Nhấp nhô đường quê

Yên Mã Sơn |

Bòn là tên thằng bạn của tôi từ thời chăn trâu cắt cỏ. Nó bằng tuổi tôi mà người nhỏ thó. Cái chân bị tật bẩm sinh nên đi lại rất khó khăn.

Ba mẹ đặt tên cúng cơm cho nó là Bòn vì nó là đứa út, là của bòn mót của ba mẹ nó như cách nói đùa của người làng vậy. Thuở đó làng Dương còn nghèo. Cơm áo của làng chỉ dựa vào việc đánh bắt tôm cá trên sông Hãn nên cuộc sống cứ bấp bênh làm sao. Mùa đông lạnh thấy con cái thiếu áo, ba mẹ phải gắng sức chèo đò đi trong rét mướt để đánh bắt ở khúc sông xa, sát cửa biển để mong kiếm ít tiền cho con bằng bạn bằng bè. Sách vở, bút mực… đều lấy từ cá tôm dưới sông mà có được. Con sông như người mẹ cưu mang cả làng Dương qua cơn đói khát một thời.

 
Ảnh: Nông Văn Dân 

Nhà thằng Bòn nghèo nhất làng vì đông con. Cả thảy 8 anh em. Bố mẹ nó nuôi không nổi, anh em nó cứ thay nhau ở nhờ nhà ông ngoại, đứa thì ở ông nội… luân phiên như thế để ông bà lo cơm, chứ ba mẹ thì không kham nổi 8 cái miệng ăn mà chỉ hai người làm. Anh em Bòn đều tàn tật, thiểu năng. Người lành lặn thì trí tuệ như đứa trẻ, người có trí khôn thì lại què quặt. Bòn là người thuộc tốp sau. Đó là hậu quả của chất độc màu da cam mà ba Bòn bị nhiễm trong chiến tranh ở Trường Sơn.

Dù Bòn không được bình thường nhưng tôi với nó thân nhau như anh em. Chiều nào cũng thế chúng tôi hai đứa hai con trâu luôn ở trên đồng hay dọc triền sông. Cái chân thằng Bòn đi cà khiểng nhưng nó bơi giỏi lắm. Nó bơi cừ nhất đám con nít trong làng. Nó nổi tiếng qua làng bên về tài cứu người chết đuối. Những đứa trẻ may mắn được nó cứu sống đều nhận nó làm anh, xem như ruột thịt.

Chiều nào chăn trâu xong cũng xuống sống tắm cho đến lúc hoàng hôn đỏ au cả khoảng sông chúng tôi mới dắt trâu ra về. Nó dắt trâu đi bên tôi, cái dáng đi nhập nhô, cà thụt in trên hoàng hồn thật đẹp. Nó hay bảo mày có biết đi cà thụt như tao không? Thế là tôi cũng đi theo kiểu “chấm, phẩy” như nó. Hai thằng cà nhắc như thế cho đến lúc về nhà. Đám con nít nhỏ tuổi nhìn thấy cười ngả nghê, chỉ vào chúng tôi: “Ôi, hai thằng què”.

Bòn điên lên khi ai nói nó què. Thế nên đám nhỏ chọc nó thế nào cũng bị Bòn dọa nạt cho đến lúc khóc thì thôi.

 
 
Ảnh: Nông Văn Dân 

Tôi lên phố học. Có nhiều bạn mới nhưng không sao quên được cái dáng đi cà thụt của thằng Bòn. Mỗi lần về gặp nó là nó lơ. Nó bảo đừng tìm tao nữa. Ai lại chơi với cái thằng thất học và quê mùa như tao. Tôi cười bảo: “Tao còn quê mùa hơn mày. Mày không học thôi, chứ học thì cũng giỏi lắm mà”. Tôi đi bên nó từ trên đồng về làng. Vẫn là công việc chăn trâu, vẫn là cái dáng đi cà thụt in trên nền trời. Tôi hỏi nó, “mi cho tao đi cà thụt như mi không”. Nó bảo: “Lâu rồi mày quên kiểu đi này giờ đi gì được”. Thế là hai thằng cà thụt, cà thụt cho đến lúc về đến cổng nhà.

