Bài dự thi "Ký ức Khe Sanh" (Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, 9/7/1968 - 9/7/2023)

Có một người lính như thế

Công Sang |

Mặc dù chỉ mới đến nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Hướng Lập (Hướng Hóa, Quảng Trị) chưa đầy 5 năm, tuy nhiên Đại úy Phan Quang Vĩnh đã tạo được lòng tin trong nhân dân; bà con nơi đây thường gọi anh là “Người lính của bản làng”.

Cầu nối của người nghèo

Ngày đầu tiên đến nhận công tác tại Đồn Biên phòng Hướng Lập, Đại úy Phan Quang Vĩnh nhận thấy cuộc sống của người dân hai xã Hướng Lập, Hướng Việt gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, cuộc sống của người dân đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều thiếu thốn mọi thứ, từ thu nhập, kế sinh nhai đến nhà ở.

Qua nắm bắt địa bàn, Đại úy Vĩnh nhận thấy tình trạng nhà tạm bợ, dột nát vẫn còn. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh mạnh dạn đề xuất với Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Hướng Lập kế hoạch hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tiền đâu để thực hiện? Đứng trước khó khăn như vậy, Đại úy Vĩnh đã đề xuất tự mình đứng ra kêu gọi các Mạnh Thường Quân hỗ trợ làm nhà cho người dân. Để tiết kiệm chi phí, cán bộ chiến sỹ đơn vị nhận trách nhiệm thi công.

 
Đại uý Phan Quang Vĩnh trong một chương trình tặng ngan giống cho đồng bào DTTS tại xã Hướng Việt và Hướng Lập. Ảnh: Công Sang

Gia đình anh Hồ Văn Noan, thôn Xà Đưng, xã Hướng Việt, (Hướng Hóa) thuộc diện đặc biệt khó khăn. Vợ anh mất sớm, một mình anh chăm sóc gia đình, cuộc sống bữa đói, bữa no, nhà ở tạm bợ. Thấu hiểu hoàn cảnh của anh, Đại úy Vĩnh đứng ra kêu gọi hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới trị giá 100 triệu đồng, toàn bộ nhân công do đơn vị huy động cán bộ, chiến sỹ tham gia ủng hộ.

Quây quần trong căn nhà mới, anh Noan xúc động chia sẻ: “Gia đình tôi mang ơn Đồn Biên phòng Hướng Lập và cán bộ Vĩnh nhiều lắm, nếu không có anh, rất khó có cuộc sống như ngày hôm nay. Ngoài xây nhà, các anh còn quan tâm đến cuộc sóng của gia đình tôi, lo cho con tôi ăn học, dạy cách làm ruộng, chăn nuôi”. Chỉ trong thời gian ngắn, anh Vĩnh đã kêu gọi xây mới và sửa chữa 16 căn nhà cho các gia đình khó khăn, chính sách trị giá trên hai tỷ đồng. Điều này cơ bản giúp cho người dân có nơi ở ổn định, chuyên tâm làm ăn, xây dựng bản làng.

 
Đại uý Phan Quang Vĩnh huy động nguồn lực xã hội tặng quà cho người dân biên giới. Ảnh: Công Sang

 

Lội ruộng cùng người dân 

Đi thực tế vào bản làng, Đại úy Vĩnh nhận thấy cuộc sống người dân hai xã Hướng Lập và Hướng Việt ngoài khó khăn về nhà ở thì việc canh tác, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, lạc hậu. Vốn xuất thân từ một làng quê nghèo, anh thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả và điều kiện sinh sống của bà con dân bản.

Anh luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi với tâm niệm làm sao cho nhân dân thoát khỏi đói nghèo và ngày càng có cuộc sống sung túc hơn. Anh tranh thủ ý kiến của nhiều người, tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chỉ huy đơn vị; trực tiếp tham gia cùng địa phương củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và đội ngũ cán bộ thôn, bản; hướng dẫn cho đồng bào từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tham gia phòng chống dịch bệnh, phát triển văn hóa, xã hội.

Anh thường xuyên bám địa bàn, bám dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân. Thực hiện 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc thiểu số). Anh và đồng đội trong tổ công tác của Đồn Biên Hướng Lập vừa tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, vận động bà con định canh, định cư, tích cực đẩy mạnh tăng gia lao động sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cây trồng, vật nuôi.

Trong quá trình lao động, anh vừa làm, vừa vận dụng kinh nghiệm của bản thân; nghiên cứu các tài liệu, sách, báo liên quan để hướng dẫn bà con thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật; chú trọng năng suất cây trồng, vật nuôi; phòng chống sâu, bệnh; thông qua các mô hình làm điểm để vận động nhân rộng ra các vùng dân cư.

