Khắc khoải tiếng "Vọng biển"

Văn Giá (Nhà nghiên cứu phê bình văn học) |

Tôi đang cầm trên tay bản thảo tập thơ “Vọng biển” của nhà thơ Cao Hạnh do bạn văn Văn Xương cung cấp.

Đọc thơ Cao Hạnh bây giờ có khác đọc thơ anh những ngày anh còn sống. Đọc bây giờ không còn được hỏi han, trò chuyện với anh để hiểu thêm một câu thơ, vân vi một chữ thơ, tán thưởng một tình thơ nữa. Đọc bây giờ như đọc một tiếng vọng của chữ, tiếng vọng của thơ anh. Thì ra, tên tập thơ “Vọng biển”, không hiểu do sinh thời nhà thơ tự đặt, hay do bạn văn của anh đặt giùm, đã nói với chúng ta cái tiếng vọng chứa nhiều cảm xúc ấy…

 
  Cố nhà văn Cao Hạnh (thứ hai, từ phải sang) cùng các bạn văn. Ảnh: Văn nghệ Công an online

Tôi quen biết nhà thơ Cao Hạnh chưa lâu, khoảng quãng năm 2010 thì phải, tuy danh tiếng đã biết ít nhiều. Lần ấy, tôi dẫn một lớp sinh viên viết văn, nơi tôi đang giảng dạy, đi thực tế sáng tác vùng Quảng Trị. Đã vào tới đó, không thể không liên hệ để được gặp gỡ các nhà văn đang sống và viết ở đây. Tôi gọi trước qua điện thoại. Một giọng nói sôi nổi, ấm áp, dễ thân gần từ đầu giây bên kia đáp lại. Anh Cao Hạnh đã nhận lời tổ chức một cuộc tiếp xúc giữa các sinh viên viết văn với một số cây bút Quảng Trị. Tôi còn được anh giới thiệu liên hệ với cô chánh văn phòng Hội để được chỉ dẫn nơi ăn chốn ở, chỗ tham quan… Mọi chương trình làm việc sau đó diễn ra suôn sẻ. Thầy trò chúng tôi được anh trong tư cách Chủ tịch Hội cùng một số đồng nghiệp đón tiếp rất tận tình, ân cần, chan hòa tấm lòng văn nghệ.

Từ bấy, chúng tôi thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm nhau. Có lần anh ra Hà Nội để đi tham quan đất nước Mông Cổ cùng đoàn nhà văn Việt Nam, chúng tôi lại được gặp nhau.

 
 Tập thơ Vọng biển của Cao Hạnh mới xuất bản đầu năm 2020. Ảnh: Hoàng Hải Lâm.

Một lần, nghe tin anh bị tai biến. Rất may, anh sớm bình phục, tuy sức khỏe không còn tốt như trước đó. Anh vẫn đọc, viết. Thỉnh thoảng làm được bài thơ ưng ý, anh lại bốc máy gọi điện, đọc cho tôi nghe. Giọng đọc vẫn ấm, tròn vành rõ tiếng. Rất mừng. Lần nào cũng như lần nào, anh luôn mời tôi vào chơi Quảng Trị. Anh dặn đi dặn lại rằng vào chơi gặp nhau là quý rồi, đừng nghĩ đến chuyện quà cáp làm gì nhé… Quả là, tôi có ý định vào chơi thật. Nhưng rồi công việc linh tinh, bận này mải nọ, nên vẫn khất lần.

Độ ấy, lâu lâu không thấy anh gọi điện. Có lần tôi gọi vào cho anh nhưng không thấy bắt máy. Tôi cũng tặc lưỡi nghĩ chắc anh bận nên không nghe máy. Công việc, các sự vụ đời sống bủa vây, có khi không cho ta có lúc nào rảnh rang để tâm đến người khác được.

Đúng quãng cuối hè năm 2017, có một đoàn học sinh giỏi văn của tỉnh Quảng Trị do một cô giáo trường chuyên phụ trách ra thăm Hà Nội, cũng là để thụ giáo một số thầy. Sau buổi lên lớp, tôi tâm sự với cô trò rằng tôi có một ông anh, bạn văn như thế, rằng ông ấy sức khỏe không được tốt lắm, tôi nhờ mang một cái phong bì, gọi là chút quà nhỏ mọn, nhờ cô trò chuyển giúp… Cô giáo vui vẻ nhận lời. Mấy hôm sau, cô giáo ấy từ trong Quảng Trị điện ra cho tôi nói nhà văn Cao Hạnh đã mất rồi, mất gần hai tháng nay rồi, rằng cô trò mang món quà nhỏ của tôi đến thăm, thì đã thấy ban thờ nghi ngút khói hương, nên đành xin phép gia đình để cái phong bì ấy lên viếng nhà văn… Ôi, oan nghiệt thay, vô thường thay, anh ấy bị tai nạn giao thông khi đang đi photo bản thảo. Nghe cái tin dữ ấy, tôi bị ám ảnh rất lâu, buồn thương vô kể. Một đời văn cật lực, thủy chung. Ngay cả đến lúc chết cũng vẫn vì cái lụy văn chương mà chết.

