Một nhà văn nặng lòng với quê hương

Xuân Dũng |

Nhà văn Xuân Đức tên thật là Nguyễn Xuân Đức,sinh năm 1947 tại Vĩnh Linh (Quảng Trị), trước khi về hưu, ông là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị. Ông sáng tác và đóng góp chủ yếu ở lĩnh vực tiểu thuyết kế đó là kịch nói. Ông đã giành nhiều giải thưởng văn học Trung ương và địa phương. 

Một số tác phẩm chính của ông như: "Cửa gió" (hai tập 1980-1984, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1982), " Người không mang họ" (giải thưởng Vì an ninh Tổ quốc của Bộ Nội vụ,1983), "Tượng đồng đen một chân" (1987), "Bến đò xưa lặng lẽ" (Giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 2002-2004)... Ông được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn hoc nghệ thuật cho ba tác phẩm: "Cửa gió", "Người không mang họ" và "Tượng đồng đen một chân".

Nhà văn Xuân Đức
Nhà văn Xuân Đức

Riêng về văn xuôi, nhà văn Xuân Đức khởi nghiệp bằng tiểu thuyết hai tập “Cửa gió”, vừa in tập 1 đã đạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984 và được dư luận chú ý. Đề tài chiến tranh cách mạng vẫn được ông tiếp tục theo đuổi và mới đây, 20 năm sau khi “Cửa gió” ra đời, tác phẩm “Bến đò xưa lặng lẽ” lại đoạt giải A cuộc thi sáng tác tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (2002-2004), điều này thể hiện tâm huyết và nội lực của một nhà văn Quảng Trị, một người con của khúc ruột miền Trung dằng dặc. Nhưng ông vẫn theo đuổi đề tài chiến tranh và tác phẩm sau vẫn khác với tác phẩm trước.

Nhà văn Xuân Đức cho hay: Mình khởi đầu bằng binh nghiệp và gắn bó 25 năm với màu áo lính. Theo ông: Giả sử cho một người nào đó cực thọ sống đến trăm tuổi thì quãng đời 25 năm cũng đã quá dài, hơn nữa người ta bắt đầu trưởng thành cũng phải cỡ 25 tuổi. Nói như vậy để thấy rằng binh nghiệp đã để lại dấu ấn rất sâu trong cuộc đời mình, mặc dù những điều khác như ca dao, văn hóa dân tộc cũng ảnh hưởng quan trọng đến mình, tuy nhiên điều gì mà anh thực sự dấn thân và nếm trải thì chắc chắn sẽ được bộc lộ sâu đậm trong tác phẩm của anh. Bởi vì chiến tranh và đời lính nó lắng cặn, kết tủa trong tôi với rất nhiều thứ cần được giải bày. Thứ hai là ông gần như suốt đời gắn bó với một vùng đất, chủ yếu là Quảng Trị mà nói như nhà văn Chu Lai là “xứ sở trận mạc”. Vì thế chiến tranh cách mạng là đề tài thường trực trong tôi. Mặc dù tôi còn làm thơ tình, viết ký về đề tài khác nhưng khi đụng đến những tác phẩm tầm vóc, những thông điệp quan thiết thì tôi lại trở về với câu chuyện trận mạc, là đề tài chiến tranh cách mạng. Mỗi người trong những hoàn cảnh đặc biệt, khác thường như hoàn cảnh chiến tranh thì khi viết chân dung tinh thần của anh sẽ hiện hình rất rõ qua tác phẩm, chân dung một người lính. Vì thế ngay những bài thơ, bài viết đầu tiên của ông khi còn trong lính là viết về đề tài chiến tranh. Và cả những tác phẩm sau này như “Người không mang họ”, “Hồ sơ một con người” tuy không trực tiếp viết về chiến tranh, nhân vật cũng không trải qua chiến sự nhưng nếu để ý thì vẫn thấy bóng dáng của chiến tranh, của cái hoàn cảnh đặc biệt, bất thường đó nó tác động đến đời sống và số phận con người, và nó diễn ra trên chính mảnh đất Vĩnh Linh.

