Thu nhập khá từ nghề làm mắm

Trúc Phương |

Đến thôn Lam Thủy, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, hỏi thăm về các loại mắm truyền thống do chị Nguyễn Thị Thu Hòa (sinh năm 1987) làm ra, ai cũng tấm tắc ngợi khen. “Như một duyên nợ, tôi bắt đầu làm mắm từ 7 năm trước và gắn bó với nghề cho đến hôm nay. Công việc này không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá mà còn tạo cho tôi niềm vui, sự kết nối với khách hàng ở nhiều nơi”, chị Hòa bộc bạch.


Nhà chị Hòa nằm gần chợ Phương Lang. Thời điểm chúng tôi đến, một số khách hàng đã có mặt ở đây để đợi mua mắm cá lóc chị vừa ủ cách đây không lâu. Chị Nguyễn Thị Máy, một vị khách vui vẻ giới thiệu: “Mắm cá chị Hòa làm ngon, sạch sẽ nên cứ yên tâm về chất lượng. Rất đáng để thử nhé! Nhà tôi ở gần đây rồi, cứ ăn hết lại qua mua”.

Trong nhà, ngoài những hũ mắm cá lóc, chị Hòa còn làm thêm nhiều loại mắm khác như mắm cá trích, mắm cà pháo, mắm đam..., cũng được rất nhiều người yêu thích. Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề này, chị Hòa chia sẻ: “Công việc đầu tiên sau khi từ TP. Huế về quê của tôi là bán hàng online. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, tôi nhận ra ở quê mình có những loại mắm rất ngon, được làm ra từ nguồn nguyên liệu có sẵn trong địa phương nhưng chưa được nhiều người biết đến. Thế là tôi quyết định học hỏi, bắt tay vào làm những hũ mắm đầu tiên”.

Chị Hòa trộn cá với các loại gia vị để ủ mẻ mắm mới - Ảnh: T.P
Chị Hòa trộn cá với các loại gia vị để ủ mẻ mắm mới - Ảnh: T.P

Được biết để có được tay nghề như hiện tại, chị cũng đã từng trải qua không ít thất bại. Nhưng càng khó khăn, chị càng không nản chí mà cố gắng nhiều hơn để cải thiện dần sản phẩm của mình.

Với lượng khách hàng ổn định có được nhờ bán hàng online trước đó, mắm của chị Hòa nhanh chóng được người tiêu dùng biết đến và đón nhận. Anh Hoàng Ngọc Bảo, một khách hàng của chị Hòa hiện đang sống tại Hoa Kỳ cho hay: “Vốn là một người con của quê hương Hải Lăng nên khi ăn lại món mắm cá lóc do chị Hòa làm ra, tôi thấy rất hợp khẩu vị. Lâu lâu tôi vẫn gửi nhờ bạn bè, người thân mua giúp các loại mắm mang sang đây để nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà”. Chị Hòa cho biết làm mắm không phải là công việc khó hay chiếm quá nhiều thời gian nhưng mang về cho chị nguồn thu nhập tương đối ổn định.

Ngoài nghề làm mắm, chị Hòa còn duy trì và phát triển công việc nấu ăn đám cưới, đám tiệc cho người dân trong vùng. Công việc này so với làm mắm vất vả hơn nhiều nhưng mang lại cho chị nguồn thu nhập khá vào mỗi mùa cao điểm. Bên cạnh đó chị còn tạo việc làm và thu nhập cho 2 - 3 lao động trên địa bàn. Trung bình mỗi năm, từ các mô hình kinh tế giúp chị Hòa tiết kiệm được trên 70 triệu đồng. Bận rộn làm kinh tế nhưng người phụ nữ này vẫn sắp xếp thời gian để có thể chăm lo trọn vẹn cho gia đình nhỏ; tích cực tham gia các hoạt động do hội LHPN các cấp và địa phương phát động.

Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Hưng Nguyễn Thị Hiền đánh giá, chị Hòa là hội viên trẻ nhưng luôn xông xáo, nhiệt tình trong các hoạt động, phong trao do hội phụ nữ các cấp triển khai. Đặc biệt, tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, chị đã tạo ra những món ăn dân dã, gắn liền với mâm cơm của nhiều gia đình.

“Hội LHPN xã Hải Hưng đã lựa chọn mô hình kinh tế của chị Hòa làm mô hình hỗ trợ hội viên khởi sự, khởi nghiệp của hội trong năm 2025. Hiện, hội phụ nữ xã đang xây dựng kế hoạch liên kết, hỗ trợ và hướng dẫn chủ cơ sở đăng ký nhãn mác cho từng loại sản phẩm. Đồng thời giới thiệu cho chị Hòa tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao tay nghề; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất. Những điều này sẽ góp phần giúp chị Hòa vừa tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, vừa có hình thức đẹp với đầy đủ nhãn mác, các thông tin về sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng”, chị Hiền khẳng định.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Chú trọng tiêu chí thu nhập cho người dân trong xây dựng NTM ở xã dân tộc thiểu số và miền núi

Mai Lâm |

Thu nhập là một trong những tiêu chí quan trọng, giữ vai trò “đòn bẩy”, tạo động lực hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, nhiều xã nằm trong lộ trình đạt chuẩn NTM của tỉnh Quảng Trị trong năm 2024, 2025 đều ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với xuất phát điểm thấp. Bên cạnh cơ sở hạ tầng (giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa...) thiếu đồng bộ, cần nguồn lực đầu tư lớn thì việc nâng cao thu nhập cho người dân (tiêu chí 10), giảm nghèo (tiêu chí 11) là rào cản lớn trên hành trình về đích NTM của các địa phương này.

Thu nhập cao từ trồng bưởi da xanh

Lê An |

Nhận thấy cây bưởi da xanh phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, cho quả quanh năm, giá bán và đầu ra ổn định, ông Trần Đình Bình ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã chuyển đổi hơn 0,6 ha đất vườn kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Tăng thu nhập cho người dân vùng cao từ mô hình sinh kế

Trúc Phương |

Hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của người đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại 6 xã miền núi thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông (Quảng Trị), thời gian qua, chương trình “Tiến về phía trước” với sự tài trợ của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình sinh kế có ý nghĩa thiết thực. Nhờ đó, người dân tại các địa bàn được hưởng lợi từ chương trình đã có việc làm, thu nhập ổn định để phát triển kinh tế gia đình, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Làng nghề truyền thống nước mắm Mỹ Thủy: Sản xuất sạch để khẳng định thương hiệu

Hiếu Giang |

Ra đời từ hàng trăm năm qua và ngày càng phát triển, nghề sản xuất nước mắm truyền thống đã nuôi sống biết bao thế hệ người dân thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng. Năm 2012, tỉnh Quảng Trị đã công nhận làng nghề truyền thống nước mắm Mỹ Thủy, qua đó tạo động lực để làng nghề vươn xa.