Những tác phẩm đặc sắc của nhà văn Sơn Tùng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hạnh Lê |

Nhà văn Sơn Tùng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tất cả lòng ngưỡng mộ, say mê và tôn thờ. Những tác phẩm văn học viết về đề tài Bác của ông chứa đựng những cứ liệu lịch sử chân xác về sự hình thành nhân cách và quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với lịch sử thời đại.

Trong văn học nghệ thuật hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đề tài lớn. Hàng trăm nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ đã tái hiện hình tượng Bác qua những loại hình nghệ thuật khác nhau. Nhưng thành công và để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong mảng đề tài này là nhà văn Sơn Tùng với những đóng góp vô giá cho văn học. 

Nhà văn Sơn Tùng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng lòng ngưỡng mộ, say mê và tôn thờ. Ông dành cả cuộc đời của mình từ khi mới ngoài 20 tuổi đến năm hơn 80 tuổi để tìm hiểu về Bác. Nhà văn Sơn Tùng từng tâm sự, suốt hơn ba mươi năm cầm súng, cầm bút, ông đã dành nhiều thời gian và tâm huyết vào công việc ghi chép về thời niên thiếu của Bác Hồ. Ông đã tìm gặp anh chị của Bác Hồ và hỏi han được nhiều điều quý giá. Từ đó, ông lần theo đầu mối ấy đến những nơi Bác Hồ từng sống, học tập, dạy học, làm việc, gặp gỡ những người cùng thời với Bác để hỏi han với một thái độ, một trách nhiệm, một tình cảm như một người làm công tác khảo cổ học. 

Nhà văn Sơn Tùng.
Nhà văn Sơn Tùng.

Sinh thời nhà văn Sơn Tùng từng chia sẻ: “Không phải do một sự ngẫu nhiên, một sự tình cờ, mà từ tình yêu kính Bác với một quá trình hình thành và tích lũy trong tâm hồn tôi đã dẫn đến việc cầm bút viết những trang kể về một số hình ảnh thuở thiếu thời của Hồ Chủ tịch”.

Những tác phẩm văn học viết về đề tài Bác Hồ của nhà văn Sơn Tùng chứa đựng những cứ liệu lịch sử chân xác về sự hình thành nhân cách và quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với lịch sử của thời đại. 

Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tiểu thuyết "Búp sen xanh". Ra mắt lần đầu năm 1982, cuốn sách là kết tinh của lòng yêu kính vô bờ với vị lãnh tụ của dân tộc và quá trình điền dã bền bỉ, nghiên cứu tài liệu không mệt mỏi của nhà văn Sơn Tùng suốt mấy chục năm. Từ năm 1948, nhà văn Sơn Tùng đã đến gặp trực tiếp bà Thanh và ông Khiêm - là anh chị ruột của Bác, được gia đình cung cấp những tài liệu quý báu về cuộc đời, gia cảnh của Bác.

Nhà văn Sơn Tùng cũng đi khắp các miền đất nước lần theo dấu vết mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Hồ Chủ tịch từng đi qua. Ông cũng tìm đến những nơi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đi, gặp những người từng quen biết chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành như người thủy thủ từng biết Bác từ năm 1913, gặp bà Lê Thị Huệ - “mối tình đầu tiên và có ảnh cũng như thơ Nguyễn Tất Thành gửi cho bà”. Cùng với việc sưu tầm nghiên cứu các “tư liệu quốc tế, các sách báo viết về Bác, đặc biệt các chồng công văn mật, các giấy tờ”...

Cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh” được nhà xuất bản Kim Đồng tái bản nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5-2020)​​
Cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh” được nhà xuất bản Kim Đồng tái bản nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5-2020)​​

Khi ra mắt, cuốn sách từng nhận được nhiều ý kiến khác nhau – bên cạnh những lời khen cũng có một số ý kiến trái chiều. Bởi trong cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Sơn Tùng đã bổ sung thêm nhiều tư liệu mới, xây dựng thêm những chi tiết và sáng tạo ra một số nhân vật mang tính hư cấu. 

