Nhà thơ Hoàng Cầm và chút tâm sự muộn màng...

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh |

 

Dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh ba tôi (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh), trên tờ Lao Động có bài báo nổi tiếng của nhà thơ Hoàng Cầm: “Ông Đại tướng và đêm Quan họ đầy bão táp”.

Đọc xong tôi rất xúc động, một phần vì câu chuyện tuyệt vời về ba, nhưng hơn thế nữa là tình cảm của ông Hoàng Cầm với ba tôi, sao mà nó trong sáng, thủy chung, cương trực như thế…

Khi đó tôi nhắn nhà văn Chu Lai: “Anh làm sao cho em gặp ông Hoàng Cầm”. Chu Lai hỏi: “Chú gặp có ngại không, ông ấy mới được cho đăng bài trên báo lại đấy”. Tôi đáp: “Có sao đâu anh, ông ấy là bạn của ba em mà”.

 
 

Chu Lai chỉ tôi nhà số 9 phố Lý Quốc Sư, một căn nhà nhỏ trong con hẻm nhỏ, ẩm thấp. Căn nhà chỉ độ 30 m2, tầng 1 để xe đạp, còn căn gác xép là nơi ông Cầm ở với người con trai tên Phi. Phi cỡ tuổi tôi, là một người Hà Nội điển hình, tình cảm đối với bố mộc mạc dung dị, con nhưng như bạn của bố. Tôi đến ông rất mừng, cứ tự nhiên như quen đã lâu, ông bảo tôi ngồi xuống chiếu (nhà Hoàng Cầm không có bàn ghế tiếp khách), rồi ông say sưa kể chuyện ông Thanh, và tình bạn của các ông khi ở Chiến khu Việt Bắc.

Hoàng Cầm chậm rãi nhớ lại: “Tôi gặp ông Thanh năm 1950, khi đó ông là Chủ nhiệm TCCT, còn tôi là đoàn trưởng Văn công, cấp dưới trực tiếp của ông. Lần đầu ông ấy mời tôi lên, bảo: “Tôi mới từ miền Trung ra, được giao nhiệm vụ ở Tổng cục Chính trị (TCCT), phải phụ trách văn hóa văn nghệ, mà món này tôi chưa được học hành chi cả. Đề nghị anh dạy tôi về văn nghệ”. Tôi bảo: “Văn nghệ thì làm sao mà dạy được?” Ông Thanh bảo: “Văn nghệ là gì? Đóng góp gì cho cuộc sống này? Làm thế nào để hiểu văn nghệ? Anh biết gì cứ nói, có gì không hiểu tôi sẽ hỏi”.

Thế là từ đó, cứ vài ngày ông Thanh lại có một buổi “học văn nghệ”, đưa gì lên ông cũng học. Đầu tiên là tôi dạy văn thơ, thế nào là văn, thế nào là thơ, thế nào là vần điệu…, ông ấy nghe chăm chú, khi tôi nói hết rồi dừng lại, ông ấy hỏi: “Vậy làm thế nào để hiểu văn thơ”, đến đấy thì tôi chịu. Rồi tôi đưa các biên đạo lên nói cho ông nghe về vẻ đẹp của điệu múa như thế nào, nhạc sĩ thì thế nào là nhạc giao hưởng, thế nào là dân ca… đại khái là có gì, biết gì nói nấy, không có chương trình, giáo trình gì cả. Vậy mà ông ngồi nghe rất nghiêm túc, nghiện thuốc nhưng không bao giờ hút trong giờ học, bút sách ghi chép cẩn thận, chúng tôi cấp dưới mà ông gọi bằng thầy, xưng tôi. Tôi chưa từng gặp người học trò nào hiếm có như vậy.”

 

Rồi chợt trầm hẳn lại, ông Hoàng Cầm buồn rầu kể lại câu chuyện mà theo ông là ân hận nhất trong đời: “Có một câu chuyện làm tôi ân hận mãi, đến tận bây giờ vẫn không nguôi, đó là vì tôi không hiểu được sự cao cả của con người ông Thanh.

