những bản bolero. Tôi đã khoác lên cho họ những mái tóc trắng, trong bản hợp âm xa xôi nhưng vượt ra khỏi lòng mình. Vì có lúc, tôi nghe chơi vơi, tựa lời cầu cứu, tựa điều van xin, không dứt.

Mùa mưa không kéo dài, nó chỉ đi qua vài ngày. Cũng như những bản bolero của bố, chỉ đi ngang đây chừng vài phút. Khi bố uống xong ly cà phê, nhấm nháp xong tách trà là tiếng nhạc im bặt. Nhưng trong mắt, nó vẫn giãy giụa, trần trụi, ướt át, thê lương trên bức tường của nỗi buồn thế kỉ. Có lần tôi hỏi, bố có chuyện gì không?

Sự thành thật ở trong lòng, ở câu trả lời của bố. Nghe cho vui thế. Thật lạ kì, đem nỗi buồn để làm vui. Có khi nào, nỗi buồn trong đây lại chẳng thấm tháp gì so với cõi lòng của bố. Bolero là sự hài hước so với bố. Tôi võ đoán, bố nhìn tôi mỉm cười “có khi buồn thế mà hay…”.

Có nỗi buồn nào mà hay, trong hàng trăm người nghe bolero, hát bolero ở làng tôi chỉ thấy bố là người thê thảm nhất. Chú Sáu hát xong bản “Tình như mây khói” đánh ậc ngụm rượu rồi cười hà hà, níu thím Ba lên nhảy sau đó hát thêm năm bản buồn tương tự; chú Năm hát “Chỉ có thế thôi” còn ăn được cả nắm xôi với mấy miếng thịt gà bóp lá răm, miệng phúng phính mỡ trông rất buồn cười; chú Tư cười nghiêng ngả với giai điệu “Uống rượu mà không say”… bài hát buồn nhưng người ta vẫn cười. Bố chỉ nghe mà thấm quá, khó hiểu nhất trong đời. Cứ tò mò được nghe bố hát, hơn chục năm lọt ra giữa đời, tôi chưa hề nghe bố hát, rất ngóng chờ.

Rồi bố cũng hát vào một ngày mưa, không micro, không nhạc, không rượu, không trà. Đứng ở thềm, nhìn ra bờ sông, khi cơn mưa bắt đầu nghiêng ngả, cơn gió tái tê, người ta chẳng thèm mặc áo mưa mà cứ nhung nhúc đi cạnh nhau ra cánh đồng. Đám tang cô Tư đi ngang qua ngõ. Trong chấp chới người đi, trong màu trắng của áo biệt ly là tiếng hát của bố hắt lên dòng sông trắng xóa “không còn tình yêu nào nữa, anh lẻ loi đến với những nỗi buồn/Cơn gió đi ngang tuổi về thêm vài bữa, sông núi rồi cũng thế thôi…”. Tôi chậc lưỡi, trong số bản bolero bố nghe, và tôi cũng từng nghe không có bản nào có ca từ đó. Thì ra đó là tiếng lòng, của bố, dành cho cô Tư.

Cô Tư lấy chồng làng bên, nhà ở mé sông. Chồng cô thương cô dữ lắm. Và tôi nghe người ta nói, bố tôi cũng thương cô dữ lắm. Mẹ tôi thì thương bố, thương cô Tư, cũng thương luôn chồng cô. Thương hết thảy con người ta trên cõi đời này. Có lần nhìn bố nghe bolero, mẹ nói. Buồn quá thì cứ lội suối mà sang. Bố cười, không dám, mẹ cũng cười. Ngoài trời mưa rơi từng hạt nhỏ, rất cô đơn.

Giờ thì bolero vẫn được bật lên vào mỗi sáng. Tôi nghe, trong ly càphê của bố, cốc trà của bố. Mọi thứ của bố gần gũi với bolero tôi vẫn giữ, mẹ không có ý kiến gì, chỉ nói câu: kiếm ai đó mà thương tạm, chứ người như ba con có được mấy người. Tôi cười, đã chơi thì chơi cho trót, buồn thì buồn cho luôn, như mấy bản bolero bố từng nghe, nó chi chít nỗi buồn.

Một vài đám cưới trai làng đi ngang qua, họ vẫn trộm nhìn tôi. Đứa con gái hai mươi ngồi bên khung cửa, nghe nhạc bolero, chẳng đoái hoài những cuộc yêu, chẳng ngó ngàng tới những ánh mắt con trai để họ lũ lượt biến thành đàn ông sau nấc thang khát vọng. Thôi chẳng để làm gì, bỏ đi, mùa này, hoa xoan đã rớt đầy đường và những bài ca tôi chưa kịp hát, một đời cứ vu vơ…

TAGS

Hát ngao

Bấc |

“Chiều nào con sáo bơ vơ bên sông đi tìm...”. Chỉ có câu đó, chú 10 đã hát sai, mười năm rồi tôi nghe chú hát. Khoảng hai mươi, hai mốt giờ. Chú hát, giọng vang. Không phải giọng chú hay mà ở miền quê đến giờ này đã vắng vẻ. Câu hát buồn, câu hát đứt ngang như gãy đường tình.

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Trần Tuyết Thanh |

Hơn hai tháng nay vì dịch COVID- 19, cùng với các chốt kiểm soát khác của lực lượng bộ đội biên phòng, các chốt phòng dịch COVID- 19 thuộc đồn biên phòng Hướng Phùng (Hướng Hoá, Quảng Trị) đã thường trực 24/24, bám sát địa bàn không hề ngơi nghỉ.

Ngóng lúa trổ đòng đòng

Lê Như Tâm |

Mỗi dịp hè đưa con về thăm quê tôi thường ra cánh đồng đầu ngõ. Cánh đồng rộng lớn xa tít tắp trong ánh nắng mùa hè chỉ thấy thấp thoáng vài chấm xanh của những vườn cây của xóm trên. Gió phơn nam lùa ngang đã thấy cả cánh đồng lúa đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch rung lắc, gió lùa ngang dọc làm cả cánh đồng xôn xao thơm hương mùa lúa mới.

Con đường hạnh phúc

Minh Hà |

Đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở miền tây Quảng Trị thường có câu “có chỉ thành lối, đi thành đường...” để nói lên sức mạnh của khối óc và bàn chân đi bạt Trường Sơn biến lau lách, cây cối thành những con đường mòn. Với người dân La Heng, một thời con đường của họ nằm trên con suối, vết dấu của họ nằm trên những con nước của dòng suối La Heng.