“Trẻ hay già vẫn là người lính”

Khánh Huyền |

“Lúc trẻ nguyện lên đường ra chiến trường chống giặc, khi về già chỉ mong luôn khỏe để góp sức xây dựng quê hương”- lời bộc bạch của ông Hoàng Tiến Sơn (sinh năm 1956), Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh (CCB) Khu phố 3, Phường 2, thị xã Quảng Trị. Những năm qua, ông Sơn luôn gương mẫu, tận tụy với công việc, tham gia kết nối nghĩa tình đồng đội và chung sức xây dựng quê hương ngày càng văn minh, phát triển.


Từ năm 14 tuổi, ông Sơn đã tự nguyện đăng ký tham gia làm giao liên, liên lạc với cơ sở cách mạng, đưa công văn, tài liệu, dẫn đường cho cán bộ. 16 tuổi, ông tham gia du kích tập trung, cùng đồng đội lập nhiều chiến công xuất sắc. Hòa bình lập lại, ông trở thành đại đội trưởng phá gỡ bom mìn trên chính quê hương mình.

Dù xảy ra nhiều biến cố nhưng với bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Sơn vẫn vững tâm vượt qua, trở thành điểm tựa vững chắc cho gia đình. Để mưu sinh, ông từng trải qua nhiều nghề từ mua bán phế liệu, làm nông nghiệp, trồng cây công nghiệp. Đến nay, ông sở hữu hơn 5 ha rừng trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống gia đình.

Ông Sơn luôn dành thời gian dọn dẹp vệ sinh vỉa hè, xây dựng tuyến phố văn minh tại địa phương -Ảnh: KHÁNH HUYỀN
Ông Sơn luôn dành thời gian dọn dẹp vệ sinh vỉa hè, xây dựng tuyến phố văn minh tại địa phương -Ảnh: KHÁNH HUYỀN

Bên cạnh việc tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, nuôi con cái trưởng thành, ông Sơn còn hăng hái tham gia các hoạt động, phong trào thi đua do chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương phát động. Đảm nhận vai trò “đầu tàu”, dẫn dắt hoạt động Chi hội CCB Khu phố 3 từ năm 2008, ông luôn tận tụy hết mình với công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Ông cùng lãnh đạo khu phố, các chi hội đoàn thể động viên mọi người hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như chung tay xây dựng đô thị văn minh, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng gia đình văn hóa...

Ông Sơn cho rằng, hạt nhân quan trọng để phát triển hội lớn mạnh, đưa các phong trào hoạt động có hiệu quả chính là phát huy vai trò của từng hội viên.

Ông quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên; thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của từng đồng đội.

Nhờ vậy đã tạo được sự thống nhất, đoàn kết, đưa hoạt động hội gặt hái nhiều kết quả nổi bật, được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và hội cấp trên ghi nhận, đánh giá cao.

Phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp nhau phát triển kinh tế. Thời gian qua, ông Sơn đã vận động hội viên tham gia đóng góp xây dựng quỹ hội nhằm tạo nguồn vốn giúp đỡ hội viên khó khăn vay với lãi suất thấp.

Đến nay, đã vận động được hơn 65 triệu đồng, kịp thời hỗ trợ hội viên giải quyết khó khăn, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình. Ông cũng thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên hội viên có hoàn cảnh khó khăn đột xuất, ốm đau; thăm viếng, phối hợp với gia đình tổ chức tang lễ chu đáo cho hội viên qua đời, hỗ trợ người dân trong thiên tai, dịch bệnh.

Với những đóng góp tích cực cho công tác hội và các phong trào thi đua tại địa phương, ông Sơn được hội CCB các cấp khen thưởng nhiều lần. “15, 20 năm hay thậm chí là nhiều năm về sau nữa, nếu đủ sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục cống hiến cho tổ chức hội, sát cánh cùng đồng chí, đồng đội xây dựng và phát triển quê hương. Trẻ hay già thì tôi vẫn là người lính, nguyện phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ”, ông Sơn bộc bạch.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Ước mong được hát trên sân khấu quê nhà

Hoài Diễm Chi |

Hồ Quang 8 là một ca sĩ nổi tiếng với dòng nhạc trữ tình bolero và phát triển sự nghiệp tại miền Bắc. 

Biến dây đồng thành... bonsai

Quang Hiệp |

Khi còn ở tuổi học trò, Nguyễn Gia Phương (sinh năm 2005), trú tại xã Hải Ba, huyện Hải Lăng (Quảng Trị)0, đã sớm thành công trong việc biến những sợi dây đồng vô tri thành từng chậu bonsai lạ mắt, đầy nghệ thuật. Chính niềm đam mê và sự sáng tạo đã giúp Gia Phương đặt những bước chân đầu tiên trên đường khởi nghiệp.

Những sáng tác làm sống lại ký ức người lính và chiến tranh cách mạng

Triệu Phong |

Nhiều năm qua, đều đặn hằng năm Nhà xuất bản (NXB) Quân đội nhân dân phối hợp Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đều đặn tổ chức các Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng”, thu hút nhiều nhà văn từng mặc áo lính và cả những nhà văn trẻ tham gia.

Có một người lính như thế

Công Sang |

Mặc dù chỉ mới đến nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Hướng Lập (Hướng Hóa, Quảng Trị) chưa đầy 5 năm, tuy nhiên Đại úy Phan Quang Vĩnh đã tạo được lòng tin trong nhân dân; bà con nơi đây thường gọi anh là “Người lính của bản làng”.