Lạm bàn về cải cách tư pháp Việt Nam

Xuân Đức |

Nói lạm bàn, bởi tôi không học ngành luật, càng không hành nghề luật. Tôi chỉ có thể bàn đến nó dưới cách nhìn triết học và văn hóa học, những thứ mà tôi có học và đang hành nghề liên quan tới nó.

Hồ Duy Hải, vào thời điểm xét xử sơ thẩm năm 2008
Hồ Duy Hải vào thời điểm xét xử sơ thẩm năm 2008

Hơn chục năm nay, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương rất quyết liệt để cải cách nền tư pháp. Đây là yêu cầu bắt buộc và khẩn thiết để đất nước hội nhập sâu rộng và thực chất với thế giới. Nói CẢI CÁCH, đương nhiên sẽ phải "CẢI" rất nhiều nội dung cụ thể, nhưng qua theo dõi và tìm hiểu, tôi nhận ra, nội dung cốt lõi của sự cải cách này chính là: CHUYỂN TỪ SUY ĐOÁN CÓ TỘI QUA SUY ĐOÁN VÔ TỘI. Từ đó mới bổ sung vào nhiều hoạt động cụ thể ví dụ như vai trò luật sư trong quá trình điều tra, xét xử, chấp nhận tranh tụng tại tòa, vv…

Vậy, thế nào là suy đoán có tội, suy đoán vô tội? Nguồn gốc của các kiểu tư duy này? Và vì sao ta phải cải cách theo hướng đó?

Dưới góc độ triết học và nhân văn học, chúng ta thấy hai tư duy này là hiện thân đặc trưng của hai phẩm chất văn hóa hoàn toàn đối lập nhau. Một bên là tư duy của văn hóa Trung Quốc (tức người Hán), một bên là tư duy của hầu hết nhân loại văn minh tiên tiến khác trên thế giới. Có thể diễn giải dễ hiểu về bản chất hai tư duy này như sau:

- Suy đoán có tội là tư duy mặc định trước người đó có tội, buộc phải xử có tội. Từ đó, người ta yêu cầu những người điều tra và xét xử phải tìm bằng được chứng cứ để buộc tội họ.

- Suy đoán vô tội (mà chúng ta đang cải cách để hướng theo) là tư duy người đó hiện đang chưa có tội, và có thể sẽ vô tội nếu như những người điều tra không thể tìm được những chứng cứ thuyết phục để buộc họ phải nhận tội.

Hai suy đoán đó bắt nguồn từ hai tư duy triết học và văn hóa học đối lập nhau. Một bên (văn hóa Trung Quốc) coi trọng việc bảo vệ sự an toàn cho cá nhân hoặc tập đoàn người buộc tội, cho nên mới chọn cách hành xử: “THÀ GIẾT NHẦM CÒN HƠN BỎ SÓT”. Đây là câu nói nổi tiếng và rất đặc trưng của người Trung Quốc. Nhân vật Tào Tháo còn có câu cũng cực kì nổi tiếng khác: THÀ TA PHỤ NGƯỜI CÒN HƠN ĐỂ NGƯỜI PHỤ TA. Những gì đã xảy ra trong lịch sử Trung Quốc, hoặc với những nước từng phải hành động theo tư duy Trung Quốc đã thể hiện rất rõ điều đó.

Ngược lại, nhân loại văn minh trước hết người ta coi trọng sinh mạng và quyền lợi của tất cả những cá nhân con người (tức là nhân quyền). Không có những câu đặc trưng kiểu Tung Quốc nhưng chúng ta cũng có thể tự rút ra cách hành xử của nhân loại văn minh theo chiều ngược lại: “Thà BỎ SÓT còn hơn GIẾT NHẦM”..

Vậy tại sao chúng ta phải CẢI CÁCH theo hướng suy đoán vô tội? Rõ ràng Đảng và Nhà nước ta đã nhận thấy, từ trước tới nay chúng ta đã chịu ảnh hưởng quá nặng nề tư duy của Trung Quốc nên lịch sử đất nước cũng đã để lại quá nhiều nỗi đau oan khuất. Bài học về cải cách ruộng đất là một minh chứng xót xa. Văn hóa Việt Nam vốn là văn hóa của sự nhân ái, bao dung. Tư duy chung của nhân loại văn minh là tư duy tiến bộ và nhân văn. Thế nên, ta phải dứt khoát cải cách, dứt khoát phải hội nhập với nhân loại văn minh.

