“Thức” đến “Bóng lặng cuối thềm ngày”

Minh Hà |

Lệ thường, người ta dứt tình với thơ rồi tìm đến viết văn. Hoặc giả có người ôm đồm thế! Cả làm thơ và viết văn. Số này thành công ít. Nhưng đem chữ “thành công” mà lượng hóa trên văn đàn thì thật khó khăn.

 
“Bóng lặng cuối thềm ngày” – Tập tản văn, ghi chép của Lê Như Tâm – NXB Hội Nhà văn năm 2015) 

Chí ít, người viết thành công khi đã dấn thân vào một lĩnh vực mới, gần đấy mà xa đấy, dễ đấy mà khó khăn. Khi những trang viết của họ đã đi tới người đọc, mang cho họ chút vui, vương cho họ chút buồn và ở lại trong lòng độc giả với cái tên mà trong văn chương hay gọi là “tác giả”. Lê Như Tâm thuộc dạng dùng dằng giữa thơ và văn, khi người thơ này đang nằm giữa hai nỗi đam mê mà chỉ có thể gọi đó là máu thịt. Không máu thịt làm sao ngồi mênh mông giữa đêm để làm một bài thơ nhận lấy vài đồng bạc lẻ, không máu thịt làm sao khi ngồi chong đèn hàng đêm viết một bài văn chỉ được mấy đồng nhuận bút gọi thì.

Và những trang văn anh viết đều rút ruột từ những buồn vui trong cuộc sống của chính mình. Nếu coi văn chương là cái nghiệp, thì cái nghiệp này vận vào Lê Như Tâm nặng quá rồi. Tập thơ “Thức” - tác phẩm đầu tay anh in năm 2012 do NXB Thuận Hóa ấn hành hầu hết đều mang âm hưởng buồn. Mà cái buồn trong “Thức”  rất thời đại. Giờ đến lượt văn xuôi, cái gọi là “bóng lặng cuối thềm ngày” nó vẫn mang mạch nguồn đó. Từ chuyện nước sông gạo chợ, từ chuyện đôi quang gánh hằn lên vai mạ, từ chuyện hạnh phúc vỡ tan... tôi thầm nghĩ, câu nói trong nhân gian “chớ nhìn mặt mà bắt hình dong” nếu câu nói này mang áp dụng cho Tâm thì lại bị sai vô cùng thấm thía. Nhìn mặt anh, nhìn tóc anh, nhìn điệu cười hay giọng nói. Thậm chí đôi lúc nâng chén rượu nó vẫn mang cái dáng buồn không gỡ được. Không biết điều này anh có nhận thấy không, khi từ con người buồn đã sản sinh ra những bài viết đầy ưu tư, đầy hoài niệm, đầy trăn trở và có lúc đớn đau.

Cứ như cái “viết cho ngày xa con” câu mở đầu nghe sao mà cay đắng thế “anh đã đẩy em ra cửa một chiều cuối năm trời rất lạnh...”. Đó là câu ăn năn của đàn ông hay câu kể tội của người đàn bà? Ngày cuối năm ư? Ngày cuối năm đáng người ta được quây quần bên tổ ấm, nhất là đối với đàn bà. Thì “anh” trong câu chuyện lại đẩy người đàn bà đi. Đó là bi kịch trong đời sống đấy. Tôi tin rằng người đàn ông trong câu chuyện ấy chẳng sướng sung chi. Khi cơn giận nguôi ngoai, khi ngồi lặng im ở bậc thềm nhà mà nghe con tim mình trống hoác. Thì người đàn bà trong câu chuyện đó đã bước đi xa, xa luôn cả đứa con yêu dấu khi bầu ngực đang còn căng sữa. Vẫn câu chuyện của đàn ông đàn bà, vẫn câu chuyện của đời sống thường nhật với bao vất vả lo toan của một bên là người đàn bà lao động gom góp còn người đàn ông nướng bạc vào trò đỏ đen. Lê Như Tâm đã đau nỗi đau của người khác hay anh đã tái hiện lại những kỷ niệm đời mình bằng những câu văn?