Trở lại tiểu thuyết “Cửa gió”, nó chính là câu chuyện về một giai đoạn chiến tranh khốc liệt ở mảnh đất Vĩnh Linh, nơi đối đầu giữa “bên này, bên kia”, của tiểu đoàn 47 bộ đội địa phương mà tôi đã tham gia. Cho nên tiểu thuyết có bóng dáng của nhà văn, của gia đình, họ hàng, quê hương bản quán của mình, nó gần gần như một thứ tự truyện. Theo ông để ý thấy những nhà văn bắt đầu viết tiểu thuyết thường thì nhân vật thường gần gũi với nguyên mẫu là chính tác giả, mô tả những gì mà mình đã trải nghiệm sâu sắc. Có lẽ vì vậy mà những tác phẩm này thường thành công trước hết vì nó chân thực. Câu chuyện trận mạc nó trở đi trở đi trong sáng tác của mình vì đó là điều mình thuộc nhất. Nhân chuyện này ông nhớ một ông thầy  dạy lớp bồi dưỡng viết văn là nhà văn là Kim Lân đã có nói rằng: “Các anh chị hãy viết điều gì mà mình thuộc nhất”, nghe thật giản dị và có vẻ không chút gì lý luận. Nhưng sau này khi càng từng trải, càng viết nhiều thì mới thấy thấm thía. Theo ông, viết lách có ba cấp độ: một là biết, biết thì có thể viết được một bài báo, mà là bài báo hạng B thôi, cấp độ thứ hai là hiểu, hiểu thì có thể sáng tác văn học, viết nên những tác phẩm đúng đắn, chính xác, có ích và không đến nỗi vô bổ, người đọc cũng ghi nhận phần nào. Cũng theo nhà văn thì văn học chúng ta từ trước đến nay loại tác phẩm này chiếm khá lớn. Và cấp độ thứ ba là thuộc, thuộc có nghĩa là anh nắm rất vững vấn đề, có thể tự tin, mạnh dạn khi cầm bút. Thuộc ở đây không chỉ là nhận thức bằng lý trí, dù nó rất cần thiết, mà còn bằng tình cảm, bằng phần hồn để có thể “nhìn” thấu, “cảm” được chiều sâu những gì đang còn khuất lấp, đang cần lý giải và có những thông điệp văn chương đúng nghĩa gởi đến cho người đọc. Loại này, theo ông không có nhiều. Âm hưởng trong “Cửa gió” là âm hưởng anh hùng ca, đó là điểm chung của hầu hết các nhà văn thời kỳ ấy khi chúng ta mới bước ra từ chiến tranh. Cách nhìn này cũng không có gì xấu cả và nó cũng xứng đáng với cuộc chiến tranh cách mạng vô cùng gian khổ và ác liệt. Nhưng ngay trong tiểu thuyết “Cửa gió” mặc dù trên cái âm hưởng chung như vậy, tôi đã  có những trang viết về địch và ta không theo theo công thức, chẳng hạn nhân dân Vĩnh Linh anh hùng như vậy, chiến đấu ngoan cường như vậy nhưng có những kẻ sợ máy bay địch đến mức chết khô trong bụi rậm, ngày ấy viết như thế là không đơn giản, hay tất cả vì chiến thắng nên chúng ta đã đè nén đến tận cùng nhiều khao khát bản năng, nhiều ước vọng cá thể nên làm biến dạng nhiều số phận. Chẳng hạn như nhân vật Ly, đây là nữ nhân vật vốn có tính cách  dễ dãi nhưng cái hoàn cảnh đặc biệt thời chiến, cái hoàn cảnh khác thường đã đào luyện bà thành một nữ cán bộ lạnh như thép, ai gặp cũng không khỏi rùng mình. Cái khốc liệt, mất mát của chiến tranh không chỉ là thương vong, chia cắt, đợi chờ mà còn là những điều như tôi vừa nói. Nhưng ngày ấy nhà văn chỉ viết ngang đó, đúng hơn là tác giả chỉ nhìn được ngang đó.

