Từ 11 giờ ngày 8/8/1959, khi lá cờ đỏ sao vàng lần đầu được cắm lên đảo Cồn Cỏ, khẳng định chủ quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam thì trong hành trang tinh thần của cán bộ, chiến sĩ ra đảo Cồn Cỏ cũng mang dấu ấn thân thương của các văn nghệ sĩ từ trung ương đến địa phương. Và trong sâu thẳm trái tim mình, đội ngũ văn nghệ sĩ đã luôn đồng hành với Cồn Cỏ, hướng về Cồn Cỏ, coi đó là nghĩa vụ thiêng liêng, là trách nhiệm, lương tâm, tình cảm của mình với hòn đảo nhỏ anh hùng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thơ cho các địa phương không nhiều, Cồn Cỏ là hòn đảo duy nhất được Bác Hồ vừa tặng ảnh chân dung, tặng đài bán dẫn, hai lần gửi thư khen và một lần tặng thơ khen: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”. Chính những lời khen ngợi, quà tặng của Bác là động lực tinh thần vô giá động viên cán bộ, chiến sĩ vững vàng chiến đấu hơn hai ngàn ngày khói lửa và trở thành truyền thống quý báu của đảo để lại cho hôm nay và mai sau.
Từ năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang ném bom bắn phá miền Bắc, Cồn Cỏ trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của Mỹ - ngụy. Tám năm chiến đấu trong vòng vây giữa trùng khơi (1965 - 1973), cả nước hết lòng vì Cồn Cỏ và Cồn Cỏ cũng đã xuất sắc làm tròn nhiệm vụ vị trí tiền tiêu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Khi cán bộ, chiến sĩ trên đảo bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt thì văn nghệ sĩ cả nước cũng vào trận động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ ngày đêm chiến đấu bảo vệ đảo. Tháng 8/1965, khi cuộc chiến đấu chống lại sự bao vây phong tỏa đảo bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã điều động một đoàn văn nghệ sĩ “binh chủng hợp thành” ra phục vụ cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ. Đoàn gồm có: Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, Trưởng đoàn ca múa Tổng cục Chính trị; nhà văn Nguyễn Khải ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội; họa sĩ Quang Thọ, một họa sĩ tài hoa, một chiến binh của Trung đoàn Tây Tiến oai hùng trong kháng chiến chống Pháp; nhà quay phim Phạm Hanh; nhà viết kịch Sĩ Hanh cùng 5 chiến sĩ văn công: Nguyễn Phu, Ánh Dương, Minh Cảnh, Kim Huệ và Phan Ngạn.
Trong kế hoạch, đoàn ra đảo công tác, thâm nhập thực tế, lấy tư liệu một tuần rồi trở lại đất liền. Tuy nhiên, thời điểm đoàn ra trùng với kế hoạch bao vây, phong tỏa đảo quyết liệt của địch, có đêm hàng chục thuyền tiếp tế của ta ra đảo bị bắn chìm nên đoàn bị kẹt lại hơn một tháng mới vào được bờ. Thời gian ở lại trên đảo, anh em văn nghệ sĩ ăn uống theo chế độ tiêu chuẩn của bộ đội. Khi bị địch chặn đường tiếp tế, khẩu phần ăn hằng ngày giảm dần, từ chế độ ăn 7 lạng gạo/ngày phải hạ xuống dần 5 lạng, rồi đến 3 lạng, 2 lạng/ngày… Anh em phải bắt cua, mò ốc, hái rau quanh đảo để cải thiện, tăng khẩu phần bị hụt. Lại có tin trinh sát kỹ thuật dự báo địch sắp đổ bộ chiếm đảo bằng bộ binh nên chỉ huy đảo ra lệnh tổ chức xây dựng công sự, hầm hào phòng thủ đảo. Thời gian gấp rút nên mỗi cán bộ, chiến sĩ có mặt trên đảo phải đào 5 mét giao thông hào để phòng thủ, bảo vệ đảo. Đặc điểm địa chất ở đảo là đất đá rất cứng, khó đào. Không có bộc phá, xà beng nên anh em phải vạt cây dầu máu (một loại cây thân gỗ tương đối cứng mọc rất nhiều trên đảo, khi chặt tươi nhựa cây tứa ra đỏ như máu nên bộ đội gọi là cây dầu máu) để đào công sự. Bom đạn ác liệt, nhạt muối với cơm; gạo tính từng ngày, nước uống đong từng bát; anh em văn nghệ sĩ vẫn sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ ngày đêm bám công sự, chiến đấu với quân thù.