Đó là vào 1967, khi đó tôi đã được về lại Hà Nội, còn ông Thanh thì nổi tiếng lắm rồi vì mấy năm đánh Mỹ ở trong Nam. Năm ấy có cuộc triển lãm tranh ở Tràng Thi, tôi được mời đến dự buổi khai mạc. Một lúc sau tôi thấy mọi người ùa ra đón ông A, là một trí thức nổi tiếng, người anh lớn của chúng tôi từ khi bắt đầu đi theo cách mạng rồi theo lên Việt Bắc. Hồi xưa ông A cũng quý và đồng cảm với tôi lắm. Bao năm không gặp lại, tôi vồn vã bước ra nhìn ông, định mở lời ‘Chào anh A’, nhưng ông nhìn vào mắt tôi, rồi quay đi. Tôi sững người, đứng như trời trồng rồi quay vào góc nhà. Không hiểu vì sao như thế nhỉ, mà không thể ông không nhận ra tôi, nhìn ánh mắt ông nhìn tôi biết chứ. Lúc đó tôi rất buồn, tủi thân, vô cùng chán ngán cho nhân tình thế thái, cho tình anh em đồng chí…

Lúc bấy giờ đối với tôi triển lãm không còn hứng thú gì nữa, thì mọi người lao xao: ‘Anh Thanh đến’. Tôi thân và rất quý ông Thanh từ hồi trên Việt Bắc, cũng nhớ thủ trưởng cũ lắm vì nhiều năm không gặp. Nhưng đầu muốn bước mà chân cứ ríu lại, rồi tôi quay đi vào góc xa để ông ấy không nhận ra, vì cú sốc và thất vọng khi chạy tới định chào ông A hồi nãy. Vào lúc đó, những gì tốt đẹp về những người anh, người thủ trưởng mình tan vỡ hết. Ông Thanh không nhìn thấy tôi, quay đi vui vẻ nói chuyện với mọi người.

Mấy ngày sau ông ấy mất, tôi buồn lắm, tiếc cho một tài năng mà chết trẻ quá. Cho đến một hôm tôi ghé qua Báo Văn nghệ, có ông ở Hội Nhà văn nói: ‘Hôm trước anh Thanh đến nói chuyện với văn nghệ sĩ ở Hội Nhà văn, mọi người đến đông đủ cả. Anh ấy có hỏi, sao không thấy anh Hoàng Cầm?’ Nghe xong tôi sững người - mình hiểu sai về ông ấy rồi. Tôi lấy dạ tiểu nhân mà đo lòng quân tử. Đau đớn nhất là ông mất rồi, mình không bao giờ còn cơ hội sửa sai nữa. Lúc đó nghĩ lại, tôi tin là nếu bước đến gặp, chắc chắn ông ấy sẽ cư xử tử tế và chân tình với tôi, dù có thế nào đi chăng nữa…” .

Câu chuyện của ông Hoàng Cầm trĩu nặng lòng cả người kể lẫn người nghe. Sau đó còn nhiều lần nữa, khi gặp tôi Hoàng Cầm vẫn kể lại câu chuyện ấy như một kỷ niệm rất buồn của ông. Ông bảo: “Sống trên đời tôi ít ân hận lắm, riêng chuyện đó tôi không thể nào quên được”. Nghe ông kể, tôi cứ suy nghĩ mãi - chỉ một câu chào, chỉ một ánh mắt thôi, mà có thể đi theo suốt cả cuộc đời một nghệ sĩ lớn như vậy. Đó là tình người, đó là bản năng của người nghệ sĩ, hay là tình cảm Cách mạng, tình đồng chí, tình bạn đích thực?

Hết chuyện buồn, thì cũng đến chuyện vui. Nở nụ cười, mắt sáng lên, nhà thơ “Lá diêu bông” kể câu chuyện về bài viết “Ông Đại tướng và đêm quan họ đầy bão táp”, về cách mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đứng ra bảo lãnh cho đêm biểu diễn quan họ bị đả kích là “cổ súy lãng mạn, suy đồi” do Hoàng Cầm tổ chức vào tháng 5 năm 1954.

“Câu chuyện ấy tôi viết lâu lắm rồi, nhưng chưa có dịp gửi in. Dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh ông Thanh, nhà xuất bản đến xin bài. Tôi tìm mãi trong đống giấy tờ sách vở (Hoàng Cầm chỉ tay lên giá sách che kín một khoảng tường, toàn những bản thảo của ông trong suốt bao nhiêu năm) mà không thấy. Bí quá tôi lấy 2 đồng xu xin âm dương, thắp 3 nén nhang rồi khấn: “Ông Thanh, ông sống khôn thác thiêng, xin phù hộ tôi tìm lại được bài báo”. Thế mà ngay hôm ấy tôi tìm thấy. Không sửa chữ nào, tôi chỉ thay cái tiêu đề rồi đưa in. Ông Thanh thiêng lắm cậu ạ, như thế là ông ấy không giận tôi đâu”.

