Thầy hiệu trưởng hết lòng với học sinh vùng khó

Nguyễn Trang |

Dù đang là thời gian nghỉ hè nhưng thầy giáo Nguyễn Văn Thông (sinh năm 1977), Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), vẫn miệt mài bám bản, bám trường, xây dựng kế hoạch cho năm học mới.

7 năm lên vùng miền núi khó khăn công tác, thầy mong muốn tiếp tục góp sức, phấn đấu xây dựng Trường PTDT bán trú Tiểu học Vĩnh Ô đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2023. Đồng bào Vân Kiều nơi đây luôn dành tình cảm đặc biệt cho thầy hiệu trưởng người Kinh luôn hết lòng vì sự học của con em dân bản.

Năm học 2015 - 2016, thầy Thông công tác ở Trường Tiểu học Vĩnh Nam thì được điều động lên làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Ô. Sau 2 năm, thầy được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, cũng từ đây thầy xác định phải nỗ lực hơn nữa để phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Thầy cùng ban giám hiệu nhà trường nắm bắt tình hình, chủ động đổi mới phương pháp quản lý, đảm bảo bố trí đội ngũ đúng vị trí, năng lực, xây dựng tinh thần đoàn kết nội bộ, sẵn lòng trợ giúp lẫn nhau trong công việc, sinh hoạt.

 

Thầy luôn tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp mới vào giảng dạy. Với mục tiêu chung “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, những phong trào thi đua như “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực”; “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… luôn được nhà trường quan tâm, tạo sức lan tỏa sâu rộng.

Thầy Thông nhớ lại: “Từ trước năm 2015, khó khăn lớn nhất của trường là cơ sở vật chất vừa chưa đồng bộ, vừa xuống cấp. Trường gồm 3 điểm trường cách nhau 12 km, phân bố tại 3 bản: Xóm Mới, Xà Lời và Bản Mít. Trong đó, điểm trường Bản Mít xa nhất, chưa có phòng học, phải sắp xếp ngăn đôi nhà công vụ và mượn 1 phòng học của trường mầm non để tổ chức dạy học. Riêng điểm trường trung tâm chấp nhận trong tình trạng “3 chung”: chung học, chung ăn, chung ngủ, do không có công trình nhà ăn tập thể; nhà vệ sinh cũng hư hỏng nặng…

Với đặc thù trường miền núi, 100% học sinh người Vân Kiều, tỉ lệ hộ nghèo cao nên việc huy động nguồn lực từ phụ huynh rất khó”. Trước thực tế này, thầy Thông đã lên kế hoạch chi tiết chỉnh trang, nâng cấp từng hạng mục điểm trường theo mỗi năm học rồi tham mưu, đề xuất các cấp, ngành đầu tư vào những công trình cấp thiết. Năm 2017, điểm trường Bản Mít được hỗ trợ 1,6 tỉ đồng xây dựng lớp học song lại gặp khó khăn vì không còn quỹ đất để thực hiện.

Lúc bấy giờ, thầy Thông không quản ngày đêm, đi lại nhiều lần để vận động hộ ông Hồ Văn Trung ở Bản Mít hiến gần 200 m2 đất giúp trường mở rộng khuôn viên, xây mới 4 phòng học kiên cố, đầy đủ trang thiết bị làm nơi học tập cho khối lớp 1, 2, 3. Đến đầu năm 2021, Ngân hàng Công thương Việt Nam tài trợ kinh phí 2 tỉ đồng xây mới công trình nhà ăn tập thể cho điểm trường trung tâm.

Quá trình giải phóng mặt bằng, thầy Thông cũng tâm huyết, trách nhiệm thuyết phục bằng được hộ ông Hồ Văn Bình, bản Xóm Mới hiến gần 150 m2 đất để có đủ diện tích 400 m2 làm nhà ăn tập thể phục vụ 150 học sinh cùng toàn thể giáo viên, nhân viên nhà trường. Trong năm học qua, thầy Thông còn kêu gọi kinh phí để khoan 1 giếng nước, lắp đặt hệ thống lọc nước tinh khiết; xây mới nhà vệ sinh tại trường trung tâm và điểm trường Bản Mít với tổng kinh phí trên 320 triệu đồng…

Nhờ làm tốt công tác dân vận, kịp thời huy động, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn lực đầu tư, những công trình phục vụ giáo dục ở xã miền núi khó khăn này dần được khởi công và hoàn thành từ tâm huyết, trách nhiệm của thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Thông. Từng bước xóa dần phòng học tạm, phòng học mượn, Trường PTDT bán trú Tiểu học Vĩnh Ô ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong tình hình mới.

Hiện học sinh cả 3 điểm trường đều được sắp xếp bán trú, đảm bảo học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, thầy Thông còn kết nối các nhà hảo tâm, thường xuyên tổ chức các chương trình thiết thực như: bảo trợ, trao học bổng, tặng xe đạp, sách giáo khoa, đồng phục cùng hàng nghìn suất quà trị giá cho học sinh.

Tích cực chăm lo về mọi mặt hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, nhờ vậy, đến nay 100% cán bộ, giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Vĩnh Ô đạt trình độ chuẩn. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn có bước chuyển biến tích cực. Trong các đợt hội diễn, hội thi, nhiều học sinh nhà trường tham gia đạt kết quả tốt như: Giải Nhất Giao lưu Tiếng Việt cấp huyện; giải Ba, Khuyến khích Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam huyện Vĩnh Linh…

Thầm lặng góp sức vì sự nghiệp trồng người ở vùng cao, thầy Thông được các cấp, ngành ghi nhận và biểu dương bằng nhiều bằng khen, giấy khen. “Phần thưởng quý nhất đối với tôi là hằng ngày được thấy học sinh đến trường học hành chăm ngoan, sĩ số lớp học luôn duy trì đều đặn để tôi tiếp tục hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em người dân tộc thiểu số vùng Tây Vĩnh Linh”, thầy Thông chia sẻ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Suối Đá Bàn sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn kết nối với di tích Đền thờ Vua Hàm Nghi

Anh Vũ |

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) Trần Anh Tuấn trong chuyến khảo sát các điểm có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn huyện mới đây.

Thầy giáo góp sức bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

Minh Long |

Lớn lên ở miền núi và có gần 20 năm dạy học tại vùng bản nên thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, hiện công tác tại Trường THCS Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) gắn bó và có tình cảm đặc biệt với đồng bào Vân Kiều và Pa Kô.

Dòng suối bí ẩn nhất thế giới, luôn ngừng chảy sau mỗi 15 phút

Minh Phương |

Hoạt động chảy có nhịp điệu của dòng suối đặc biệt Intermittent Spring tại Wyoming chỉ diễn ra từ cuối mùa Hè đến mùa Thu, khi mực nước ngầm thấp.

Những chiếc cổng độc nhất vô nhị ở Sin Suối Hồ

Xuân Mai |

Có bản người Mông ở Sin Suối Hồ (Lai Châu) không uống rượu, không khói thuốc, không cờ bạc, đường làng sạch bong... và đặc biệt có những cánh cổng được người dân tự chế vô cùng độc đáo không đâu có.