Anh cùng đoàn cựu chiến binh vừa vượt chặng đường hơn năm trăm cây số từ Hà Nam vào Quảng Trị.
Ngoài mục đích tham quan, thì chuyến vào Quảng Trị lần này của anh còn được xem như một chuyến hành hương trở về với cội nguồn, trở về với chiến trường. Nơi đây, trong những năm chiến tranh, anh đã từng sống, từng lăn lộn cùng đồng đội chiến đấu suốt cả quãng đời trai trẻ. Và cũng đã gần bốn mươi năm qua, trở về nơi quê hương xứ sở, nỗi nhớ mong khắc khoải vẫn hằng thôi thúc anh, để mãi đến hôm nay mới thực hiện được lời ước hẹn.
Anh tha thẩn quanh quả đồi sau làng, phóng mắt nhìn dòng Bến Hải uốn cong hình lưỡi liềm trước mặt, cầu Hiền Lương trắng bạc như vành trăng khuyết, những dãy đồi núi nhấp nhô, mờ ảo ở phía Tây hai huyện Vĩnh Linh, Gio Linh.
Nơi đầu tiên anh đến là Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Anh dừng lại trước những hàng bia mộ trắng, uy nghiêm như hàng quân năm nào trước giờ xuất trận. Nhẩm đọc những dòng chữ trên bia mộ, anh nhận ra trong số trên một vạn người con của Tổ quốc nằm lại nơi đây, có người cùng nhập ngũ với anh một năm, có người cùng huyện, có người cùng đơn vị.
Nước mắt anh trào ra. Đôi vai anh rung lên. Từ một người lính trận mạc trở về, nay vào thăm lại chiến trường xưa, có lẽ lúc này đây, trong khuôn viên nhỏ bé nhưng hiện hữu sự hy sinh to lớn này, lần đầu tiên anh đã để cho nước mắt mình tuôn chảy tưới ướt mộ đồng đội.
Chiều nghĩa trang liệt sĩ, mây trời lung linh mờ ảo. Những ngọn gió mơn man từ hướng tây thổi tới càng làm cho những nén nhang rực lên tràn ngập hương thơm.
Cây phượng già vốn đã oằn lưng tỏa bóng mát cõi vĩnh hằng, giờ càng được dịp cúi mình xuống, vươn hết thân cành như những bàn tay âu yếm vuốt ve từng nấm mộ.
Tôi đã đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ trên đất Quảng Trị quê tôi. Và mỗi lần có mặt, là mỗi lần tôi chứng kiến những trận mưa nước mắt. Nước mắt của người chị Thái Bình vào tìm mộ chồng. Nước mắt của người mẹ Hưng Yên vào tìm mộ con. Nước mắt của người anh Bắc Ninh, trên đường công tác ghé qua thắp hương cho bạn cũ.
Và lần này là nước mắt của anh. Ôi, kể sao cho hết những người mà tôi đã gặp và những giọt nước mắt mà tôi đã chứng kiến. Thì ra đất Quảng Trị yêu dấu này, không chỉ lắm bom nhiều đạn mà còn chút ân tình này nữa là nước mắt, phải chăng? Vâng, không hiểu sao tôi cứ hình dung trên từng mỗi mét vuông đất Quảng Trị lại tự hào, hãnh diện, nhưng cũng vô cùng thương cảm vì được chứa đựng ít nhất là một giọt nước mắt của con Lạc cháu Hồng.
Đất Quảng Trị đã từng thấm máu người ra trận. Đất Quảng Trị lại một lần nữa đầm đìa nước mắt của niềm vui chiến thắng, đoàn tụ, xa xót.
Bốn mươi mấy năm rồi, nước mắt vẫn lặng lẽ tuôn ra từ bao khóe mắt và không biết tới bao giờ nước mắt mới ngừng rơi trên hình hài rẻo đất vốn chịu nhiều đau thương, nhưng tuyệt vời anh dũng này.
Xin được ngàn vạn lần quý trọng và biết ơn những giọt nước mắt của người bốn phương còn lẫn trong đất đai, sông núi Quảng Trị dành cho người hy sinh vì đại nghĩa.
Trong những ngày có mặt ở Quảng Trị, nơi nào anh cũng thiết tha mong gặp lại. Nhưng thời gian đã vời vợi cách xa. Vật đổi sao dời, dấu cũ còn đó mà người xưa đâu rồi? Chỉ còn lại trên những địa danh thân thuộc ấy là những dấu cũ không phai mờ. Một cây đa làng.
