Tết có còn như tết năm xưa?

Yên Mã Sơn |

Đêm 30 tết năm trước, đứa bạn thời tóc còn bỏ trái đào giờ thành danh ở phương trời Tây điện thoại về í ới: “Tao thèm ngồi bên bếp lửa ấm mà đợi bánh chưng chín như thời hồi xửa hồi xưa, mày ạ”.

Nghe mà tội nghiệp cho hắn. Không biết ở đó hắn có chút gì gọi là tết có truyền. Giá như mùi thơm, tiết trời ở đây có thể “chuyển phát” qua đường điện thoại di động hay email thì hay biết mấy, tôi sẽ gửi cho hắn cả một bầu trời.

Gác điện thoại xuống, bao nhiêu cái tết của thời đi học đầu còn đội lá sen ở làng quê hiện về. Chợt nhận ra mình như người có lỗi, bao năm lang bạt làm ăn, mình chưa một lần nghĩ về kỷ niệm đó.
 
 Tranh của Dung Boxit

Nghĩ cho cùng những tết vừa qua mình cũng chẳng hơn gì hắn khi mọi thứ mình đều mua kể cả bánh chưng, lọc.

Mỗi lần mùa xuân gỏ cửa từng nhà, hình ảnh bếp lửa và nồi bánh chưng là điều làm mình ám ảnh.

Cũng chỉ là một bếp lửa nhưng sao bếp lửa ngày xuân lại ấm áp đến kỳ lạ. Nó có thể lôi kéo cả những đứa trẻ đang say trò chơi đá dế phải bỏ dở để cùng cả nhà vây quanh, trò chuyện rôm rả. Mùi bánh chưng hòa lẫn với mùi khoai nướng cứ quyện vào nhau làm lỗ mũi những đứa trẻ háo ăn như mình phải chăm chú và đợi chờ.

Ở quê dù cả năm khó đến mấy nhưng ngày tết cũng phải có đôi ba cặp bánh tét. Bánh tét như là linh hồn của tết quê. Những nhà khá giả thì làm thật nhiều bánh tét cứ thế ăn cho đến hết tháng giêng, tưởng như người quê muốn níu giữ cái không khí tết đó mãi.
 
  Tranh của Dung Boxit
Năm 12 tuổi tôi đã biết gói bánh chưng, bánh tét vì ba mình bảo người Việt mà không biết gói bánh tét thì đừng làm người Việt. Câu nói của ba ngày xưa thì mình vẫn chưa quên. Nhưng sống ở thành phố, thời của máy tính điện tử, thời của tác phong công nghiệp đã làm cho mình không thể thực hiện nó như lúc ở quê nhà. Giờ đây bếp lửa thì dùng bếp ga, vẫn là ngọn lửa thôi nhưng sao nó vô hồn và khác xa bếp lửa rơm ngày trước. Công việc bận rộn cho đến ngày cuối năm, chợt giật mình khi người nhà nhắc nhở gói bánh tét, bánh chưng mình lại “bàn lui” bằng câu: “Ngoài chợ thiếu gì, ra chợ mua cho khỏe. Gói ghém rồi lại nấu thổi, bếp núc đâu mà nấu”. Thế là vợ mình lại mắng khéo: “Cái gì cũng ở chợ, không khéo xuân này lại như năm ngoái, ra chợ mua cả một “cái tết” về nhà dùng”. Nhưng nói thì nói vậy vợ mình cũng đồng tình lắm chứ, lúc nào cũng quan điểm cái gì mua được thì mua, kể cả “tết”.
 
  Tranh của Dung Boxit
Con mình lớn rồi nhưng không biết gói bánh chưng. Bạn bè cùng lứa với con mình cũng vậy. Cả dãy phố mình sống ngày xuân không tổ chức nấu bánh chưng và bọn trẻ con không còn ngồi vây quanh mà chờ đợi với đối má hây hây đỏ vì lửa ấm. Thay vào đó nó sẽ ngồi một mình lướt web hay chơi games, có đón giao thừa thì cũng xem một màn pháo hoa bắn ở một thành phố nào đó rồi chìm vào giấc ngủ.
 
  Tranh của Dung Boxit

Cả thành phố đang vào xuân, một mùa xuân như bao mùa xuân của hàng ngàn năm trước của dân tộc. Đôi lúc soi những mùa xuân năm cũ vào mùa xuân năm nay để thấy mỗi cái tết có điều gì còn và điều gì đang mai một. Có phải mỗi lần đón một cái tết mình cảm thấy như hồn tết mất đi, dù là rất mơ hồ?

TAGS

Những ngày lưng chừng tết

Yên Mã Sơn |

Thiên hạ thường nói “dăm ba ngày Tết”. Vậy Tết bắt đầu từ ngày nào? Với mình Tết là bắt đầu ba đưa cái khuôn bánh thuẫn ra chùi rửa, mạ trải dưa hành kiệu ra sân phơi…

Nhớ khói

Hoàng Hải Lâm |

Đôi lúc tôi tự hỏi, phải chăng tôi thèm khói cùng với những yêu thương. Cha đi hơn chục năm để lại ngôi nhà trống vắng, mạ cũng đi làm mây.

Hoa dọc đường tôi đi

Tam Thông |

Tôi đã đặt tất cả núi rừng lên hành trang của tôi để gùi đi trong hành trình tưởng như bất tận. Trong đó, màu hoa trẩu là nỗi nhớ làm lung lay đến cả những ngày bình lặng...

Cuống rạ cắm vào đất quê

Hoàng Công Danh |

Trở về làng vào mùa trăng chín, những hạt lúa vàng cũng đã về nhà mà vào bồ. Đêm còn lại lát trăng mỏng như mâm ngọc sau lễ cơm mới, cứ chênh chênh tỏa sáng.