Thạc sĩ trẻ nuôi khát vọng làm giàu cho mình, cho quê hương

Quang Đăng |

Sở hữu tấm bằng thạc sĩ sau bao năm nỗ lực đèn sách, nhiều cơ hội mở ra đối với Phan Đức Phước (sinh năm 1995), trú tại Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Thế nhưng, gác lại những tính toán thiệt hơn, anh Phước đã quyết định trở về quê để thực hiện điều ấp ủ từ lâu là làm giàu cho mình và cho quê hương.


Học để trở về

Dù không PR, quảng cáo rình rang nhưng nhiều năm nay, cơ sở sản xuất yến sào của gia đình anh Phan Đức Phước vẫn nhộn nhịp khách. Không chỉ phục vụ nhu cầu người dân trong vùng, sản phẩm của gia đình anh đã đến các tỉnh, thành phố lớn. Nhiều khách đã trở lại sau khi thử sử dụng yến sào Trọng Phước. Đó cũng chính là động lực để anh Phước và vợ có thêm động lực, tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu để nâng cao chất lượng sản phẩm. Có những ngày, hai vợ chồng làm việc không ngơi tay.

Chuyện trò với phóng viên, anh Phan Đức Phước cho biết, trước đây, anh chưa bao giờ nghĩ gia đình mình sẽ gắn bó với chim yến. Sinh ra, lớn lên ở miền biển, từ nhỏ, anh Phước đã xót lòng khi thấy hình ảnh tảo tần của ba mẹ. Dù làm đủ thứ nghề, ba mẹ anh vẫn chật vật lo cho 3 người con ăn học.

Có thời điểm, kinh tế gia đình gần như khánh kiệt. “Gia đình càng khó khăn, tôi càng ý thức hơn việc học tập. Tốt nghiệp đại học, tôi tiếp tục theo học thạc sĩ chuyên ngành quản lý kinh tế. Tôi luôn nghĩ rằng để thoát nghèo, con đường thuận lợi nhất vẫn là học tập và làm kinh tế”, anh Phước chia sẻ.

Anh Phan Đức Phước chuyện trò với người lao động để tìm hiểu, tháo gỡ những khó khăn trong việc hấp, sấy cá -Ảnh: Q.H
Anh Phan Đức Phước chuyện trò với người lao động để tìm hiểu, tháo gỡ những khó khăn trong việc hấp, sấy cá -Ảnh: Q.H

Luôn trăn trở chuyện làm kinh tế, anh Phước từng nghiên cứu, tìm hiểu nhiều mô hình từ khi ngồi trên ghế giảng đường. Qua nghiên cứu, thấy nghề nuôi chim yến có triển vọng, anh Phước liền bàn với ba mẹ xây dựng mô hình. Điều thuận lợi là ba mẹ anh cũng đã ấp ủ ý tưởng này từ lâu. Tuy vậy, buổi đầu, gia đình anh Phước chỉ dám nuôi thử nghiệm. Về sau, thấy những tín hiệu khả quan, cả gia đình mới thống nhất nhân rộng. Năm 2020, gia đình anh Phước mạnh dạn vay mượn khoảng 1,6 tỉ đồng để làm nơi ở và nuôi chim yến thứ hai.

Theo anh Phước, nuôi chim yến không phải là nghề nhẹ nhàng, dễ hái ra tiền như mọi người vẫn nghĩ. Để “gọi” chim yến vào nhà và tạo môi trường cho chúng phát triển tốt, anh Phước phải mất khá nhiều thời gian, công sức. Trong quá trình nuôi, anh và các thành viên trong gia đình phải xác định chăm yến như chăm trẻ. Chỉ cần nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, yến sẽ bỏ đi hoặc chết hàng loạt. “Sự nỗ lực của tôi và gia đình sớm được đền đáp. Chim yến đã mang lại thu nhập khá cho gia đình. Năm 2020, gia đình tôi đăng ký thương hiệu yến sào Trọng Phước. Sản phẩm của gia đình nay đã vươn đến nhiều tỉnh, thành phố gần xa”, anh Phước chia sẻ.

