Gọi nó là nỗi đau chiến tranh cũng đúng mà nghị lực phi thường của con người vượt qua chiến tranh cũng xong.
Sáng đầu đông năm 2019, chúng tôi đã gặp nhau. Cầm trên tay cuốn sách ảnh “Biến bãi chiến trường xưa thành vườn cây trái ở Việt Nam”. Tôi đùa với Phan Tân Lâm, rằng “khi người viết bí bách thì sách ảnh là một lựa chọn. Chỉ viết đôi dòng chú thích kèm với bức ảnh là thông điệp có thể đến với bạn đọc”. Anh cười hồn hậu: “Ừ đúng rồi, đúng rồi, mình không viết được dài nữa nên viết ngắn có kèm ảnh”. Nói đùa với anh chỉ để xua đi cái lạnh đầu đông, cũng để vơi bớt sự ám ảnh trong 158 trang sách ảnh khiến người ta phải khóc thêm lần nữa.
Gọi nó là nỗi đau chiến tranh cũng đúng mà nghị lực phi thường của con người vượt qua chiến tranh cũng xong. Đó là ý chủ quan của người viết bài này. Tôi nghĩ rằng, và thực chất nó thế. Đây là nụ cười sau chiến tranh. Dù bom đạn có cày nát (kể cả cơ thể) thì nạn nhân của chiến tranh trong bộ sách ảnh của Phan Tân Lâm và Heidi Kühn vẫn mỉm cười (với số phận mình) và khóc bởi những giọt nước mắt trong trẻo (khi nhìn vào thân phận người khác).
Trên tất cả vẫn là tính nhân văn, khi anh khéo sắp đặt những số phận người, những mất mát con người, với máu xương, những bộ phận trên cơ thể mình. Đôi lúc sự tình cờ gặp hai người mất hai bộ phận cơ thể khác nhau (chân, tay) trong cùng một độ tuổi 18 và ngày gặp lại cũng là lúc nhân vật trong câu chuyện đó đã ra đi về cõi vĩnh hằng.
Có bấy nhiêu thôi, trằn đi trở lại suốt 158 trang sách ảnh, chưa vội đọc câu chuyện, hình ảnh buộc người xem dán mắt vào chẳng rời. Và lẽ dĩ nhiên người cầm sách sẽ cay mắt. Và nước mắt sẽ chảy khi tìm đến câu chuyện.
Đây là lần tái bản thứ nhất bộ sách này. Đã có bổ sung thêm những câu chuyện. Như sự sắp đặt của số phận, trong những lần lang thang khắp hang cùng ngỏ hẹp, ống kính của Phan Tân Lâm đã bắt gặp những nỗi đau, những mảnh đời như thế. Hay nói đúng hơn, những nạn nhân của chiến tranh, những người yếu thế trong hầu hết mảnh đất đạn bom của Quảng Trị này đã thuộc về Phan Tân Lâm khi chính những bức hình qua ống kính của anh khiến người xem nhận ra ngay tác giả của nó. Và chính anh là người đã giúp họ nở nụ cười, truyền thêm cho họ sức mạnh. Đó là mảnh vườn hoa trái trong tâm hồn của những người đã và đang chịu rất nhiều nỗi đau từ chiến tranh.
Với Turning MINES TO VINES in VIETNAM (tên tiếng Anh của cuốn sách), đó có thể là “Giấc mơ ngư phủ” của người đàn ông bị mất một chân vào một buổi chiều bên bờ biển; là bước chân nặng nhọc của một thanh niên đi thăm mộ hai đứa em cùng bị tai nạn bom mìn; là nỗi lo của người bố sau này không biết lấy ai dẫn lối cho con và nỗi lòng của một người chồng, dù làm việc chăm chỉ nhưng tiền công chỉ bằng một nửa so với người có đủ hai tay; là tâm sự của một ông già 73 tuổi với hơn 30 năm mưu sinh bằng công việc rà tìm phế liệu chiến tranh “Tôi già rồi nên chỉ đi cách nhà vài cây số, vì lỡ có chuyện gì để vợ và con còn biết mà đưa về…”.
Đó còn là câu chuyện về đám cưới không thành và khát vọng hạnh phúc của chàng trai bị mất hai chân và một bàn tay… Và nói như một nhân vật suốt hơn 40 năm trên đôi chân giả: “Dù cuộc đời có thế nào đi nữa thì con người ta ai cũng muốn được SỐNG”…
Đó là tâm sự của tác giả về cuốn sách ảnh với mong muốn góp phần thức tỉnh mọi người trước hiểm họa bom mìn và cùng chia sẻ, yêu thương. Đó cũng là triết lý hành động nhằm hướng tới xây dựng một thế giới an toàn hơn, không còn nạn nhân bom mìn, một thế giới hòa bình, hữu nghị và tình người.