Nhà văn Xuân Đức với khát vọng thống nhất non sông

Xuân Dũng |

Trong các sáng tác của nhà văn Xuân Đức thì tiểu thuyết “Người không mang họ” (xuất bản năm 1983, được giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007) là một cuốn tiểu thuyết thú vị dù nó chưa phải là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông.

Du khách quốc tê thăm di tích cầu Hiền Lương. Ảnh: Tú Linh
Du khách quốc tê thăm di tích cầu Hiền Lương. Ảnh: Tú Linh

Ngay từ khi mới ra đời, tiểu thuyết này đã được bạn đọc hồ hởi đón nhận, rồi được dựng thành phim, được báo chí khai thác khá nhiều, hiện câu chuyện này đang được kể lại trên màn hình Đài HTV của TP. Hồ Chí Minh.

Nhà văn Xuân Đức cho rằng: Câu chuyện về “Người không mang họ” nếu kể ra cũng dài nhưng có một điều là nhân vật tướng cướp Trương Sỏi lúc đầu được hình thành từ một nguyên mẫu có thật trong đời, có gốc gác ở Vĩnh Linh vượt tuyến vào Nam, rồi sau bị tử hình ở Vinh vì những hành vi phạm tội mà mình đã gây ra. Cuốn này được nhà xuất bản CAND in ra với số lượng 3 vạn bản, một con số bây giờ nằm mơ cũng không thấy và được dư luận rất quan tâm. Dưới vẻ ngoài là truyện vụ án nhưng tác giả đã đưa vào những tình tiết hình sự, cũng có đánh nhau như kiểu “chưởng” Kim Dung. Có thể độc giả cũng thích những chuyện như thế. Nhưng khi trả lời thì không ai nhấn mạnh điều này. Công chúng đa số thương cảm nhân vật tướng cướp, mặc dù biết rằng Trương Sỏi đã gây ra tội ác thế này, thế nọ, nhân quả như vậy cũng không có gì quá đáng, nhưng nói thì nói vậy mà người ta vẫn thấy động lòng, vẫn thông cảm và thương cảm với nhân vật này. Tức là viết thế nào đó để chạm được vào sợi dây tình cảm của người đọc khiến người ta xúc động, dù có thể độc giả không đọc kỹ và nghĩ kỹ như tác giả. Trương Sỏi suy cho cùng cũng là nạn nhân của việc chia cắt đất nước, của chiến tranh khốc liệt, của những định kiến hẹp hòi trong những hoàn cảnh đặc biệt ngặt nghèo, ai cũng muốn chiến thắng bằng tất cả mọi giá. Nghĩa là nguyên nhân sâu xa cũng bắt đầu từ chiến tranh, dù nó hiện hình trực tiếp hay gián tiếp. Sức sống của cuốn truyện cho thấy nó đã gợi lên những nỗi niềm đồng cảm khiến người đọc, người xem nhớ lâu. Tức là điều mình gởi gắm, nói chữ nghĩa là thông điệp của mình đã thành công.

Chúng ta đã đề cập khá nhiều câu chuyện văn nghệ với đề tài chiến tranh cách mạng, đó cũng là vấn đề rất hệ trọng cần được tiếp tục quan tâm. Nhưng cũng có vấn đề khác rất quan trọng, rất thời sự trong đời sống hòa bình, đó là khép lại quá khứ, hòa hợp, hòa giải dân tộc. Càng ngày khát vọng hội ngộ, đoàn viên, rút lại những khoảng cách giữa người Việt với người Việt, để mong muốn mọi người lấp những hố sâu, vượt qua những khác biệt, đồng tâm hiệp lực vì một đất nước Việt Nam cường thịnh. Về vấn đề này, nhà văn Xuân Đức cho rằng: Sau câu chuyện chiến tranh là vấn đề hòa bình, hòa hợp và hòa giải dân tộc phải đặt lên hàng đầu. Nhưng chủ trương là cái chung, còn thực hiện chủ trương lại là câu chuyện cụ thể nhiều khi mang tính chất cá nhân, nghĩa là những người thực hiện ra sao? Lý là như vậy nhưng còn tình như thế nào cũng là điều không đơn giản, chúng ta cần phải cùng nhau suy nghĩ và hành động cho đúng. Đương nhiên đây là vấn đề cần thiện chí của tất cả những ai liên quan, từng ở “phía bên này” “hay phía bên kia”. Nhà văn thực sự là người nhạy cảm.

