Đạo đức kinh doanh, nhìn từ một dịch bệnh

Hoài Nam |

Hành động “chặt chém”, tăng giá đối với các sản phẩm được sử dụng để phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra của một số nhà thuốc trong cả nước đã được cơ quan chức năng xử lí kịp thời, nghiêm khắc. Tuy nhiên, trong khi cả xã hội gồng mình phòng chống dịch bệnh, việc một số cửa hàng thuốc lợi dụng tình hình để “đục nước béo cò”, ra sức chặt chém người tiêu dùng bằng cách tăng giá mặt hàng khẩu trang từ 20%-50% so với giá bán thông thường ngoài việc thể hiện sự vô trách nhiệm, thờ ơ trước nỗi lo lắng của người dân còn vi phạm đạo đức kinh doanh. Việc làm này khiến dư luận rất bức xúc.

Khi Tết Nguyên đán còn chưa qua, người dân trên địa bàn thành phố Đông Hà đã nháo nhào đổ ra các tiệm thuốc tây để mua khẩu trang phòng chống dịch bệnh nCoV. Nhiều người không chỉ mua đủ dùng mà còn tích trữ và đóng hàng gửi ra nước ngoài khiến cung không đủ cầu dù giá cao ngất ngưỡng so với ngày thường. Một số tiệm thuốc tây trên đường Lê Lợi thậm chí không đủ sức để trả lời nhiều lượt khách hàng đến hỏi mua trong ngày khi đã hết hàng nên treo biển ở ngoài, ghi rõ thời điểm hết khẩu trang và thời điểm bán lại khẩu trang. Trên thực tế, việc đeo khẩu trang chỉ là một trong những biện pháp phòng dịch nhưng với nhiều người, nó như là một “cứu cánh” trong muôn nỗi lo khi chưa biết phải làm gì hơn.

Dịch bệnh lan nhanh, bên cạnh thông tin chính thống thì có vô số những thông tin đồn thổi khác nhau. Nỗi lo vì thế cũng tăng nhanh. Có thời điểm, người dân ở thị trấn Hồ Xá và Cửa Tùng rộ lên tin đồn về việc có vợ chồng cùng đi xuất khẩu lao động ở Trung Quốc về, bị sốt và đến trung tâm y tế để kiểm tra nhưng sau đó khi chưa có kết luận của bác sĩ thì đã bỏ đi du lịch ở phía Bắc. Từ thông tin trên, nhiều người cho rằng dịch bệnh chắc chắn đã lây lan trong cộng đồng và chỉ chờ dịp phát tán. Vì thế, bên cạnh việc mua khẩu trang, mọi người còn tích trữ lương thực, thực phẩm và cứ lan truyền nhau về nỗi lo do đồn đoán.

Trước việc một số nhà thuốc tăng giá bán khẩu trang từng giờ, từng ngày, có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Một số ý kiến cho rằng, việc nhà thuốc tăng giá bán quá cao là không chấp nhận được nhưng vào thời điểm dịch bệnh đang lây lan trong cộng đồng thì việc đeo khẩu trang như một biện pháp hữu hiệu để người dân tự bảo vệ bản thân, vì thế dẫu đắt cũng phải mua. Ý kiến khác thì cho rằng các chủ cửa hiệu thuốc là những người kinh doanh buôn bán nên việc họ chớp thời cơ kinh doanh không có gì sai. Tuy nhiên, việc chớp thời cơ kinh doanh không có nghĩa là vi phạm đạo đức kinh doanh. Người bán thuốc, ngoài mục đích kinh doanh còn có mục đích khác cao cả hơn, đó là góp phần bảo vệ sức khỏe cho con người, không thể vì lợi nhuận mà bất chấp đạo đức của người kinh doanh và đạo lí “tương thân tương ái” của dân tộc. Nếu soi mình vào các tấm gương sẵn sàng hi sinh tính mạng để bước vào vùng dịch, mang lại cơ hội sống cho biết bao bệnh nhân của các y bác sĩ ở vùng tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc); hành động phát khẩu trang miễn phí của nhiều cửa hiệu thuốc hoặc cá nhân trong cả nước... hẳn ai đó sẽ thấy xấu hổ khi bản thân chỉ biết đặt lợi ích cá nhân lên trên hết. Ở đây chưa cần bàn đến hai chữ miễn phí, chỉ cần các cửa hàng bán thuốc cung cấp đủ và bán đúng giá cho người dân cũng đã thể hiện đạo đức của người kinh doanh. Khi hành động chặt chém của một số cửa hàng bị phát hiện, lên án thì lại xuất hiện một hình ảnh thể hiện sự thờ ơ, vô cảm khác. Đó là một số tiệm bán thuốc tây treo biển báo “không bán khẩu trang, đừng hỏi”. Hành vi này cũng bị dư luận lên án.

Theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cơ quan chức năng sẽ rút giấy phép kinh doanh của các nhà thuốc tăng giá bán khẩu trang. Người dân phát hiện nhà thuốc nào tăng giá khẩu trang thì thông tin ngay cho Quản lí thị trường để xử lí. Khi có bằng chứng, hình ảnh bất kì cửa hiệu thuốc tăng giá bán, không cần thanh tra xuống làm việc, Bộ Y tế rút giấy phép ngay lập tức cửa hiệu đó vì đây là vấn đề kỉ cương và đạo đức. Những động thái trên đã kịp thời ổn định tình hình, giảm phần nào nỗi lo cho người dân trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

“Chống dịch như chống giặc”, tinh thần này cần phải được lan tỏa sâu rộng hơn nữa trong cộng đồng. Bởi lẽ, phòng chống dịch bệnh, ngoài các biện pháp chuyên môn của ngành Y tế còn cần đến sự đoàn kết, tương thân tương ái và chia sẻ của cộng đồng. Việc một số cá nhân lợi dụng trục lợi trong hoàn cảnh dịch bệnh dù với bất cứ lí do gì đều vô nhân đạo. Vì vậy, ngoài việc phạt tiền nên có chế tài về mặt pháp luật để các hành vi tương tự không tiếp diễn lần sau. Đây là điều cần thiết vì lâu nay, mỗi lần có dịch bệnh hay thiên tai là có hiện tượng lợi dụng tình hình khó khăn của người dân để tăng giá đối với các mặt hàng liên quan. Bên cạnh đó, người dân cần bình tĩnh, chọn lọc các kênh thông tin chính thống để cập nhật tình hình dịch bệnh, không nên quá hoang mang, lo lắng sẽ ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo nói chung của các cơ quan chức năng mà bản thân cũng không sáng suốt, chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Lòng Chế Lan Viên "từ độ ai qua"?

TUY HÒA |

 Năm 2020, người yêu thơ không thể không nhớ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chế Lan Viên (1920-1989)

Tết về trên đôi triêng gióng

Diệu Ái |

Hình ảnh những mệ, những mạ rảo bước gánh triêng ra chợ vào sớm mai giáp Tết là khoảnh khắc anh ghim vào lòng trong gần hai chục năm xa xứ. Lần khần, anh hỏi ở quê nhà, nay còn hình ảnh đó không?

Mùa xuân đi tìm cỏ

Yên Mã Sơn |

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu, bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: cỏ quê mình thưa dần theo từng tiếng chuông trâu. Nỗi sợ hãi về một ngày kia ở quanh sân nhà không còn thấy cỏ cứ bám lấy mình. Đó là nỗi lo bao đồng chăng? Con người hiện đại đang xa dần thiên nhiên. Mà cỏ lá là một đại diện sáng giá?

Bảy câu nói giúp trẻ nhút nhát trở nên tự tin

BTV |

"Bạn của con sẽ ở đó”, “Con có muốn nắm tay bố/mẹ không?” là câu nói giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn khi tham gia hoạt động xã hội.

Phụ huynh thường hy vọng con phát triển các kỹ năng xã hội, trở nên tự tin, bạo dạn, nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có thể vượt qua nỗi sợ của bản thân. Motherly – trang chuyên về giáo dục con – khuyên cha mẹ đưa ra 7 câu nói để giúp trẻ.