Nơi con tim ở lại

Trương Quang Hiệp |

Sống, học tập và làm việc ở nước Pháp hoa lệ nhưng trái tim Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu (sinh năm 1991), vẫn hướng về Quảng Trị. Chính tình yêu đất nước, quê hương và lòng tự hào dân tộc đã tiếp thêm sức mạnh để Minh Châu vượt qua mọi rào cản, vươn tới đỉnh thành công.


Duyên nợ với nước Pháp

Vắt qua thành phố cảng Bordeaux, sông Garonne xinh đẹp, duyên dáng như một thiếu nữ đôi mươi khoác trên mình bộ trang phục lấp lánh sắc màu. Mỗi lần nhìn dòng Garonne, Nguyễn Minh Châu lại nhớ về những con sông dung dị, hiền hòa ở Quảng Trị. Thực ra, không chỉ với những dòng sông, đôi khi, nhìn bất cứ thứ gì, Châu cũng mường tượng, rồi nhung nhớ quê nhà. Mấy ngày qua, lướt facebook, thấy Quảng Trị rực rỡ cờ hoa kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng, nỗi nhớ quê lại dậy sóng trong lòng Minh Châu.

Trước khi COVID-19 gieo rắc nỗi ám ảnh khắp toàn cầu, hầu như năm nào, Châu cũng xếp lại những bộn bề, bận rộn để về nước. Hơn 2 năm qua, ở nơi xa xứ, Châu vẫn luôn hướng về quê hương. Anh cũng biết, ở nhà, ba mẹ đã và đang lo lắng, mong ngóng con từng ngày. Minh Châu chia sẻ: “Ba mình tên Nguyễn Lượng, còn mẹ là Lê Thị Đẳng, đều đã nghỉ hưu. Ba mẹ mình có hai người con, Châu ở Pháp, còn em trai thì đang làm tiến sĩ tại Mỹ. Bên trong nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ gia đình là thứ… cồn cào nhất. Vì thế, mình luôn mong trở về căn nhà thân thuộc ở thành phố Đông Hà để thỏa nỗi nhớ”.

Cũng như nhiều người, khi rời xa quê hương, Châu mới cảm nhận sâu sắc tình yêu của mình dành cho mảnh đất chôn nhau, cắt rốn. Thời thơ ấu, Châu luôn ao ước sẽ đến thật nhiều nước trên thế giới để tham quan, tìm hiểu, học tập… Ước mơ ấy đã thôi thúc cậu không để mọi thứ xung quanh làm ảnh hưởng đến việc học hành. Vốn có tố chất thông minh nên Châu được thầy cô lựa chọn, bồi dưỡng và trở thành thí sinh của các kỳ thi học sinh giỏi. Không phụ sự kỳ vọng đó, cậu đã đạt nhiều thành tích khiến bạn bè đồng trang lứa ngưỡng mộ như: Giải Ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý; Huy chương Bạc Olympic Cơ học lý thuyết toàn quốc; Huy chương Bạc Olympic 30/4... Sau khi tốt nghiệp THPT, Châu bước chân vào lớp cử nhân tài năng Vật lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nguyễn Minh Châu luôn nhắc nhủ bản thân không ngừng nỗ lực - Ảnh: NVCC
Nguyễn Minh Châu luôn nhắc nhủ bản thân không ngừng nỗ lực - Ảnh: NVCC

Những ngày trên ghế giảng đường, ước mơ đến các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Pháp, nơi được mệnh danh là đất nước của tình yêu trỗi dậy trong Châu. Thấy nhiều bạn trong trường chuẩn bị cho kỳ thi vào Trường École Polytechnique ở Pháp, Châu quan tâm, tìm hiểu. Chàng trai Quảng Trị đặt nhiều hy vọng khi biết, hằng năm, ngôi trường này đều tổ chức tuyển sinh trên toàn thế giới với khoảng 100 chỉ tiêu. Tiếc là ngôi trường Minh Châu lựa chọn lại không gọi tên cậu. “Trong lúc mình đang gặm nhấm nỗi buồn thì lại nhận được tin vui. Với kết quả thi vào École Polytechnique, mình được một ngôi trường khác ở Pháp nhận vào học. Đó là Trường Lý Hoá công nghiệp Paris (ESPCI Paris). Sau khi nhận thông báo, mình mới biết ESPCI Paris là một trong những trường hàng đầu của Pháp, nơi mà hai vợ chồng nhà khoa học Pierre và Marie Curie từng theo học, làm việc. Giờ nghĩ lại, mình thấy bản thân thật may mắn và có duyên với nước Pháp”, Minh Châu kể.

Lấy quê hương làm động lực

Theo dõi Diễn đàn “Trí thức trẻ, thanh niên khởi nghiệp tỉnh Quảng Trị năm 2022”, nhiều người chờ đợi và chú ý lắng nghe tham luận của Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu. Qua kênh trực tuyến, anh đã chia sẻ về thực tiễn nghiên cứu khoa học của các nước trên thế giới; thẳng thắn chỉ rõ những điểm tồn tại, hạn chế của công tác này ở nước ta; đề xuất nhiều giải pháp sát thực... Minh Châu đưa ra nhiều gợi ý thú vị để thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học ở quê nhà, đơn cử: “Khi có một bài toán lớn, chẳng hạn như một đề tài khoa học cấp quốc gia, chúng ta hoàn toàn có thể đặt hàng các bài toán nhỏ liên quan cho các sinh viên phù hợp. Cách làm này giúp giải quyết bài toán lớn nhanh hơn, đồng thời tạo cơ hội cho sinh viên vừa tham gia nghiên cứu khoa học, vừa đóng góp cho quê hương”.

