Cũng như người dân ở các địa phương khác, mỗi khi tết đến, xuân về, người Quảng Trị có thú chơi hoa và cây cảnh.
Vài năm trở lại đây, bên cạnh sắc mai vàng truyền thống, hoa hồng ngoại và hoa lan là những loại hoa được nhiều người Quảng Trị yêu thích, dùng để chưng trong ngày đầu năm mới.
Ở thôn Bảng Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, người dân có thú chơi hoa mai từ lâu đời. Tại đây có nhiều cây mai tuổi thọ lên đến hơn 50 năm, gắn liền với cả một đời người. Chúng tôi tìm đến vườn mai của ông Trần Trung - người chơi mai có tiếng ở vùng Cùa. Trong khu vườn rộng 2.000 m2 của mình, ông trồng đến hơn 10 cây mai với những hình dáng, chiều cao, độ tuổi khác nhau mà nổi bật nhất là cây mai cổ được trồng từ năm 1978, nay đã hơn 50 tuổi. Cây cao tầm 4 mét, rễ lớn, cành tỏa đều bốn phía chi chít những nụ và hoa, vàng rực một góc sân. Dẫn chúng tôi đến xem “người bạn” của mình, ông Trung cho biết mai có nhiều loại khác nhau nhưng chủ yếu được phân biệt bằng lá và cánh hoa. Cây có lá to sẽ cho ra bông hoa có kích thước lớn và ngược lại. Trồng mai không khó nhưng để cây phát triển khỏe mạnh, có thế đẹp và ra hoa nhiều vào đúng dịp tết thì người trồng phải biết canh chừng thời gian.Ông chia sẻ: “Trẩy lá đóng vai trò quan trọng quyết định thời điểm hoa có ra đúng dịp tết hay không. Ví dụ với cây mai được trẩy lá 2 lần/ năm thì thời điểm trẩy lá cách tết khoảng 60 ngày, còn với những cây mai được trẩy lá 1 lần/năm thì thời điểm trẩy lá sẽ cách tết khoảng 45 ngày (vào rằm tháng 10). Khi được chăm sóc cẩn thận và đúng cách, cây mai có thể sống đến 100 năm và hơn thế nữa. Chăm mai cần đặc biệt chú trọng đến khâu bắt sâu ăn lá, phun thuốc và bón phân thường xuyên để cây xanh tươi và cho nhiều hoa”. Ông Trung cho hay, tùy vào sở thích của mỗi người chơi mà cây mai sẽ có những dáng riêng. Muốn cây mai có được hình dáng đẹp thì vào độ cuối hè hoặc cuối tháng 7, là thời điểm thích hợp nhất để uốn cành cho cây, bởi lúc này cây phát triển mạnh nhất, thường đâm chồi non. Cây mai nhà ông Trung năm nào cũng cho ra nhiều hoa, kích thước bông hoa lớn. Ông Trung có thú chơi hoa mai từ những ngày còn trẻ và mãi đến tận bây giờ, ở tuổi xế chiều, ông cùng vài người bạn cùng làng vẫn giữ thú vui tao nhã ấy để rồi lan truyền tình yêu hoa đến các thế hệ trẻ trong vùng.
