Từng là một cậu bé mê game online, Nguyễn Văn Kỳ Trường (sinh năm 1996), trú tại Khu phố 3, Phường 1, TP. Đông Hà (Quảng Trị) đã rời thế giới ảo, hòa nhịp vào cuộc sống muôn sắc màu. Với những bước đi đầy nỗ lực, Trường nhanh chóng vươn lên, tạo ra những giá trị thật cho bản thân và cộng đồng.
Mê game hơn học
“Nếu không rời bỏ game, chắc bây giờ cuộc sống của em chỉ quẩn quanh bên chiếc máy vi tính”, Trường chia sẻ như vậy trong cuộc trò chuyện diễn ra ở một quán cà phê nhỏ trong lòng TP. Đông Hà.
Quán cà phê này là một trong những điểm mà Trường và các bạn đang triển khai Dự án “2 tháng không rác thải nhựa”. Đến quán, nếu nhiều lần check in và yêu cầu chủ quán không sử dụng các sản phẩm gây hại cho môi trường, sau đó chụp lại hình ảnh để chứng minh, khách hàng sẽ nhận được một món quà ý nghĩa. “Chúng ta có thể làm nên những điều to lớn từ sự thay đổi rất nhỏ”, Trường nói.

Cuộc đời của Kỳ Trường là minh chứng sinh động về ý nghĩa của sự thay đổi. Trường sinh ra và lớn lên trong một gia đình ấm êm ở TP. Đông Hà. Dù bận rộn với việc buôn bán nhưng ba mẹ Trường vẫn rất quan tâm đến việc học của 3 người con trai. Tuy nhiên, kể từ khi công việc của ba mẹ Trường gặp khó khăn, phải dành nhiều thời gian hơn để lo chuyện cơm áo, gạo tiền thì cũng là thời điểm Trường làm quen với game online và mê mẩn lúc nào không hay.
Trước đó, ba mẹ và thầy cô từng nhiều lần cảnh báo Trường về những hệ lụy do game online gây ra. Thế nhưng, khi bước vào thế giới ảo, những lời nói ấy không có tác dụng đối với cậu. Đôi khi, Trường chơi game quên cả bữa ăn. Những đồng tiền tiết kiệm được cũng rơi hết vào những trò chơi của thế giới ảo.
Dành nhiều thời gian cho game online, việc học của Trường bị giảm sút. Cậu dần thu mình lại, không muốn tiếp xúc với nhiều người. “Có những lần, em trốn ba mẹ đi chơi game. Khi phát hiện ra, ba mẹ giận đến mức không nói nên lời. Lên lớp 8, em ý thức được mình đang sống hoài, sống phí và muốn thay đổi”, Trường kể.
Đến với game dễ nhưng rời bỏ nó thì không đơn giản, nhất là đối với một cậu bé đang tuổi lớn như Trường. Thời gian đầu, Trường luôn nhắc nhở bản thân bằng cách viết hai chữ “cố lên” đặt ở nơi dễ nhìn thấy nhất.
Để khỏa lấp những khoảng trống, Trường lao vào học tập và tìm thấy niềm đam mê trong những trang sách về môi trường. Không dừng lại ở đó, cậu còn đăng ký các khóa học online của những trường đại học lớn trên thế giới để trau dồi tiếng Anh. Trường cũng tập cho mình lối sống xanh, thân thiện với môi trường.
Trải nghiệm với YSEALI
Trò chuyện với chúng tôi, Trường bật mí, cậu vừa trở về từ Mỹ sau khi tham gia chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI). Đây là chương trình nổi bật của Chính phủ Hoa Kỳ nhằm tăng cường phát triển năng lực lãnh đạo và kết nối trong khu vực Đông Nam Á.
YSEALI tập trung vào các chủ đề quan trọng mà thanh niên trong khu vực quan tâm như: tinh thần tích cực của công dân; môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên; khởi nghiệp và phát triển kinh tế… “Em may mắn là một trong số rất ít các bạn trẻ Việt Nam tham gia chương trình. Với YSEALI, em đã có một trải nghiệm tuyệt vời”, Trường cho biết.
Trước khi đến với YSEALI, Trường đã trải qua một hành trình dài với rất nhiều nỗ lực. Tốt nghiệp THPT, để đam mê được chắp cánh, cậu lựa chọn ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị. Trên ghế giảng đường, không chỉ tập trung đèn sách, Trường còn tích cực tìm kiếm, chủ động tham gia nhiều hội thảo lớn về môi trường được tổ chức ở các tỉnh, thành trong nước.
Mỗi lần nghe tin có hội thảo nào hay, Trường lại chủ động đăng ký tham gia. Tại một số hội thảo, Trường mạnh dạn chia sẻ quan điểm, góc nhìn của mình. Dần dần, gương mặt của chàng trai người Quảng Trị được nhiều đơn vị, cá nhân chú ý. Từ phải đăng ký tham gia, cậu đã nhận được những tờ giấy mời.
Tốt nghiệp đại học loại giỏi, Trường quyết định không đi làm ngay mà trở thành tình nguyện viên cho Quỹ Phát triển cộng đồng. Quyết định ấy được nhiều người cho là kỳ quặc bởi lúc đó nhiều cơ hội đang mở ra với Trường. Ngay ba mẹ cũng nhỏ to khuyên cậu thay đổi ý định.
