Tôi với giêng hai thường bắt đầu bằng những hồi ức khó quên. Những kỉ niệm vui và buồn gắn với làn mưa bụi bay bay, màu nắng non chập chờn trong vòm lá, với tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc...
Nhớ hoa mai trong vườn và thương cả hoa bí vàng, hoa bầu trắng góc quê. Yêu chiếc đu làng qua từng nhịp nhún thả lên xuống vít vổng gái trai và cuộc đua thuyền về đích xuân sông nước tưng bừng. Giêng hai là cái gì đó thong dong, chầm chậm khi cây mạ cắm xuống từ tháng Chạp rễ đã bén phù sa, đồng mơn mác xanh trong se se gió nhẹ. Còn đó, còn đây những vầng hoa xoan tim tím như những vầng mây rập rờn trong gió thoang thoảng mùi hương thơm man mác nhẹ nhàng.
Và hội làng, hội vùng, hội nước thì thùng tiếng trống, réo rắt tiếng đàn, í a, ầu ơ làn điệu dân ca xứ miền nào cũng có. Hội xuống đồng, hội cầu ngư...cầu mong biển lặng trời yên, mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt. Có những lễ hội gắn với tuổi tên, công tích người có công với nước, với dân hay với những truyền thuyết thực ảo đan xen nhưng không nằm ngoài sự tôn vinh cái đẹp, cái thiện.
Giêng hai là mùa lễ hội rầm rộ muôn nơi; đó cũng là thời gian được gọi nông nhàn sinh ra từ nền văn minh lúa nước lâu đời. Cơ cầu, chắt chiu đến mấy cũng phải nghĩ tới "Tháng Giêng là tháng ăn chơi." Ăn và chơi như sự nối dài của cái Tết đã rồi nhưng còn nhiều tiếc nuối vu vơ, con cháu làm xong nghĩa vụ với ông bà, giờ tới lúc thong thả vãn cảnh chơi xuân.
Không có cái cớ nào để được vui chơi miên man hợp lý như là lễ hội. Trong nhịp sống và làm việc bây giờ thì thói nếp quen thuộc "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" cần rũ bỏ để không còn cái cảnh đầu năm đủng đỉnh cuối năm tất tưởi chạy đua vì kế hoạch nữa. Thế thì ứng xử sao đây với muôn vàn lễ hội đây. Phải chăng, chỉ nên giữ lại những lễ hội đẹp, hay gắn bó lâu đời với văn hóa dân tộc.
Lấm láp dễ quên mà lại nhớ lâu những tươi non nhẹ nhàng như thể hướng tới sự an lành, dễ chịu cho mỗi cuộc đời. Ai chẳng biết đất nước này gian truân lam lũ từ bao đời. Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần. Quê tôi, còn cơ cực hơn; những cánh đồng van vát miền Trung neo vào Trường Sơn để không trôi ra biển ấy, hạt lúa mỏng gầy, củ khoai củ lạc cũng eo thắt lại héo hon. Chưa dứt ra khỏi tôi câu ầu ơ buồn buồn của mẹ, "Quảng Bình là đất Ô châu; Ai đi đến đó quảy bầu về không"... Xưa kia, sau giêng hai thường là kỳ giáp hạt, ngũ cốc dự phòng cơ hồ đã hao cạn trong bồ lẫm. Nỗi lo bao đời nối nhau, triền miên quanh năm nhưng tháng ba tháng tám càng chất chồng trĩu nặng. Cái ăn cái mặc đôi khi bị trời đất cướp trắng trên tay bởi hạn hán, bão lũ. Gian truân càng lắm hy vọng càng nhiều và lòng lạc quan đến mức kỳ diệu của dân Việt vẫn là điều chưa giải mã hết. Người ta vẫn hằng tin, dù sao thì mùa xuân sẽ về, ló lé nụ chồi và trăm hoa đua sắc dưới bầu trời đầy cánh én bay trong bát ngát giêng hai. Vạn vật phát tiết sức xuân, mởn tươi và luôn mang chứa trong nó những khả thi về hạnh phúc.
Đấy chính là điều đáng nói nhất về mùa xuân, về sự khởi đầu của một năm. Cảm thức giêng hai trong tôi, vâng, đến bây giờ vẫn nghiêng về những hy vọng tốt lành, gói lại trong hai tiếng: Yêu thương!