Thầy giáo “gieo” tình yêu thể dục, thể thao cho học trò vùng cao

Trúc Phương |

Tròn 8 năm gắn bó với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) A Vao, huyện Đakrông, thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Văn (sinh năm 1990) vẫn luôn miệt mài nỗ lực để thắp sáng lên ngọn lửa đam mê thể dục, thể thao cho các em học sinh vùng cao. Những việc làm của thầy được ban giám hiệu nhà trường, đồng nghiệp đánh giá cao; nhiều thế hệ học sinh yêu mến, kính trọng.

Tôi từng gặp thầy Văn trong vài lần ngược lên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS A Vao công tác. Thầy để lại ấn tượng về tính cách dí dỏm, thân thiện, cởi mở. Đặc biệt là thái độ các em học sinh nơi đây thích thú, mong chờ đến tiết dạy thể dục của người thầy trẻ tuổi này. Cách đây không lâu, tại buổi lễ trao giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Trị” do Tỉnh đoàn Quảng Trị tổ chức, tôi đã có dịp gặp lại thầy.

Năm nay, thầy Văn là một trong 19 cán bộ, giáo viên tiêu biểu được vinh danh tại buổi lễ và được Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị tặng giấy khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. “Đây là niềm vinh dự lớn đối với tôi cũng là động lực để tôi cố gắng, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người”, anh Văn nói.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS A Vao Nguyễn Thanh Bình cho hay: “Trong quá trình công tác, thầy Văn luôn có trách nhiệm, tận tâm với nghề; đã đưa ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, giúp học sinh phát trin toàn din v thể chất. Những đóng góp của thầy Văn đã đưa phong trào thể thao học đường của nhà trường ngày càng phát triển. Thầy là tấm gương sáng, nhà giáo tiêu biu được học sinh, đồng nghiệp tin yêu và học tập”.

Thầy Văn (ngoài cùng, bên trái) nhận giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ - Ảnh: T.P
Thầy Văn (ngoài cùng, bên trái) nhận giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ - Ảnh: T.P

Tốt nghiệp Khoa Giáo dục thể chất, Đại học Huế từ năm 2013. Trước khi “đầu quân” về Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS A Vao, thầy Văn từng có một năm dạy học tại Huế. Khoảng thời gian này tuy ngắn song đã giúp thầy tích lũy được nhiều kinh nghiệm để áp dụng cho quá trình công tác sau này.

Nhớ lại những ngày đầu về nhận công tác tại xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Đakrông, thầy Văn cho hay: “Thời điểm tôi mới về nhận công tác, đường sá đi lại vẫn chưa được thuận lợi như bây giờ, thế nên lo lắng là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, học trò ở đây rất chân thật, đáng yêu. Càng tiếp xúc, tôi càng thêm quý mến và mong muốn được góp sức giúp các em có một tương lai tốt đẹp hơn”.

Vào mỗi giờ dạy học của mình, bên cạnh hướng dẫn học trò rèn luyện sức khỏe qua các bài học thể dục như: nhảy dây, đá cầu, đá banh..., thầy Văn còn lồng ghép giáo dục kỷ luật, giáo dục kỹ năng sống để tạo thêm hứng thú cho các em. Trong quá trình học sinh tập luyện, thầy phát hiện những em có năng khiếu và chọn ra đội tuyển, cùng với đồng nghiệp liên tục bồi dưỡng các em tham gia Hội khỏe Phù Đổng các cấp.

Dưới sự bồi dưỡng của thầy Văn, đội tuyển bơi lội của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS A Vao luôn đạt thành tích tại các cuộc thi bơi trong toàn tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2024, học sinh của trường đã mang về 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 5 huy chương đồng ở nội dung bơi lội, đóng góp cho thành tích chung của huyện.

“Ban giám hiệu nhà trường từng ấp ủ dự định dạy bơi cho các em học sinh nhưng mãi đến năm 2019 mới thực hiện được bởi điều kiện không cho phép. Để mở lớp học bơi, cán bộ, giáo viên trong trường phải tìm khúc suối phù hợp nhất, rồi vào rừng lấy tre nứa về khoanh vùng an toàn. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ áo phao, phao bơi và các đồ dùng bảo hộ khác cho học trò.

Trong mỗi buổi tập, chúng tôi luôn túc trực theo dõi, giám sát, hỗ trợ các em. Thương nhất là mỗi lúc nhìn thấy các em vượt đường xa, thời tiết không thuận lợi để đến địa điểm tập bơi. Khi ấy chúng tôi phải đốt lửa ngay tại bờ suối để sưởi ấm cho các em. Học trò miền ngược tuy nhỏ về thể chất nhưng ý chí và lòng quyết tâm vững chắc như núi cao”, thầy Văn bộc bạch.

Nhiều người vẫn cho rằng Thể dục là môn phụ, không quan trọng bằng việc tập trung học các môn văn hóa, nhưng theo thầy Văn, trong chương trình giáo dục phổ thông, các môn học bổ sung cho nhau, không có khái niệm môn phụ. Với môn Thể dục cũng vậy, học sinh siêng năng rèn luyện sức khỏe giúp các em học tập tốt hơn.

Đó cũng là lý do thầy nghiên cứu, viết nhiều sáng kiến kinh nghiệm, sáng kiến sư phạm có tính ứng dụng và được đánh cao như: “Giải pháp nâng cao thành tích chạy bền cho học sinh nam khối 7 trường trung học cơ sở”; “Một số biện pháp nhằm nâng cao sức bật giậm nhảy trong môn Nhảy xa cho học sinh nam lớp 9 trường trung học cơ sở”.

Với sự cống hiến của mình, thầy Văn được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo năm học 2021 - 2022; danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh” vì có nhiều thành tích tiêu biểu trong công tác từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2022 - 2023.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Người thầy tâm huyết với môn thể dục Aerobic

Hoài Diễm Chi |

Ngoài nhiệm vụ chính là giáo viên môn giáo dục thể chất của Trường Tiểu học Đông Giang, TP. Đông Hà (Quảng Trị), thầy giáo Hồ Ngọc Thủy còn được biết đến với vai trò là một huấn luyện viên (HLV), trọng tài có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào thể dục thể thao tỉnh nhà. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, anh hiện là một giáo viên nam hiếm hoi có kiến thức sâu rộng và tâm huyết với bộ môn Aerobic dành cho học sinh. Bằng cái tâm của mình, anh Thủy đã nâng bước cho nhiều em nhỏ được đến với những bước nhảy khỏe khoắn, vui tươi, tạo cơ hội cho các em tham gia thi đấu, giành nhiều thành tích cao tại các giải thể thao học đường...

Lan tỏa phong trào luyện tập thể dục - thể thao ở Đông Hà

Vũ Hoàng |

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, thời gian qua, phong trào thể dục - thể thao (TDTT) ở TP. Đông Hà (Quảng Trị) diễn ra sôi nổi, lan tỏa rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.

Phát triển phong trào thể dục thể thao trong người đồng bào dân tộc thiểu số

Hoài Diễm Chi |

Những năm qua, phong trào thể dục thể thao (TDTT) không ngừng phát triển trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Quảng Trị. Hoạt động thể thao phong trào diễn ra sôi nổi, rộng khắp từ các môn hiện đại đến truyền thống đã tạo điều kiện để người Vân Kiều, Pa Kô được vui chơi giải trí, vận động nâng cao sức khỏe, tập luyện và thi đấu. Đồng thời, hoạt động TDTT góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát triển các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống dân tộc.