Vừa chiến đấu, vừa sáng tác ngay trên chiến hào giữ đảo, nhạc sĩ Lương Ngọc Trác đã phác họa những nét nhạc đầu tiên của ca khúc “Gửi đất liền”. Diễn viên Phan Ngạn của Đoàn Văn công Quân khu 4 cùng Ngọc Cừ, Chính trị viên phó đảo Cồn Cỏ, viết ca khúc vui nhộn “Con cua đá” phỏng theo một điệu lý dân ca Khu 5 được cán bộ, chiến sĩ đặc biệt yêu thích… Nhà văn Nguyễn Khải vào cuối tháng 8 năm ấy đã viết xong tập bút ký “Họ sống và chiến đấu” mang hơi thở nóng hổi của cuộc chiến đấu oanh liệt nơi đảo tiền tiêu, tác phẩm có tiếng vang trong văn đàn cả nước…Trong khoảng thời gian mà mỗi ngày dài bằng một thế kỷ ở trên đảo, Nguyễn Khải đã đi sâu vào công việc, cách sống, tâm tư, tình cảm của từng cán bộ, chiến sĩ. Ông đã ghi nhận được nhiều điều mà chỉ với cái nhìn rất chuyên biệt của một nhà văn bộ đội như ông mới phát hiện được. Họa sĩ Quang Thọ có những phác thảo ký họa sinh động về cuộc sống chiến đấu ở đảo… Nhà quay phim Phạm Hanh trong chuyến công tác đặc biệt này cũng đã ghi được những thước phim tư liệu quý giá, chuyển đến đồng bào, chiến sĩ cả nước hình ảnh các chiến sĩ kiên cường “sống và chiến đấu” nơi đảo nhỏ anh hùng. Các diễn viên của đoàn Văn công Quân khu 4: Nguyễn Phu, Ánh Dương, Minh Cảnh, Kim Huệ và Phan Ngạn đã mang đến cho cán bộ, chiến sĩ một chương trình nghệ thuật ngắn gọn đúng nghĩa “văn công xung kích” nhưng để lại trong lòng cán bộ, chiến sĩ dấu ấn không mờ phai theo năm tháng.
Không trực tiếp sống và chiến đấu trên đảo Cồn Cỏ nhưng nhạc sĩ Văn An vẫn hướng về Cồn Cỏ bằng hai ca khúc: “Thái Văn A đứng đó” và “Cồn Cỏ vang bài ca anh hùng” mang âm hưởng tráng ca hào hùng… Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương với ký sự “Chúng tôi ở Cồn Cỏ”, in năm 1966. Nhà thơ Hải Bằng viết “Bài thơ Cồn Cỏ" ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của những chiến sĩ đang ngày đêm giữ đảo. Bài thơ đã đoạt giải trong cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ năm 1966.
Có thể nói hiếm có hòn đảo nào trên mảnh đất hình chữ S này trong thời chiến tranh lại có nhiều nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ tên tuổi cùng sống, cùng chiến đấu với lính đảo như ở đảo Cồn Cỏ. Trong mỗi trang văn viết về Cồn Cỏ, người đọc như “ngửi” thấy mùi khét lẹt của đạn bom và ý chí quyết chiến quyết thắng của quân đội ta. Đảo Cồn Cỏ hai lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, ba lần Bác Hồ gửi thư khen ngợi.
***
Cần phải ghi nhận một thực tế: Lực lượng văn nghệ sĩ sống và sáng tác ở địa phương mới thực sự là đội quân đông đảo, sức sáng tạo văn học nghệ thuật tại chỗ dồi dào, viết về Cồn Cỏ liên tục, xuyên suốt mọi thời kỳ. Nói là văn nghệ sĩ địa phương nhưng trong đội ngũ ấy có rất nhiều “Văn nghệ sĩ trung ương khoác áo địa phương” và sáng tác của lực lượng này luôn kịp thời đáp ứng nhiệm vụ chính trị của địa phương, bám sát cuộc sống, chất lượng nghệ thuật không hề thua kém các tác giả trung ương.