Xuân Đức - Nhà văn của miền đất lửa Quảng Trị
Xuân Đức - nhà văn của miền đất lửa Quảng Trị

Tất nhiên trong hoạt động tư pháp, cả hai tư duy trên đều có thể dẫn đến rủi ro. Một bên rủi ro là giết nhầm, một bên là bỏ sót. Lý tưởng nhất của hoạt động tư pháp là: Không oan sai và cũng không bỏ lọt tội phạm. Đó là mục tiêu cao nhất, chuẩn nhất mà mọi nền văn minh đều hướng tới. Nhưng khổ thay, đó chỉ là lí tưởng. Còn trên thực tế, với vô vàn lí do khác nhau cho nên cái sự “chưa chuẩn” vẫn chưa thể loại trừ, vẫn rất có thể xảy ra, cho dù đó là đất nước hiện đại văn minh nhất. Tất cả các nước đều nhận thức được điều đó. Mọi cố gắng của nhân loại đều hướng tới hai mục tiêu, một là phấn đấu hết sức để sự “không chuẩn” chỉ ở mức tối thiểu nhất. Hai là, khi sự “không chuẩn” nếu xảy ra thì hãy để cho nó xảy ra theo hướng: “Thà bỏ sót còn hơn giết nhầm”. Bởi vì bỏ sót thì vẫn còn cơ hội sửa sai. Nếu kẻ phạm tội tạm thời bị bỏ sót, nếu hắn cứ ngựa quen đường cũ, tiếp tục phạm pháp chắc chắn sẽ đến lúc sẽ bị phát hiện. Mà giả dụ hắn lọt được suốt đời thì suốt phần đời còn lại hắn sẽ phải chịu đựng sự dằn vặt, lo sợ, phải sống chui sống lủi, nghĩa là hắn cũng phải chịu sự trừng phạt của lương tâm và luật trời. Còn nếu tư duy theo kiểu, “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, khi xảy ra sự “không chuẩn” thì hết phương cứu chữa, mãi mãi mất đi một mạng người. Sự trừng phạt của lương tâm và luật trời sẽ lại dồn lên cuộc đời của những người phán xét.

Tôi nhắc lại là, lí tưởng nhất vẫn là không oan sai và cũng không bỏ lọt tội phạm. Nhưng nếu trong quá trình điều tra và xét xử nếu cảm nhận thấy vẫn còn vết gợn chưa thật sáng tỏ, chưa thật sự thuyết phục, chưa thật sự rõ ràng, chưa thật sự an tâm, thì tốt nhất hãy: Cứ kiên trì điều tra tiếp, hoặc đến mức cảm thấy bất lực thì theo cá nhân tôi, hãy chọn phương án mà nhân loại tiến bộ đang tư duy: THÀ BỎ SÓT CÒN HƠN GIẾT NHẦM.

TAGS

Gợi ý 5 món quà ý nghĩa cho ngày của mẹ

HOÀI THU |

Ngoài những ngày lễ dành cho phụ nữ như ngày 8/3, ngày 20/10 hay Lễ Vu lan, vài năm trở lại đây, Ngày của Mẹ cũng dần trở thành một ngày lễ được quan tâm và phổ biến hơn tại Việt Nam. 

Có chồng để làm gì?

Vân Anh |

Nếu cuộc sống của mình không thể tốt đẹp hơn thì lấy chồng làm gì khi những muộn phiền, áp lực cuộc sống chẳng thể được san sẻ mà lại tăng lên?

Nón Lá

Nguyễn Bội Nhiên |

Là người Việt Nam, không ai trong đời không một lần nhìn thấy gương mặt của bà, của mẹ, của chị, của em, của người con gái mình thương trong vành nón. Những chiếc nón từ lúc trắng tinh màu lá cho đến khi ngả màu thời gian bao đời nay đã là hình ảnh quen thuộc, thân thiết trong cuộc sống và tâm hồn quê hương.

Vũ Văn Song Toàn : Đoản khúc chiều phù dung

Nguyễn Hằng |

"Đoản khúc chiều phù dung" của nhà văn Vũ Văn Song Toàn như một bức tranh đa sắc màu, được gọt dũa, lồng ghép khéo léo từ 16 mảnh ghép – 16 câu chuyện rất đời. Tác giả như một gã họa sĩ lành nghề, phóng chiếc đũa thần với ngón nghề thông thạo đã khắc họa nên một bức tranh hòa sắc bằng ngôn từ vừa tinh tế, vừa gần gũi, vừa mang triết lý Đạo, vừa ngồn ngộn hơi thở Đời- hơi thở cuộc sống.