Nhớ năm 2000, lần đầu tiên Quảng Trị tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông, ngành văn hóa gặp quá nhiều khó khăn vì liên quan đến truyền hình trực tiếp trên sóng quốc gia. Nhà văn Xuân Đức lúc ấy là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin muốn nhân dịp này quảng bá mảnh đất Quảng Trị. Vì không thể truyền hình trực tiếp vào ngày 30/4 nên sau một ngày một đêm suy nghĩ, ông trình Thường vụ Tỉnh ủy xin cho làm vào ngày 1/5. Đó không chỉ là ngày Quốc tế lao động mà còn là ngày đoàn tụ, ông lý lẽ phải thống nhất xong mới đoàn tụ chứ. Và ý tưởng này đã được tỉnh đồng ý nhưng còn chờ trung ương. Thật quá vui mừng khi Ban Bí thư có công văn phúc đáp đồng ý và còn cử cán bộ lãnh đạo vào dự. Tỉnh Quảng Trị lần đầu tổ chức lễ hội “Thống nhất non sông” tại cầu Hiền Lương, lúc ấy nhà văn Xuân Đức tâm can xúc động.

Khép lại quá khứ thì kỷ niệm chiến thắng và thống nhất, ta cũng nên khéo léo, tế nhị nói sao cho liều lượng vừa phải để mọi người đều chấp nhận được. Bởi nói cho cùng cái giá của thống nhất chính là đoàn tụ, không phải là sự kết hợp cơ học một cách miễn cưỡng mà phải thực sự thống nhất bằng tất cả trái tim. Cần phải làm cho mọi người Việt Nam giác ngộ đạo lý hòa hợp hòa giải dân tộc như chủ trương của Đảng, để mọi chuyện ngày càng gần với hiện thực. Đó cũng là quan niệm hết sức nhân văn của dân tộc Việt Nam cần được lan tỏa sâu rộng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Khắc khoải tiếng "Vọng biển"

Văn Giá (Nhà nghiên cứu phê bình văn học) |

Tôi đang cầm trên tay bản thảo tập thơ “Vọng biển” của nhà thơ Cao Hạnh do bạn văn Văn Xương cung cấp.

Gánh mì sáng

Lê Như Tâm |

Xóm Đồng gần kênh thuỷ lợi, lại nằm giữa thành phố và nông thôn, phía trên là phố thị điện đường sáng trưng, nhưng phía trước mặt là con đường đỏ, mùa nắng bụi đỏ bay mù, trời mưa đặc quánh một màu lầy lội, đêm nhìn cánh đồng trải rộng chạy dài về phía sông tối mịt.

Đọc sách cùng con

Tuệ Linh |

COVID-19 đang diễn biến phức tạp với những tác động tiêu cực lên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… Tuy nhiên, đây cũng là lúc giúp nhiều người có thời gian nhìn nhận lại giá trị của cuộc sống, duy trì, rèn luyện một số thói quen tốt, trong đó có đọc sách. Càng ý nghĩa hơn trong những ngày này, thói quen này được phụ huynh hưởng ứng mạnh mẽ và đồng hành cùng con trên những trang sách.

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Trần Tuyết Thanh |

Hơn hai tháng nay vì dịch COVID- 19, cùng với các chốt kiểm soát khác của lực lượng bộ đội biên phòng, các chốt phòng dịch COVID- 19 thuộc đồn biên phòng Hướng Phùng (Hướng Hoá, Quảng Trị) đã thường trực 24/24, bám sát địa bàn không hề ngơi nghỉ.