Còn đó “Vết thời gian”

Tiến Minh |

Lướt ngang “gia sản” văn chương của Lê Nguyên Hồng quả thực đáng nể. Từ năm 2004 - 2016 anh cho ra đời 2 tập thơ (Nếu một ngày kia và Dấu xưa), 2 tập ký (Một thuở đôi miền và Đất rồng sa) và 3 tập truyện ngắn (Cây dừa thiêng, Anh ở đâu và Tiếc nụ tầm xuân). Năm 2017 anh cho ra đời tập truyện ngắn “Vết thời gian” nâng tổng số đầu sách thành 8 cuốn.

Tập truyện ngắn ““Vết thời gian”” - Lê Nguyên Hồng - NXB Hội Nhà văn - 2017
Tập truyện ngắn ““Vết thời gian”” - Lê Nguyên Hồng - NXB Hội Nhà văn - 2017

Tôi chậc lưỡi, sức ở đâu mà viết được như thế. Có lẽ, đó là sự đam mê, kế đến là ý thức lao động nghiêm túc trên cánh đồng chữ nghĩa. Mà với văn chương, viết còn là cái nghiệp. Thì với Lê Nguyên Hồng “trời đày” cho cũng xứng. Anh thức trắng những đêm để cho ra đời những đầu sách nhiều thể loại mà không phải ai cũng làm được.

Tập truyện ngắn “Vết thời gian” là tác phẩm mới nhất. Hầu hết những truyện ngắn trong tuyển là những câu chuyện về gia đình. Cái tình yêu được tác giả cho là cổ tích đến những chuyện tình thời @. Càng về sau càng chớp nhoáng, ngắn ngủi, trơ trọi như cái cây tình yêu không lá. Mà tôi giỡn chơi, đó là chuyện tình không quần áo. Chừng 400 chữ cho một truyện ngắn, tưởng chừng Lê Nguyên Hồng là người mạo hiểm hoặc là cây bút đến thì cố trở mình làm mới. Nhưng đây là truyện ngắn đáng đọc nhất (Chuyện tình thời @). Kể ra tác giả rất khéo sắp đặt, khéo vẽ lên những cô gái tuổi xì - tin tại một tiệm nail với những toan tính cho cuộc tình vụng trộm ở nhà nghỉ, khách sạn... với những người đàn ông, với những đứa con trai chưa hẳn là của đời mình. Với truyện ngắn này, Lê Nguyên Hồng thực sự đã chịu khó lắng nghe cuộc sống trong tâm thế của một người đang bị “ngộp thở” trước lối sống của một bộ phận nữ sinh thời đại @.

Nếu tập hợp những truyện ngắn viết về tình yêu, về đời sống gia đình trong “Vết thời gian” có thể kể đến: Tiếng gọi từ điện thoại người chết, Những bất ngờ thú vị, Tại con chó, Cổ tích thời nay, Mãi vui cháy nhà, Chuyện tình thời @. Nếu gọi đây là cây tình yêu thì nó được mọc trên một vùng đất nghèo khắc khổ và cái sự khát khao về vật chất và đời sống tinh thần trở nên một khát vọng quá mong manh. Đôi lúc phải trả giá, vợ chồng phải li hôn giả để vợ đi... “làm tiền” trả nợ (truyện Cổ tích thời nay). Thông thường, việc li hôn với người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng là điều khá nặng nề. Nhưng với “Cổ tích thời nay”, Lê Nguyên Hồng đã vẽ lên một bức tranh của đời sống vợ chồng kiểu như gia đình “Tây” giữa đất “Việt”. Tôi nói ấy vậy bởi vô vàn lý do không thuộc phạm trù “cảm thông” giữa họ. Mà ở đây, một mối quan hệ không được xây dựng bằng tình yêu thiêng liêng thì kết thúc nó cũng chỉ là sự hờ hững, là sự toan tính đến khốn cùng khi người chồng chấp nhận cho vợ đi làm đĩ! Với “Cổ tích thời nay”, tôi thấy Lê Nguyên Hồng “khá ngộ”. Nếu xem truyện ngắn này là bức tranh gia đình hiện đại với những “hy sinh” đến “tận cùng” như tác giả đã vệt nên thì quả hết sức đau lòng.

Trong “Vết thời gian” có thể gọi là mỗi nhà mỗi cảnh. Chuyện tình yêu của Vĩnh, chàng trai Hà Nội và Linh, cô gái Quảng Trị trong truyện ngắn “Những bất ngờ thú vị” là một mùa xuân đầy ước hẹn. Tình yêu của họ như đồng lúa đang kỳ trổ bông. Chuyện tình cảm của người vợ (Tiếng gọi từ điện thoại người chết) là một truyện ngắn xúc động. Người chồng chết trong một tai nạn giao thông thì với người vợ, anh ta đã không chết trong trái tim mình, người chồng vẫn tồn tại bằng tình yêu của người vợ. Chi tiết người vợ gọi vào điện thoại chồng khi anh ta đã chết là hành động cho thấy sự cảm thông nhưng lại vừa đớn đau của tác giả với tình yêu của người đàn bà.