Đa số những bài viết của Lê Như Tâm trong tuyển này là bài viết ngắn, câu chuyện xảy ra với anh, bên cạnh anh và những nơi anh từng đi qua. Đó là cảm xúc của nghệ sĩ trước một “Thành phố không tiếng còi” trên đất bạn Lào, đó là nỗi lòng của con người văn chương khi nghe “Cuốc kêu đêm dài”. Cái tiếng cuốc trong chuyện của anh nghe chua xót lắm! Nhưng nó không cô đơn, vì có sự kiếm tìm, có sự nhớ mong, có sự tồn tại chuyện ái tình trong giọng nói. Và con cuốc còn có sự đồng cảm của anh. Có chăng sự cô đơn trong “Cuốc kêu đêm dài” là nỗi lòng của người viết, khi anh đã vô tình để mình lạc vào thế giới của tiếng kêu ái tình đến lúc vô vọng. Tôi đồ rằng tác giả đã rất cô đơn khi thả những con chữ này xuống trang viết và khi đọc lại nó, tiếng cuốc sẽ “rút ruột” anh bằng tiếng lòng của nó, trong chiều kích không gian dường như bất tận.

Tâm đi nhiều, viết cũng nhiều. Những câu chuyện sống dậy từ trang viết của anh nhưng lại bào tóc anh thêm bạc. Cái “Cây mồ côi” bứt mất đi của anh một niềm vui, cái “Có thể ngày mai em lại khóc” thả cho anh nỗi buồn. Và cứ thế, mỗi câu chuyện là những... nỗi buồn cóp nhặt. Cái đứa con thương cha, xót mẹ bao giờ cũng thế. Khi vết hằn trên vai mẹ qua “Gánh hàng rong” đã phai mờ mà trong lòng con vẫn còn đậm địa lắm! Khi cái tết xưa đã qua đến mấy chục năm nhưng nó vẫn còn vấn vít trong trang viết của anh. Cả cánh đồng thơm mùi rơm, cả cây phượng già, giọt mưa, con kênh hay cái sự chờ con của những người hiếm muộn cũng khiến anh trăn trở. Có lẽ vì chính điều này khiến anh tìm đến với văn xuôi chăng? Khi mà thơ không thể chứa hết những nỗi buồn, những niềm vui trong cuộc sống? Ai nghĩ về đời thực, về văn chương của Lê Như Tâm thế nào tôi không biết. Riêng tôi, tôi nhìn thấy Tâm trong chiều kích của một con sông rộng và dài. Mà anh chính là chiếc thuyền lẻ loi trên sông nước. Cứ uống rượu với anh rồi biết, cứ nghe anh nói về thơ, về cảnh sống ở đời... thôi thì cứ mặc Tâm, để cho con thuyền văn chương mang Tâm hồn cô đơn của anh đi cùng mây với nước.

TAGS

Gặp Bùi Viết Anh qua những trang thơ

Hoàng Hải Lâm |

Tôi không mê đọc thơ. Nhưng khi bắt gặp những dòng thơ của Bùi Viết Anh tôi mới “chững” lại. Cảm giác này rất thú vị. Bỏ qua những công việc của đời thường, tôi chỉ muốn nói duy nhất về Bùi Viết Anh với thơ và thơ.

Cảm giác hạnh phúc khi đọc "Sơn Trà - rừng trong phố biển"

Quế Hương |

Lydie Vander Beeken, nhà sáng lập tổ chức Heart for primates, giới thiệu “Sơn Trà - rừng trong phố biển” với tiêu đề: “Quyển sách mang hoang dã vào phòng khách bạn”. Không chỉ là phòng khách, nó mang “hoang dã” vào tận lòng tôi, một người đàn bà sống đời chật hẹp trong bếp nhà, sau ngưỡng cửa.

Phó Thủ tướng trân trọng cảm ơn Nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch

Trần Mạnh - Đình Nam |

Thay mặt Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng cám ơn Nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế.

Thương nhớ rẻo cao

Hoàng Tiến Sỹ |

Buổi chiều vùng cao sương bay như mưa bụi. Sương ùa về bất chợt, kín ngập lòng thung lũng, đồi nương, đến nỗi người phía trước cách người phía sau vài mét cũng khó nhận ra nhau. Trời xam xám màu chì, gió cài răng lược, vun vút kèm theo hơi sương. Cái lạnh như càng ngấm, càng tê tái, tôi mặc mấy lần áo mà vẫn cảm nhận được cái lạnh đến thấu xương, tê buốt như kim châm…