Xóm Đồng gần kênh thuỷ lợi, lại nằm giữa thành phố và nông thôn, phía trên là phố thị điện đường sáng trưng, nhưng phía trước mặt là con đường đỏ, mùa nắng bụi đỏ bay mù, trời mưa đặc quánh một màu lầy lội, đêm nhìn cánh đồng trải rộng chạy dài về phía sông tối mịt.
Từ ngày lên thành phố xóm này cũng được “gom” vào cho đủ đất, đủ dân. Cũng đường, cũng phường như ai, ngặt một nỗi vào thành phố cái gì cũng tăng, nhưng thu nhập vẫn cứ dựa vào ba sào ruộng. Những khoảng ruộng, vườn quanh nhà chia lô đem bán rất nhiều cốt để mua xe, sắm dàn karaoke hát cho vui cửa vui nhà, rồi dựng lại ngôi nhà cho bằng hàng xóm. Sau mấy năm, giờ nhìn quanh nhà nào cũng còn độc mỗi miếng đất và căn nhà nằm trên, xung quanh người khác mua cả rồi. Mấy sào ruộng trước cửa nhà vài năm nay không có lũ về bạc màu mà lũ chuột, ốc bươu vàng sinh sôi nảy nở nhiều vô kể nên thu hoạch chẳng được bao. Họ đành tìm nghề mới, những thanh niên có sức khoẻ đi làm thợ xây, thợ hồ kiếm ngày vài trăm giúp vợ, gia đình. Một số khác mở lò làm mì, thế là tối nào cũng đỏ điện khắp nhà, đồng hồ sinh học của họ thay đổi, họ ngủ ngày thức đêm làm các mẻ mì cho kịp trời sáng. Trong nhà có lò mì kéo theo là cả gia đình, anh em làm mì, bán mì, bỏ mì, vợ thức theo chồng cả đêm sáng ra đã thấy gánh mì cùng tiếng rao đầu ngõ. Cuộc sống mưu sinh qua ngày khắc nghiệt nay xóm Đồng nhập vào thành phố lại khó khăn.
Ngày trước có gia đình đẻ một lượt 5 đứa cách nhau năm một, cũng lăn lê bò toài, chăn khố áo rách đắp đổi lớn khôn, thế mà anh em ai cũng học hành đỗ đạt, trưởng thành mỗi đứa làm việc một phương. Nhưng mà giờ tại xóm Đồng này vợ chồng nuôi hai con nhỏ là một cuộc “vật lộn” mưu sinh không dễ dàng gì, nếu không tìm một nghề khác làm mà cứ bấu víu vào ba sào ruộng thì làm sao đủ với bao nhiêu hoá đơn tiền điện, nước, cáp, tiền ăn học cho con... Tôi thấy nặng trĩu trên đôi vai gánh mỳ sáng của người vợ, người mẹ hiền sáng sáng rao đầu ngõ là cả bữa ăn gia đình và nỗi vui mừng của con được cắp sách đến trường. Mỗi ngày tiếng rao ấy đi khắp phố, khắp phường cho vơi cạn gánh mì, rồi trên đường trưa nắng về họ ghé vào chợ “xép” ven đường mua thức ăn trong ngày cho cả gia đình. Cứ thế, mỗi ngày kể cả nắng, mưa hay rét mướt họ cũng gánh mì bán khắp ngõ để lo cho cuộc sống gia đình, nếu tính quãng đường mà họ đi bộ trong ngày nhân lên trong năm và mấy mươi năm nuôi gia đình thì chẳng có ai đong đầy cho đủ. Những bàn chân toè ra, bước chân cũng dài rộng hơn, hình như họ đi nhiều nên sải chân cũng dài hơn để cho kịp mọi người dùng bữa sáng.
Tôi cứ băn khoăn không hiểu sao họ không dùng xe đạp cho đỡ nhọc nhằn, nhưng họ bảo một chiếc xe không chở hết, chỉ có đôi quang gánh oằn mình trên vai với bao nhiêu là mì, chả, bơ, giấy báo và cả nồi than đang cháy với nhân bánh lọc, thịt trứng nóng hổi mời gọi...
Một mình một gánh lo cái ăn cho cả gia đình, nhiều khi thấy họ rảo bước trên đường giữa trời mưa rét mướt thấy sao cái nghèo, cái khó cứ đeo đẳng, nhưng đến nhà họ rồi mới thấy ấm áp vô cùng, con cái chăm ngoan, cứ chiều tối là phụ mẹ làm nhân mì, tiếng cười nói lấn át mệt nhọc. Cuộc sống đắp đổi qua ngày nhưng tôi thấy ở họ toát lên niềm hạnh phúc giản dị bình an, họ làm suốt ngày mong cho con cái học hành nên người và ngược lại con cái thấy cái khổ của ba mẹ cố gắng học thật tốt dù thiếu thốn nhiều thứ. Tôi nghĩ, có thể cuộc đời đang bù đắp thứ này hay thứ khác cho những khó khăn mà họ đang trải qua, để họ có niềm tin, nghị lực vượt qua và vươn lên trong cuộc sống. Cũng có thể lắm chứ!