Nhân lên khát vọng làm giàu

Nghe về hành trình khởi nghiệp, nhiều người tiếc nuối cho tấm bằng đại học, thạc sĩ của anh Phước. Trái với suy nghĩ ấy, điều khiến anh Phước tiếc nuối nhất là không có nhiều thời gian hơn để đèn sách. Anh chia sẻ, thực ra, nếu để đạt mục tiêu tìm việc làm ở thành phố lớn, có lẽ anh chỉ cần dừng sau khi tốt nghiệp đại học. Việc anh học tập nhiều hơn xuất phát từ mong muốn trau dồi, rèn luyện để có thể làm “ông chủ” cho chính cuộc đời mình.

Mong muốn ấy đã hình thành rất sớm trong suy nghĩ của anh Phước. Đó cũng chính là lý do thôi thúc anh lựa chọn các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của cuộc sống và điều kiện gia đình. Trên ghế giảng đường, anh Phước đã thu xếp thời gian để có thể học tập nhiều hơn những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng trong cuộc sống, đặc biệt là về xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế. Nhờ vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã có được “độ chín” cơ bản để gắn bó với công việc mà mình lựa chọn.

Không chỉ xây dựng thương hiệu yến sào Trọng Phước trong lòng khách hàng, anh Phước còn dành nhiều tâm sức để gỡ khó cho nghề hấp sấy cá của gia đình. Trước đây, việc làm ăn của gia đình anh Phước tuy có khởi sắc nhưng thỉnh thoảng lại gặp những vướng mắc. Sau khi nắm bắt thực tế, anh Phước đã tư vấn, giúp ba mẹ xây dựng quy trình; cải tiến máy móc; đào tạo nhân công...

Để cá phơi xong được bảo quản tốt, anh vận động gia đình đầu tư hàng chục triệu đồng để mua máy hút chân không. Cùng với đó, anh nghiên cứu, sáng tạo bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu cho mô hình... Vừa qua, sản phẩm cá nục hấp chín, phơi khô Trọng Phước và sản phẩm cá cơm hấp chín, phơi khô Trọng Phước đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Ít ai biết, trở về quê hương khởi nghiệp, lập nghiệp, anh Phan Đức Phước không chỉ ấp ủ khát vọng làm giàu cho riêng mình mà cả những người xung quanh và xa hơn đó là quê hương. Vì vậy, dù luôn tay, luôn chân với công việc, anh vẫn thu xếp thời gian để truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cho mọi người.

Sự năng nổ, nhiệt huyết ấy đã giúp anh Phước được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt. Từ ngày anh trở thành “thủ lĩnh” đoàn, phong trào làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương trong thanh niên ở khu phố càng phát triển mạnh mẽ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Chưa có bước đột phá để nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao

Hà Trang |

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có trên 1.400 ha cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ; trong đó diện tích sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên, theo hướng hữu cơ, VietGAP, an toàn thực phẩm là 1.226,85 ha.

Dinh dưỡng nano - tương lai của nông nghiệp

P.V |

Phân bón lá Nano - REM là một giải pháp sáng tạo và hiệu quả cho nông nghiệp Việt Nam

Hiệu quả từ phong trào “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương”

Trúc Phương |

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể sản xuất - kinh doanh giỏi, khai thác, tận dụng tốt thế mạnh của địa phương để xây dựng các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao. Kết quả này có được một phần nhờ vào phong trào “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương” được UBND huyện Gio Linh phát động từ năm 2011 đến nay.

Nông dân làm giàu từ trang trại tổng hợp

Nguyễn Trang |

Với sự kiên trì, tích cực học hỏi để chuyển đổi sản xuất theo hướng liên kết, tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), nhiều nông dân đã lập nghiệp thành công với mô hình trang trại tổng hợp. Có thể kể đến như anh Lê Phước Tuấn (sinh năm 1981), ở khu phố Hữu Nghị, thị trấn Hồ Xá hiện đang là chủ trang trại tổng hợp gần 10 ha đa cây, đa con mang lại thu nhập cao.