Ngày 12/7, tại Quảng trường Giải phóng thị xã Quảng Trị, Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 tổ chức trang trọng lễ gặp mặt kỷ niệm sự kiện 50 năm 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị (1972-2022) và 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 (1947-2022). Tham dự lễ có Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972; các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động và khoảng 2.300 hội viên Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 trong cả nước.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng tham dự lễ.
Trước thắng lợi vang dội của quân và dân Quảng Trị, vào cuối tháng 6/1972, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu đã huy động tổng lực các lực lượng hải, lục, không quân, các sắc lính tề ngụy mạnh nhất mở cuộc hành quân Lam Sơn 72 hòng “đánh nhanh, thắng nhanh”, chiếm lại vùng giải phóng Quảng Trị. Trong đó mục tiêu trước hết là Thành Cổ Quảng Trị để gây áp lực với ta trên bàn đàm phán hội nghị Paris về Việt Nam. Bởi vậy, chỉ trong 81 ngày đêm, Mỹ ngụy đã ném xuống Thành Cổ Quảng Trị và các vùng phụ cận một khối lượng bom đạn khổng lồ tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945.
Cùng với đó, hai sư đoàn dù và thủy quân lục chiến; Liên đoàn biệt động quân số 1 và các lực lượng kỵ binh, xe tăng được tăng cường… để đối đầu với bộ đội ta, nên đã diễn ra một cuộc đọ sức rất quyết liệt một mất một còn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho rằng, phát triển, đổi mới cũng là hành động thiết thực tri ân các anh hùng liệt sĩ, tạo điều kiện để chăm sóc các phần mộ các anh, chăm sóc gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình chính sách ngày một chu đáo hơn.
Theo thống kê của Bộ Quốc phòng, lực lượng chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị: Bộ đội có 76.100; dân quân du kích 1.300; dân công 2.600. Trong cuộc chiến đấu quyết liệt và gay go lịch sử này có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh anh dũng cho sự trường tồn của đất nước… Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam một mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thần kỳ của dân tộc thế kỷ 20.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng khẳng định: Tuy 50 năm đã trôi qua, nhưng mảnh đất năm xưa, con người năm ấy luôn khắc ghi trong lòng mỗi người dân Quảng Trị như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị luôn biết ơn với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ để có được cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay. Dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, song công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc nghĩa trang, các hoạt động tri ân, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công luôn được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà quan tâm chu đáo.
Quảng Trị hôm nay sau 50 năm giải phóng đã có nhiều đổi thay. Những đồi cát trắng gió Lào, những vùng chằng chịt hố bom đạn năm xưa – nay đã là cánh đồng lúa gạo hàng hóa, vườn cây ăn quả, khu dân cư trù phú; những cánh đồng điện gió, nhà máy, khu công nghiệp, sân bay, cảng biển, vùng du lịch hoài niệm chiến trường xưa đang dần hình thành để hiện thực hóa quyết tâm biến khó khăn thành lợi thế phát triển, đưa Quảng Trị thoát khỏi tỉnh nghèo, trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình khá vào năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng phát triển, đổi mới cũng là hành động thiết thực tri ân các anh hùng liệt sĩ, tạo điều kiện để chăm sóc các phần mộ các anh, chăm sóc gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình chính sách ngày một chu đáo hơn.
Ghi nhận, đánh giá cao kết quả hoạt động của Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 và mong rằng thời gian tới hội tiếp tục có những hoạt động phong phú, hiệu quả, đầy nghĩa tình đồng đội để động viên, giúp đỡ thân nhân gia đình thương binh liệt sĩ, chăm sóc hội viên đau ốm, gặp khó khăn. Tỉnh sẽ luôn ủng hộ và đồng hành với Hội trong những hoạt động tri ân, hướng về đồng đội…
Yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả các hoạt động chăm sóc nghĩa trang, phần mộ liệt sĩ; thăm động viên gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình chính sách với yêu cầu: Không để gia đình chính sách nào trên địa bàn gặp khó khăn mà thiếu sự quan tâm, nhất là vấn đề nhà ở, sinh kế, học hành, khám chữa bệnh.
Các sở, ngành, Thị ủy, UBND thị xã Quảng Trị phối hợp chặt chẽ với Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 tổ chức các hoạt động tri ân tháng 7 trang trọng, ý nghĩa. Tiếp tục triển khai các nội dung quy hoạch, tôn tạo, thu hút đầu tư xây dựng quần thể di tích Thành Cổ Quảng Trị trở thành nơi đặt dấu ấn khát vọng hòa bình, xứng đáng với tầm vóc và quy mô lịch sử quan trọng đặc biệt của tỉnh và quốc gia.
Dịp này, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã trao tặng: Quà, sổ tiết kiệm cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 10 nhà “ấm tình đồng đội” với tổng trị giá 500 triệu đồng cho thị xã Quảng Trị. Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 cũng tổ chức tôn vinh các tấm lòng vàng đã có nghĩa cử hỗ trợ hội tổ chức lễ cầu siêu tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Quảng Trị.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)