Tết về trên đôi triêng gióng

Diệu Ái |

Hình ảnh những mệ, những mạ rảo bước gánh triêng ra chợ vào sớm mai giáp Tết là khoảnh khắc anh ghim vào lòng trong gần hai chục năm xa xứ. Lần khần, anh hỏi ở quê nhà, nay còn hình ảnh đó không?

 Ký ức trong anh còn nguyên vẹn, chưa hụt hao bởi đường dài xa ngái tận nửa vòng trái đất, chưa mờ phai bởi những xô bồ của hiện tại. Hình dung, thằng bé mười tuổi ngày xưa từng ngồi trước hiên nhà để đếm xe cộ, tiện thể đếm xem có tất thảy mấy o gánh triêng tất tưởi đi ngang nhà mình. Anh nhớ những dịp mạ thở than đã vào Chạp, nghĩa là còn mấy mươi ngày nữa đến Tết, anh đếm hoài đếm mãi không hết những gánh triêng ra vào chợ mỗi sớm chiều tất bật.
 

Chùng chình chao nghiêng, Tết bây chừ vẫn bước ra phố thị trên những gánh triêng gióng ăm ắp quà quê. Là mớ sung còn vương mủ, dăm trái đu đủ vàng ươm, mấy nhánh bông mào gà tươi mới, chục trứng gà vừa rời ổ, bó lá chuối vừa hái… Giữa thời buổi cầm hạt gạo mớ rau phải băn khoăn lo lắng thì những rau trái bày biện từ vườn quê luôn được người mua tin cậy. Đôi triêng gióng khiến người đi chợ yên tâm sà xuống chọn mua.

Bạn người xứ khác đã trầm trồ ngạc nhiên khi anh kể xứ mình, có nhiều lắm những mệ, những o thời buổi này vẫn không biết đi xe đạp hay lái xe máy. Lý do không biết lái các phương tiện ấy là chẳng qua từng tập, từng đi nhưng ngã vài cú nhớ đời rồi khiếp hãi. Nên họ sắm triêng gióng gánh hàng rảo bước ra chợ là vì vậy, chứ có xe máy, xe đạp chở hàng sẵn tiện bao nhiêu.
 

Đôi triêng gióng đã là đề tài quen thuộc đi vào văn học nghệ thuật của nhiều thế hệ, là biểu trưng cho sự tần tảo sớm hôm của những phụ nữ Việt. Hình ảnh người phụ nữ gánh triêng bước xô nghiêng trên triền đê hay triền cát nào đó khiến người ta nghĩ ngay đến những bà mẹ cơ cực ở xứ mình.

Mệ tôi kể năm bảy hai, trên đường chạy giặc ra Vĩnh Linh, mệ gánh mạ và cậu ở hai đầu đòn gánh. Ông thì gánh đồ đạc, nồi niêu xong chảo, gạo, thức ăn cho cả nhà. Nghe tiếng máy bay trên đầu, ông hết hồn hết vía vứt luôn đôi triêng đựng đồ để chạy tới bế thốc mạ và cậu tôi. Cả nhà không ai can chi nhưng đồ đạc không còn. Lớp con nít ngác ngơ ngồi trong đầu thúng trên đòn triêng chạy giặc thời ấy, bây chừ cũng đã quá nửa dốc đời người. Hóa ra, đôi triêng gióng bình dị đã mạnh mẽ cùng bao thế hệ đi qua những ngày giặc giã.

Không bỗng dưng mà những gánh triêng lưng chừng trong trí nhớ của anh bạn tôi. Bận đó là hai hai tháng Chạp, buổi học cuối cùng trước khi nghỉ Tết, anh đạp xe hồ hởi đến trường. Đoạn qua cầu An Mô, một dì gánh triêng đi bán bún đã đổi vai. Anh học trò đạp xe từ sau không để ý nên tông trúng. Hai người ngã nhào, gánh bún đổ lênh láng. Dì bần thần mất một ngày bán buôn, tiếc mớ nước bún thức dậy nấu từ ba giờ sáng. Anh học trò lóng ngóng, đành khóc nức nở. Cãi cọ nạt nộ cũng chừng đó, là xui rủi, không ai cố ý. Bận đó, mạ anh phải cầm mấy trăm ngàn ra đền cho người ta. Nên sau này, mỗi lần chạy xe qua một gánh triêng giữa đường, anh lại thắc thỏm lo người ta đổi vai.