***

Trở lại với tập thơ “Vọng biển”. Đây là tập thơ thứ hai, và là tập thứ 11 nếu tính cả văn xuôi và kịch của nhà văn Cao Hạnh. Một người sinh ra, lớn lên, trưởng thành, gắn bó cả đời với quê hương; ăn ở kỹ lưỡng, nặng tình nặng nghĩa với quê hương, tự nguyện chọn một cách thế tồn tại: sống và viết tại quê hương, cho quê hương. Một đời sống bền bỉ với quê hương. Cao Hạnh là người đã sớm tìm thấy căn rễ đời văn của mình, đó là quê hương bản quán, với những khung cảnh thổ ngơi, với những con người chân chất, thật thà, nghèo khó mà kiên trung, kiêu hãnh.

Trong tập thơ, có ba chủ đề được nhà thơ khai thác tập trung nhất, đó là quê hương, những người phụ nữ, và những vui buồn nhân thế.

Với quê hương, cảm xúc của nhà thơ luôn căng đầy những ký ức, những hoài niệm, lòng biết ơn nguồn cội. Nhà thơ “Thương nhớ một dòng sông quê”, cảm nhận tiếng vọng của biển, tiếng vọng của một thời đạn bom, hy sinh đau thương mà anh dũng (Vọng biển). Quê hương trong hồn thơ Cao Hạnh hiện lên có khi với những mảng màu lớn (Làng tôi vào xuân, Cặp đôi sông núi, Giao hòa, Khúc hát Đông Hà…), và nhiều khi hiện lên trong những dáng nét nhỏ xíu thôi mà vẫn thấy cả một cái nhìn tinh tế, một tấm lòng sâu nặng:

“Xanh theo những tiếng ru hời

Lúa non hắt bóng lên trời dáng quê” (Ngắm lúa non);

“Con bướm vàng

Trong chiều biếc

Ta cúi nhặt một mảnh ngày”… (Con bướm vàng).

Trong không gian quê hương rất đỗi tự hào đó, hiện lên những gương mặt. Nhà thơ Cao Hạnh thường hay để tâm đến những mảnh đời khuất lấp, bé nhỏ, dễ bị bỏ quên. Một người bạn đi qua chiến tranh, chẳng may lìa đời sớm, trong phút lâm chung, đôi mắt không khép được, bởi “Còn bây giờ day dứt với quê hương” (Bạn tôi). Trong thơ Cao Hạnh, hình ảnh người phụ nữ chiếm chỗ rất nhiều với nhiều biến thể. Đây là người đàn bà bị nhiễm chất độc đi-ô-xin: “Người đàn bà giật mình tỉnh dậy/Ôm hai bầu vú/đang/nhỏ/sữa/tươi…” (Lưới nhện). Hoặc đây là hình ảnh người chị chết trẻ, vẫn không thôi nguôi trong nỗi nhớ thương của nhà thơ: “Dòng sông đưa chị về bến cũ/Nơi ngày xưa chi đi lấy chồng/Tiếng em khóc gào hằn lên mặt sông/Bãi cỏ cào cào tung lên ngàn cánh tím”… (Ngày chị đi lấy chồng). Trong vệt cảm xúc buồn thương của nhà thơ, có cả hình ảnh người vợ tảo tần, thương khó, hy sinh: “Xưa ôm con ở trong nhà dột nát/Thân em hứng trọn cơn mưa/Giờ nhà cửa khang trang, chăn nệm có thừa/Phải ra nằm giường bệnh viện” (Thương vợ).

 
 Nhà văn Cao Hạnh (1953- 2017). Ảnh: Xanh EWEC

Còn đây lại là một phía khác của tâm hồn thi sĩ: hình ảnh một “Người đàn bà nhặt rác” trên bãi biển, tuy thân phận nghèo khó, lam lũ, nhưng hiện lên trong một tư thế đẹp và kiêu hãnh: “Nhịp sóng thơm vỗ theo đòn gánh/Gánh chiều đi”. Đây nữa, một người đàn bà ngồi trong công viên làm nên cả một “Bức tranh chiều tà” thật kiêu sa: “Ngửa mình trên ghế ngân nga/Bàn chân giao chỉ tỏe ra dưới trời”. Người phụ nữ mang cái dáng điệu của mấy ngàn năm dân tộc, như phảng phất bóng dáng Mẹ Âu Cơ, Tiên Dung hội tụ. Nhà thơ Cao Hạnh rất giỏi trong việc lấy cái nhỏ gợi cái lớn, lấy cái tưởng không đâu để nói cái nghĩa lý nhân sinh.