Chuyện trò online sau diễn đàn, Minh Châu cho biết, mình từng nhiều lần nhận lời mời tham dự các diễn đàn, chương trình trực tuyến ở Việt Nam, trong đó có Quảng Trị. Bao giờ cũng vậy, những cuộc chuyện trò với các bạn trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên luôn thu hút anh. Dù sống, làm việc xa quê hương nhưng Châu biết rằng các bạn trẻ hôm nay có điều kiện tốt hơn mình rất nhiều, đặc biệt là trong khâu tìm hiểu thông tin và ngoại ngữ. Vì thế, nếu được định hướng tốt, biết đặt mục tiêu và nỗ lực để vươn ra thế giới, chắc chắn nhiều “giấc mơ Việt” sẽ sớm thành hiện thực.

Từng trải qua nhiều khó khăn, thử thách, Minh Châu biết đôi khi vài lời nhắn nhủ, câu chuyện truyền cảm hứng lại có thể dẫn lối một người đến thành công. Theo dòng hoài niệm, Minh Châu kể về những rào cản ngày đầu sang Pháp. Từ lúc Trường ESPCI Paris gọi tên cho đến khi lên đường, anh chỉ có vỏn vẹn 2 tháng để học tiếng. Vì thế, việc sống, học tập ở một đất nước xa lạ luôn là những thách thức đối với Minh Châu. Mỗi lúc cảm thấy mệt mỏi, lo âu, anh lại lấy quê hương, niềm tự hào dân tộc ra để làm động lực. Minh Châu bộc bạch: “Mình không muốn là người yếu kém trong mắt bạn bè quốc tế. Ở nơi xa xứ, mình là đại diện cho hình ảnh mảnh đất, con người Việt Nam. Vì vậy, mình chưa bao giờ ngừng nỗ lực. Ngay những ngày đầu, mình đã sớm nhận ra khó khăn về ngôn ngữ chỉ có thể được giải quyết bằng cách chịu khó rèn luyện. Thế là, mình lao vào học tập, rèn luyện ở mọi nơi, mọi lúc. Nếu không vượt qua được những thử thách đầu tiên ấy, có lẽ mình khó cầm trong tay tấm bằng tiến sĩ”.

Nguyễn Minh Châu (thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm sau buổi bảo vệ luận án tiến sĩ - Ảnh: NVCC
Nguyễn Minh Châu (thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm sau buổi bảo vệ luận án tiến sĩ - Ảnh: NVCC

Sau khi hoàn thành tiến sĩ, nhiều cơ hội mở ra đối với Nguyễn Minh Châu. Đứng trước những lựa chọn, Châu hiểu rằng, trong thế giới phẳng này, sống và làm việc ở đâu không còn quan trọng. Mấu chốt là ở chỗ trái tim mình đặt ở nơi nào. Vì vậy, Châu quyết định vào làm việc tại Viện Quang học Aquitaine, Talence, Pháp. Từ đây, phần lớn thời gian của Châu dành cho việc làm thí nghiệm và xử lý các số liệu. Đôi khi, riêng thời gian xử lý số liệu cần thiết trong một ngày làm thí nghiệm đã lấy đi của Minh Châu vài tuần lễ. Dù cũng có lúc mệt mỏi nhưng Châu chưa bao giờ ngừng yêu công việc của mình. “Mình thấy công việc đang làm rất ý nghĩa. Và mình mong muốn nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm có thể giúp ích được cho nhiều người”, Châu khẳng định.

Sống, học tập và làm việc một thời gian khá dài ở nước Pháp, không biết từ bao giờ Châu đã gắn bó với mảnh đất, con người nơi đây. Anh biết ơn nước Pháp đã mang lại cho mình nhiều thứ quý giá, đặc biệt là tri thức và trải nghiệm. Dẫu vậy, hình ảnh đất nước Việt Nam, quê hương Quảng Trị chưa bao giờ mờ phai trong tâm trí Minh Châu. Anh tâm niệm rằng, đôi chân mình đã rời đi nhưng trái tim vẫn mãi ở lại Việt Nam, ở lại Quảng Trị. Đó là lý do khiến anh luôn hướng về và muốn cống hiến cho quê nhà.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đàn tặng học sinh đoạt giải nhất Viết thư UPU

Thanh Mai |

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đàn đoạn nhạc của Mozart tặng Bình Nguyên, học sinh đoạt giải nhất UPU với bức thư gửi ông.

Vua Hàm Nghi và “Nghệ thuật lưu đày”được giới thiệu ở Nice

PV |

Cuộc triển lãm với khoảng 150 tranh, ảnh đã giới thiệu tới công chúng những trang lịch sử nói chung và lịch sử nghệ thuật nói riêng của một vị vua nước Việt ít được biết đến.

Google Doodle tôn vinh Giáo sư Tôn Thất Tùng nhân kỷ niệm ngày sinh

PV |

Ngày 10/5, Google Doodle đã đăng tải hình ảnh Giáo sư Tôn Thất Tùng với lời khen ngợi: "Cảm ơn ông đã phá bỏ những giới hạn của phẫu thuật để thay đổi vĩnh viễn y khoa."

Ca sỹ Trịnh Vĩnh Trinh, ca sỹ Cẩm Vân, cùng ekip "Em và Trịnh" tại con đường Trịnh Công Sơn

Hoàng Toàn |

Ngày 7/5, UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) chính thức tái khởi động "Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố" - Phố đi bộ Trịnh Công Sơn với chương trình khai mạc đêm nghệ thuật "Có những con đường".