Không ai đợi chờ, nhưng Tết vẫn đến và tuổi vẫn cứ về. Người ta nhắc Tết, hỏi tuổi và vô số thứ xung quanh hai cái này khi bâng quơ nghĩ mình còn trẻ.
Có lẽ giờ chỉ còn trẻ con mong chờ Tết. Và thêm nữa, những người nông dân cũng chờ mùa xuân về. Trẻ đợi tết được áo quần mới, được ăn kẹo thỏa thích, được đi chơi, được lì xì. Người nông dân chờ Tết đến xuân về, để mùa màng được tốt. Cây rau, ngọn lúa, hoa trái gì cũng tươi tốt về mùa xuân. Chờ mùa xuân, cũng là chờ sự bù đắp về mọi thứ của cuộc sống.
Có lẽ Tết bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước. Khi tiết trời thuận hòa thì cây lúa tốt tươi, được mùa thì người nông dân no đủ. Có được no đủ mới cảm ơn trời đất, giã gạo giết gà cúng tổ tiên. Tôi nghĩ căn nguyên của Tết nó bắt đầu như thế, bằng sự hàm ơn, sự chờ mong, những tươi mới của một năm đầy mong đợi.
Cuộc sống này nó là những mắt xích giữa con người với nhau, người làm ra sản phẩm thì người có nhu cầu khi họ cần sản phẩm đó mà không tự làm ra được. Ví như người nông dân sản xuất ra hạt lúa, người công nhân sản xuất ra hàng hóa công nghiệp. Và sự trao đổi giữa “lúa và hàng hóa” kéo theo sự cầu mong, cho người kia lao động tốt thì người này mới được thuận lợi theo. Như một cái Tết chung, người người chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Bất luận người quen hay người lạ, nếu gặp họ đều chúc cho nhau được sức khỏe, may mắn khi mùa xuân về.Sẽ chẳng bao giờ để mất mùa xuân, do đó Tết vĩnh viễn trường tồn. Đã có ý kiến đề xuất bỏ Tết. Quan điểm tôi về vấn đề này, nó rất cảm tính nhưng tôi nghĩ rằng nó đúng, và bạn sẽ đồng quan điểm với tôi. Nếu xem Tết là một nhu cầu, một thói quen … thì việc từ bỏ một nhu cầu, một thói quen không có gì là khó khăn cả. Và nó không cần điều chỉnh bởi văn bản như một vài nhu cầu, thói quen không tốt. Tết cơ bản nó vẫn là linh hồn chung, là “đời sống tâm linh” của mỗi người, nó còn là “thần may mắn” cho chúng ta. Kết thúc một năm làm việc, một năm lao động… chúng ta vẫn chờ mong vào năm mới sẽ được tốt đẹp hơn, êm ấm hơn. Đó là niềm tin, hy vọng cho chúng ta vươn tới, là động lực của sự phát triển của con người.
Khi không còn nghĩ suy đến những điều may mắn, Tết tự nhiên sẽ mất. Nhưng không, cuộc sống cần có nó, sự may mắn cả về vật chất và tinh thần. Nó quy đổi rất nhiều ra đời sống tâm linh. Tết là dịp con cháu báo hiếu với ông bà, tổ tiên. Một mâm cỗ bày lên bàn, lọ hoa được cắm, nén nhang thơm… mọi việc ấy đều thể hiện đời sống tâm linh, nhu cầu tình cảm. Và chúng ta tự nhận thấy, tổ tiên và mình cảm nhận được nhau. Đó là sợi dây kết nối yêu thương, cuộc trò chuyện giữa người sống và người đã khuất bằng vật chất đó là lễ vật cúng tế.
Năm nào cũng thế, đối với người Việt. Tết việc đầu tiên là đi lễ Thần Hoàng làng, vị đầu tiên khai hoang, lập ấp. Đối với người dân tộc thiểu số như Vân Kiều, Pa Cô… mùa xuân là mùa gieo hạt, có nơi trùng với mùa gặt. Đây cũng là thời điểm lễ hội Aza được tổ chức. Dịp này, đồng bào cảm ơn thần lúa, cảm ơn trời đất thuận hòa, cảm ơn tổ tiên cho được mùa, được lúa chín… Như thế, Tết, mùa xuân nó chi phối đời sống tâm linh của con người. Và hơn thế, Tết được xem là những ngày đẹp nhất trong năm. Bởi thế, lúc đó người người mặc áo mới, ai đi đâu nụ cười cũng nở trên môi. Tiết trời lúc này đã chuyển sang ấm áp, lặn từ dưới đất, cây cỏ đã nẩy mầm, cánh rừng đã bắt đầu xanh một màu hy vọng. Đấy không những là mùa xuân của con người mà của vạn vật, nếu chỉ cần loáng qua đã thấy, mọi thứ đều mong có một mùa xuân.
Không hà cớ gì cứ dùng dằng nên có Tết hay không. Mặc nhiên như tuổi con người, mỗi năm Tết cứ về, mỗi người thêm một tuổi. Đã hết cái thời ngồi lo âu vì thêm tuổi. Mùa xuân của chúng ta là lối sống đẹp, cho mình và cho cộng đồng. Và thực chất con người sống có chất lượng hơn, khi người ta biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau để vượt qua gian khó, người ta đã biết chắp cánh ước mơ cho nhau để vươn cao, bay xa hơn. Tuổi tác không còn phụ thuộc, không còn là sự ám ảnh với nhiều người (nhất là phụ nữ), xuân sắc không phải ở trên mặt, trên làn da, trên môi… xuân sắc nằm ở hành động của mỗi người, ở việc họ làm cho mình và đối với người khác.
Con người sẽ mãi có mùa xuân, khi họ còn niềm tin và sức sống. Và lí do khác, họ tồn tại đẹp đẽ trong lòng người khác đó cũng có thể xem là mùa xuân của mình.
Tôi còn nhớ mãi câu nói của cha tôi, khi ông đi ra cánh đồng làng vào một dịp Tết “con xem, cây cối gì gặp mưa xuân cũng tươi tốt lạ thường, hơn cả phân bón, hơn cả sự chăm sóc của con người…”. Tôi nhìn và tôi đã tin, vì thực sự nó như thế. Dân làng tôi thì xem Tết đồng nghĩa với “ông trời” lương thiện, ông trời nhiệm màu. Bởi thế, khi xuân về Tết đến, không ai quên cầu mong “ông trời” năm nay cho được mùa. Mọi thứ xoay vần quan thời gian còn hy vọng bắt đầu từ mùa xuân ấm áp. Cứ nghĩ cho mình, nghĩ cho mọi người được xuân sắc thì Tết về thêm tuổi vẫn vui tươi.