Nhưng hai mươi năm sau nhà văn quay lại với câu chuyện trước đây của “Cửa gió” bằng tiểu thuyết “Bến đò xưa lặng lẽ”. Vì sao lại như vậy? Theo ông: đây là điều tối kỵ trong văn chương, vì thường nhà văn tránh lặp lại đề tài cụ thể mà người đi trước đã sáng tác thành công, hơn nữa đây lại là tác phẩm của chính mình. Và  đây là trường hợp hy hữu trong văn học Việt Nam cũng như văn học thế giới. Có ý đồ phủ định tác phẩm trước của chính mình hay không? Không hề, tác phẩm trước có đời sống riêng của nó, nó cũng là một thành công đã được đóng dấu. Nhưng cùng với độ lùi thời gian và sự trải nghiệm gần như đủ mọi chuyện trên đời, nhà văn thấy cần phải viết lại theo cách nhìn, cách hiểu của mình sau này. Nếu không viết người ta sẽ không hiểu hết hoặc đánh giá mình không biết gì. Không viết ra không chịu được. Cũng vẫn bối cảnh tương tự như trong “Cửa gió”, địa danh và có cả trận đánh cũng gần giống nhau.  Vì thế mà nhà văn Chu Lai trong ban giám khảo đã nói rằng: Đọc “Bến đò xưa lặng lẽ” thấy quen quen”. Nhưng cách nhìn, cách lý giải đã khác trước, không phải là phủ định mà bổ sung cho “Cửa gió”. Còn một điều khác thôi thúc ông viết “Bến đò xưa lặng lẽ” là một chiều ông lên lại xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh) thì gặp lại một cán bộ địa phương đã quen biết từng hoạt động trong chiến tranh mà bấy lâu mình vẫn đi tìm. Không ngờ khi gặp lại thì được biết số phận ông lại khủng khiếp như vậy. Xuân Đức đã dồn tâm lực để tái hiện nhân vật Đọt từ nguyên mẫu sống động trong cuộc sống với những bi kịch khó lòng nói hết trong chiến tranh bằng tiểu thuyết “Bến đò xưa lặng lẽ”. Đó cũng là một cách nhìn lại chiến tranh đầy đủ hơn với những chiều cạnh, góc khuất của số phận và cũng nhân văn hơn như nó vốn có mà một nhà văn như ông cần phải viết.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Những suất cơm đong đầy yêu thương

Minh Hiền |

Hiện nay trên địa bàn thành phố Đông Hà (Quảng Trị) có rất nhiều khu cách ly dành cho công dân Việt Nam từ Lào, Thái Lan trở về. UBND thành phố đã chọn bếp ăn tập thể của Trường Tiểu học Hàm Nghi làm nơi nấu ăn cho những người ở khu vực cách ly. 

Hỗ trợ gạo cho đồng bào thiểu số ở biên giới mùa chống dịch COVID-19

Yên Mã Sơn |

Ngày 9.4, Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đã trao tặng 1 tấn gạo và một số thực phẩm (nước mắm, cá khô) trị giá 15 triệu đồng cho đồng bào vùng biên giới Việt - Lào thông qua Đồn Biên phòng Thanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Trao 100 triệu đồng và khẩu trang y tế tặng Hội hữu nghị Lào-Việt

PV |

Hội Hữu nghị Việt-Lào trong Công an Nhân dân đã trao 100 triệu đồng và 1.000 khẩu trang y tế cho Trung ương Hội Hữu nghị Việt-Lào để chuyển tới nước bạn nhằm chung tay phòng, chống dịch COVID-19.

Tặng 100 lít nước rửa tay khô cho các chợ, trung tâm y tế

Q.H |

Ngày 10.4.2020, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trao nước tay khô cùng cộng đồng phòng, chống COVID-19.