Một bến đò xưa. Một con đường nhỏ. Tất cả vẫn còn đó, mấy chục năm rồi vẫn in đậm nét trong anh và biết bao cựu chiến binh khác khi hành hương về Quảng Trị, thăm lại chiến trường xưa.
Quảng Trị quê hương tôi, trong tâm tưởng của bè bạn gần xa, mỗi tên đất, tên làng từ lâu đã trở nên quen thuộc.
Nhưng với người ra trận, ai từng đi qua đây, bám trụ lại đây, thì những tên đất, tên làng ấy lại được đẩy lên cao hơn, nó vừa là kỷ niệm thuộc về cõi tâm linh, lại vừa là dấu ấn hằn sâu trên từng cơ thể mỗi người.
Tôi không biết phải lý giải điều này thế nào cho trọn vẹn. Nhưng hôm nay đi bên anh, người lính về thăm lại chiến trường xưa, được thấy vẻ háo hức, khấp khởi, xen với nỗi xót xa quặn thắt ở anh, tôi bỗng thấy trân trọng vô bờ bến khi nghĩ về hàng chục vạn người con khắp mọi miền đất nước còn nằm lại nơi đây.
Hình như máu họ vẫn còn đó ngày ngày thấm đỏ trên từng cành cây ngọn cỏ, trên từng dòng sông, mảnh vườn, thửa ruộng của đất đai Quảng Trị này.
Tôi nhớ hôm đưa anh lên Hải Cụ, một địa danh ở phía Tây huyện Gio Linh, nhưng rất đỗi thân thiết với bất cứ người lính ra trận nào.
Và bây giờ đã gần bốn thập kỷ trôi qua, các cựu chiến binh vẫn nhớ đến Hải Cụ như là một cái đích xuất phát của những binh đoàn.
Đất Hải Cụ đã in đậm dấu chân của hàng chục vạn người lính tiến lên phía trước trong trận chiến đấu cuối cùng để giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Bên tấm bia tưởng niệm do bộ đội Trường Sơn dựng tạm ngay chính chỗ ngày xưa đặt “đại bản doanh” Bộ Tư lệnh đoàn 559 anh hùng, anh đã kể cho tôi nghe bao kỷ niệm về đồng đội, về dòng sông cùng những chiến công mà anh và đồng đội từng trải.
Sông Bến Hải vào mùa Hạ, nơi thượng nguồn này, nước ngọt và trong xanh đến lạ lùng. Những đồi tràm hoa vàng năm năm tuổi tỏa bóng mát cho cả đôi bờ và lòng sông; tiếng lục lạc leng keng từ đàn bò gặm cỏ; màu lúa chín vàng rực và bóng dáng những người đàn ông Vân Kiều lầm lũi, thấp thoáng trong nắng chiếu óng ánh. Phong cảnh thanh bình, yên ả vậy, nhưng câu chuyện anh kể lại kéo tôi về một cõi hư vô đầy sục sôi lửa đạn, đầy mất mát, hy sinh.
Thuở ấu thơ đi học và khi khôn lớn trưởng thành, được vinh dự làm người lính, rồi cũng xông pha trận mạc, đổ máu bao phen, có bao giờ tôi hình dung một cuộc chiến tranh mà trong đó sự phi nghĩa và sự chính nghĩa; sự tầm thường và sự vĩ đại lại hiện ra một cách cụ thể, gọn ghẽ như chính những lời thủ thỉ rất đỗi mộc mạc, chân tình của anh lúc này.
Phải chăng muốn thấy sự vĩ đại, lớn lao của dân tộc trong đấu tranh giữ nước một phần không nhỏ là tìm trong sự dũng cảm nhưng giản dị, khiêm nhường của những người đã trực tiếp cầm súng chiến đấu?
Hôm đến Chốt thép Long Quang, một địa danh lịch sử gắn với chiến tranh cách mạng ở xã Triệu Trạch, nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, chi viện cho Thành Cổ Quảng Trị trong Chiến dịch 81 ngày đêm; nơi bộ đội và du kích ta đã tiêu diệt trên 2.000 tên địch, bắn cháy và phá hủy hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 3 máy bay; nơi hơn 1.000 bộ đội và 16 đồng chí du kích đã anh dũng hy sinh.
Anh đứng trầm ngâm bên tượng đài ghi lại chiến công của quân và dân ta ngày ấy. Tôi đâu hiểu được rằng, chính tại nơi này, hai người bạn đồng hương của anh, cùng quê ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam là Tính và Bảo, sau đó đã hy sinh tại mặt trận Thành Cổ Quảng Trị, không tìm được xác.