 
Anh Hồ Văn Giỏi (Hướng Việt) chăm sóc bầy ngan, gà giống do Đại uý Phan Quang Vĩnh trao tặng. Ảnh: Yên Mã Sơn

Với cương vị là người lính, anh đã cùng chính quyền địa phương hai xã quan tâm giải quyết những vấn đề thiết yếu, đối với đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trật tự ở các thôn, bản.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh dành nhiều thời gian đi đến từng thôn, bản, đến tận từng người dân để hướng dẫn cho nhân dân triển khai thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. Tuy tham gia nhiều công tác tại cơ sở, nhưng anh vẫn luôn luôn giữ vững nguyên tắc về phối hợp hoạt động trên địa bàn, thường xuyên trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ với các cơ quan liên quan. Anh tham mưu cho đơn vị tổ chức nhiều đợt tập huấn nghiệp vụ, tổ chức các lực lượng phối hợp tuần tra bảo vệ đường biên và bảo đảm an ninh trật tự thôn, bản; phối hợp cùng với mặt trận và các đoàn thể ở địa phương vận động, đấu tranh chống di dịch cư trái phép qua biên giới.

Hưởng ứng phong trào giúp dân xây dựng và phát triển kinh tế anh đã đưa ra sáng kiến xây dựng điểm về mô hình kinh tế hộ gia đình ở thôn, bản. Với tổng nguồn vốn huy động trên 700 triệu đồng, anh bàn và phối hợp với cán bộ, chiến sỹ thuộc Đội Vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Hướng Lập, trực tiếp vượt rừng, lội suối đi mua cây, con giống phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của vùng cao Hướng Lập, Hướng Việt đầu tư cho các hộ gia đình để chuyển đổi kinh tế.

Những con giống như: bò, dê, lợn, vịt, ngan, gà, các loại cây giống như: sắn, chuối, cỏ voi phù hợp và thích nghi với điều kiện khí hậu vùng miền núi. Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện điểm, đến nay, các hộ gia đình từ nghèo khó đã có tiền mua sắm các trang thiết bị sinh hoạt như: tivi, bàn ghế, giường, tủ... Thông qua cách làm cụ thể và "mắt thấy, tai nghe" đã thuyết phục được bà con dân bản. Đến nay, nhiều bà con dân bản đã tự nguyện và mong muốn có sự hướng dẫn của cán bộ về sản xuất, kinh doanh để vươn lên xoá đói, giảm nghèo. Mô hình kinh tế hộ đang được tiếp tục nhân diện trên địa bàn các thôn, bản vùng cao Hướng Lập, Hướng Việt.

 
Đại uý Phan Quang Vĩnh cùng anh Hồ Văn Giỏi chăm sóc ngan và gà. Ảnh:Yên Mã Sơn

Trong công tác phòng chống thiên tai bão, lụt, tìm kiếm cứu nạn, anh chủ động tham mưu về các chủ trương, biện pháp đối phó với tiểu vùng khí hậu ở địa phương. Những lúc lũ, bão xảy ra, anh cùng các đồng chí trong cấp uỷ, chính quyền không quản ngại gian lao, cách trở, có mặt kịp thời tại những nơi xung yếu, cứu giúp đồng bào thoát khỏi hiểm nguy của lũ quét. Trong đợt mưa bão năm 2020 anh cùng các lực lượng trên địa bàn xuống từng hộ gia đình sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Hình ảnh người lính cụ Hồ hết lòng vì dân càng đẹp hơn trong mắt dân bản. Gắn bó với địa bàn biên giới, không quản đêm hôm, giông bão, mưa dầm, gió bấc… mỗi khi địa bàn có vụ việc là các chiến sĩ biên phòng lại hối hả lên đường giúp đỡ đồng bào bằng tất cả sức lực và tấm lòng. Đây cũng chính là lý do để nhiều cán bộ biên phòng được người dân yêu mến gọi bằng “cha, chú”; nhiều cái tên của chiến sĩ biên phòng đã trở thành tên thôn, tên xóm, tên đường.

Trung tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, Đại úy Phan Quang Vĩnh đã trực tiếp đứng ra vận động trên 4,5 tỷ đồng nhằm giúp đỡ người dân hai xã Hướng Lập, Hướng Việt. Thường xuyên hỗ trợ áo ấm, sách vở, dụng cụ học tập cho các học sinh trên địa bàn. Hỗ trợ 8 giếng khoan nước phục vụ cho người dân. Điều này rất đáng quý, nó thể hiện tinh thần, trách nhiệm của người lính. Ngoài ra, anh Vĩnh đã kêu gọi và tặng nhu yếu phẩm, kinh phí xây dựng 02 sân bóng chuyền và 01 sân bóng đá và các trang thiết bị thể thao cho Cụm bản La Cồ và đại đội Biên phòng 321 trị giá 170 triệu đồng. Qua đây thắt chặt hơn nữa tình cảm keo sơn giữa hai nước Việt Nam - Lào”.