Đó là lần cuối cùng tôi gặp nó. Học xong tôi đi lập nghiệp xa xôi, lâu lâu về làng một lần. Mỗi lần về là vội vã chẳng đến thăm nó được. Tiếng là về thăm quê nhưng chẳng có thời gian, công việc, cơm áo cứ làm cho ta xoay vần. Những người bạn từ thuở chăn trâu, đốt đồng cứ xa dần, quên lãng.

Lần này về quê buồn đứt ruột. Lên mộ thắp hương cho Bòn mà không cầm được nước mắt. Bòn chết trong một trận lũ. Nó cứu mấy đứa học trò khi qua sông đi học bị lật đò nước cuốn trôi. Nghe người làng bảo xác nó trôi về tận biển Cửa Việt. Đời nó cứu không biết bao nhiêu người chết đuối cuối cùng chính mình cũng bị chết đuối.

Một mình đi trên con đường làng. Tôi nhớ Bòn mà đi cà thụt. Dáng đi nhấp nhô, nhấp nhô trên đường quê. Vừa đi vừa chảy nước mắt khi nghe ai đó nói vọng ra từ những khu đất sát đường: “Ai đó giống thằng Bòn chưa?”.

Làng Dương nằm trên cù lao Bắc Phước giữa hai sông, bốn bề là nước nên chúng tôi đi học là phải đi đò. Thằng Bòn không biết đi xe đạp, cái chân bị tật không cho nó đi xe đạp. Nó khập khiễng như thế suốt 5 năm trời, lên lớp 6 là nó bỏ học. Nó bảo ở quê học như rứa là đủ sống rồi. Biết đếm xem bao nhiêu khoai sắn, cá tôm là hạnh phúc. Hôm nó quyết định bỏ học, tôi và nó ôm nhau khóc. Thương cho nó, nó biết ba mẹ cực nên không đi học tiếp chứ nó cũng khát khao học lên cao để thoát khỏi cù lao này mà lên thành phố học tiếp lắm. Tôi khóc vì những ngày đi học sắp tới, tôi không còn người bạn thân cùng đến trường, cùng đi chăn trâu nữa. Câu nói của Bòn dặn nghe mặn đắng: “Gắng học cho giỏi để về làm thầy giáo, làng Dương chưa có ai là thầy giáo cả”.

TAGS

Làm sao để Tết vui chứ không là gánh nặng?

P.V |

Tết có phải là gánh nặng đối với chúng ta hay không? Tết chỉ diễn ra “dăm ba ngày” nhưng phải chuẩn bị nó với một khoảng thời gian dài. Nó có khiến cho mỗi con người đi qua tết cảm thấy “hao tâm tổn sức” hay vẫn là món quá thi vị, đáng trân trọng mà cuộc sống ban tặng?

Lời dụ tình của dế

Hoàng Công Danh |

Thi thoảng trong những đêm xa nhà, tôi vẫn được nghe tiếng dế thân quen của tuổi thơ vọng lại. Âm thanh réo rắt vượt qua ngàn dặm không gian, lội băng băng từ miền sâu thẳm thời gian đến hát bên tai một bài dạ khúc rất đỗi bình dị.

Những yêu thương vững bền

Lê Thị Kim Sơ |

Những giọt nước mắt, những bịn rịn, những nỗi buồn không thể nói hết của những tân binh vào mùa nhập ngũ.

Ngọt lành Giêng Hai

Nguyễn Hữu Quý |

Tôi với giêng hai thường bắt đầu bằng những hồi ức khó quên. Những kỉ niệm vui và buồn gắn với làn mưa bụi bay bay, màu nắng non chập chờn trong vòm lá, với tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc...