Lần lên thăm Tuyên Quang, tôi được nghe một cán bộ tỉnh giới thiệu rằng: ở Tuyên Quang có đồng chí Trần Hoài Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy nhiều năm liền, là người Quảng Trị. Nghe vậy, khi trở về địa phương, tôi đã quan tâm tìm hiểu về đồng chí. Nay nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Trần Hoài Quang, tôi giới thiệu vài nét về thân thế và cuộc đời hoạt động của đồng chí với sự tri ân đối với thế hệ cha ông.
Đồng chí Trần Hoài Quang, tên thật là Trần Ôn, sinh năm 1922 ở làng An Lưu (nay là thôn Phương An), xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong.
Đồng chí xuất thân trong gia đình nông dân nhưng nhiều người được học hành và tham gia việc xã hội. Thân sinh đồng chí là ông Trần Viêm, bà con ở quê thường gọi là Tổng Viêm, vì lúc ở tổng An Lưu ông được cử làm Trương Tuần, tức người đứng đầu việc tuần phòng trong tổng, chức sắc đặt ra cuối triều nhà Nguyễn.
Chú ruột ông là Trần Hữu Tế được bổ nhiệm làm Thừa phái tỉnh Quảng Bình, giúp Bộ lại về công tác tổ chức nhân sự ở địa phương, được cấp thẻ bài Ngà để vào triều đình dễ dàng. Ông cũng chính là người giúp đỡ nhiều cho đồng chí Trần Hoài Quang học hành, hoạt động ở Huế và giác ngộ tham gia hoạt động cách mạng, bởi từ trước năm 1945 ông đã tham gia các phong trào yêu nước và cách mạng, rồi hy sinh năm 1949.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều người trong gia đình đồng chí Trần Hoài Quang tham gia làm việc cho chế độ mới, kể cả những người trước đây làm việc, đi lính cho chế độ cũ, nhiều người đã hy sinh cho hai cuộc kháng chiến của dân tộc.
Người em rể của gia đình đồng chí Trần Hoài Quang là bác Thưởng nay còn ở quê, nghe cha vợ kể lại rằng “anh Quang lúc nhỏ nghịch ngợm, nhưng lanh lẹ, thông minh và học giỏi.
Lúc ở quê, anh Quang cùng nhóm bạn bè, trong đó có đồng chí Trần Hồng Chương, sau này là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, người làng bên (cùng xã) viết truyền đơn, treo cờ ở địa phương do cán bộ cách mạng giao, góp phần thúc đẩy phong trào yêu nước và cách mạng ở địa phương”.
Khi vào Huế học, đồng chí Trần Hoài Quang sôi nổi tham gia phong trào yêu nước, viết báo phê phán sự đô hộ của thực dân Pháp, được tổ chức cử vào lính của chế độ cũ để hoạt động cách mạng, nhưng bị lộ và bị bắt giam ở nhà lao Ninh Thuận năm 1939.
Cùng năm đó, đồng chí được vào Đảng Cộng sản trong nhà lao. Năm 1940, đồng chí được ra tù và bắt đầu một giai đoạn cách mạng với nhiều cương vị khác nhau, tiếp tục làm báo và phụ trách thanh niên phản đế Huế.
Cuối năm 1940, đồng chí lại bị bắt giam ở Lao Thừa Phủ vì tội tuyên truyền cộng sản với mức án 4 năm 6 tháng tù, năm 1947 thì bị đày đi Buôn Ma Thuột. Trong tù 2 lần đồng chí tăng án vì thêm tội làm đại biểu tranh đấu và binh vận.
Tháng 6/1945, đồng chí ra tù và được phân công về hoạt động cách mạng ở quê nhà Quảng Trị, huấn luyện tự vệ chuẩn bị giành chính quyền. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Quang cùng các đồng chí khác xây dựng Chi đội Thiện Thuật (Trung đoàn 95) - đơn vị quân chủ lực đầu tiên của Quảng Trị một thời oai hùng đánh giặc Pháp trên mảnh đất Bình Trị Thiên. Đồng chí được bổ nhiệm làm trung đoàn phó, kiêm chính trị viên, uỷ viên Bộ khu C (Bắc phần Trung Bộ), Hiệu trưởng Trường Quân chính Việt Lào.