 

Từ sau lần gặp đầu tiên đó, cứ mỗi lần ra Hà Nội, có thời gian tôi lại đến ngồi hầu chuyện Hoàng Cầm. Càng tiếp xúc, tôi càng mến phục nhà thơ tài hoa, nhưng vô cùng tự trọng, kiêu hãnh, không nhờ vả ai điều gì, dù khó khăn cách mấy. Ông rất nặng lòng với những ai là tri kỷ của ông, không phân biệt lớn hay bé. Những câu chuyện của hai bác cháu dần dần không chỉ về ba tôi, về những ký ức xưa cũ, mà trở thành tình cảm và sự trân trọng của tôi với ông, và sự chân thành, chu đáo mà Hoàng Cầm dành cho tôi như một người bạn trẻ. Có lần tôi hỏi ông:

Hoàng Cầm là một con người trầm tĩnh, nho nhã, nghiêm túc nhưng bao trùm trên tất cả lại là một tính cách hóm hỉnh. Cái hóm hỉnh này lại ẩn ở trong đôi mắt hay trong câu nói của ông. Hoàng Cầm ít cười, nhưng người đối diện có thể cảm nhận được nụ cười trong tâm hồn ông.

Hồi bác vướng vào Nhân văn - Giai phẩm, ba cháu đang làm ở TCCT, có nhiều tài liệu lắm. Nên sau này cháu đọc hết, từ tác phẩm của các cụ, đến cuộc bút chiến”văn nghệ vị cái gì”, đến cả những bài phê các cụ ác liệt… Bây giờ mọi chuyện đã qua lâu rồi, cháu hỏi thật - hồi đó các bác có sai không?

- Sai quá đi chứ. Hồi đó cả nước đều khổ, trong Nam thì lo đánh nhau, miền Bắc thì thắt lưng buộc bụng lo cho miền Nam. Thế mà chúng tôi cứ mơ mộng, thơ với thẩn, còn đòi tự do này nọ…

Vậy sai thế chú oán gì nữa?

- Chúng tôi không oán, chỉ trách là khi đó Đảng không chỉ đường cho chúng tôi, đến khi chúng tôi sai thì xử nặng quá. Phải biết khi đó Liên Xô đang sôi ùng ục nào là thi đua hòa bình, nào là đảng toàn dân, nào là văn nghệ vị nghệ thuật. Rồi không khí của “Mùa Xuân Praha” tràn về…, người dân ai cũng khao khát hòa bình, chúng tôi say sưa viễn cảnh đó nên mới cổ súy cho tự do văn nghệ, đảng không cần lo cho văn nghệ mà để người dân tự lo cuộc sống tinh thần của mình…, sai là sai chỗ đó. Chứ bảo chúng tôi làm tay sai cho gián điệp nước ngoài, hay âm mưu lật đổ chính quyền thì oan quá. Làm gì có chuyện đó, văn nghệ sĩ chúng tôi nhát lắm cậu ạ, nổ súng đánh đoành cái là té đái, chứ ai mà dám làm phản. Oan của chúng tôi là oan như thế, khi đã rõ rồi thì xử chúng tôi nặng quá. Chúng tôi sai, nhưng chúng tôi yêu nước, sai nhưng không phản quốc.

Mà đúng thế thật, vào những năm 90, nổi lên phong trào “Lật án”, rồi “Cởi trói văn nghệ”…, Hoàng Cầm luôn tỉnh táo để không “sai” lần nữa. Ông bảo tôi: “Đừng ai dại chơi với đám đó, bọn này không nhìn gương chúng tôi có ngày chúng nó chết”. Có một lần tôi đến nhà ông chơi, thấy bảo ông đang có khách nên ngồi tầng dưới hút thuốc với anh Phi, con trai ông. Chợt nghe trên nhà ông to tiếng: “Thôi cô về đi. Tôi từng này tuổi đầu, có chống chính quyền thì đã chống từ lúc cô chưa đẻ. Nay lại định xui ăn cứt gà sát…. Khi khách về, tôi mò lên hỏi, té ra là có người đến vận động ông viết đơn “lật án” vụ Nhân văn. Tôi hỏi đùa: “Người ta là phụ nữ, bác nhẹ nhàng tý không được à?” Ông bảo: “Thôi đã nói thì nói một lần, cho lần sau nó đừng đến nữa. Rách chuyện”.

