Cũng là thầy giáo, nhưng suốt 14 năm qua, “bục giảng” của thầy Lê Đức Hậu (sinh năm 1982), hiện đang công tác tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Vĩnh Lĩnh lại là... những trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bằng lòng yêu nghề và trái tim khao khát cống hiến, người thầy đặc biệt này đã giúp cho hàng trăm người nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Linh nói riêng, Quảng Trị nói chung “gỡ rối” trong chăn nuôi, từ đó vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Những “bục giảng đặc biệt”
Sáng sớm mùa đông tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, cơn mưa lất phất ngoài trời khiến thời tiết vốn đã lạnh lại càng thêm rét buốt. Ấy vậy mà thầy giáo Lê Đức Hậu đã thức dậy từ sớm, vừa nghiên cứu lại tài liệu, vừa kiểm tra lại các dụng cụ cần thiết để chuẩn bị cho buổi lên lớp của mình.
Gọi là “lớp” nhưng thực chất, đây là một trang trại chăn nuôi gà tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh. Học viên của thầy đa phần là các cô, chú nông dân lớn tuổi. Thấy vẻ mặt bất ngờ của chúng tôi, thầy cười hiền lành giới thiệu: “Đây là bục giảng và những người học viên đặc biệt của tôi. Mười mấy năm qua, từ những bục giảng này, tôi đã góp phần “gỡ rối” trong chăn nuôi cho hàng chục người nông dân trên địa bàn”.
Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nghèo, lại có bố làm trong lĩnh vực liên quan đến thú y nên khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy Hậu đã có định hướng sẽ nối nghiệp bố, học ngành chăn nuôi – thú y, góp phần giúp phát triển kinh tế nông nghiệp của quê hương.
Nhớ lại quá khứ, thầy chia sẻ: “Ngoài mong muốn áp dụng những kiến thức mình đã học để giúp đỡ nhiều hơn cho gia đình, bà con nông dân thì tôi chọn ngành chăn nuôi – thú y vì cho rằng, nghề này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ vật nuôi gắn liền với phát triển chăn nuôi. Ngành thú y không chỉ bảo vệ sức khỏe của vật nuôi mà còn giải quyết các vấn đề về thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người”.
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp ngành chăn nuôi – thú y, thầy Hậu quay trở về, xin vào làm việc tại Trạm thú y huyện Vĩnh Linh để trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng. Cũng chính trong khoảng thời gian này, nhờ chịu khó học hỏi, chăm chỉ, nỗ lực làm việc mà thầy đã được ban lãnh đạo trạm và địa phương đánh giá cao. Đồng thời đây cũng là bước đệm, “cơ duyên” để thầy gắn bó với công việc giảng dạy sau này.
“Khi người dân trên địa bàn có nhu cầu mở lớp học nghề chăn nuôi - thú y, Trung tâm GDNN-GDTX huyện, lúc bấy giờ là Trung tâm Dạy nghề tổng hợp đã liên hệ mời tôi về dạy nghề cho lao động nông thôn. Từ đó đến nay, thấm thoắt cũng đã 14 năm”, thầy Hậu bộc bạch.
Suốt ngần ấy năm công tác tại trung tâm, dù đứng trên những “bục giảng đặc biệt” như thế nhưng thầy Hậu chưa bao giờ suy nghĩ hay phiền lòng. Với thầy, nghề nào cũng đáng quý trọng, cốt yếu là giá trị bản thân tạo ra cho xã hội. Điều duy nhất khiến thầy trăn trở chính là làm thế nào để các học viên, những người đã có tuổi đời và kinh nghiệm dày dặn luôn hứng thú, tiếp thu bài giảng một cách tốt nhất.
“Tôi nghĩ nghề của mình không gì bằng thực tế. Với tôi, quan trọng nhất là phải kịp thời nắm bắt tình hình chăn nuôi trên địa bàn để giải đáp thắc mắc cho người dân. Ví dụ, khi dịch tả lợn Châu Phi mới bắt đầu bùng phát trên địa bàn, học viên hỏi tôi về những biểu hiện và cách phòng tránh bệnh mà tôi chỉ trả lời chung chung trên lý thuyết hoặc không trả lời được thì sẽ không còn ai theo học nữa, đó là điều chắc chắn”, thầy Hậu nói.
Thầy cũng chia sẻ thêm, thời điểm mới “chân ướt, chân ráo” vào nghề, chính sự cố trong một lần lên lớp, khi học viên đặt câu hỏi nhưng thầy không thể đưa ra câu trả lời thuyết phục, khiến họ nghỉ học đã để lại cho thầy bài học kinh nghiệm sâu sắc, không thể nào quên và nhắc nhớ thầy luôn phấn đấu, trau dồi không ngừng.
Ngoài việc truyền đạt kiến thức, đôi khi thầy cũng cần học hỏi rất nhiều từ những học viên, để từ đó bổ trợ thêm vào chỗ còn thiếu của mình.
