Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Trần Tuyết Thanh |

Hơn hai tháng nay vì dịch COVID- 19, cùng với các chốt kiểm soát khác của lực lượng bộ đội biên phòng, các chốt phòng dịch COVID- 19 thuộc đồn biên phòng Hướng Phùng (Hướng Hoá, Quảng Trị) đã thường trực 24/24, bám sát địa bàn không hề ngơi nghỉ.

 

Nơi đặt chốt của các tổ công tác mà chúng tôi đến thăm là tuyến biên giới tiếp giáp với tỉnh Savannakhet, nước CHDCND Lào. Khu vực này gần cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, địa hình vùng biên rất phức tạp, đường mòn lối mở nhiều nên công việc của các anh vô cùng vất vả. Ngày cũng như đêm, các anh thay phiên nhau tuần tra, kiểm soát suốt dọc tuyến đường biên giới, góp phần làm tấm lá chắn vững chắc, kịp thời phát hiện và ngăn chặn người lao động Việt Nam, cả người lao động Lào lợi dụng vượt biên trái phép. Các anh luôn lo lắng rằng nếu chẳng may sơ suất, trong số ấy có người mang mầm bệnh về Việt Nam thì hậu quả sẽ không lường hết được. Khoác trên vai chiếc áo màu xanh biên cương, các anh đã quá quen với việc chủ động làm việc cũng như sinh hoạt nơi vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc. Những đêm sương lạnh giá, những đoạn rừng quạnh vắng mà muôn mối hiểm nguy có thể rình rập bất cứ lúc nào. Bao nhiêu khó khăn đã qua và bao nhiêu khó khăn đang chực chờ phía trước cũng không hề làm các anh nao núng. Với các anh, bảo vệ bình yên của Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả, là món quà tri ân của các anh kính dâng lên bao lớp cha anh đã ngã xuống để giành độc lập cho đất nước này.

 

Chúng tôi bước vào chiếc lều bạt nhỏ được sử dụng làm chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID- 19 của các anh, đơn giản mà rất gọn gàng, sạch sẽ dù không hề có bàn tay phụ nữ. Áp dụng đúng phương châm "bốn tại chỗ" của lực lượng vũ trang trong trận chiến, các anh đã tranh thủ đóng ghép từ tre nứa trong rừng thành bộ bàn ghế ăn, những bộ bàn ghế mà theo chúng tôi, chỉ cần ít thời gian để đóng, nhưng lại cần rất nhiều thời gian để giữ gìn. Không gian sinh hoạt của các anh là cái bếp được kê vội trên 3 hòn đá, là những bon nước sinh hoạt phải đi cả cây số đường rừng mới có được. Trong lều, còn có một số thức ăn là những bó rau, quả mướp, chục trứng gà, gói muối, cả những quả ổi vườn trông rất ngon mắt. Các anh bảo đấy là quà bà con từ các thôn Hướng Hải, Cợp, Mã - Lai - pun,.. mang đến ủng hộ cán bộ chiến sĩ, mong các anh có đủ sức khỏe để chống giặc COVID. Trong những ngày cả thế giới đang gồng mình chống dịch, những người lính cụ Hồ vẫn rất ấm lòng vì mồ hôi, nước mắt, có khi cả xương máu của họ đã được nhân dân ghi nhận.  Đồng bào ở đây là vùng sâu, vùng xa khó khăn nên không chia sớt cùng các anh được nhiều. Quà họ mang đến các anh chỉ là những thức có trong vườn, là gói muối vừa mua ở chợ về đã san đôi, chia bộ đội một nửa. Những bữa ăn đơn giản hàng ngày của các anh nhờ đó mà thêm ngọt tình quân dân, trọn nghĩa đồng bào cho dù không phải là sơn hào hải vị.

Bận rộn, vất vả với công việc tuần tra biên giới là thế, các anh vẫn tranh thủ tuyên truyền về sự nguy hiểm của đại dịch và cách phòng chống COVID- 19 đến bà con, chia sẻ đến mọi người từng chiếc khẩu trang nhỏ, hướng dẫn từng biện pháp phòng tránh. Nhờ mối tình cảm keo sơn gắn bó giữa đồn với đồng bào đã có từ lâu, nên những lời tuyên truyền, vận động của các anh đều được bà con đón nhận. Họ tin tưởng ở những người lính cụ Hồ, tin tưởng những người con, người anh, người em đã cùng uống chung một nguồn nước với họ. Như những thân cây vươn thẳng trong

 

