Ngóng lúa trổ đòng đòng

Lê Như Tâm |

Mỗi dịp hè đưa con về thăm quê tôi thường ra cánh đồng đầu ngõ. Cánh đồng rộng lớn xa tít tắp trong ánh nắng mùa hè chỉ thấy thấp thoáng vài chấm xanh của những vườn cây của xóm trên. Gió phơn nam lùa ngang đã thấy cả cánh đồng lúa đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch rung lắc, gió lùa ngang dọc làm cả cánh đồng xôn xao thơm hương mùa lúa mới.

 

Cả cánh đồng bắt đầu nhuộm vàng, tôi đã thấy những người thân trong xóm mình mang cả niềm hân hoan đặt lên cánh đồng. Chỉ khoảng một tuần nữa thôi làng trên xóm dưới rộn ràng, người ra đồng chở đầy những xe lúa về nhà, thành quả của vụ mùa bội. Ai cũng khấp khởi mừng thầm, bởi cả nửa năm ngóng trông lại được mùa lớn, giá lúa lại rất cao. Mới đầu vụ gieo trồng, gió rét kéo dài làm lúa bạc trắng, mọi người đã đổ biết bao công sức để làm lại đất gieo thêm giống mới, rồi kỳ công dặm tỉa và mong ngóng từng ngày thời tiết ấm lên để lúa non xanh màu sinh trưởng. Đến khi lúa đã đến thì con gái người ta tăng cường bón phân chăm nước rồi ngồi ngóng lúa trổ đòng đòng vì đây là thời điểm quan trọng nhất, thành công hay thất bại của vụ mùa. Nếu lúa trổ đòng đòng đúng vào thời điểm khí hậu không tốt gặp phải gió rét, mưa lạnh là mất mùa cái chắc, ngược lại lúa trổ đúng vào trời nắng, gió vừa đủ để phấn hoa kết giao sẽ cho ra vụ mùa bội thu. Mà cũng đúng thôi, biết bao công sức bỏ ra, cả gia đình đều trông vào mấy sào ruộng, hễ lúc nào rãnh rỗi là các thành viên trong gia đình chia nhau ra thăm ngó ruộng lúa nhà mình, từ lúc mới nẩy mầm lên cơn non cho đến lúc dặm tỉa, rồi ngồi ngóng lúa trổ đòng đòng, người ta hay ra bờ ruộng ngồi ngóng mệt quá thì vào nhà ngóng ra, khi lúa đã no hạt trĩu nhành người ta mới thở phào, nhưng vẫn chưa hết lo. Mấy người lớn trong làng hễ gặp nhau là hỏi thăm ruộng anh, ruộng chị khóm trên khóm dưới đã trổ đòng đòng chưa để mừng cho nhau, còn mấy đứa trẻ chúng tôi lại thậm thì lẻn ra đồng chọn một vài bụi lúa đẹp đang làm đòng đòng non rồi bóc thân lúa lấy đòng đòng cho vào miệng nhai sột soạt, vị ngọt sữa của đòng đòng với mùi hương lúa cuốn hút bọn trẻ chúng tôi vô cùng, cho dù không ít lần bị người lớn quở trách.

 

Bao nhiêu công sức chăm sóc và tăng cường bón phân cho đòng đòng khỏe và nở hoa đúng kịp thời tiết và khi lúa đã vàng ươm nặng trĩu, người nông dân lại đi vào đi ra ngóng thời tiết. Lúc này nhành lúa được mùa rất nặng uốn cong cả thân cây lúa mà chỉ cần gặp cơm mưa to, giông lốc là ngày mai nằm rạp san sát khi ấy xem như chưa được mùa bởi lúa ngâm nước để lâu sẽ lên mầm, rồi hạt lúa chất lượng bị giảm vì ngâm nước lâu ngày. Thiệt hại về sản lượng lúa đã rõ rồi mà thêm công người gặt hái, vì lúc này lúa nằm san sát cả thửa ruộng không thể gặp máy được mà phải thuê nhân công gặt, bốc vác chi phí đội lên rất nhiều. Bởi thế mà có gia đình mới hôm qua thôi có thửa ruộng vàng ươm mấy người dạm hỏi lúc nào gặt thì bảo phải một tuần hay mươi ngày nữa, nhưng đêm qua trời bổng đổ mưa to ngập nước, trời chưa kịp sáng đã gọi cả nhà dậy, rồi đi mượn công mấy nhà trong xóm bảo gặt nhanh thôi chín nhà hơn già đồng, kẻo không thêm trận mưa gió nữa là lúa nằm đất thì trở thành công cốc.

 

 Khi lúa đã nặng “chồ”, đầy “sập” người nông dân lại ngóng giá lúa, mà giá lúa lại lên xuống bất ngờ. Giá quá thấp thì người nông dân kém vui đi đôi phần, bởi sau vụ mùa thành công, họ phải bán lúa trả công cày bừa, gặt hái, nước, phân, giống… mà giá lúa thì bấp bênh đành bấm bụng bán rẻ để trả tiền cho kịp, có người miệng cười mà như méo: thôi thì lấy công làm lãi.

 Mấy vụ trong năm đã qua, người ta lại đâm ra ngóng lũ, mong lũ về sớm, lũ về vừa đủ đem phù sa màu mỡ kéo về đồng ruộng và cũng cho lũ chuột đồng trôi dạt đỡ phá ruộng, phá bờ để cuối năm làm vụ mùa mới.

 

  Người nông dân buồn vui trên cánh đồng, ngóng trông nhiều lắm và sau một vụ mùa thở phào họ lại phải chuẩn bị cho nông vụ sắp tới, cứ thế bao nhiêu vụ mùa là bao nhiêu ngóng trông cứ dài và dày theo năm tháng. Yêu sao bao ánh mắt chân chất, hiền hòa của người nông dân nhìn ngắm, ngóng trông cánh đồng mà họ gắn bó cả đời mình.

TAGS

Vị quê

Thu Hạ |

Nhờ thời còn là sinh viên, hành trang trở lại trường sau mỗi dịp về nhà ăn tết không bao giờ thiếu được là những củ ném. Củ ném, có nơi còn gọi là hạt nén, hành tăm là loại gia vị phổ biến ở miền Trung, trong đó có Quảng Trị.

Bên cánh đồng xanh non

Yên Mã Sơn |

Những năm học đại học, tranh thủ lúc nghỉ ôn thi học kỳ là bạn tôi đạp xe về quê cùng gia đình gặt lúa. Sau khoảng một tuần trở lại thành phố với bạn bè, ngồi vào bàn và cày sách, cày vở cho đến lúc thi.

Về làng

Yên Mã Sơn |

 

Về làng là cách nói của người dân vùng kinh tế mới quê tôi. Làng dưới đồng bằng, mỗi năm về đó vài lần vào lúc tết nhất, giỗ chạp.

Nhấp nhô đường quê

Yên Mã Sơn |

Bòn là tên thằng bạn của tôi từ thời chăn trâu cắt cỏ. Nó bằng tuổi tôi mà người nhỏ thó. Cái chân bị tật bẩm sinh nên đi lại rất khó khăn.