“Trong thời điểm cuốn sách ra mắt lần đầu, vẫn còn rất phổ biến những quan điểm cho rằng viết về các nhân vật lịch sử nổi tiếng, dù là thể loại tiểu thuyết, vẫn phải hoàn toàn đúng như sự thật, không được phép hư cấu. Vì thế việc tác phẩm này khi ra mắt đã tạo ra những luồng dư luận trái chiều cũng là điều dễ hiểu”, nhà văn Lê Phương Liên - một trong 4 người trực tiếp thực hiện công việc biên tập bản thảo của cuốn tiểu thuyết này cho lần xuất bản đầu tiên chia sẻ.

Thời điểm đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một trong những vị lãnh đạo rất quan tâm và dành nhiều lời ngợi khen cho cuốn sách này. Thủ tướng đã có ý định viết lời tựa cho cuốn "Búp sen xanh" vào lần tái bản thứ nhất (năm 1983).  Ban biên tập cuốn sách sau khi cân nhắc kĩ lưỡng và được sự đồng ý của tác giả, đã quyết định chưa giới thiệu bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong những lần tái bản tiếp theo của cuốn sách.

Sau khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời, trong những lần tái bản sau đó của Búp sen xanh, NXB Kim Đồng mới sử dụng toàn văn bức thư Thủ tướng gửi cho nhà văn Sơn Tùng làm lời tựa cho cuốn sách. Nhà xuất bản Kim Đồng chính thức in và in đầy đủ trong lần xuất bản năm 2005: ...“Cuốn sách Búp sen xanh nêu lên một vấn đề: ở đây tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không? Về vấn đề này các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và tất cả chúng ta, cần suy nghĩ để có thái độ. Song, ở đây cũng vậy, lời nói có trọng lượng lớn thuộc về người đọc, nghĩa là nhân dân”.  

Tại Lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng năm 2011, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu: “Những tác phẩm của ông chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được đông đảo bạn đọc hoan nghênh. Đặc biệt, tác phẩm "Búp sen xanh" được tái bản đến thời điểm này đã hơn 20 lần tái bản với 60 vạn cuốn đã nói lên thành công vang dội của Sơn Tùng đối với công chúng yêu văn học”. Từ đó cho tới nay tác phẩm đã được tái bản lần thứ 30 và dịch ra nhiều thứ tiếng.

Tiếp theo cuốn “Búp sen xanh”, cuốn "Bông sen vàng” là tác phẩm thứ hai của Sơn Tùng viết về thời niên thiếu của vị anh hùng dân tộc trong thời đại cách mạng, đọc cả hai tác phẩm đều nhằm tái hiện tuổi thơ của Bác muôn vàn kính yêu. Cuốn sách “ Bông sen vàng” ra đời nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (15/05/1889 – 19/05/1989).  

Tiểu thuyết “Bông sen vàng” nói về thời ấu thơ và tuổi trẻ của Bác với tên gọi Nguyễn Sinh Côn sống với cha mẹ ở Huế.
Tiểu thuyết “Bông sen vàng” nói về thời ấu thơ và tuổi trẻ của Bác với tên gọi Nguyễn Sinh Côn sống với cha mẹ ở Huế.


"Búp sen xanh" nói về khởi thủy gia đình và quãng đời thơ ấu của Hồ Chí Minh cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước; "Bông sen vàng", ở diện hẹp hơn cũng nói về thời ấu thơ và tuổi trẻ của Bác với tên gọi Nguyễn Sinh Côn sống với cha mẹ ở Huế - một trung tâm văn hóa, chính trị thời bấy giờ... 

Sở dĩ nhà văn dành hẳn 1 cuốn tiểu thuyết để đề cập tới quãng đời này bởi, trong nhiều lần đàm đạo tại Chiếu Văn Văn Chương với các bạn văn, tác giả Sơn Tùng đều nhận định: “Đây là quãng thời gian rất quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn đến nhân cách và tư tưởng của Bác sau này”. 

Cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách Hồ Chí Minh từ thuở thiếu thời được tái hiện một cách chân thực, rõ nét và gần gũi qua ngòi bút của Sơn Tùng. Trong từng câu, từng chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên không chỉ với tư cách một nhân vật văn học. Viết về Bác, nhà văn này đã vẽ nên một bức chân dung sắc sảo về một nhà văn hóa, một danh nhân kiệt xuất từ thuở thiếu thời. 

