Miền quê nằm dọc sông Bến Hải một thời là lưỡi dao chia cắt hai miền Nam - Bắc.
Những năm chiến tranh mỗi người dân nơi đây phải đội trên đầu 7 tấn bom các loại, nhưng tiếng hát bên bờ vĩ tuyến 17 này chưa bao giờ nguội tắt. Ở đó, có một người nghệ sĩ làm theo lời Bác dặn, hàng ngày vẫn cùng con cháu bổng trầm, luyến láy những khúc hát dân ca. Không màng tới hư danh, nhưng những gì bà đã dâng hiến cho đời trong suốt cả cuộc đời mình cũng quá đủ để cho bà được xưng tụng là “người nghệ sĩ của nhân dân”.
Lê Thị Bích Nồng tuy cũng là người Vĩnh Giang nhưng không phải người làng Tùng để tự hào với câu vè truyền tụng: “Văn chương Xuân Mỹ, lý sự Thủy Khê, làm thuê Cẩm Phổ, chèo cạn làng Tùng”. Bà người thôn Cổ Trai Đông, sát bên làng Tùng Luật. Cũng là một làng quê đơn sơ mà xinh đẹp nằm cuối dòng Bến Hải mang hương vị mặn mòi của biển. Cha mẹ của bà đều là những người đam mê ca hát, họ hò hát đối đáp với nhau mà nên vợ nên chồng.
Thời chống Pháp, Bích Nông - một cô bé mới mười hai tuổi là đội viên đội truyền tin của xã. Học đến lớp 7 thì nghỉ học vì mẹ ốm phải ở nhà trông em và giúp đỡ việc nhà. Hòa bình lập lại, đất nước chia đôi. Những năm chưa khóa tuyến (1954 - 1956), Bích Nồng trong đội văn nghệ xã Vĩnh Giang thường theo đàn chị Châu Loan biểu diễn trên sông phục vụ đồng bào bờ Nam và làm công tác địch vận. Năm 1960, bà tham gia đội văn nghệ Công an vũ trang Vĩnh Linh (D. 41) biểu diễn phục vụ cho các chiến sĩ và đồng bào từ Vịnh Mốc lên đến Giàng Phao, Hói Cụ. Trong lòng dân vẫn còn lưu giữ hình ảnh những người nghệ sĩ đã một thời đồng cam cộng khổ, đem tiếng hát phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng.Năm 1967, Bích Nồng chuyển sang làm chiến sĩ của Đội tuyên truyền văn hóa Trung đoàn 270 bảo vệ giới tuyến (người dân thường gọi là Đoàn văn công Khu đội Vĩnh Linh). Với giọng hò trời phú, trong trẻo, ngân rung như giọng Châu Loan, những buổi đi làm địch vận, giọng hò của Bích Nồng đã góp phần cảm hóa tâm hồn của những người lính bên kia chiến tuyến. Lúc sinh thời, lão nghệ nhân Ái Chủng - nguyên Phó trưởng Đoàn văn công Khu đội, kể rằng: “Nếu gọi loa đọc chủ trương đường lối thì địch bắn pháo dữ dội để át đi tiếng tuyên truyền. Nhưng khi Bích Nồng cất lên giọng hò: Bước tới Hiền Lương sao chặn đường nghẹn lại, đáo tới bờ Bến Hải sao gác mái tình duyên … ơ hờ…thì bọn địch im re để mà nghe”.
Đoàn văn công Khu đội Vĩnh Linh có nhiều lần vượt sông sang bờ Nam phục vụ đồng bào ở Trung Giang và các chiến sĩ tiểu đoàn 47. Tết Mậu Thân 1968, Bích Nồng và đồng đội suýt chết tại bến đò Xuân Mỹ khi máy bay của giặc thả bom tới tấp, ngăn chặn bộ đội ta vận chuyển đạn vào Nam. Rồi những buổi biểu diễn trên chiến hào, phục vụ chiến sĩ trước giờ xuất kích. Đó là những buổi biểu diễn không có ánh sáng nhưng cháy bỏng niềm tin và ấm áp tình đồng đội. Thời ấy, đi Cồn Cỏ tính mạng như treo đầu sợi tóc. Thế mà Bích Nồng đã vượt bom vượt đạn, hai lần cùng đồng đội ra phục vụ các chiến sĩ giữ đảo. Bà là một trong những chiến sĩ đầu tiên của trung đoàn 270 được kết nạp vào Đảng. Tuổi xuân của bà trôi đi trong khói lửa chiến tranh, để rồi lan truyền một câu vè của đoàn lính trẻ: “Vĩnh Giang có chị Bích Nồng, hai mươi tám tuổi chưa chồng vẫn vui”.
Tháng 4 năm 1969 tại Tân Kỳ - Nghệ An đã tổ chức Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn Quân khu 4. Đội tuyên truyền văn hóa Trung đoàn 270 cũng tham gia hội diễn này. Đang ở trạm 66, Bích Nồng được tuyển chọn vào đoàn nghệ thuật tổng hợp của Quân khu ra Hà Nội phục vụ đồng bào và chiến sĩ Thủ đô. Và chuyến đi này đã để lại cho bà một kỷ niệm sâu sắc, một niềm vinh hạnh lớn lao của đời nghệ sĩ.