Ai cũng nhìn thấy ở Hoàng Cầm một tài năng, một sự hào hoa hiếm thấy. Nhưng tôi còn nhìn thấy ở ông là một nhân cách giàu tình cảm, tình yêu Tổ quốc, tình bạn, tình đồng chí…

Hoàng Cầm là một con người trầm tĩnh, nho nhã, nghiêm túc nhưng bao trùm trên tất cả lại là một tính cách hóm hỉnh. Cái hóm hỉnh này lại ẩn ở trong đôi mắt hay trong câu nói của ông. Hoàng Cầm ít cười, nhưng người đối diện có thể cảm nhận được nụ cười trong tâm hồn ông. Cho nên nghe ông nói chuyện, từ già đến trẻ, gái hay trai, bạn văn hay bạn đời, đều thấy có mình trong đó. Ông mà kể chuyện thì cứ như “rót mật vào tai”, như người ta nói “con kiến trong lỗ cũng phải bò ra”.

Sau này ông ngã, bị liệt, phải nằm bất động trong một cái cũi, đặt trên sàn nhà, nằm ngồi, ăn uống, tiếp khách, nói chuyện, viết văn đều ở đó. Tôi đến thăm thấy mỗi lần ngồi dậy ông phải vịn hai tay vào thành cũi… Thế mà đầu óc vẫn minh mẫn, nói chuyện vẫn có duyên, đôi mắt vẫn sáng rực lên như trong một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh.

Cơ sự như thế rồi mà không hôm nào thiếu mấy cô gái trẻ, rất xinh xắn ríu rít xung quanh, phục vụ “anh Hoàng Cầm”, từ viết lách, rồi sách báo, tra cứu tư liệu, đi thư viện, đến cái ăn đến cái mặc, các cô tình nguyện lo tất.

Tôi hỏi đùa ông: “Mấy cô trẻ trẻ ở đâu mà ngày nào cũng đến, phục vụ cụ chu đáo thế?” Ông nói: “Các em học trường văn, nó bảo đến xin chữ tôi đấy!”; “Thế cụ có cho chữ gì không?”; “Tôi chả cho chữ gì, nó cứ loanh quanh phục vụ cho vui thôi”. Nhiều người nói Hoàng Cầm đa tình, nhưng có lẽ họ chưa hiểu đầy đủ cái đa tình của ông. Ông từng nói với tôi: “Yêu là phải từ đáy mắt đến tấm lòng”, ông yêu cái đẹp, trước hết là đẹp trong tâm hồn, sau đó là cái đẹp trong cách ứng xử, cuối cùng là cái đẹp vật chất.

Sinh thời, cuộc đời Hoàng Cầm cũng có những lúc thăng trầm, dù vậy ông vẫn sống một cuộc đời đáng tự hào. Ông tham gia Cách mạng với toàn bộ nhiệt huyết tuổi trẻ. Rồi ông mắc sai lầm, mà không chỉ một mà vài sai lầm liên tiếp, nhưng ông vẫn đứng được để tiếp tục cống hiến cho đời tài năng của mình. Đến cuối đời, người ta đã nhìn Hoàng Cầm bằng một con mắt bao dung hơn, bởi con đường nào cũng có khúc quanh, ông đã vượt qua được “khúc quanh” của đời mình và sống đẹp bằng phẩm chất tài hoa và tấm lòng nhân hậu.

(Nguồn: Ngày Nay)

Những tác phẩm thơ về mùa thu nổi tiếng nhất trên thi đàn Việt Nam

PV |

Mùa thu đến là cơ hội để chúng ta thể hiện lòng mình bằng những bài thơ về mùa thu hay.

Xúc động những vần thơ-diễn ca song ngữ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Minh Thu |

Bằng những vần thơ diễn ca được in song ngữ, cuốn sách như nối dài triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng,” để độc giả trong nước và quốc tế hiểu hơn về Võ Nguyên Giáp - vị tướng tài ba của Việt Nam.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ của thác Bản Giốc vào mùa Thu

PV |

 

Thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh) được ví như “viên ngọc” của du lịch Cao Bằng, hằng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Nhà thơ Dạ Thảo Phương: "Tôi không muốn có thêm bất cứ nạn nhân nào phải trải qua những nỗi thống khổ tôi từng trải"

Thanh Mai |

Nhà thơ Dạ Thảo Phương xác nhận đã gửi Thư ngỏ tố cáo ông L.N.A từng có hành vi cưỡng hiếp cô 23 năm trước đến BCH Hội Nhà văn Việt Nam.