 
Đại uý Phan Quang Vĩnh cùng nông dân vừa được cấp dê giống tại xã Hướng Việt. Ảnh: Yên Mã Sơn.

Có lên các vùng biên giới mới hiểu, sự gắn bó giữa biên phòng với đồng bào dân tộc thiểu số tuy không phải máu thịt nhưng lại vô cùng bền chặt. Trong lòng mỗi người dân, chiến sĩ biên phòng là biểu tượng của tinh thần quả cảm và đức hy sinh. Với mỗi chiến sĩ biên phòng, “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt”.

Tôi nhớ khuôn mặt đau đáu của Đại uý Vĩnh trong lần gặp mới đây khi chúng tôi cùng lội suối, băng đồi vào bản Tà Lèng, thôn Cù Bai, xã Hướng Lập. Anh ấy vừa tới thăm gia cảnh em Hồ Thị Hồng Nhung, người Vân Kiều và ra về với khuôn mặt ưu tư lộ rõ. "Em ấy học ngành công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Huế. Năm học 2022-2023, do không có tiền ăn, ở và học phí, em ấy xin nghỉ học một năm", Đại uý Vĩnh buồn bã nói. "Một người bỏ dở việc học vì không có tiền là một thiệt thòi lớn của cuộc đời. Đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số. Mình phải tìm cách cho em ấy đi học lại".

Và tôi biết, mấy hôm nay Đại uý Vĩnh đang tiếp tục bận rộn với những dự tính của mình: phải làm sao cho đồng bào miền núi khá lên, giàu lên mới được!

Biên cương bình yên cũng bởi có những mối quan hệ quân - dân bền vững như thế.  Trong những thành quả đạt được như hôm nay, có sự đóng góp tích cực của nhiều người như Đại uý Vĩnh. Giờ đây đến biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số xã Hướng Lập, Hướng Việt luôn nhắc đến hình ảnh anh "Bộ đội cụ Hồ" với cái tên trìu mến “Người lính  bản làng Phan Quang Vĩnh”.

Ban Tổ chức Cuộc thi Ký ức Khe Sanh quyết định gia hạn cuộc thi đến hết ngày 31/7/2023.

Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".

Cuộc thi nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc qua những bài học lịch sử của quá khứ; soi chiếu hiện thực kinh tế xã hội sau hơn nửa thế kỷ hoà bình để hướng tới tương lại. Cuộc thi sẽ quảng bá hình ảnh, đất nước con người Khe Sanh, Hướng Hoá trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương; đặc biệt lan toả một Hướng Hoá năng động và giàu tiềm năng phát triển du lịch đến bạn bè trong nước.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 05/5/2023 đến hết ngày 05/7/2023. Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan, cuộc thi sẽ không tổng kết như thời gian dự kiến.

Ban Tổ chức cuộc thi Ký ức Khe Sanh quyết định gia hạn cuộc thi đến hết ngày 31/7/2023. Thời gian tổng kết, trao giải sẽ được thông báo sau. Các điều kiện khác vẫn thực hiện theo thể lệ cuộc thi đã công bố. 

Địa chỉ nhận bài: xanhewec@gmail.com; Điện thoại liên hệ: 0906.519.234.

Chi tiết cuộc thi: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html

Đồn Biên phòng CKQT La Lay giúp dân khắc phục hậu quả hỏa hoạn

Đình Tiến |

Ngày 03/6, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay tổ chức thăm hỏi động viên một gia đình bị hỏa hoạn tại bản La Hót, xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Giúp học sinh người dân tộc thiểu số vượt qua rào cản ngôn ngữ

Mai Lâm |

Theo số liệu thống kê của ngành giáo dục và đào tạo, học sinh tiểu học người DTTS trên địa bàn tỉnh chiếm tỉ lệ gần 20% học sinh tiểu học trong toàn tỉnh. Để nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng DTTS, tỉnh Quảng Trị đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016.

Lính quân hàm xanh giúp dân phát triển kinh tế

Lê Trường |

Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) luôn tích cực bám dân, bám địa bàn, triển khai nhiều mô hình giúp dân làm kinh tế hiệu quả. Qua đó, góp phần giúp Nhân dân xóa đói, giảm nghèo, chung tay xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh.

Những con đường mang “dấu ấn” người lính Cụ Hồ

Nguyễn Minh Đức |

Trở về cuộc sống đời thường, dẫu còn đó nhiều khó khăn, vất vả nhưng tận sâu trong mỗi trái tim, suy nghĩ và việc làm, những người lính Cụ Hồ vẫn luôn giữ mãi tinh thần gương mẫu tiên phong, năng động sáng tạo và cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước.