Những ngày lưng chừng tết

Yên Mã Sơn |

Thiên hạ thường nói “dăm ba ngày Tết”. Vậy Tết bắt đầu từ ngày nào? Với mình Tết là bắt đầu ba đưa cái khuôn bánh thuẫn ra chùi rửa, mạ trải dưa hành kiệu ra sân phơi…

Trong 365 ngày đằng đẵng, Tết chỉ chiếm khoảng 10 ngày trong số đó nhưng lại là khoảnh khắc mỗi con người hướng đến: coi đó là điểm kết thúc một năm làm việc để khởi đầu lại chính ngay điểm đó. Tết là lúc để mỗi con người chiêm nghiệm giá trị truyền thống, tình yêu gia đình, quê hương.
 

Sống qua thời con nít, đến tuổi trẻ và sau này cũng vậy, mình luôn chờ đợi cái không khí Tết và ước sao nó mãi cứ trong giai đoạn chuẩn bị, lưng chừng Tết chứ… đừng Tết. Bởi trong ý nghĩ của mình mọi thứ vào Tết sẽ chóng Tết, hết Tết. Bởi thế câu dân gian thường bảo “ba mươi chưa phải là Tết” là thế, nhưng luôn làm mỗi người phải nôn nao.

Những ngày chưa phải là Tết ấy, đám trẻ con bắt đầu được nghỉ học, được phụ ba mạ theo trong những phiên chợ huyện, ngắm phố phường đang khoác lên mình cái mới. Ở quê lúc này những hàng rào râm bụt được cắt tỉa chỉnh chu, mặt tiền từng ngôi nhà được quét vôi trắng toát, bàn ghế, tủ được đánh lại vécni bóng loáng. Quán may o Nữ ngay đầu làng lúc này tấp nập khách ra vào. Mạ bảo nhà nghèo, may áo mới mặc Tết nên may quần xanh áo trắng để ngày thường mang đi học. Mình và thằng em buồn thiu khi năm nào cũng quần xanh áo trắng, chẳng thích chút nào. Anh Hai lúc này thường an ủi: Tụi bây giờ sướng lắm. Thời tau Tết đến phải đưa áo quần đi nhuộm, muốn có áo quần mới thì phải nhuộm lại màu khác. Anh mình kể sáng mồng một Tết mang áo đi chơi, thanh niên trong làng tập trung tại đình làng, nhìn cả chục người ai cũng áo quần như nhau, chỉ khác người tay ngắn, kẻ tay dài. Thì ra vải nhà nước cấp về chỉ được một màu. Ai muốn khác chỉ có cách đem nhuộm. Tuy nhiên, phải mặc tới Tết sau cho nó cũ nhàu rồi mới đem nhuộm chứ chẳng dại nhuộm áo mới.
 
 Ảnh: YMS
Những ngày giáp Tết, mình lẽo đẽo theo chân mạ đi bộ lên chợ huyện. Trong đôi quang gánh của mạ là những thứ được hái trong vườn. Lên bán thì ít nhưng mua về thường nhiều thứ. Ngôi chợ huyện ngày thường thưa khách nhưng những ngày sắp Tết người như nêm. Cứ tưởng bao nhiêu người ở trong nhà ra chợ mua sắm cả. Những sạp áo quần mới thường đông khách. Mùi áo mới màu sặc sỡ cứ ám ảnh mình từ chợ về nhà. Vừa được mạ mua dép mới, trên đường về hai tay cầm đôi dép đứt quai mình cứ hóng mãi người bán kẹo kéo để đổi…
 
  Ảnh: YMS

Trong lúc này, thằng út ở nhà phụ ba quét dọn nhà cửa. Treo trên chàn bếp là những thứ “quý giá”, có khi mỗi năm chỉ dùng một lần. Trong đó có cái khuôn bánh in, bánh thuẫn. Cùng với mứt gừng, bánh in, bánh thuẫn là những thứ tự tay ba mạ làm dùng để thết đãi khách trong dăm ba ngày Tết.

Chờ mãi rồi cũng đến đêm 30 Tết. Có lẽ đêm này là đêm dài nhất năm vì những đứa trẻ như mình chẳng thấy buồn ngủ, thức đón giao thừa cạnh bếp lửa mạ nấu bánh chưng. Trong mùi thơm của hương trầm ba cúng đêm giao thừa, mình biết Tết đã đến rồi. Sáng mai, áo mới tung tăng trên mọi nẻo đường. Đi nhà ai cũng nếm mứt gừng, bánh thuẫn xem có ngon hơn nhà mình làm…
 

Trong mớ hỗn độn của những ngày lưng chừng Tết, gồm cả âm thanh, mùi vị và những cảm xúc không thể diễn tả làm nên ký ức Tết, nó “lũy kế” từ lúc biết nhận thức cho đến khi lớn khôn chất chứa trong mỗi con người.

Để khi nghe mùi lá dong gói bánh chưng là lòng vời vợi cảm xúc, nếu ở một nơi xa xôi thì lòng giục lòng về cho kịp.

TAGS

Khai trương quán cơm 1.000 đồng/ suất

B.T.V |

Ngày 16/12/2019, Quán cơm Yên Vui, Mai Lĩnh, Quảng Trị (206/7 Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Trị) do Quỹ Từ thiện Bông Sen (TP Hồ Chí Minh) tài trợ hoạt động đã khai trương.

Tặng chăn, áo ấm cho người dân vùng cao Hướng Hoá

H.T |

Câu lạc bộ Hội thiện nguyện TP. Đông Hà (Quảng Trị) vừa tổ chức chương trình tình nguyện “Đông ấm vùng cao năm 2019” tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa.

Thương hiệu chuối Hướng Hoá ngày càng được khẳng định trên thị trường

Kim Huệ |

Từ tháng 8 năm 2018 đến nay, các hộ dân trồng chuối trên địa bàn huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) rất phấn khởi khi sản phẩm chuối đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể chuối Hướng Hóa. Qua đó, đã góp phần khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.  

Ước mơ tiếp tục đến trường của cô bé lớp 5

Trúc Phương |

Mẹ mất vì căn bệnh ung thư, bố lại đột ngột bị tai biến không thể đi lại được khiến cuộc sống gia đình của em Lê Phương Bảo Nhi, lớp 5B, Trường Tiểu học Cam An, xã Cam An, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.