Trong thời gian sau cùng của cuộc đời, nhà thơ Cao Hạnh lâm bệnh khá nặng. Cùng với việc hồi phục chậm, anh nhìn cuộc đời, nhìn vào chính nội tâm mình bằng một gam màu buồn hơn vui, song rất điềm tĩnh. Thơ anh hay nói về bóng đêm. Nghĩ về đêm, nghĩ từ đêm. Đêm là trạng thái tự nhiên của vũ trụ. Trong thơ Cao Hạnh, đêm còn là nơi ẩn chứa những bất trắc của cuộc đời (Cảm nhận đêm), và sứ mệnh của nhà thơ là “Những chữ nghĩa bay ra bóng tối/Thơ dìu ta về phía mặt trời” (Đêm).

Lúc này, nhà thơ có nhiều câu thơ mang chở sức nặng của nghĩ ngợi, chiêm nghiệm: “Tôi đi trăm nẻo đường đời/Cuối cùng về lại chính nơi sinh mình” (Tôi đi); “Người làm muối/Nuôi trăm người đủ mặn/Mà trăm người/Không nuôi nổi một người làm muối đủ no” (Người làm muối)…; “Đàn rằng: Hỡi các con ơi/Ở đâu giữa cõi đất trời bao la/Hồn thiêng xin trở lại nhà/Mít thơm mẹ đợi, quả na mẹ chờ…” (Tiếng đàn bầu)… Ai vô tình với cuộc đời, hồn thơ sớm muộn rồi sẽ chết. Với nhà thơ Cao Hạnh, tâm hồn nghệ sĩ trong anh luôn bắt nhịp mật thiết và bền bỉ với đất Mẹ, với quê hương. Cái chất nghĩ đó làm nên nỗi khắc khoải của tập thơ “Vọng biển” - như một chủ âm vọng lại cuộc đời này.

***

Ai đã từng gặp nhà thơ Cao Hạnh, đều thấy anh vô cùng bình dị, chân tình trong nói cười, ứng xử, giao tiếp hàng ngày. Mọi kiểu cách, diệu vợi, đao to búa lớn đều xa lạ với anh. Thơ anh cũng vậy, lúc nào cũng thật lòng với quê hương. Thỉnh thoảng, bắt gặp đôi câu thơ tài hoa của anh bay lên như những cánh bướm vàng chao liệng khiến người đọc phải bỡ ngỡ, trầm trồ.

Như chính những câu thơ thi sĩ viết, thơ Cao Hạnh đã và đang làm “Con bướm vàng/Bay giữa trời/Dệt chùm hoa nắng” cho đời…

    (Hà Nội, ngày mùng 6 Tết Canh Tý)

TAGS

Những mùa qua thành phố

Nguyễn Bội Nhiên |

Đã lâu mình không nhớ mình có thể làm thơ trong nỗi nhớ người, như tạm quên chiếc hôn giã biệt từng đắm say thầm lặng giữa tâm hồn. Chợt sáng mai này thức giấc, khuấy động những phôi pha từ đâu đó ngược về với vị gió non tơ của mùa rét. Thành phố ngọt ngào hơn khi dõi mắt qua nếp lá để nhìn nắng cứ lên cao về phía đồi xa, nao lòng chợt hiểu sông đang miệt mài quen với những bóng râm mà đến mai sau, đến mãi mãi nắng không biết mình để lại trên mặt nước. Chỉ có tuổi thơ nào ngấp nghé bên đôi cánh chuồn chuồn rung rinh trên khóm ngâu gầy nghe sông thở dài…

“Thức” đến “Bóng lặng cuối thềm ngày”

Minh Hà |

Lệ thường, người ta dứt tình với thơ rồi tìm đến viết văn. Hoặc giả có người ôm đồm thế! Cả làm thơ và viết văn. Số này thành công ít. Nhưng đem chữ “thành công” mà lượng hóa trên văn đàn thì thật khó khăn.

Bolero của bố

Bấc |

Sáng, cánh cửa phòng được mở, hơi lạnh từ ngoài ùa vào cùng với tiếng hát từ chiếc ti vi bật ra, tôi biết đấy là bolero của bố. Mỗi bản nhạc là một nỗi đau, gộp chung lại thành những nỗi đau lạc vỡ.

Gặp Bùi Viết Anh qua những trang thơ

Hoàng Hải Lâm |

Tôi không mê đọc thơ. Nhưng khi bắt gặp những dòng thơ của Bùi Viết Anh tôi mới “chững” lại. Cảm giác này rất thú vị. Bỏ qua những công việc của đời thường, tôi chỉ muốn nói duy nhất về Bùi Viết Anh với thơ và thơ.