Hát ngao

Bấc |

“Chiều nào con sáo bơ vơ bên sông đi tìm...”. Chỉ có câu đó, chú 10 đã hát sai, mười năm rồi tôi nghe chú hát. Khoảng hai mươi, hai mốt giờ. Chú hát, giọng vang. Không phải giọng chú hay mà ở miền quê đến giờ này đã vắng vẻ. Câu hát buồn, câu hát đứt ngang như gãy đường tình.

Nhà tôi ở gần nhà chú 10, cách giậu mùng tơi. Chú hát mãi đâm quen, tôi chực hát “ngày nào con sáo bơ vơ bên sông đi tìm...”. Nghe xong, mạ tôi nổi điên. Con gái mới mười sáu tuổi đẹp trăng tròn có chi mà bơ vơ, đừng có theo thằng 10 hát ngao bậy bạ. Mi không thấy cha mẹ đặt cho cái tên Mười hắn ra ủy ban xã đổi tên thành số 10 à. Còn nữa, người ta hát mấy câu đó khi người ta thất tình hay buồn cái sự đời chi đó. Mi cơm ngày ba bữa, mạ yêu thương, học hành giỏi giang buồn nỗi chi.
Tôi đứng lặng xét lại câu nói của mạ. Đúng là tôi không buồn thiệt, có chăng là tôi buồn cho chú 10, buồn cho câu hát của chú vắt giậu mùng tơi chạy ngang qua đây. Nhưng xét lại thêm chút nữa thì câu nói của mạ vẫn có chút vấn đề. Nhà chú 10 khá giả hơn nhà tôi, có xe honda tay ga, có xe đạp điện, hai vợ chồng cán bộ cùng mấy đứa con trắng ngần. Sáng thứ bảy và chủ nhật, chú dắt xe ra cổng chở cả nhà đi ăn sáng uống cà phê thấy chú tươi cười rạng rỡ.

 
Ảnh: Nông Văn Dân

Vậy buồn cái nỗi gì? À, hay chú buồn tình? À, hay chú buồn vì nỗi đời chú không dễ gì chia sẻ? Hay chú buồn chuyện ngày trước hai vợ chồng chú cãi nhau? Ngổn ngang quá! Sự thể gì rồi cũng quên. Nhưng đúng trong câu hát của chú có cái lạnh lùng của một người đơn lẻ. Dường như chú đang cô độc trên con đường lúc về đêm.

Hôm nay chú hát, một câu hát khác nhưng vẫn là hát ngao. Giữa đêm vẳng lên một câu độc nhất “có gọi con đò nhưng con đò dường như chẳng nghe...” tôi ngồi bên cửa sổ học bài, định nói với sang. Con đò mô rứa chú 10? Nhưng vừa gióng cổ, mạ đã đến bên nhìn chằm chằm và khép luôn hai cánh cửa lại. Bữa ni cửa ni không được mở ban đêm, nói không nghe tao đem đinh đóng lại. Tôi hỏi mạ chi mà khắt khe với ba câu hát. Mạ tôi không nói gì, mạ đi và gạt nước mắt. Tôi đâm nghi. Đêm về mạ ngủ mà quay mặt vô tường. Tôi biết, bức tường đó không phải là rào cản cho tiếng hát vọng sang.

Tôi hỏi mạ, chú 10 làm chi mà thức khuya rứa mạ? Mạ ậm ờ, ai biết, bây muốn biết qua bên mà hỏi. Rồi nhìn thấy bộ dạng của tôi định đi thiệt mạ vội vàng níu áo khi mạ nói rằng, mạ biết.

Tôi lặng đi, tự dưng không muốn hỏi. Tự dưng không muốn biết sự tình câu chuyện. Biết đâu đấy, trong câu chuyện của mạ và giọng hát của chú 10. Tôi rùng mình, nghe lạnh. Và câu hát bên đó vang lên. Mặc nhiên mạ nói trong đêm, tiếng nói như tiếng lòng. Rất nhỏ nhưng nghe đau.