Bên cạnh thú chơi mai ngày tết, vài năm trở lại đây, người Quảng Trị còn có thú trồng hoa hồng, hoa lan chưng vào dịp đầu năm mới. Trước đây, hoa hồng chỉ được nhập về từ nhiều nơi khác nhau để chưng bình trong những ngày tết nhưng hiện nay, nhiều gia đình tại Quảng Trị đã trồng hẳn một vườn hoa hồng để vừa làm đẹp cho khuôn viên nhà, vừa cung cấp cho thị trường. Một số người chọn chơi hoa hồng bởi hoa có màu sắc đẹp, hương thơm lâu, có độ bền và lặp hoa nhanh. “Hoa hồng là loại hoa phù hợp với mọi lứa tuổi, tầng lớp trong xã hội, vừa có nét sang trọng lại vừa bình dân”, đó là những lời chia sẻ của anh Trương Tuấn Thành (sinh năm 1981) - một người có niềm đam mê với thú chơi hoa hồng tại Khu phố 1, phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà. Anh Thành cho biết mình bắt đầu chơi hoa hồng cách đây 3 năm. Vườn hoa của gia đình anh Thành có đến hơn 100 loại hoa hồng từ hoa hồng ngoại đến hoa hồng nội như hoa hồng triệu đô Juliet, Janna Green, Abracadabra (hồng phù thủy), Lavitta Cotta, Red eden, hồng cổ Sapa, hồng cổ Hải Phòng, hồng đào cổ… Anh cho biết, với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai và khí hậu của Quảng Trị, các giống hoa hồng nội dễ phát triển hơn hoa hồng ngoại. Tuy nhiên một số loại hoa vẫn tồn tại và có sức sống rất mãnh liệt như hoa hồng xanh Janna Green. Muốn cây cho hoa đều và đẹp cần phải chú ý đến nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là chọn giống, tạo giá thể đất và phòng sâu bệnh cho hoa. Giá thể cho hoa hồng phải tơi xốp, thoát nước tốt được anh làm theo công thức 40% đất, 30% trấu, xơ dừa và 30% phân hữu cơ.Với kinh nghiệm chơi hoa hồng của mình, anh Thành cho biết: “Muốn hoa hồng ra hoa đều và đẹp vào dịp tết, người trồng hoa trước hết phải hiểu được những đặc điểm của từng loại hoa, ví dụ như hoa hồng cổ Sapa có độ lặp hoa 35 ngày, hoa hồng đào cổ có độ lặp hoa là 22 ngày. Căn cứ thêm vào tình hình thời tiết, nếu thời tiết lạnh người trồng hoa sẽ cắt lá, tỉa cành muộn và ngược lại nếu thời tiết nắng ấm kéo dài; sau đó bón phân, tưới nước cho hoa. Phải có một lưu ý nhỏ rằng hoa hồng ưa nắng, nếu không có nắng hoa sẽ không thể ra hoa đều và đẹp được”. Vườn hoa của anh Thành được rất nhiều người, đặc biệt là người yêu hoa trong tỉnh biết đến. Ngoài việc trồng hoa để chưng và cung cấp cho thị trường, anh Thành còn thường xuyên dành tặng bạn bè, người thân những chậu hồng do chính tay anh trồng và chăm sóc. Với anh, trồng hoa hồng là một nghệ thuật và người trồng hoa là một nghệ sĩ đầy khéo léo và tỉ mỉ.
Cũng như hoa hồng, hoa lan là loại hoa được nhiều người lựa chọn chưng tết trong những năm trở lại đây. Gặp anh Phùng Đình Đức (sinh năm 1990) - một thành viên của CLB hoa lan tại Cam Lộ - cũng là chủ nhân của một vườn hoa lan với hơn 50 cây lan các loại. Anh Đức cho hay thú chơi hoa lan ngày tết trở nên phổ biến cách đây 3 năm, trong đó nhiều nhất vẫn là các loại hoa như Nghinh Xuân, Phi Điệp, Kiều Trắng… Với kinh nghiệm của một người chơi lan khá lâu năm, theo anh Đức, việc chăm sóc lan rất công phu, vì lan là loại cây thích sạch sẽ, cây lan đưa trên rừng về phải rửa sạch, sát khuẩn, diệt nấm, xử lí đất trồng. Điều kiện môi trường sống cho lan là quan trọng nhất. Cây lan đẹp không chỉ cho nhiều hoa, hương thơm mà phải khỏe từ thân cây, xanh tươi về bộ lá và không sâu bệnh. Để có được những giò lan nở đúng vào dịp tết, điều quan trọng là người trồng phải thường xuyên chăm sóc và tạo độ ẩm vườn, độ ẩm chậu cho lan để cây sinh trưởng, phát triển, cho hoa đúng ý muốn của mình. Cây lan là loại cây ưa nắng, dưới ánh nắng mặt trời, hoa sẽ nở nhanh hơn.
Vài năm trở lại đây, thú chơi hoa của người Quảng Trị ngày càng phong phú, đa dang. Trong không khí của những ngày đầu năm mới, các loại hoa đua nhau khoe sắc khiến tết trở nên đầy màu sắc và hương thơm. Thú chơi hoa ngày tết không còn là sở thích riêng của những người yêu hoa nữa mà đã trở thành thú vui chung của tất cả mọi người.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)