Nón Lá

Nguyễn Bội Nhiên |

Là người Việt Nam, không ai trong đời không một lần nhìn thấy gương mặt của bà, của mẹ, của chị, của em, của người con gái mình thương trong vành nón. Những chiếc nón từ lúc trắng tinh màu lá cho đến khi ngả màu thời gian bao đời nay đã là hình ảnh quen thuộc, thân thiết trong cuộc sống và tâm hồn quê hương.

 
Ảnh: ITN

Nghề làm nón lá xuất hiện trên dải đất hình chữ S đã hàng ngàn năm, khi người Việt vừa vung những nhát cuốc lật từng khoảnh đất để gieo trồng cuộc sống, dựng nhà, mở lối, làm nên làng mạc. Theo nhịp khoan nhặt của vó câu thời gian, người dân chằm những chiếc nón để che nắng che mưa khi làm ruộng, đi thuyền, ra chợ rồi làm nên thư mục nghề nón của nước Nam. Ở những ngôi làng có làn không khí óng ánh bụi nước trên đồng ruộng, trên những nếp nhà bình lặng có những người phụ nữ giản dị mà rất đỗi khéo léo và cần mẫn cứ mải mê làm nón sau những giờ trồng lúa, trồng khoai, nấu nướng, chăn heo, nuôi gà. Trên mọi miền của đất nước trăm mến ngàn yêu của chúng ta, những chiếc nón lá không cầu kỳ, phức tạp mà vẫn có thể khiến lòng người xao xuyến mỗi khi cầm nón trên tay, đội nón lên đầu hoặc nhìn ngắm nón theo ai đi, về trong mỗi sớm mỗi chiều. Đặc điểm chung rất đỗi thường tình ấy của chiếc nón lá đã hơn một lần neo vào thi ca vẻ đẹp đoan trang, dịu dàng của người con gái như trong câu thơ tràn ngập cảm xúc băn khoăn ý nhị của chàng trai là thi nhân, sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón.

 
Ảnh: Nông Văn Dân

 Trong mỗi lớp lá, mỗi nuộc kim, những người phụ nữ của làng quê Việt Nam không ngờ rằng họ đang lặng lẽ cắt nghĩa về vẻ đẹp của từng chiếc nón. Chọn lá dừa, lá kè, lá cọ xong họ mang về ủi thật phẳng trên hơi nóng của ngọn lửa phả vào đĩa sắt rồi vót mung, chuốt vành. Tỉ mỉ là vậy nhưng không gì ngăn được họ say mê xây từng lớp lá lên khuôn nón, luồn kim từng sợi gấc mỏng mảnh thật dài mà chằm hết vành nón này đến vành nón khác. Cho đến khi hoàn tất mũi gấc nức vành cuối cùng là lúc người phụ nữ lần nữa làm dày thêm nét đẹp cuộc đời. Đó là nét đẹp được những đôi bàn tay mẫn cảm và sự tinh tế của họ gom từ những tàu lá dừa miền Nam, những đọt lá kè của núi rừng miền Trung, lá cọ miền Bắc, những cây lồ ô mảnh khảnh, những sợi gấc nhẹ mềm như tơ. Nhìn dáng điệu miệt mài của những người phụ nữ ấy, có thể hiểu tại sao nghề làm nón đã được truyền đời từ rất lâu trong chính thời gian và không gian bình dị của những miền quê dân dã Việt Nam. Với họ, nón đẹp và nón bền đã là mục đích trong những ngày tháng ấu thơ nhìn người lớn làm nón rồi không rõ từ lúc nào, những ngón tay nhỏ của họ biết chọn từng lá xếp lên khuôn, chọn sợi gấc và gửi gắm vào từng nuộc kim ước vọng vươn tới cái đẹp, cái có ích trong cuộc đời. Và để giúp những người phụ nữ của làng mình sáng tạo ra cái phần nên thơ trong cuộc sống, những người đàn ông trong làng tìm cách làm khuôn nón sao cho thật đẹp, thật bền. Ở mỗi làng nón thường chỉ có một hoặc hai người có thể làm khuôn nón mà trong một vòng quay nhẫn nại của trái đất quanh mặt trời, người ấy làm được một chiếc khuôn nón bầu liêu hay nhọn, sâu hay cạn, mười bốn hay mười sáu hoặc mười tám vành bằng gỗ có độ dai thật tốt cùng trọn vẹn lòng kiên nhẫn, sự chăm chỉ và khéo léo của mình. Đó là cách để họ khai sinh những chiếc khuôn nón có độ bền rất lâu thường được tính bằng tuổi nghề làm nón của một phụ nữ. Còn nữa ở những làng nón một nếp cũ của nghề nón mang ý nghĩa truyền đời là khi người con gái lấy chồng, trong những gì mà cha mẹ của cô cho làm hồi môn có chiếc khuôn nón. Người con gái đem chiếc khuôn nón ấy theo về nhà chồng như một tặng phẩm của làng quê ruột thịt, để cô có thể làm nón cho mẹ, chị và em gái của chồng hoặc gây dựng một làng nón mới. Về sau, con gái của cô lớn khôn, đến lượt cô sắm cho con gái của mình một chiếc khuôn nón với mục đích không hề khác.

 
Ảnh: Nông Văn Dân

 Trong mỗi nếp nhà thân thuộc ở những làng nón, có thể nghe những giọng nói nhẹ êm, trầm ấm về một trạng thái tâm tư của người phụ nữ rằng, họ không thể xa rời những lá, những vành, những kim và khuôn nón lâu hơn một buổi. Bởi với họ, chằm nón là đời sống và hơn thế nữa, đã là máu thịt, là điều luôn làm bận rộn trái tim của họ nhất khi vừa xong việc đồng áng, nấu chín bữa cơm gia đình, nhắc nhở con trẻ chăm ngoan... Chỉ bằng cái với tay là họ chạm vào lá, vào khuôn, vào vành và với vài người ngồi bên nhau trong mái hiên hoặc gian nhà nhỏ mà ủi lá, bắt vành, xây lớp, xâu kim, nứt vành là họ có thể chằm nón suốt ngày này qua mùa khác bất kể nắng, mưa. Bỗng chốc đã xuất hiện một thế giới nhỏ nhắn, vui lành là nơi ra đời của những chiếc nón mà rồi đây sẽ theo cô học trò nhỏ đến trường trong tà áo dài tha thướt, cùng cô thôn nữ tát nước đầu đình, che mưa nắng cho những bà, những mẹ tần tảo trên ruộng lúa, vườn khoai, bãi bắp, triền sông, chợ quê.

 
Ảnh: Nông Văn Dân

Đã rất lâu rồi, những chiếc nón lá làm khô ráo và dịu mát bao mái đầu của người thân trên quê nhà, đã tạo nên sức lan xa của nón lá Việt Nam tới các chân trời văn hóa của muôn phương với những nét duyên trứ danh như nón Huế, nón bài thơ, nón Thúy... Để dòng chảy bất diệt của nón lá Việt Nam mãi mãi là một trong những cội nguồn và biểu tượng của vẻ đẹp dân tộc cũng là giấc mộng trắng trong của lòng người ở những ngôi làng nón. Vậy nên, trong mỗi ban mai vừa lên trên quê hương mình, bao giờ cũng gặp những vành nón đơn sơ với mặt lá mịn màng hương tóc có thể làm vương vấn nỗi lòng. Cho đến mai sau...

TAGS