Việt Nam có chiến lược quân sự được gọi là chiến tranh nhân dân. Tức là khi có giặc, mọi người dân sẽ trở thành người chống giặc dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh. Điều đó thể hiện trong câu nói: Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, phái liễu yếu đào tơ cũng cuốn vào cuộc chiến một mất một còn: vệ quốc.
Thời gian qua, thế giới đứng trước mỗi hoạ đại dịch COVID-19 toàn cầu. Việt Nam cùng với thế giới gồng mình chống dịch bằng mọi biện pháp, mọi hi sinh để bảo vệ dân chúng. Chính phủ đã coi dịch như giặc khi khẳng định chống dịch như chống giặc.
“Nhân dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn, đó là tinh thần được hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước”. Khi giặc dịch đang có nguy cơ tràn lan trên các vùng miền đất nước, mỗi người dân nêu cao ý thức chống dịch là chống giặc. Đó là tinh thần yêu nước vậy.
Cách đây khoảng một tháng, xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) trở thành tâm dịch COVD19 của các nước. Hơn 10 ngàn dân bị cách ly. Và họ đồng tình với cách làm của nhà nước. Họ đoàn kết cùng vượt qua khó khăn. Rồi cuối cùng dịch hoạ cũng đi qua, người dân Sơn Lôi được “tự do” trong tiếng hồ reo chiến thắng dịch. Đó là sự đồng lòng, đoàn kết của người dân từ kẻ nghèo hèn đến giới thượng lưu, họ có chung một kẻ thù, đó là dịch bệnh.
Những ngày qua Việt Nam “nóng” lên bởi cô gái công dân thủ đô Hà Nội đi các nước Châu Âu và trở về mang theo dịch bệnh. Từ cô gái này, dịch bắt đầu lây lan và trở thành mối lo lắng cho dân chúng. Người dân phẫn nộ, thậm chí căm ghét, đã xem cô gái như “tội đồ” đất nước. Chính sự thờ ơ, vô trách nhiệm của cô này mà bao công sức chống dịch của nhà nước, của dân nhân đổ sông đổ biển. Và người ta đặt câu hỏi, nếu có gái ấy có ý thức cộng đồng cao hơn, yêu đất nước hơn thì đâu đến nỗi…
Mấy ngày qua, người dân Quảng Trị như ngồi trên lửa khi 4 người tiếp cận với người bị dịch trên chuyến bay VN1547 đến phố núi Khe Sanh (Hướng Hoá) lưu trú 2 ngày. Họ nóng ruột đợi kết quả xét nghiệm từng giây từng phút. Họ tình nguyện đến các trung tâm y tế trình báo đã tiếp xúc với 4 người đó hoặc đi qua những nơi 4 người đã từng đến để có biến pháp phòng ngừa. Họ cảnh giác cao độ và sẵn sàng hợp tác để chống dịch. Đơn giản họ muốn những điều tốt đẹp, yên bình sẽ diễn ra để sinh sống, làm ăn dù cuộc sống họ còn vất vả, chân lắm tay bùn, thu nhập thấp.
Nhưng đối nghịch với đó là ông chủ của một công ty điện gió, có dự án hàng chục ngàn tỷ đồng lại trốn cách ly bằng việc thay một người khác, là cấp dưới của ông ấy. Tại sao người này hành xử như vậy? Trình độ thấp? Thưa không. Suy nghĩ chưa thấu đáo? Thưa không… Với cương vị này, ông ấy thừa biết hậu quả của việc không hợp tác cách ly nếu mình mang dịch bệnh. Nhưng phải chăng sự thấp kém về tinh thần dân tộc, tinh thần cộng đồng hay xem việc chống dịch là trách nhiệm của những người khác, chứ không phải riêng cá nhân nào đã khiến ông này đi đến quyết định ấy?
Với tinh thần trách nhiệm công dân của những người như thế, chắc chắn khi đất nước lâm nguy họ sẽ mang theo tài sản kếch sù của mình để trốn chạy trước nỗi đau của cộng đồng, của dân tộc.
Đôi lúc dịch bệnh cũng là cơ hội để “rắt” lại ý thức dân chúng, soi lại những tấm lòng son trước biến cố của đất nước.
Đó là sức mạnh tạo nên sự khác biệt mà không phải dân tộc nào cũng có.