Mới diễn được hơn mười đêm, trên có lệnh chọn 5 diễn viên gồm Minh Huệ (văn công Quân khu 4), Mai Tư (Đội tuyên truyền văn hóa Nghệ An), Tuấn Mỹ (Đội tuyên truyền văn hóa Hà Tĩnh), Minh Lý (Đội tuyên truyền văn hóa Quảng Bình) và Bích Nồng (Đội tuyên truyền văn hóa Vĩnh Linh) luyện tập một số tiết mục dân ca để phục vụ khách Trung ương. Năm chị em rối rít chuẩn bị. Vừa mừng vừa lo. Không biết sẽ được hát phục vụ cho vị khách nào.
Chiều 7/5/1969, khi Thủ đô vừa lên đèn, một chiếc xe con đến đón năm chị em và đưa tới Phủ Chủ tịch. Đồng chí Vũ Kỳ ra đón và bảo rằng: “Tối nay, Bác Hồ cho phép năm cháu thay mặt cho lực lượng văn nghệ tuyến lửa Quân khu 4 vào thăm và hát cho Bác nghe một số làn điệu dân ca quê hương”. Ôi, cả năm người tưởng như trong mơ. Điều ao ước đến quá bất ngờ. Nhưng khi gặp Bác, cả năm cô gái đều bật khóc vì thấy Bác sức khỏe đã yếu mà đất nước đang ở vào những ngày cam go nhất. Bác cười hiền từ, ân cần hỏi han từng cháu. Nghe Bích Nồng kể chuyện Vĩnh Linh, gương chiến đấu và hy sinh của quân dân đôi bờ Bắc - Nam sông Bến Hải, Bác xúc động rơi nước mắt. Thấy vậy, sợ Bác mệt, Bích Nồng không dám kể nữa và hò cho Bác nghe một làn điệu ru con:
“À ơi…ru em em ngủ cho ngoan
Để mẹ đi chợ bán rau bán chè…”
Vừa dứt câu hò, Bác nói ngay: “Cháu Nồng hò chưa đúng. Hồi nhỏ ở Huế, Bác đã nghe các mẹ, các chị ngân những chỗ ư ư ư dài chứ không ngắn như cháu đã hò. Và lời câu hò ấy là: “Ru tam tam théc cho muồi/ để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu/ mua vôi chợ Quán chợ Cầu/ mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh”. Người âu yếm nhìn khắp lượt năm chị em và dặn: Hát dân ca khi gặp những bài bản cổ không nên pha trộn từ cũ với từ mới. Phải hát đúng tiếng địa phương, từ nước phải hát là nác, ruộng phải gọi là roọng như thế mới thấy cái hay, cái vốn cổ dân ca của dân tộc.
Những tưởng niềm hạnh phúc ấy chỉ đến một lần trong đời thì mười ngày sau, chiều ngày 17/5/1969, cả năm cô gái của Quân khu 4 lại được Bác cho gọi vào thăm và chúc thọ nhân ngày sinh lần thứ 79 của Người. Hôm ấy, Bác rất vui. Bác hỏi Bích Nồng chuyện bà con Vĩnh Linh bom đạn ác liệt rứa có sản xuất được không, có còn ăn cơm bữa diếp nữa không; rồi chuyện tiếp tế cho bộ đội đảo Cồn Cỏ… Nghe Bích Nồng thưa chuyện bà con Vĩnh Linh đã thoát khỏi cảnh cơm “bữa diếp”, đã có cơm, khoai sắn ăn no; và bộ đội đảo Cồn Cỏ vâng lời Bác đã bắn hạ nhiều máy bay giặc Mỹ… Nghe thế, Bác vui lắm. Bác chúc quân dân Vĩnh Linh sản xuất, chiến đấu tốt để “năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng”.
Cũng như lần trước, đêm hôm đó, Bích Nồng và các chị em khác lần lượt hát chúc thọ Người một số làn điệu dân ca quê hương. Nhớ lời Bác dạy nên lần này cả năm chị em không ai mắc lỗi như lần hát trước. Bác khen và dặn thêm rằng: Hôm nay các cháu hát dân ca rất hay và đúng, cứ như thế mà phát huy. Ngoài việc về đơn vị phục vụ tốt đồng bào và chiến sĩ, các cháu phải luôn trau dồi vốn cổ dân ca để truyền dạy cho con cháu sau này.
Năm mươi năm nay, lời dặn dò của Bác vẫn văng vẳng bên tai người nghệ sĩ Bích Nồng. Dường như có một sức mạnh nguồn cội ở nơi đây, Bích Nồng và đồng nghiệp của bà, những nghệ sĩ sinh ra để hát đã làm rạng rỡ thế hệ mình và xứng đáng với sự nghiệp tổ tông. Giờ đây tóc bạc da mồi vẫn thấy vẹn nguyên trong con người nghệ sĩ Bích Nồng niềm đam mê cháy bỏng. Tưởng như dòng chảy đam mê đó không bao giờ ngơi nghỉ. Đam mê của tuổi trẻ thì sục sôi, cống hiến. Đam mê của tuổi già thì chứa dựng những hàm ý sâu xa, lưu giữ cho đời sau vốn cổ văn hóa của quê hương. Cuộc đời của bà, những gì mà bà nếm trải luôn là tấm gương lao động nghệ thuật cho các thế hệ sau tiếp bước noi theo.