Mạ nói rằng mạ không rõ lắm! Có thể chú có nỗi buồn mà mình không tỏ được. Có mấy chuyện mạ được biết sơ sơ. Chú là một con người hiền thục. Mối tình đầu trôi ngang. Ngày mưa mà chú cày nát tấm ruộng khô. Mối tình thứ hai đến, người hiện giờ là vợ chú.

 
Ảnh: Nông Văn Dân

Nhưng mà khó khăn, khó hiểu, chuyện đó có chi để mạ buồn. Đời chú có chi để mạ buồn. Mạ thì thầm, nghe mãi, mấy câu hát đó mạ đều thuộc hết. Nghe chú hát, tao nhớ ba bây quá! Ông mất mới đó mà 5 năm rồi.  Mấy lần tao định nói chuyện nhưng sợ bây hiểu lầm...

Thì ra nỗi buồn thấp thỏm chực chờ. Và tình yêu theo gió đi ngang làm nẩy lên những mầm nhớ. Mạ khóc, tôi nằm tém mình lặng im trong chăn. Tháng tư trở một ngày lạnh. Suốt đêm tôi cứ nghĩ vẩn vơ mấy câu hát buồn. Rồi không phải đợi lâu, nó quay về bên khung cửa sổ “ngày nào con sáo...”. Tôi nghe mạ trở mình. Tôi nghe lòng mình thảng thốt tựa như tôi là con sáo trong câu hát của chú bay đi chấp chới giữa bầu trời rộng thênh thang.

Tôi rời làng, mang theo câu hát chú 10 đi giữa những con phố dọc ngang. Ngày tôi về làng, ngồi bên cửa sổ chờ mong câu hát vượt sang bên rào. Ngồi đúng gần nửa đêm mạ giục tôi đi ngủ. Thấy tôi cứ nấn ná mãi mạ mới nói với tôi. Đừng chờ nữa, chú 10 hết hát ngao rồi. Nói xong mạ lặng lẽ đến bên khung cửa sổ nhìn xa xăm, chú đã không trở dậy vào sớm mai, những câu hát đó đã đi rồi...

Tôi khóc tức tưởi như đứa trẻ bị ai cướp mất món quà. Và trong đêm, tôi nấc lên trong từng tiếng hát “ngày nào con sáo bơ vơ bên sông đi tìm...”

TAGS

Mùa vàng đoọc khun

Lê Như Tâm |

Chúng tôi đến đất nước bạn Lào vào thời điểm nóng nhất trong năm. Nắng hạn khiến những cánh đồng khô cháy, những nhà sàn chỏng chơ, mọi người đi lại có cảm giác mệt nhọc. Đàn trâu, đàn bò nằm dưới những ngôi nhà sàn thở dốc, dọc đường vài con dê đang gặm những gì còn sót lại trên cánh đồng chỉ toàn là toóc khô, cỏ cháy. 

Ý thức chống dịch là yêu nước

Điếu Ngao |

Việt Nam có chiến lược quân sự được gọi là chiến tranh nhân dân. Tức là khi có giặc, mọi người dân sẽ trở thành người chống giặc dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh. Điều đó thể hiện trong câu nói: Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, phái liễu yếu đào tơ cũng cuốn vào cuộc chiến một mất một còn: vệ quốc.

Cô đã học được rất nhiều từ các em

Dương Thu Trang |

Học trò có đứa nửa đêm còn nhắn tin: "Cô ơi, em đang kẹt ở cửa khẩu nè, không biết mấy ngày nữa mới được về với vợ con. Nghề lái xe vất vả quá cô ơi!." Cô nhẹ nhàng động viên: "Hãy cố lên, cái giá của hạnh phúc luôn phải đánh đổi bằng những khó khăn và thử thách, cô tin là em sẽ vượt qua".

Tháng Giêng xuân non

Tuệ Linh |

Những ngày còn thơ, tháng Giêng trong tôi bắt đầu bằng chút tiếc nuối. Mấy ngày tết qua nhanh, làm lòng không khỏi vấn vương. Lớn lên trải qua nhiều tháng Giêng với nhiều cung bậc cảm xúc nhưng vẫn vẹn nguyên cảm giác nao lòng của tháng ngày cũ.