Hai anh còn lẩn khuất đâu đó trong lòng đất quê hương, hay đã được đưa vào một nghĩa trang liệt sĩ nào đó mà chẳng ai một dòng tên tuổi? Anh nhớ đến một đồng hương khác của anh là Trương Bách Chữ. Anh Chữ cũng chiến đấu và hy sinh ở chiến trường Quảng Trị, nhưng thân xác anh nằm ở nơi nào thì không ai được biết. Mãi sau này, một cán bộ du kích xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, trong khi di dời một ngôi mộ liệt sĩ từ vườn nhà vào nghĩa trang, đã tìm thấy tên anh cùng quê hương bản quán.
Người du kích này đã sốt sắng viết ngay thư gửi ra Hà Nam báo tin cho gia đình liệt sĩ. Vậy là sau bao năm tìm kiếm người thân trong vô vọng, gia đình liệt sĩ Trương Bách Chữ đã vui mừng, xúc động vào ngay Quảng Trị đưa hài cốt người thân của mình về quê.
Yêu quý biết bao những tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp như thế đối với các liệt sĩ và người thân của họ! Trong cuộc chiến đấu một mất, một còn với kẻ thù xâm lược, có biết bao trường hợp còn lẩn khuất, vô danh trong lòng đất Quảng Trị. Và người thân của họ vẫn hàng chục năm qua mòn mỏi ngóng chờ. Đau xót lắm!
Anh đến Thành Cổ Quảng Trị - biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nơi diễn ra cuộc chiến đấu 81 ngày đêm đầy khốc liệt, nơi thấm đẫm máu của biết bao đồng bào, đồng chí chúng ta trước kẻ thù xâm lược để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Anh đến địa đạo Vịnh Mốc - một làng hầm trong lòng đất Vĩnh Linh, nơi không những che chở cho Nhân dân mà còn giúp bộ đội, dân quân Vĩnh Linh kiên cường bám trụ chiến đấu trong suốt những năm giặc Mỹ đánh phá miền Bắc.
Anh cũng đã dừng lại rất lâu ở đôi bờ sông Bến Hải, con sông chia cắt hai miền Nam - Bắc, nghe kể về mẹ Ngô Thị Diệm - người mẹ đã có những năm tháng âm thầm, cần mẫn với từng đường kim mũi chỉ để giữ cho ngọn cờ Tổ quốc lúc nào cũng lành lặn, lúc nào cũng tung bay trong gió, giữa mưa bom bão đạn của kẻ thù…
Mai ngày về lại quê nhà, vùng đất Sơn Nam Hạ, quê hương cụ Tam Nguyên Yên Đổ, hẳn là anh sẽ một lần nữa nhớ thương da diết mảnh đất này. Mảnh đất ở giữa lòng đất nước, nhỏ hẹp, eo thắt như cái đòn gánh, gánh hai đầu nỗi thương đau, niềm chiến thắng của dân tộc.
Và cũng một lần nữa anh hiểu thêm về Quảng Trị này, rằng cả thế kỷ qua, đất và người nơi đây chưa một giây phút được yên ấm, ngơi nghỉ. Hết đỏ máu người ra trận nhuộm thắm bởi giặc ngoại xâm, giờ lại hồng máu người xây dựng vì họa thiên tai, vì bom mìn còn sót lại. Tất cả cũng chỉ vì một mục đích cao cả là độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho mọi người.
Như quê hương anh một thời đồng trũng “chiêm khê mùa thối” cơ cực mà cụ Nguyễn Khuyến bao lần thốt ra trong thơ cụ với mong ước đất Sơn Nam Hạ sẽ có lúc được đổi thay như ngày hôm nay. Quảng Trị một mai rồi cũng như thế. Phải không anh?
Trở lại chiến trường xưa là tìm lại những kỷ niệm quá khứ của đời người. Quảng Trị là miền ký ức không bao giờ phai mờ. Có đẹp đẽ sáng trong như trăng rằm. Có yêu thương, ngọt ngào như sữa mẹ. Và có cả đắng cay - nhức buốt - thắt ruột - bầm gan.
Mỗi một quá khứ đều có thể hội đủ những nỗi niềm riêng tư sâu kín ấy. Và với anh, người cựu chiến binh từ Hà Nam vào Quảng Trị, thăm lại chiến trường xưa, qua những ngày chung sống bên anh, tôi đã thầm đọc được trong anh chứa chan tất cả mọi nỗi niềm…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)