Năm 1946, đồng chí được cử làm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến huyện Hương Trà, Thừa Thiên. Năm 1947, đồng chí bị bắt giam ở Lao Thừa Phủ lần thứ hai, tháng 2/1949 vượt ngục và trở lại hoạt động, làm Phó ban Tuyên huấn tỉnh Thừa Thiên.
Tháng 5/1949, đồng chí làm tham mưu phó mặt trận Bình Trị Thiên, rồi tiếp tục được cử chỉ huy lực lượng tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn Campuchia chống Pháp khu vực 4 tỉnh Tây Nam gần với thủ đô Phnom Penh là Tà Kéo, Kam Pốt, Kampong Chhnăng, Kampong Speu.
Từ năm 1954, đồng chí ra miền Bắc hoạt động trong lực lượng vũ trang, lần lượt làm việc ở Phòng Lào-Miên trung ương, rồi Chính uỷ Trung đoàn 664.
Sau thời gian học ở trường Đảng cao cấp trung ương, đồng chí Trần Hoài Quang được phân công về làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ Tuyên Quang từ năm 1959. Tháng 3/1961, Đại hội III tỉnh Tuyên Quang vinh dự được Bác Hồ về thăm Đảng bộ, Nhân dân và dự đại hội.
Tại đại hội này, đồng chí được bầu làm bí thư tỉnh uỷ và liên tục các nhiệm kỳ tiếp theo (IV, V, VI) đều được bầu làm bí thư tỉnh uỷ.
Khi sáp nhập tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang thành tỉnh Hà Tuyên, đồng chí được trung ương chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tuyên cho đến giữa năm 1977 thì nghỉ công tác và nghỉ hưu. Đồng chí mất vào năm 1999.
Quá trình hoạt động làm lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Trần Hoài Quang đã có nhiều đóng góp nổi bật, trong đó có việc lập tiểu đoàn thanh niên xung kích làm kinh tế xã hội và quyết định làm đường qua núi về vùng sâu, vùng xa (đường Nà Hang - Bản Lảm dài 24 km từ năm 1962 đến 1965 hoàn thành), mở màn cho việc các tỉnh miền núi mở đường xuyên núi về vùng sâu, vùng xa sau này.
Không chỉ xuất sắc trong hoạt động chính trị và quân sự mà đồng chí còn tích cực trong hoạt động báo chí, dịch thuật, làm thơ.
Từ tuổi trẻ cho đến sau này, đồng chí Trần Hoài Quang đã sáng tác rất nhiều bài thơ với nội dung thấm đẫm tình cảm quê hương, tình đồng chí cũng như sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Đồng chí có 3 tập thơ đã được xuất bản. Dù ở xa nhưng với tấm lòng tha thiết yêu mến mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên, đồng chí đã sáng tác bài thơ Bức tranh quê hương: “Làng tôi động cát cao cao/Xanh xanh ruộng lúa, nao nao giọng hò/Làng tôi bờ dậu quanh co/Cây đa lùng thấp, đàn cò bến quen…”.
Trong số những bạn bè của đồng chí Hoài Quang, nhiều người sau này là lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đoàn Khuê đã từng nói: “Anh Quang là người anh cả cộng sản của tôi, người đưa tôi vào Đảng”. Nhiều đồng chí, đồng đội gần gũi đánh giá và ca ngợi đồng chí Quang là một con người mẫu mực, giản dị và liêm khiết.
Mặc dù có rất ít thời gian hoạt động ở quê hương và cũng ít người ở quê hương biết đến, nhưng cuộc đời và sự đóng góp của đồng chí Trần Hoài Quang xứng đáng là người con ưu tú của quê hương Quảng Trị và của lực lượng vũ trang cách mạng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)