Nhà văn Sơn Tùng còn có tác phẩm "Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh", được ra mắt lần đầu vào năm 2016, gần ba thập kỷ sau khi nhà văn Sơn Tùng hoàn thiện tác phẩm. Bản thảo cuốn sách do con trai nhà văn Sơn Tùng sưu tầm từ những trang viết tay của cha.

Tác phẩm “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh.
Tác phẩm “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh.


Tác phẩm tái hiện lại quãng thời gian Bác Hồ (khi đó tên là Nguyễn Tất Thành) đi từ Huế vào Nam, hành trình gian nan vượt đèo Cù Mông, Rù Rì, Đèo Cả và dừng chân dạy học ở Trường Dục Thanh (tỉnh Phan Thiết) - trường học do những người yêu nước lập nên. Qua cuốn sách, độc giả sẽ cảm nhận rõ tâm tư, tình cảm của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi đất nước đang trong vòng nô lệ, trước nỗi đau đáu của cha “Nước mất! Nhà tan! Đi đi con. Tất Thành! Tất Thành…”.

Không chỉ có vậy, Nguyễn Tất Thành còn được nhà văn Sơn Tùng khắc họa dưới hình ảnh một nhà giáo. Một người thầy với nhiều tư tưởng đổi mới trong giáo dục. Khi trở thành một nhà giáo, Người luôn kích thích tính sáng tạo, tinh thần độc lập, tự chủ trong học tập của học trò. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã khơi dậy trong lòng những học trò của mình tinh thần yêu nước, ý chí tự lập, tự cường. 

Giáo sư, Tiến sĩ sử học, Nhà giáo ưu tú Mạch Quang Thắng chia sẻ khi đọc tác phẩm: “Nhà văn Sơn Tùng viết bằng cái tâm sáng, nhiệt thành, ngòi bút đầy cảm xúc, có sức lay động tình nhân ái… Thời gian ở trường Dục Thanh chỉ là một chặng nhỏ của Bác Hồ mà thôi, một chặng "chia chữ" như nhà văn Sơn Tùng đã viết, để rồi mưu việc lớn hơn, như lời người Cha là Cụ Nguyễn Sinh Sắc thúc giục con mình: Nước mất đi tìm Nước… Đi đi con! Tất Thành!...

Nhà văn Sơn Tùng viết bằng cái tâm sáng, nhiệt thành, ngòi bút đầy xúc cảm, có sức lay động tình nhân ái. Hình như ông viết cho chính ông, để tự cảm nhận, để giãi bày trước khi ông đưa những con chữ văn chương quý giá đến với bạn đọc. Chỉ mấy chục trang viết thôi, nhưng quả thực, nhà văn Sơn Tùng đã tái hiện được quãng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời Bác Hồ".

Truyện dài "Cuộc chia li trên Bến Nhà Rồng" của nhà văn Sơn Tùng được chỉnh sửa từ kịch bản phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn"- bộ phim nhựa công chiếu năm 1990 được đông đảo khán giả yêu mến.

Truyện dài “Cuộc chia li trên Bến Nhà Rồng” được chỉnh sửa từ kịch bản phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn“.
Truyện dài “Cuộc chia li trên Bến Nhà Rồng” được chỉnh sửa từ kịch bản phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn“.


Vẫn giữ những chi tiết nội dung cuốn "Búp sen xanh", viết về Bác Hồ ở tuổi hai mươi, nhưng trong tác phẩm này, nhà văn Sơn Tùng khắc họa rõ hơn tình cảm cao thượng và đẹp đẽ của cô gái Lê Thị Huệ (Út Huệ) với chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Tình cảm ấy được nhen lên từ ngày Nguyễn Tất Thành còn là cậu học sinh Trường Quốc học Huế, cho tới khi anh rời Bến Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước. 

Theo lời con trai nhà văn, ông Bùi Sơn Định cho biết khi viết “Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng”, nhà văn Sơn Tùng có đưa thêm một số câu chuyện, tình tiết không có ở trong cuốn “Búp sen xanh”. Như mối quan hệ giữa gia đình Bác Hồ với Đông các Đại học sỹ Cao Xuân Dục và Thượng thư Đào Tấn… Những chí sỹ yêu nước này đã có ảnh hưởng đến tư tưởng của người thanh niên Nguyễn Tất Thành đối với việc quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Tác giả tâm nguyện người đọc sẽ biết thêm nhiều câu chuyện về đời thực của Bác, từ tuổi thơ, đến khi Người ra đi tìm đường cứu nước. 

