Sau cái cụng ly, một trăm phần trăm ngon ơ. Phần còn lại là nhìn nhau và chìa tay ra, nắm chặt, rảy, rảy rất chuyên nghiệp.
Có lần ra Bắc, trong một bữa ngồi nhậu với mấy anh bộ đội. Sau cái cụng ly với một người trong mâm, mình xin bắt tay anh này. Hai anh em bắt tay thắm thiết. Đột nhiên anh hỏi: Chú mày chắc chắn là người Quảng Chị (Trị).
- Sao anh biết hay vậy?
- Uống xong bắt tay, biết ngay Quảng Chị (Trị)
Mình cười: Sống từ nhỏ đến lớn ở đất Quảng Trị, chưa bao giờ nghe câu “tục ngữ” này.
Anh này một lần nữa khẳng định: Anh mày đi bộ đội ở Quảng Trị, mang cái văn hóa “nắm, giật giật” này về đây đấy.
Mình về nhà lên Gúc gồ tìm có phải sự thật như như anh bộ đội này nói hay không. Chắc có lẽ đó là kiểu dân gian truyền tụng thôi, chứ bắt tay sau cái chạm ly có khắp nơi.Nhưng vì sao không nói “Uống xong bắt tay, biết ngay Hà Nội” hay một địa phương nào khác? Chắc ít nhiều địa phương gió cát này trội hơn hẳn?
Chợt nhớ đến câu chuyện ăn ớt của dân miền Trung. Các tỉnh Bình Trị Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên) đều ăn cay gần như ngang nhau. Nhưng theo truyền tụng kiểu “phi văn bản” của giới vỉa hè, có lẽ Quảng Trị ăn cay khiếp nhất. Bằng chứng là câu chuyện của nhà báo Phạm Xuân Hùng khi anh này kể về chuyện có một người đàn ông bị chết nhưng không có giấy tờ tùy thân nên không xác định được danh tính, quê quán. Để điều tra nguyên nhân cái chết, các cơ quan phải khám nghiệm tử thi. Bác sĩ pháp y sau khi mổ và xem xét nội tạng đã khẳng định như đinh đóng cột rằng người bị nạn quê ở Quảng Trị bởi biên bản ghi rõ: Ruột của nạn nhân chỉ toàn là ớt.
Trở lại câu chuyện bắt tay, có lẽ người Quảng Trị “mạnh” nhất trong lĩnh vực này. Bây giờ vào quán nhậu hay ở các mâm cổ kỵ giỗ, sau cái cụng ly chan chát, uống ừng ực là cái nắm tay siết chặt. Nó như trở thành vô thức, một phản xạ không điều kiện mang “văn hóa ăn nhậu”.
Văn hóa cụng ly có từ thời La Mã, thường các võ sỹ trước khi giao đấu sẽ được quan trên ban cho rượu ngon. Để chứng minh các đấu sỹ sẽ không đầu độc nhau qua ly rượu, hai võ sỹ sẽ tiến hành đổ ly của mình qua người kia và ngược lại. Lâu dần cái rót rượu ấy trở thành cái chạm cốc và kéo dài cho tới ngày nay. Chạm cốc thể hiện tình cảm trân trọng, chúc phúc nhau. Cốt để cho cả hai tập trung vào chuyên môn “uống” mà không xao nhãng. Và sau khi nốc cạn, cái bắt tay như một thông điệp thể hiện tình cảm gắn kết…
Về gốc tích, có lẽ cái bắt tay có từ thời con người mới biết sử dụng công cụ lao động. Theo một số tài liệu, nó ra đời từ thời đồ đá, khi con người sử dụng đá, gậy để làm vũ khí để săn hái. Khi họ gặp nhau, để chứng minh mình không cầm vũ khí, không gây nguy hiểm cho đối phương thì phải giơ tay bàn tay ra…Theo kinh nghiệm của người viết bài này, tiếp khách trên bàn nhậu và bắt tay chuyên nghiệp nhất có lẽ là bộ đội. Mỗi lần được làm khách ở các đồn biên phòng dọc biên giới. Các anh bộ đội thường chia nhau để “tác chiến”. Cứ hết người này đến người kia, thay nhau “vùi” khách bằng cách mời uống, chúc sức khỏe. Khi khách lọt vào “vòng vây” này thì khó lòng mà cầm được đũa. Vừa bỏ ly xuống định gắp miếng mồi thì có người khác tới. Sau đôi lời phi lộ, giới thiệu tên tuổi, chức vụ, quê quán. Cuối cùng “chốt hạ” bằng cách: trân trọng kính bác/chú/anh một ly. Sau một tiếng khà mà “khổ chủ” quên bắt tay thì vẫn chưa chịu về vị trí cũ. Phải nắm chặt tay nhau, rẫy rẫy mới hoàn thành nhiệm vụ.
Ngại nhất mỗi lần “gửi tình yêu vào đất”, khi rượu đã ngây, ở cái chốn chật chội và mất vệ sinh ấy cũng có người chìa tay ra để bắt. Như kiểu vừa giải tỏa được một nỗi buồn và hứa hẹn quyết tâm hướng đến cuộc vui.
Thường thì mỗi lần trải qua một cuộc tiếp khách hay một cuộc nhậu với số lượng người lớn. Sáng mai thức dậy, ngoài việc miệng đắng, đau đầu còn kèm thêm chứng “đau nhức cánh tay’. Thì ra đêm qua cánh tay ấy phải nắm và lắc lắc, giật giật đến vài chục lần.
Những người có dấu hiệu đau tay theo kiểu đó, chắc có lẽ là người Quảng Trị?