Khi chúng tôi cùng các anh đến thăm và động viên mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Miệt ở thôn Mã Lai pun, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) . Nụ cười móm mém của mẹ rạng rỡ hẳn lên khi vừa nghe tiếng chào từ đầu ngõ. Trong đôi mắt ấy ánh lên niềm vui, niềm hạnh phúc mà những người lính mang quân hàm xanh đều biết rất rõ, ấy là niềm hạnh phúc của người mẹ trông đợi những đứa con thơ trở về nhà. Tuần nào các anh cũng thay phiên nhau đến thăm sức khỏe mẹ, kể cho mẹ nghe chuyện ở đồn, chuyện ở nhà, mang đến mẹ chút quà nhỏ các anh cùng đóng góp. Đến với mẹ, các anh như được trở về ngôi nhà thân yêu của mình. Các anh dọn dẹp, nấu cơm và ăn cùng mẹ. Ngồi bên mẹ, nghe mẹ kể chuyện ngày xưa cha đi đánh giặc, chuyện mẹ giấu gạo mang cho bộ đội ở trong rừng. Đôi khi nhờ mẹ, các anh có thêm nhiều sự lựa chọn tốt cho nghiệp vụ công tác của mình. Nhờ mẹ, các anh hiểu hơn công việc mình đang làm, yêu hơn vùng rừng núi xa xôi nơi biên giới.

 

  Không chỉ thế, các anh ở đồn biên phòng Hướng Phùng còn nhận chăm sóc hai em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn theo mô hình "Con nuôi biên phòng". Em Hồ Văn Sử, hiện đang học lớp 2, ở với mẹ, gia đình rất khó khăn. Em Hồ Thị Mai đang học lớp 7 đang ở với ông bà. Mẹ em bỏ đi từ khi em còn nhỏ, ba lấy vợ khác, Mai đã nhiều lần muốn nghỉ học vì thương ông bà già yếu, vất vả quá. Thời gian này nghỉ học do ảnh hưởng của COVID- 19, các anh lại giành thêm nhiều thời gian để kèm cặp, hướng dẫn các em học bài.

 

Chiều biên giới, trời chuyển se lạnh, chúng tôi chia tay các anh để trở về với chăn êm nệm ấm. Nghĩ thương các anh trên các lán trại giờ này đang hì hụi chuẩn bị bữa cơm chiều cho kịp giờ tuần tra trong đêm vắng. Mong đại dịch qua nhanh, mong đất nước luôn yên bình để các anh, những người lính nơi tuyến đầu sóng gió được tranh thủ về thăm gia đình, được bồng đứa con nhỏ trên tay mà hôn hít, nựng nịu cho thỏa nỗi nhớ mong…

TAGS

Ngóng lúa trổ đòng đòng

Lê Như Tâm |

Mỗi dịp hè đưa con về thăm quê tôi thường ra cánh đồng đầu ngõ. Cánh đồng rộng lớn xa tít tắp trong ánh nắng mùa hè chỉ thấy thấp thoáng vài chấm xanh của những vườn cây của xóm trên. Gió phơn nam lùa ngang đã thấy cả cánh đồng lúa đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch rung lắc, gió lùa ngang dọc làm cả cánh đồng xôn xao thơm hương mùa lúa mới.

Con đường hạnh phúc

Minh Hà |

Đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở miền tây Quảng Trị thường có câu “có chỉ thành lối, đi thành đường...” để nói lên sức mạnh của khối óc và bàn chân đi bạt Trường Sơn biến lau lách, cây cối thành những con đường mòn. Với người dân La Heng, một thời con đường của họ nằm trên con suối, vết dấu của họ nằm trên những con nước của dòng suối La Heng.

Gặp Bùi Viết Anh qua những trang thơ

Hoàng Hải Lâm |

Tôi không mê đọc thơ. Nhưng khi bắt gặp những dòng thơ của Bùi Viết Anh tôi mới “chững” lại. Cảm giác này rất thú vị. Bỏ qua những công việc của đời thường, tôi chỉ muốn nói duy nhất về Bùi Viết Anh với thơ và thơ.

Cảm giác hạnh phúc khi đọc "Sơn Trà - rừng trong phố biển"

Quế Hương |

Lydie Vander Beeken, nhà sáng lập tổ chức Heart for primates, giới thiệu “Sơn Trà - rừng trong phố biển” với tiêu đề: “Quyển sách mang hoang dã vào phòng khách bạn”. Không chỉ là phòng khách, nó mang “hoang dã” vào tận lòng tôi, một người đàn bà sống đời chật hẹp trong bếp nhà, sau ngưỡng cửa.