Trong truyện ngắn của Lê Nguyên Hồng hầu như không có gì gọi là “nhân quả”. Lương duyên do con người tạo dựng. Và cũng vì thể nó không theo một trật tự nào và khó đoán định được. Ví như mối tình giữa Toàn, một tài xế và Trinh, giáo viên dạy văn. Hai người họ có một khởi đầu tốt, một trung đoạn tưởng chừng đẹp đẽ nhưng lại bị phá vỡ bởi quan hệ ngoài hôn nhân của Trinh với đồng nghiệp. Và nữa, thông thường như thế nó đã “nổ tanh bành” vì “quả bom tình cảm”. Nhưng họ vẫn sống với nhau, kèm vết thương lòng không thể nào hàn gắn được. Hay như trong “Mãi vui cháy nhà” đôi vợ chồng buôn thịt lợn và có chung sở thích đánh bạc. Lê Nguyên Hồng đã tạo nên những cặp đôi hoàn cảnh, tưởng như chơi nhưng hóa ra thật với bộn bề điều cảnh báo với những đổi thay, sự mất dần đi những giá trị thiêng liêng trong đời sống gia đình.

“Chuyện chiến trường” là câu chuyện viết về người lính giữa hai thời đại. Và ở đâu, phẩm chất của người lính Cụ Hồ cũng được Đại đội trưởng Lê Xuân Lực gìn giữ và phát huy. “Nỗi buồn dòng sông” là một truyện ngắn “biệt lập” so với 12 truyện ngắn còn lại trong tuyển. “Nỗi buồn dòng sông” là tổ khúc của những con sông khi lặng lẽ chảy hết mình. Với truyện ngắn này tôi thấy tác giả như cố tình tách thiên nhiên ra khỏi con người. Vì với thiên nhiên, con người đã có những hành xử rất bạc bẽo. “Chuyện thời xưa” và “Khổ thân rồi nhồng ơi” là hai truyện ngắn lịch sử với lũ tham quan, bọn nịnh thần... bị trừng trị đích đáng. “Vết thời gian” là niềm hoài cổ, nuối tiếc của của nhân vật chính trong truyện - ông Viễn trước cuộc đời mình, trước thời cuộc. “Hoàn lương” hay theo cách gọi của tác giả nó là cái “Hội bạn tù”, những con người từng lầm lỗi như Thất, Bá, Đĩnh... trở về hoàn lương với những việc làm thiết thực và ý nghĩa đối với gia đình và cộng đồng.

Với “Vết thời gian”, Lê Nguyên Hồng đã đem đến cho người đọc những nỗi buồn, niềm vui rất thường nhật. Nhưng cái đọng lại cuối cùng là tình người của nhân vật, mà đó là hàm ý của tác giả. Thấy vui khi chất keo này kết nối được với người đọc.

TAGS

Gánh mì sáng

Lê Như Tâm |

Xóm Đồng gần kênh thuỷ lợi, lại nằm giữa thành phố và nông thôn, phía trên là phố thị điện đường sáng trưng, nhưng phía trước mặt là con đường đỏ, mùa nắng bụi đỏ bay mù, trời mưa đặc quánh một màu lầy lội, đêm nhìn cánh đồng trải rộng chạy dài về phía sông tối mịt.

Bolero của bố

Bấc |

Sáng, cánh cửa phòng được mở, hơi lạnh từ ngoài ùa vào cùng với tiếng hát từ chiếc ti vi bật ra, tôi biết đấy là bolero của bố. Mỗi bản nhạc là một nỗi đau, gộp chung lại thành những nỗi đau lạc vỡ.

Ngóng lúa trổ đòng đòng

Lê Như Tâm |

Mỗi dịp hè đưa con về thăm quê tôi thường ra cánh đồng đầu ngõ. Cánh đồng rộng lớn xa tít tắp trong ánh nắng mùa hè chỉ thấy thấp thoáng vài chấm xanh của những vườn cây của xóm trên. Gió phơn nam lùa ngang đã thấy cả cánh đồng lúa đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch rung lắc, gió lùa ngang dọc làm cả cánh đồng xôn xao thơm hương mùa lúa mới.

Con đường hạnh phúc

Minh Hà |

Đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở miền tây Quảng Trị thường có câu “có chỉ thành lối, đi thành đường...” để nói lên sức mạnh của khối óc và bàn chân đi bạt Trường Sơn biến lau lách, cây cối thành những con đường mòn. Với người dân La Heng, một thời con đường của họ nằm trên con suối, vết dấu của họ nằm trên những con nước của dòng suối La Heng.