Luôn cống hiến hết mình với nghề
Là một thầy giáo dạy các nghề liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, thú y, chưa có một trang trại chăn nuôi nào từ vùng đất cát Vĩnh Thái cho đến vùng núi Vĩnh Ô, Vĩnh Hà là thầy Hậu chưa đặt chân đến.
Ngày mưa cũng như ngày nắng, thầy luôn phải vượt quãng đường dài hàng chục cây số cả đi lẫn về trên những con đường đất đỏ lầy lội để tới được nơi dạy cho những người lao động của địa phương. Còn nhớ hôm dẫn chúng tôi đến thăm một “lớp” học của mình, thầy Hậu nói đùa rằng: “Đây là một trong những lớp học có con đường dễ đi nhất của tôi”.
Đi đến đâu, thầy Hậu cũng được người dân địa phương nhận ra và chào đón nồng nhiệt. Trong cuộc đời, sự nghiệp của một người thầy, đó có lẽ là điều quý giá hơn cả.
Thầy Hậu nói thêm: “Làm nghề này cũng như là… nông dân, đã sớm quen với cảnh mưa nắng dãi dầu. Vất vả là thế nhưng đổi lại, thứ tôi nhận được chính là sự yêu mến và tinh thần ham học hỏi của học viên. Đó là động lực to lớn giúp tôi cố gắng nhiều hơn mỗi ngày”.
Được biết, hiện thầy đang dạy cho 3 lớp chăn nuôi gà, lợn tại các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Khê và thị trấn Hồ Xá. Chia sẻ với chúng tôi, thầy Hậu cho hay, tuy giảng dạy trong điều kiện không có sách, vở nhưng tùy vào đặc điểm của mỗi lớp học cũng như học viên mà thầy luôn cẩn thận soạn giáo án và linh hoạt thay đổi phương án giảng dạy cho phù hợp.
Những năm qua, để đảm bảo cho việc dạy và học được diễn ra hiệu quả nhất, bên cạnh việc dạy lý thuyết, thầy cũng thường xuyên tổ chức cho học viên tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất giỏi tại địa phương.
Đồng thời, đưa ra sáng kiến xây dựng nhiều mô hình thực hành trong lớp nhằm tạo tính thi đua giữa các học viên và tạo nhóm trò chuyện trên nền tảng zalo hay facebook để kịp thời hỗ trợ, cung cấp thông tin cho học viên trong và sau khi khóa đào tạo kết thúc.
Cũng nhờ những ý tưởng độc đáo, ứng dụng công nghệ vào trong giảng dạy này đã giúp những giờ học của thầy Hậu diễn ra sôi nổi, các học viên tương tác tốt với nhau và tích cực chia sẻ, trao đổi thông tin với giáo viên.
Bà Nguyễn Thị Năm, học viên lớp kỹ thuật chăn nuôi gà tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh cho biết, thầy Hậu không chỉ hòa nhã, vui vẻ mà còn tận tụy, tâm huyết với học viên. Trong lớp ai có câu hỏi hay thắc mắc gì, thầy cũng chủ động giải thích hoặc nếu không cũng tìm tài liệu, nghiên cứu tìm ra câu trả lời chính xác nhất cho học viên.
Bà Năm chia sẻ: “Lúc nào thầy cũng là người đến sớm và về muộn nhất lớp. Những bài giảng của thầy rất dễ hiểu và dễ làm theo. Học viên chúng tôi ai cũng yêu quý thầy”.
Không riêng gì bà Năm mà nhiều học viên khác cũng rất vui khi nhắc đến thầy Hậu. Mọi người đều đồng tình với nhau rằng, nhờ có thầy mà việc chăn nuôi trở nên khoa học, đơn giản hơn; thay vì làm theo những quan điểm xưa cũ lạc hậu thì nay, người dân đã biết tiếp cận những thông tin mới để áp dụng vào chăn nuôi, từ đó góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập.
“Tôi chỉ mong sao nghề mình dạy giúp ích được cho người dân, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển,” thầy Hậu cho hay.
Với những nỗ lực, cống hiến không ngừng, thầy giáo Lê Đức Hậu đã từng đạt được nhiều thành tích cao trong quá trình công tác của mình. Ngoài những sáng kiến kinh nghiệm được các cấp công nhận, năm 2017, thầy xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi hội giảng nhà giáo GDNN tỉnh do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức.
Đánh giá về thầy giáo Hậu, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vĩnh Linh Nguyễn Xuân Hiếu cho biết: “Thầy Hậu là một trong những tấm gương tiêu biểu tại Trung tâm vì đã đạt được nhiều thành tích cao trong quá trình công tác, luôn có thái độ cầu thị, không ngừng nỗ lực, cống hiến hết mình với nghề.
Thầy Hậu đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của trung tâm cũng như chất lượng chăn nuôi tại địa phương, giúp cho kinh tế của nhiều gia đình trên địa bàn huyện Vĩnh Linh không ngừng phát triển”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)