Cuốn sách "Từ làng Sen" với lời kể ngắn gọn súc tích của nhà văn Sơn Tùng và 25 bức tranh minh họa màu nước ấm áp của họa sĩ Lê Lam, được long trọng ra đời vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1990). Tác phẩm có mối quan hệ gắn bó với "Búp sen xanh" - cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết một cách trọn vẹn về thời niên thiếu cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước của Hồ Chủ tịch.

Cuốn sách “Từ làng sen” với lời kể ngắn gọn súc tích của nhà văn Sơn Tùng và 25 bức tranh minh họa màu nước ấm áp của họa sĩ Lê Lam.
Cuốn sách “Từ làng sen” với lời kể ngắn gọn súc tích của nhà văn Sơn Tùng và 25 bức tranh minh họa màu nước ấm áp của họa sĩ Lê Lam.


Khi nhận bản thảo cuốn "Từ làng Sen", họa sĩ Lê Lam chia sẻ ông rất hào hứng, dành hết thời gian và tâm sức cho cuốn sách. Ông kể: “Với tôi, vẽ Bác Hồ cần có một cái Tâm. Cái Tâm đó đã được khơi lên từ những ngày Cách mạng Tháng Tám, khi tôi mới 14 tuổi. Và sau này suốt thời gian tôi tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi tham gia chiến đấu ở miền nam, cái tên Hồ Chí Minh đã gắn liền với Tổ quốc. Đó là niềm tin, là động lực để chúng tôi sống, tin tưởng và chiến đấu tới ngày toàn thắng”.

Mở đầu bằng hình ảnh làng Chùa, núi Hồng, sông Lam quê Bác, và kết thúc là hình ảnh “con tàu đang rời xa bến cảng Nhà Rồng, chở theo người đầu bếp, người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Ba, còn vọng lại tiếng nói của anh: Tổ quốc ta, nhân dân ta phải có độc lập, tự do chứ không thể nô lệ mãi được”. Mỗi bức tranh là một cảm thụ, một thi hứng với một ý tứ đã đúc kết nên hình ảnh trọn vẹn. Những hình ảnh trong tác phẩm ghi lại một cách chân thực về từng giai đoạn trong cuộc đời Bác gắn liền với những diễn biến lịch sử trọng đại của toàn dân tộc, làm nên cốt cách, tâm hồn, tư tưởng và chí hướng Hồ Chí Minh.

(Nguồn: VOV.VN)

Nhà văn Sơn Tùng qua đời, 'Búp sen xanh' còn tỏa hương mãi mãi

Minh Thu |

Biết thông tin nhà văn Sơn Tùng - tác giả 'Búp sen xanh' qua đời, nhiều nhà văn, nhà thơ, độc giả đã bày tỏ sự xúc động, tiếc thương.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh qua đời ở tuổi 89

PV |

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh qua đời lúc 14h55 phút ngày 12/6 tại nhà riêng ở Cổ Nhuế, Hà Nội.

Nhà văn, nhà báo Phan Quang - cây đại thụ trong làng báo chí cách mạng Việt Nam

PGS,TS Nguyễn Hồng Vinh |

Tôi vui mừng khôn xiết khi nhận được cuốn sách khổ rộng, bìa sáng, nội dung vô cùng đa dạng, có sức hút lớn ngay từ khi lướt qua từng trang sách.

Đất thép Vĩnh Linh trong sáng tác của nhà văn Xuân Đức

TS. Bùi Như Hải |

Nhà văn Xuân Đức là một tiểu thuyết gia, kịch tác gia nổi tiếng của nền văn học Việt Nam đương đại. Sự ra đi đột ngột của nhà văn, một người con Quảng Trị tài danh đã khiến gia đình, bạn bè văn giới, độc giả bàng hoàng, tiếc thương. Nhà văn Xuân Đức để lại một gia tài đồ sộ, rất đa dạng và phong phú, với hàng trăm kịch bản sân khấu, kịch bản phim, tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp văn và trường ca, thơ, ghi chép, phóng sự,... Ở địa hạt nào Xuân Đức cũng gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt kịch bản sân khấu và tiểu thuyết.