Cần lối mở cho nghề dệt thổ cẩm ở A Bung

Đức Việt |

Những tấm thổ cẩm đủ sắc màu đẹp mắt được dệt nên bởi đôi bàn tay tinh tế của người phụ nữ Pa Kô ở xã A Bung, huyện Đakrông (Quảng Trị), từ lâu là niềm tự hào của người dân nơi đây. Nhiều khách hàng sở hữu tấm thổ cẩm A Bung cũng rất ấn tượng với sản phẩm truyền thống này. Tuy vậy, đến nay những người gắn bó với thổ cẩm A Bung vẫn chưa thể sống được với nghề, dù đã có nhiều nỗ lực từ chính quyền địa phương và người dân.


Chưa sống được với nghề

Dù là nghề truyền thống có từ xa xưa được trao truyền, gìn giữ đến ngày nay và hiện đã được phục hồi sản xuất, nhưng nghề dệt thổ cẩm của xã A Bung hiện vẫn còn bị bó hẹp ở địa phương, người dân chưa thể sống được với nghề.

Phó Chủ tịch UBND xã A Bung Hồ Văn Hiền cho biết: Trang phục thổ cẩm là một loại trang phục truyền thống của người dân tộc Pa Kô, Vân Kiều có từ xa xưa. Trước sự phát triển của đời sống xã hội, ngày nay nhiều trang phục với các mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu khác nhau được bà con sử dụng để phù hợp với sinh hoạt, lao động sản xuất. Do đó, loại trang phục thổ cẩm dần ít được sử dụng, nghề dệt thổ cẩm ở A Bung theo đó cũng dần mai một.

Sản phẩm thổ cẩm A Bung, huyện Đakrông có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhưng đầu ra chưa ổn định do giá thành cao, sản phẩm chưa phong phú, đa dạng - Ảnh: Đ.V
Sản phẩm thổ cẩm A Bung, huyện Đakrông có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhưng đầu ra chưa ổn định do giá thành cao, sản phẩm chưa phong phú, đa dạng - Ảnh: Đ.V

Để bảo tồn và lưu giữ nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương cũng như tạo việc làm cho chị em phụ nữ trên địa bàn, UBND huyện Đakrông quan tâm phân bổ nguồn kinh phí (từ nguồn vốn khuyến công các năm 2015-2017) để hỗ trợ nguyên vật liệu, thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã A Bung.

Rào cản lớn nhất của nghề dệt thổ cẩm ở A Bung là đầu ra sản phẩm không ổn định, sản phẩm chưa phong phú, đa dạng, chưa thương mại hóa được sản phẩm (cần có giá thành phù hợp, sản phẩm đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng), nguồn lực đầu tư cho nghề còn thấp, khâu quảng bá còn hạn chế… Vì vậy, để nghề dệt thổ cẩm A Bung được nâng tầm, các cấp, ngành cần sớm quan tâm và có hướng hỗ trợ phù hợp, thiết thực cho địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã A Bung Hồ Văn Hiền

Bên cạnh đó, Đảng ủy, chính quyền xã đã phối hợp tổ chức khôi phục tổ dệt thổ cẩm của xã với sự tham gia của đông đảo hội viên phụ nữ, nữ thanh niên trên địa bàn. Đồng thời tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức trong và ngoài xã sử dụng trang phục truyền thống được sản xuất bởi Tổ hợp tác dệt thổ cẩm của xã. Hiện nay toàn thể cán bộ, công chức của xã đã mặc trang phục thổ cẩm truyền thống vào sáng thứ 2 hằng tuần và các dịp quan trọng của cơ quan.

“Chúng tôi cũng khuyến khích Nhân dân trên địa bàn sử dụng trang phục thổ cẩm, đặc biệt trong các dịp lễ, hội. Sản phẩm này cũng được đưa vào kế hoạch xây dựng thành sản phẩm OCOP của địa phương để bảo tồn”, ông Hiền cho hay.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, chị Đoàn Thị Nga, tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã A Bung cho biết bản thân chị và rất nhiều chị em trong xã thật sự tâm huyết, gắn bó và mong muốn phát triển nghề vươn xa. Tổ hiện nay có khoảng 20 chị em thường xuyên làm việc. Bình quân mỗi tháng, mỗi chị làm ra được 3 tấm thổ cẩm với các họa tiết đa dạng, màu sắc bắt mắt. Từ thổ cẩm có thể may ra một số loại sản phẩm như áo quần, váy truyền thống, khăn, vỏ gối…

Nhiều chị em phụ nữ ở xã A Bung, huyện Đakrông rất tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm truyền thống - Ảnh: Đ.V
Nhiều chị em phụ nữ ở xã A Bung, huyện Đakrông rất tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm truyền thống - Ảnh: Đ.V

“Tuy vậy, do đầu ra của sản phẩm thổ cẩm không ổn định nên thu nhập của chị em rất hạn chế và bấp bênh. Chị em trong tổ hiện chỉ duy trì để nghề khỏi mai một cũng như kiếm thêm thu nhập phụ thôi chứ chưa thực sự sống được với nghề. Với cách làm thủ công, chi phí đầu tư khung dệt (thấp nhất từ 600 - 700 ngàn đồng/khung dệt) và chi phí mua nguyên liệu dệt cao nên rất khó cho bài toán đầu ra.

