Lính quân hàm xanh giúp dân phát triển kinh tế

Lê Trường |

Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) luôn tích cực bám dân, bám địa bàn, triển khai nhiều mô hình giúp dân làm kinh tế hiệu quả. Qua đó, góp phần giúp Nhân dân xóa đói, giảm nghèo, chung tay xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh.

Tiên phong đưa cây cà gai leo vào sản xuất

Đồn Biên phòng Thanh có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 31,192 km, dọc sông Sê Pôn, tiếp giáp nước bạn Lào; phụ trách địa bàn 3 xã: Thanh, Lìa và Xy. Nhân dân ở đây phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp với những cây trồng ngắn ngày chưa mang lại hiệu quả cao.

Với tình cảm, trách nhiệm của người lính mang quân hàm xanh, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng đem lại lợi ích kinh tế cao hơn. Trong đó, mạnh dạn, tiên phong liên kết với Công ty TNHH Thảo dược Huệ Đà (TP. Hồ Chí Minh) triển khai trồng thí điểm mô hình cây cà gai leo trên những vùng đất cằn cỗi. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân chung tay cùng thực hiện.

Cán bộ Đồn Biên phòng Thanh hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cà gai leo cho gia đình anh Hồ Văn Khưa - Ảnh: L.T
Cán bộ Đồn Biên phòng Thanh hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cà gai leo cho gia đình anh Hồ Văn Khưa - Ảnh: L.T

Đồn Trưởng Đồn Biên phòng Thanh, Trung tá Ngô Trường Khôi cho biết, mô hình trồng cây thảo dược cà gai leo được đơn vị triển khai thí điểm từ tháng 10/2020 với diện tích ban đầu khoảng 3 ha tại xã Thanh (huyện Hướng Hóa). Mô hình hỗ trợ người dân từ khâu giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. “Vì là cây trồng mới du nhập về địa phương, nên mục tiêu của chúng tôi là trồng thí điểm để đúc rút kinh nghiệm. Sau đó, nếu hiệu quả thực sự thì tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng mô hình”, Trung tá Khôi chia sẻ.

Được tuyên truyền, vận động gia đình anh Hồ Văn Khưa ở thôn Mới, xã Thanh mạnh dạn trồng 0,5 ha cây cà gai leo từ tháng 5/2021. Anh Khưa chia sẻ, trước đây gia đình chủ yếu trồng sắn, mấy vụ đầu thì còn có thu nhập, nhưng những vụ tiếp theo hiệu quả rất thấp do đất bị bạc màu, hoang hóa.

“Làm mô hình cây cà gai leo, gia đình chỉ bỏ công chăm sóc, thu hoạch, còn kỹ thuật có cán bộ của Đồn Biên phòng Thanh hướng dẫn. Cây giống, phân bón và hệ thống tưới thì có công ty hỗ trợ. Thu hoạch xong, công ty đến thu mua tận ruộng, nên gia đình phần nào cũng yên tâm”, anh Khưa phấn khởi bộc bạch.

Theo anh Khưa, trồng cây cà gai leo cứ 3 tháng thu hoạch 1 lần, mỗi lứa thu được 3 tấn lá tươi. Bán giá 10.000 đồng/1 kg tươi, 20.000 đồng/1 kg khô, gia đình anh thu về mỗi lứa khoảng 9 - 10 triệu đồng.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thanh, Đại úy Nguyễn Thái Bình cho biết, mô hình trồng cây cà gai leo tại địa phương bước đầu mang lại hiệu quả. Mô hình được bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật, cây giống nên bà con rất yên tâm trồng. “Đến nay, mô hình trồng cây cà gai leo được Đồn Biên phòng Thanh triển khai nhân rộng tại 25 hộ gia đình của xã Thanh và Lìa với diện tích hơn 15 ha. Đây là hướng đi mới, nhằm góp phần giúp Nhân dân ở vùng biên có thêm sinh kế để xoá đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống”, Đại úy Bình thông tin.

Mục tiêu kép của dự án “Một triệu cây xanh”

Với tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Thanh đã tích cực tham gia hỗ trợ, đồng hành với Nhân dân trên địa bàn các địa phương quản lý phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh. Trong đó, ý tưởng thực hiện dự án trồng “Một triệu cây xanh” dọc biên giới sông Sê Pôn nhằm chống xói lở và nâng cao thu nhập cho bà con là một việc làm ý nghĩa và hiệu quả thiết thực.

Để thực hiện được mục tiêu kép của ý tưởng, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh đứng ra kêu gọi và thông qua kết nối của chị Hoàng Thị Phương Vy ở thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) với Câu lạc bộ Hoa Tình Nguyện (Hải Dương) đơn vị bắt đầu triển khai thực hiện. Dự án “Một triệu cây xanh” được triển khai từ tháng 10/2020 tại 115 hộ gia đình thuộc xã Thanh và Xy (huyện Hướng Hóa). Qua 2 giai đoạn triển khai, trồng được 180.000 cây keo tràm dọc biên giới sông Sê Pôn.