Dăm năm trước, ngang cầu An Mô, dễ bắt gặp hình ảnh mấy mệ quẩy đòn gánh khấp khểnh về chợ Mới từ sáng sớm. Gánh triêng gióng ra chợ vậy mà tiện lợi, đòn triêng để lót ngồi, còn hai thúng thì để bày hàng sẵn có. Mấy mệ cầm nón quạt ngang quạt dọc, miệng nhai trầu bỏm bẻm kể chuyện làng xóm. Hình ảnh ấy nay đã mai một đi nhiều và nhiều năm sau khi những mệ, những mạ về trời, thế hệ không biết đi xe đạp, xe máy chẳng còn, đôi triêng gióng có khi sẽ đi vào quá vãng.

Tôi không định nói với anh rằng hình ảnh Tết về trên đôi triêng gióng ấy có lẽ đang dần hiếm hoi. Như những tầng khói bếp ngun ngút bây chừ đã khó kiếm, ở quê giờ cũng xài bếp ga, bếp từ thay vì bếp củi. Mùi Tết tỏa ra từ chái bếp neo đậu vào tâm trí của bao đứa con xa quê đang dần rớt rơi đâu đó giữa tiện nghi hiện đại. Vẫn có nhiều bà mạ quê chối từ chiếc máy giặt, cái bếp ga khi con cái ở thành phố về sắm. Bởi có vài bộ quần áo vò tay tí là xong, cành cây, củi khô đầy vườn đó sắm chi mấy thứ chục triệu bạc. Số tiền đó, mạ lại để dành khi anh lấy vợ hay để lo đám đình cúng giỗ.

Bạn thường bảo, sinh ra không làm con nhà nông là một may mắn. Song, với những người quá thừa lãng đãng như anh, như tôi ấy lại là thiếu hụt. Mỗi khi nghe bạn bè kể về những hình dung xưa cũ với bao kỷ niệm lớn lên bên rơm rạ khô cong, bên bùn đất lấm lem lại thấy mình thèm muốn một điều gì đó chơ vơ mơ hồ.

Như thể nhiều người vẫn mong Tết, cả tôi và anh lại mong những ngày giáp Tết kéo dài. Từ bắt đầu hai mấy tháng Chạp trở đi, không khí chộn rộn đặc quánh yêu thương. Người ở nhà ngóng người xa, người đi xa nhẩm tính ngày về. Anh nói Tết năm nay sẽ về, về để nhìn lại quê nhà trước khi không còn đủ sức đi xa. Không biết nên mừng vui bao nhiêu cho đủ khi những hình ảnh cơ cực ngày xưa đã không còn hiện diện. Có điều, neo giữ những hình ảnh chân chất tựa gánh triêng gióng mang Tết về trong mường tượng thương yêu từ một người xa xứ, tôi lại thấy biết bao dấu vết cần ghi nhớ của ngày hôm qua. Người ta sống nếu biết thương nhớ quê mùa và không tự làm phai lạt ký ức dù xa biệt thì cuộc đời đẩy đưa đến bìa trời nào, tâm vẫn tha thiết hướng về quê hương, về vị Tết quê nhà đang lẳng lặng đổi thay…

TAGS

Uống xong bắt tay, biết ngay Quảng Trị

Yên Mã Sơn |

Sau cái cụng ly, một trăm phần trăm ngon ơ. Phần còn lại là nhìn nhau và chìa tay ra, nắm chặt, rảy, rảy rất chuyên nghiệp.  

Nhớ tết xưa ngồi nhuộm áo

Yên Mã Sơn |

Sáng nào ngoại tôi cũng lom khom đi xé lịch trên tường để đếm ngày đếm tháng. Trong những ngày năm cùng tháng tận, ngoại thường nói, “sắp hết năm rồi bây ơi”. Chập choạng ít hôm nữa là ăn tết rồi. Ngày tháng thoi đưa…

Tết về thêm tuổi

Hoàng Ca |

Không ai đợi chờ, nhưng Tết vẫn đến và tuổi vẫn cứ về. Người ta nhắc Tết, hỏi tuổi và vô số thứ xung quanh hai cái này khi bâng quơ nghĩ mình còn trẻ. 

Bỗng thấy mình như trôi giữa quê hương

Yên Mã Sơn |

Thuở ấy nắng hanh vàng, xuân đang về trên lưng chừng đồi khi lốm đốm hoa ban nở.