Bản Khe Me, xã Linh Thượng ( nay là xã Linh Trường) huyện Gio Linh (Quảng Trị) nằm giữa một thung lũng có diện tích tương đối hẹp. Tuy ở vùng đất không được thiên nhiên ưu đãi, khô căn sỏi đá nhưng với bản tính cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, người dân Khe Me đã chung sức, đồng lòng xây dựng bản làng Khe Me ngày càng no ấm, hạnh phúc.
Chuyện xưa kể rằng
Xin được bắt đầu câu chuyện Khe Me với việc kể về một thắng cảnh đẹp hoang sơ của núi rừng, đó là hồ Khe Me.
Một ngày nắng đẹp, theo bước chân của các già làng bản Khe Me, chúng tôi đến với nguồn nước ngọt lành nơi đây. Các già làng nói rằng “Hồ Khe Me như cái bầu vú của mẹ, không thì đất cát chi cũng chết khát, cây con chi cũng chết khát” .
Có ai biết rằng dưới đáy nước thẳm xanh kia từng là nơi có một bản làng thơ mọng thấp tháng nếp nhà sàn, nhặt thưa tiếng chày giã đêm sương, tiếng đàn Ta Lư theo chân bước lên nương của đồng bào Vân Kiều. Già Làng Hồ Trung, năm nay gần 80 tuổi cho chúng tôi hay: “ bản Khe Me xưa trãi dài từ triền đồi xa xuống đến lòng hồ chưa nước. Nhiều đời cha ông trước đây chọn chỗ đất bên cạnh con suối lớn này dựng nhà, dựng bản. Vùng này ngày xưa bạt ngàn cây me, cha ông ta lấy đó đặt tên bản”…
Tạo điều kiện phát triển kinh tế cho vùng Khe Me- Sông Ngân, tỉnh Quảng Trị đầu tư xây dựng hồ một chứa nước. Sau hơn 2 năm khởi công, đến tháng 8 năm 2000, hồ chứa nước Khe Me đã hoàn thành, có sức chứa gần 500 nghìn mét khối nước phục vụ cho sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt cho bà con trong vùng. Không chỉ vậy hồ Khe Me trở thành một lá phổi điều tiết khí hậu cho con người và sinh thái nơi đây.
Ngược theo thời gian về thời xa xưa, qua một số văn bản cổ của triều đình nhà Nguyễn chúng ta được biết vùng Cù Đinh- Ba Gie- Khe Me xưa nằm trong huyện Thành Hóa, gồm 4 tổng và 9 châu. Rồi chiến tranh khói lửa xua những người dân hiền lành đi xa khỏi quê cha đất tổ và xóa đi những gì yêu quý nhất, bản Khe Me cũng vậy. Sau ngày thống nhất non sông họ dần dần tụ họp, xây dựng lại bản làng. Ở vùng đất cũ có những điều kiện sinh sống không thuận lợi nên bà con chuyển xuống cuối thung lũng để thành lập bản. Qua bao lần “vật đổi sao dời”, bản Khe Me mang định mệnh như loài cây gió giữa đại ngàn, nảy chồi, phát triển, lụi tàn và tái sinh trong một đời trầm rực rỡ. Khe Me được tái lập vào năm 2003, từ Tập đoàn sản xuất Khe Me, thuộc xã Linh Thượng ( xã Linh Trường ngày nay), huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Những ai yêu thích dòng nhạc cách mạng giai đoạn 1954 - 1975 sẽ biết bài hát “ Tiếng hát trên đường quê hương” của nhạc sỹ Huy Thục với những câu hát “ Gùi trên vai đi chiến trường/ qua Cam Lộ em về Cù Đinh/ Nơi miền quê chiến thắng còn nghe tiếng ca rộn ràng”. Vùng Cù Đinh gồm những bản như Khe Me, Ba Gie của đồng bào Vân Kiều. Trong những năm chiến tranh khói lửa, các vùng rừng núi nơi đây là tuyến đường trọng điểm tải quân lương đêm ngày. Biệt kích Mỹ từ các căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu cũng thường xuyên rình mò phục kích bộ đội, có nhiều cuộc đụng độ ác liệt đã diễn ra.