Cố nhà văn Xuân Đức là tác giả tiêu biểu cho đội ngũ sáng tác “vừa chủ lực vừa địa phương” này. Và dù là quân trung ương hay địa phương, ông đều thành công trong các thể loại văn học: Tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, bút ký, thơ, dân ca… Riêng đối với Cồn Cỏ, “Trường ca trăng Cồn Cỏ” của ông được viết rất sớm khi ông mới nhập ngũ làm chiến sĩ văn công Khu đội Vĩnh Linh và là tác phẩm thơ hay nhất viết về Cồn Cỏ từ trước đến nay. Trường ca được ông nung nấu suốt 5 năm, sau hai lần ra đảo ông mới thấu cảm được và viết rất thành công. Cuộc đời sáng tác văn học của nhà văn Xuân Đức 55 năm, trong khối lượng tác phẩm đồ sộ của mình, cố nhà văn đã giành cho Cồn Cỏ những trang viết thật ruột gan và xúc động. Ngoài “Trường ca trăng Cồn Cỏ”, nhà văn có rất nhiều bút ký viết về Cồn Cỏ rất tâm huyết, tiêu biểu như bút ký: “Cồn Cỏ của Vĩnh Linh ngày ấy”, “Cồn Cỏ trăng thuở ấy - nắng bây chừ”…
Sau khi đất nước thống nhất, Cồn Cỏ bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một nhà văn viết bút ký xuất sắc đã đóng góp tác phẩm “Cồn Cỏ ngày thường”. Bằng bút pháp sắc sảo, tác giả đã khái quát hết cái thế đứng của hòn đảo nhỏ trong hòa bình. Nhạc sĩ nữ Quỳnh Hợp sáng tác ca khúc “Một ngày nơi đảo Cồn Cỏ” phổ thơ “Hòn Hổ” của nhà thơ Xuân Lợi. Bài hát diễn tả được cảm xúc của tác giả thơ và người nghe dễ dàng hình dung về một địa danh nổi tiếng. Giai điệu bài hát sôi nổi, tươi trẻ, một chút vấn vương lúc chia tay nhưng tràn đầy sự sẻ chia và tình yêu với bạn bè, với đảo thân thương…
Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang đảo Cồn Cỏ (1959 - 2019) và 15 năm thành lập huyện đảo Cồn Cỏ (2004 - 2019), Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phối hợp với UBND huyện đảo Cồn Cỏ tổ chức Trại sáng tác văn học, mỹ thuật và âm nhạc về chủ đề Cồn Cỏ. Đấy là đợt sáng tác tập trung nhất, quy mô lớn nhất về Cồn Cỏ từ trước đến nay. Ban Tổ chức nhận được 79 tác phẩm văn xuôi và thơ, 7 phác thảo tranh tường và 3 ca khúc. Các họa sĩ chọn phác thảo tốt nhất vẽ tranh tường 100 m2 tại âu thuyền đảo Cồn Cỏ tạo ấn tượng về sự độc đáo cho du khách khi đặt chân lên hòn đảo anh hùng.
Tập “Cồn Cỏ - Lửa và hoa” được tuyển chọn những tác phẩm văn học và âm nhạc tại Trại sáng tác, là tuyển tập hội đủ các gương mặt văn nghệ sĩ Quảng Trị tập trung viết về hòn đảo anh hùng xuyên suốt 60 năm chiến đấu xây dựng và trưởng thành. Đây là tác phẩm văn học đa sắc, đồng thời là nguồn tư liệu quý, quà tặng có ý nghĩa đối với cán bộ, Nhân dân, lực lượng vũ trang huyện đảo anh hùng. Chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân Kỷ Hợi 2019 của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Quảng Trị cũng đã ra với đảo, mang đến nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, được dàn dựng công phu với sự thể hiện chuyên nghiệp, sinh động, vui tươi của các diễn viên. Những tiết mục biểu diễn ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước đổi mới và đảo nhỏ anh hùng… đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng người xem, góp phần khơi dậy niềm tự hào, niềm tin của quân dân trên đảo với Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)