Đến khi nghe Trường chia sẻ mong muốn được học tập, cống hiến cho cộng đồng nhiều hơn và thấy những nỗ lực của con trai, ba mẹ em mới ủng hộ. Hiện tại, sau hơn 2 năm cống hiến, Trường đã vào làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội Thừa Thiên Huế. Với công việc đang làm, Trường cảm thấy mình may mắn bởi được góp sức bảo vệ môi trường, mang lại nhiều điều ý nghĩa cho cộng đồng.
Ít ai biết, chính mong muốn học hỏi và cống hiến đã mang đến cho Trường nhiều cơ hội. YSEALI là một trong số đó. Biết về chương trình đã lâu nhưng Trường còn ngại ngần. Bởi, đây là chương trình lớn, thu hút nhiều bạn trẻ tài năng ở khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, mong muốn học hỏi, khát vọng vươn ra thế giới quá lớn đã thôi thúc Trường thử sức.
Hôm nhận thông tin mình được lựa chọn, Trường vui như một đứa trẻ. Tham gia YSEALI, Trường và các bạn có 2 tháng học online về văn hóa Mỹ và nhiều nội dung liên quan. Sau đó, cậu được tạo điều kiện sang Mỹ để tham gia nhiều hoạt động thú vị, bổ ích.
“Em học tập được rất nhiều điều quý giá từ không chỉ ở YSEALI mà còn từ những người bạn các nước. Tham gia chương trình, chúng em đặt mình vào vị trí là một thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á. Em và các bạn hứa với nhau sẽ làm nên những sự thay đổi tích cực, có ý nghĩa cho cộng đồng”, Trường nói.
Mở lối cho các dự án môi trường
Nhắc đến Nguyễn Văn Kỳ Trường, nhiều người nhớ tới một thanh niên giàu nhiệt huyết, luôn sẵn sàng cống hiến. Ngay trên ghế giảng đường, Trường đã thành công trong việc kết nối sinh viên Phân hiệu Đại học Huế với các bạn ở Đại học Tokyo Nhật Bản để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động bảo vệ môi trường. Sau khi tốt nghiệp và trở thành tình nguyện viên, tinh thần vì cộng đồng của Trường càng cao hơn.
Kỳ Trường cho biết, trong thời gian làm tình nguyện viên cho Quỹ Phát triển cộng đồng, cậu tích lũy rất nhiều điều bổ ích. Đặc biệt, Trường đã tìm được lối đi cho các dự án về môi trường mà mình ấp ủ từ lâu. Hai trong số các nhà tài trợ cho những dự án của Trường chính là Bộ Ngoại giao Đức và Đại sứ quán Mỹ.
Để làm được điều mà nhiều người, trong đó có cả Trường từng không tin là mình có thể, cậu phải tích cực khảo sát thực tiễn; xây dựng dự án; chứng minh tính khả thi, sự sáng tạo, khác biệt… Công việc nghe qua tưởng chừng đơn giản lại rất khó khăn. Có thời gian, Trường phải liên tục làm việc từ mờ sáng đến khi đồng hồ báo hiệu đã qua ngày mới. Vì thế, khi nhận thông tin Bộ Ngoại giao Đức và Đại sứ quán Mỹ chấp nhận tài trợ cho dự án của mình, Trường vỡ òa sung sướng.
Cậu kể: “Sau vui mừng, em lại lo. Nếu mình không thực hiện tốt dự án thì sẽ làm mất lòng tin vào nhà tài trợ, thậm chí gây ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt Nam. Vì thế, em luôn phải nỗ lực cố gắng gấp hai, gấp ba”.

Điều đáng mừng là ngay từ hai dự án đầu tiên đầy bỡ ngỡ, với lối làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, Kỳ Trường đã nhận được lòng tin từ nhà tài trợ. Đó cũng chính là hướng mở cho các dự án về sau của Trường. Tính từ năm 2021 đến nay, Trường đã xây dựng và thuyết phục các nhà tài trợ hiện thực hóa khoảng 10 dự án liên quan về môi trường với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng. Được triển khai tại Quảng Trị, các dự án đã mang lại nhiều sự đổi thay tích cực.
“Dự án đầu tiên mà em nhận tài trợ là biến chất thải rắn ở các cơ sở sản xuất tinh dầu thành phân hữu cơ. Để thực hiện dự án này, hai ngày một lần, em phải lên huyện miền núi Đakrông, lấy chất thải rắn từ các cơ sở, rồi cho vào lò nung.
Việc tưởng đơn giản thế thôi nhưng hôm nào em cũng về nhà khi trời tối mịt, người lấm lem bụi bẩn. Nhìn thấy hình ảnh ấy, ba mẹ em xót lắm. Nhưng, em lại rất vui vì lò nung phát huy hiệu quả, chất thải rắn qua xử lý đã giúp cải thiện năng suất cây trồng”, Trường chia sẻ.
Hiện nay, tuy bận rộn với nhiệm vụ ở trung tâm nhưng Trường vẫn thu xếp thời gian, công việc để triển khai các dự án về môi trường ở Quảng Trị. Cậu cũng đã lên kế hoạch và đang tìm kiếm cơ hội học tập ở nước ngoài để mở mang kiến thức.
Với ánh mắt tràn đầy niềm tin, Trường bộc bạch: “Em nghĩ, nếu muốn cống hiến nhiều hơn, trước tiên, mình phải học tập nhiều hơn. Vì thế, em không cho phép sự học của mình dừng lại”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)