Trong những tháng ngày gian khó ấy, đồng bào Vân Kiều đã một lòng trung trinh với Bác Hồ, sẵn sàng chia sắn, sẻ ngô, tham gia tải lương gùi đạn. Dưới tán cây tràm tốt tươi một thời là những cánh rừng rậm rạp với kho tàng đạn dược, xe tăng ẩn mình chờ xung trận. Tâm sự với chúng tôi, già làng Hồ Trung tự hào về tháng ngày bi tráng ấy, già nói “ dân bản coi bộ đội như con cháu trong nhà, có hạt muối bộ đội cũng chia, có sắn có bắp thì dân bản cũng chia. Người trẻ khỏe cầm súng đi đánh đồn, người yếu hơn thì đi tải đạn”. Qua câu chuyện chúng tôi được biết, ngày ấy tập kết xe tăng, sợ địch phát hiện dân công cùi cõng từng bộ phận xe, xe phải chạy đêm dọc các con suối trong vùng.
Khe Me của ngày hôm nay
Chúng tôi đến Khe Me vào đúng mùa gặt, lúa chín vàng rộm ngoài đồng. Nước khe suối từ trên những ngọn đồi cao chảy xuống cho những cánh đồng bội thu. Thời tiết đẹp, lại ngày nghỉ học nên ngoài cánh đồng ăm ắp tiếng nói cười của trẻ em và người lớn. Người lớn thì nhanh tay gặt để lúa về nhà trước khi ánh mặt trời đổ xuống lưng áo, đám trẻ con em thì nô đùa chạy nhảy trên những thửa ruộng vừa gặt xong. Một khung cảnh yên bình đến nao lòng. Ở trong làng, cảnh nhộn nhịp bà con tuốt lúa, phơi lúa cũng diễn ra. Ông Hồ Loan, Trưởng thôn Khe Me cho biết: “Ngày trước chưa có máy tuốt thì bà con gặt và đập lúa ngoài đồng, nhưng bữa nay gặt xong đưa về nhà, vừa lấy lúa vừa lấy cây để làm rơm chăn nuôi”.
Được biết, quãng thời gian cách đây không xa, Bản Khe Me còn là khu dân cư thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhiều gia đình bà con ăn còn đứt bữa, khoai sắn thay cơm. Ngày nay, Khe Me nay đã “cởi đi chiếc áo” cũ kỹ ấy và khoác lên mình một diện mạo mới. Hơn giấc mơ có một cuộc sống đủ đầy, người dân Khe Me đã có quyền ước muốn lớn lao hơn cho tương lai đời mình. Ước mơ đó hiển hiện qua những rừng tràm trãi dài trên khắp các triền đồi, những vườn cao su đang vào mùa cho mật nhựa, những ngôi nhà được xây kiên cố trong khu vườn nhiều quả ngọt. Học sinh đã được đến trường, biết và yêu hơn bản làng mình. Ông Hồ Loan, Trưởng thôn Khe Me nói: “ Hiện nay thôn có xấp xỉ 70 hộ với 200 người. Trong thôn không có người đói nghèo nữa. Nhiều nhà đã khá giả nhờ trồng cao su, trồng rừng và phát triển chăn nuôi; có một số người mua ô tô; điện, đường, trường chi cũng có đầy đủ hết”.
Qua câu chuyện, chúng tôi cũng được biết và tự hào thêm về mảnh đất này. Nơi sinh ra những người con ưu tú như Đại biểu quốc hội Hồ Ray, Hồ Gô, đã cống hiến sức mình vì sự phát triển của miền núi Quảng Trị.
Chia tay những người dân Khe Me. Đi qua triền đồi nắng, hoa sim tím vẫn vô tư khoe sắc như không màng đến câu chuyện xưa nay của con người. Đất và người Khe Me với câu chuyện dung dị của mình như cội trầm trong rừng sâu, lặng thầm tôi luyện tinh chất, để một mai ngát hương thơm giữa trời.
(Nguồn: QRTV)