Sản phẩm làm ra buộc phải bán với giá thành cao mới có lời, trong khi sản phẩm tiêu thụ hiện tại chủ yếu ở trong xã (bán cho các gia đình tổ chức cưới hỏi, giá sản phẩm thấp nhất là 350 ngàn đồng cho đến 2 triệu đồng), nên để phát triển nghề dệt thổ cẩm vươn xa là điều rất khó, cần những giải pháp phù hợp hơn”, chị Nga trăn trở.

Cũng vì khó sống được với nghề dệt thổ cẩm, vốn được kỳ vọng sẽ gắn bó với du lịch cộng đồng có tiềm năng phát triển trong thời gian tới nên thời gian qua có nhiều người trẻ tuổi ở xã A Bung nghỉ nghề dệt thổ cẩm để vào miền Nam làm công nhân kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Cần hướng đi mới

Phó Chủ tịch UBND xã A Bung Hồ Văn Hiền cho hay: Việc phục hồi và phát triển nghề dệt thổ cẩm được chính quyền địa phương rất quan tâm và trăn trở. Vì vậy, với sự hỗ trợ của huyện, xã đã thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm A Bung với kỳ vọng sẽ thúc đẩy nghề phát triển, không chỉ bảo tồn nghề mà còn giúp các hộ theo nghề có thu nhập tốt để nâng cao cuộc sống.

Tuy vậy, qua thực tế nhiều năm hoạt động, dù sản phẩm thổ cẩm của chị em làm ra có chất lượng tốt, có sự nỗ lực trong việc đa dạng một số sản phẩm mới để tiếp cận khách hàng, nhưng hiệu quả vẫn còn thấp so với tiềm năng. “Qua các lần tham quan làng nghề dệt thổ cẩm cũng như các sản phẩm được làm từ thổ cẩm, trang sức truyền thống của người dân tộc Tà Ôi ở huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế, tôi thấy người dân ở đây làm rất tốt.

Họ có nhà trưng bày sản phẩm phục vụ du khách tham quan, mua sắm; đa dạng các sản phẩm lưu niệm từ thổ cẩm như các loại ví, khăn tay, túi xách, mũ, khăn bàn, vali… và có giá bán phù hợp để tiếp cận nhu cầu khác nhau của khách hàng.

Sản phẩm thổ cẩm A Lưới cũng đã bước đầu xuất khẩu ra nước ngoài theo các đơn đặt hàng. Ngày nay, các sản phẩm dệt thủ công của người dân huyện miền núi A Lưới đã xuất hiện ở những sàn diễn thời trang trong nước và quốc tế, từng bước nâng tầm vị thế nghề, thương hiệu thổ cẩm A Lưới.

Nhờ vậy người dân nơi đây có thu nhập khá cao từ nghề này. Nhìn lại thổ cẩm A Bung cũng có nhiều nét tương đồng, có tiềm năng lớn để phát triển nhưng lại chưa phát huy hiệu quả”, ông Hiền trăn trở.

Trong khi chờ những chính sách mang tính căn cơ để hỗ trợ phục hồi, phát triển nghề dệt thổ cẩm thì theo nghệ nhân ưu tú Kray Sức, ngành chức năng cần nghiên cứu và có dự án hỗ trợ trang cấp trang phục truyền thống cho một số xã có đông đồng bào dân tộc Pa Kô ở các huyện Đakrông, Hướng Hóa để phục vụ hoạt động, lễ hội. “Được trang cấp trang phục truyền thống, mỗi khi có các hoạt động hay lễ hội ở địa phương, người nào có nhu cầu thì có thể thuê với mức giá khoảng 20 ngàn đồng/bộ.

Một số khách hàng trải nghiệm, chụp hình lưu niệm tại Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã A Bung - Ảnh: Đ.V
Một số khách hàng trải nghiệm, chụp hình lưu niệm tại Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã A Bung - Ảnh: Đ.V

Trước mắt, theo tôi nên trang cấp cho xã Tà Rụt 400 bộ, xã A Vao 300 bộ, xã A Ngo 300 bộ để thí điểm ban đầu… Về lâu dài cần phải đa dạng hóa sản phẩm, tính toán lại giá thành để tiếp cận gần hơn với khách hàng; gắn sản phẩm với hoạt động du lịch cộng đồng”, nghệ nhân Kray Sức kiến nghị.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Thừa Thiên - Huế: Cháy lớn tại công ty dệt may

Tường Vi |

Sáng 13/6, thông tin từ UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, một vụ cháy lớn xảy ra tại Công ty Dệt may SCAVI Huế, thuộc khu công nghiệp Phong Điền.

Phương án “Đan dệt tương lai" đoạt giải Nhất cuộc thi tuyển kiến trúc công trình Nhà ga hàng không, dự án Cảng hàng không Quảng Trị

Tú Linh |

Ngày 4/5, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng ký quyết định phê duyệt kết quả thi tuyển phương án kiến trúc công trình Nhà ga hàng không dân dụng thuộc dự án Cảng hàng không (CHK) Quảng Trị có địa điểm xây dựng tại các xã Gio Quang, Gio Mai và Gio Hải (huyện Gio Linh).

Đưa trang phục thổ cẩm vào trường học

Tây Long |

Đến Trường Tiểu học và THCS A Dơi, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), hình ảnh các em học sinh khoác lên mình những bộ trang phục thổ cẩm nhiều màu sắc như hút mắt người. Để có hình ảnh đẹp ấy, cán bộ, giáo viên nhà trường đã nỗ lực vận động, thắp lên tình yêu nét đẹp văn hóa truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô cho các em học sinh.

Góp sức trẻ dệt mùa xuân quê hương

Phương Nga |

“Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, đó là lời Bác Hồ đã viết cho thanh niên vào mùa xuân năm 1946.