Buổi chiều vùng cao sương bay như mưa bụi. Sương ùa về bất chợt, kín ngập lòng thung lũng, đồi nương, đến nỗi người phía trước cách người phía sau vài mét cũng khó nhận ra nhau. Trời xam xám màu chì, gió cài răng lược, vun vút kèm theo hơi sương. Cái lạnh như càng ngấm, càng tê tái, tôi mặc mấy lần áo mà vẫn cảm nhận được cái lạnh đến thấu xương, tê buốt như kim châm…
Đêm xuống nhanh. Tôi ở lại nhà già làng của bản Kỳ Nơi. Ngôi nhà sàn của đồng bào Pa Kô lúp xúp, không gian yên lặng mênh mông như rộng hơn, núi rừng càng bao la thăm thẳm. Ánh đèn dầu run rẩy trước cơn gió lạnh, lúc tối lúc sáng như đồng lõa mang bóng đêm ùa vào ngập tràn. Mấy lần như vậy, mấy lần gần tắt, vẫn cố leo lét sáng. Văng vẳng trong đêm là tiếng côn trùng xen lẫn vài tiếng rú rít của loài thú hoang ăn đêm ở phía rừng xa vọng lại. Bản làng yên ắng khiến thời gian trôi thật chậm. Tôi ngồi cùng già làng của bản Kỳ Nơi bên bếp lửa. Ở vùng núi cao hầu như nhà ai cũng có bếp lửa đặt ở chính giữa nhà sàn vừa để nấu ăn, vừa để sưởi ấm. Đang ngồi trò chuyện với già làng thì tôi nghe có tiếng bước chân thật nhẹ lên cầu thang nhà sàn. “Cô giáo đến thăm miềng à”. “Dạ… Cháu đến thăm già làng. Tính bàn với già làng về việc vận động học sinh đi học lại. Đợt này nghỉ học kéo dài, học sinh theo cha mẹ lên nương rẫy hoặc ở nhà chơi mãi thành quen. Mình phải làm công tác vận động từ sớm và việc này phải nhờ già làng thôi…”. “Cô giáo vất vả quá. Dân bản miềng biết ơn cô giáo nhiều lắm. Rứa là tròn 10 năm cô giáo lên sống với bản miềng…”.
10 năm gắn bó với bản làng, trong ký ức cô giáo vẫn lưu giữ vẹn nguyên ngày cô đặt chân đến bản Kỳ Nơi. Đường vào các bản “biệt lập” như Ba Lin, Kỳ Nơi, A Sau… lầy lội bùn đất, lổn nhổn đá hộc, đá dăm xuyên qua rừng nguyên sinh rậm rịt, ngoằn ngoèo bám theo sườn núi, vực thẳm. Đi xe máy từ thành phố Đông Hà tờ mờ sáng đến tối mịt mới vào được đến nơi. Trên cung đường ấy, mây trắng vắt ngang cổ núi. Núi bủa vây điệp trùng, ôm ấp nhau chạy mãi... như thể cả vũ trụ này chỉ toàn là núi... Sương giá đặc quánh, tưởng như người ta có thể dùng tay vớt thành từng nắm. Núi rừng thâm u thỉnh thoảng vẫn rực lên vài bông hoa dại bên đường… Lọt thỏm trong thung lũng Ba Lin là những ngôi nhà đồng bào dân tộc Pa Kô lúp xúp nằm chênh vênh, nép sát vào đồi...
Đón chờ cô giáo là ngôi trường tạm bợ được thưng che bằng tranh tre nứa lá nằm chơ vơ trên ngọn đồi giáp ranh bản Kỳ Nơi với bản Ba Lin. Những ngày đầu, học sinh thưa vắng nên cô giáo phải nhờ già làng, trưởng bản đi cùng để đến từng nhà vận động đồng bào dân tộc Pa Kô đưa con em họ đến trường. Ngày nào cũng phải đi vận động học sinh từ sáng sớm tinh mơ, bởi đến nhà muộn là bà con mang con em họ lên rẫy. Giáo viên cắm bản nên cuộc sống luôn khó khăn thiếu thốn nhưng bù lại là tình cảm nồng ấm mà người dân bản dành cho cô giáo. Có mớ rau hái được bên suối, quả trứng gà hay gia đình có giỗ chạp đều dành phần mang biếu cô giáo. Sống trong sự đùm bọc, yêu thương của bà con đồng bào dân tộc Pa Kô nên bao nhiêu gian khó, nhọc nhằn như vơi bớt phần nào…
“Đến bây giờ em vẫn không thể tin là mình bám trụ vững vàng ở mảnh đất này đến 10 năm. Cũng từng tồn tại trong em ý nghĩ bỏ nghề nhưng rồi thương các em học sinh miền núi thiệt thòi đủ thứ, nên em tự khuyên mình cố gắng vượt qua tất cả khó khăn để bám lớp, bám trường. Niềm vui đọng lại của các thầy, cô giáo cắm bản như chúng em là nhìn thấy học sinh ra khỏi thung lũng Ba Lin để học cao hơn, vươn xa tới những chân trời tri thức mới”, cô giáo chia sẻ.
Đêm trôi qua thật chậm. Đến khi trời gần sáng, hơi lạnh yếu đi vài phần. Già làng trở dậy cho thêm mấy thanh củi, ánh lửa cháy lên bập bùng. Đứa trẻ trong nhà tỉnh dậy, giật mình ôm choàng lấy mẹ khi thấy một làn sương mỏng bay sát chỗ nằm. Người đàn bà Pa Kô lặng lẽ bắc lên bếp nồi canh nhạt được vùi cạnh bếp, ấm nước cũng được vùi vào cạnh bếp. Ngày mới bắt đầu từ gian bếp nhỏ, sương bay trắng đục, cho đến kết thúc một ngày cũng là bên bếp lửa vẫn là màn sương trắng đục. Như thể cả một vùng núi cao mãi chìm trong sương…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)