Là người trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây keo tràm cho bà con ở thôn Thanh 1 (xã Thanh), Trung tá Trần Xuân Thủy cho biết: “Từ khi bắt đầu triển khai dự án, chúng tôi phải trực tiếp về tận các hộ dân, hướng dẫn, bắt tay chỉ việc cho bà con từ cách chuẩn bị đất, trồng cây đến chăm sóc, tỉa dặm khi cây phát triển. Ngoài ra, thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con hiểu rõ tác dụng quan trọng của việc trồng cây keo tràm dọc bờ sông Sê Pôn để quyết tâm thực hiện và bảo vệ”.

Đồn Trưởng Đồn Biên phòng Thanh, Trung tá Ngô Trường Khôi thông tin, dự án “Một triệu cây xanh” đến nay bước đầu đã phát huy hiệu quả. Một là, góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng sạt lở đất ở khu vực dọc biên giới sông Sê Pôn vào mùa mưa lũ; hai là đã thay đổi nhận thức của bà con về cách thức canh tác, giúp Nhân dân thích ứng dần với chuyển đổi cây trồng từ canh tác lạc hậu, kém hiệu quả sang trồng, chăm sóc cây công nghiệp dài ngày với hiệu quả cao hơn. “Sau gần 2 năm triển khai, đến thời điểm này, chúng tôi có thể khẳng định cây keo tràm rất phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương. Hiện cây keo tràm đang phát triển tốt, những cây trồng đợt 1 của dự án cho chiều cao khoảng hơn 3 m, phần nào đã phát huy tác dụng trong chống xói lở đất”, Trung tá Khôi vui mừng chia sẻ.

Song song với đó, Đồn Biên phòng Thanh còn triển khai nhiều hoạt động nhằm chăm lo đời sống an sinh của Nhân dân các địa phương đồn quản lý. Trong đó, kêu gọi xây dựng 6 giếng khoan cung cấp nước sạch cho bà con xã Xy với tổng trị giá 385 triệu đồng; xây dựng 8 ngôi nhà nghĩa tình biên giới cho hộ nghèo, đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa, trị giá 640 triệu đồng; mở 2 lớp “Chống tái mù chữ” cho 65 hội viên phụ nữ xã Thanh; duy trì các chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Tiết học biên giới”…

Những chiến sĩ mang quân hàm xanh vẫn ngày ngày miệt mài đến tận các gia đình ở những bản làng xa xôi của huyện miền núi Hướng Hóa chỉ cho họ cách trồng, cách chăm sóc, thu hoạch cây cà gai leo, cây keo tràm. Hình ảnh đó, sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí của Nhân dân nơi biên cương Tổ quốc, để rồi thắt chặt thêm tình cảm quân dân, sát cánh cùng nhau xây dựng quê hương, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Những con đường mang “dấu ấn” người lính Cụ Hồ

Nguyễn Minh Đức |

Trở về cuộc sống đời thường, dẫu còn đó nhiều khó khăn, vất vả nhưng tận sâu trong mỗi trái tim, suy nghĩ và việc làm, những người lính Cụ Hồ vẫn luôn giữ mãi tinh thần gương mẫu tiên phong, năng động sáng tạo và cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước.

Ký ức những người lính giữ chốt ở Hải Lăng năm 1972

Võ Văn Hạ |

Xin bắt đầu bài viết từ việc kể lại câu chuyện về 3 gia đình liệt sĩ ở 3 tỉnh khác nhau đã nhờ tôi tìm thông tin nơi hy sinh, đồng đội mai táng và phần mộ giờ ở đâu của 3 liệt sĩ. Điều kỳ lạ trong quá trình tìm hồ sơ, tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy 3 liệt sĩ cùng chung đại đội, hy sinh cùng ngày và tại cùng một điểm cao. Đó là các liệt sĩ Nguyễn Trọng Gang, Trần Văn Lái, Lại Văn Nho cùng ở Đại đội 10 (c10), Tiểu đoàn 9 (d9), Trung đoàn 66 (e66), Sư đoàn 304 (f304), cùng hy sinh ngày 8/12/1972 tại động ông Do.

Mùa Xuân đến với những người lính “Ba ba bảy”

Mạnh Hùng |

Bỏ lại sau lưng ồn ào, náo nhiệt của phố thị, chúng tôi ngược Quốc lộ 9 với những con dốc quanh co, nhiều khúc cua tay áo để trở lại với những người lính Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4) đóng quân ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Miền Tây Quảng Trị nay đã “khoác áo mới”, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đang từng ngày khởi sắc bởi có sự đồng hành của những người lính trên mặt trận kinh tế - quốc phòng suốt hơn 22 năm qua.

Thiếu tá Hoàng Minh Thiết - Người lính biên phòng luôn tận tụy vì dân

Nguyễn Thành Phú |

Trong suy nghĩ của mình, Thiếu tá Hoàng Minh Thiết, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Hướng Lập, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị luôn tự nhắc nhở mình cho dù bất cứ hoàn cảnh nào thì người chiến sĩ biên phòng cũng phải luôn dành cho dân những tình cảm trân quý nhất và chỉ khi làm được điều ấy họ mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.