Giúp học sinh người dân tộc thiểu số vượt qua rào cản ngôn ngữ

Mai Lâm |

Theo số liệu thống kê của ngành giáo dục và đào tạo, học sinh tiểu học người DTTS trên địa bàn tỉnh chiếm tỉ lệ gần 20% học sinh tiểu học trong toàn tỉnh. Để nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng DTTS, tỉnh Quảng Trị đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016.

Xác định ngôn ngữ là rào cản ảnh hưởng lớn đến việc học tập, phát triển kỹ năng của học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, ngành Giáo dục và đào tạo Quảng Trị tập trung nhiều giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh ở khu vực này.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phan Hữu Huyện cho hay, để nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt thời gian qua, sở chỉ đạo và có nhiều văn bản hướng dẫn các trường tổ chức tốt việc dạy học 2 buổi/ngày.

Trên cơ sở đó, các trường chủ động điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với từng đối tượng, quan tâm giúp đỡ số học sinh yếu kém, học sinh người DTTS, tạo môi trường để các em ôn luyện và hình thành kỹ năng đọc, viết và giao tiếp tiếng Việt thông qua các ngày hội giao lưu tiếng Việt, giao lưu văn hóa các dân tộc, các cuộc thi đọc sách, kể chuyện…

Trang trí góc học tập sinh động tạo hứng thú học tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số - Ảnh: M.L
Trang trí góc học tập sinh động tạo hứng thú học tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số - Ảnh: M.L
Đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục vùng DTTS đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018.

Với sự quan tâm của tỉnh, kết quả học tập môn Tiếng Việt của học sinh người DTTS trong những năm gần đây có những chuyển biến tích cực. Theo đánh giá mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022 - 2023, số lượng học sinh người DTTS “chưa hoàn thành” môn Tiếng Việt giảm chỉ còn dưới 3,5%, cụ thể: huyện Hướng Hóa còn 3,04%; huyện Đakrông còn 2,84%, huyện Vĩnh Linh còn 1,02%, huyện Gio Linh còn 0,98% và huyện Cam Lộ chỉ còn 0,66%.

Đối với trẻ em người DTTS, khó khăn về giao tiếp tiếng Việt là rào cản lớn nhất của các em khi đến trường bởi đây là môi trường duy nhất mà các em thực hành tiếng Việt còn thời gian chủ yếu ở nhà, ở cộng đồng thì chủ yếu nói tiếng Bru - Vân Kiều.

Thực tế, tại các trường tiểu học có học sinh người DTTS cho thấy, thường thì hầu hết học sinh vào lớp 1 nói tiếng Việt rất kém, phải mất 3-4 tháng của học kỳ I, học sinh mới quen với nền nếp học tập và vốn tiếng Việt mới tốt dần lên.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận, huyện Hướng Hóa, để tăng cường Tiếng Việt cho học sinh, nhà trường sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, giáo viên, đồng thời tăng thời lượng cho việc dạy học môn Tiếng Việt từ 350 tiết lên 500 tiết tức là dạy thêm 2 buổi/tuần (dạy 7 buổi/tuần so với trước đây là 5 buổi/ tuần đối với các lớp từ lớp 4 và lớp 5; 9 buổi/tuần đối với học sinh lớp 1, 2, 3 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018); lưu ý rèn luyện các kỹ năng nghe, đọc, nói, viết cho học sinh.

Khuyến khích giáo viên sử dụng những ngữ liệu gần gũi với học sinh; tích hợp, lồng ghép dạy để tăng cường tiếng Việt thông qua các môn học và hoạt động ngoài giờ lên lớp; tổ chức tốt các hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khóa, bổ ích để tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt và làm giàu vốn từ cho học sinh.

“Chúng tôi duy trì đều đặn trong năm học vừa qua là khuyến khích giáo viên tổ chức đọc truyện cho học sinh nghe hoặc tập cho học sinh đọc truyện vào 15 phút đầu giờ. Giáo viên dành thời gian kèm cặp, giúp đỡ, hỗ trợ học sinh ngoài giờ học để khắc phục học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng môn Tiếng Việt; đồng thời trang trí lớp học sinh động như mẫu chữ viết, xây dựng góc học tập trưng bày sản phẩm, góc “Em yêu tiếng Việt”, các tranh ảnh gần gũi, quen thuộc với học sinh, góc thư viện thân thiện”, cô Thuận chia sẻ.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, dù đạt được nhiều kết quả quan trọng song việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh người DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít thách thức do hiện nay chưa có tài liệu hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học.

Một số giáo viên người DTTS kỹ năng sư phạm, sử dụng tiếng Việt còn ít; môi trường giao tiếp tiếng Việt của trẻ ở các điểm trường lẻ còn hạn chế; địa bàn dàn trải, rộng, khoảng cách giữa các điểm trường xa; tỉ lệ giáo viên/lớp chưa đảm bảo.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy học chưa đáp ứng; phòng chức năng, trang thiết bị dạy học còn thiếu và chưa đồng bộ theo quy định, ảnh hưởng việc tổ chức dạy học và tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS.

Bên cạnh các giải pháp theo kế hoạch giai đoạn 2 của đề án, kinh nghiệm giúp học sinh vùng DTTS sử dụng tiếng Việt thành thạo mà một số trường tiểu học áp dụng là tích hợp dạy tiếng Việt thông qua các môn học/hoạt động giáo dục.

Vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, dạy tiếng Việt với tư cách dạy học ngôn ngữ thứ hai, sử dụng tiếng mẹ đẻ để dạy học tiếng Việt, tăng thời lượng luyện nói cho học sinh. Đồng thời xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt thông qua các hoạt động trải nghiệm, trò chơi, kể chuyện, hoạt động nhóm… trang trí các góc học tập, thư viện nhằm thu hút học sinh đến thư viện.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tặng 200 suất quà cho đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn

Văn Sáu |

Ngày 23/5/2023, Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo kết nối với Nhóm từ thiện Trần Tình, Nhóm từ thiện Toàn Liêm (Thành phố Hồ Chí Minh) tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn trên địa bàn xã Tân Thành và thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Số hóa ngôn ngữ dân tộc thiểu số góp phần bảo tồn bản sắc dân tộc

Như Quỳnh |

Tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam vừa là vốn quý của dân tộc đó, vừa là tài sản văn hóa chung của đất nước.

Người thầy tâm huyết với ngôn ngữ Bru - Vân Kiều

Nguyễn Trang |

Quảng Trị là tỉnh có số lượng người dân tộc Bru - Vân Kiều định cư đông, chiếm khoảng 70% người dân tộc Bru - Vân Kiều của cả nước. Dân tộc Bru - Vân Kiều có tiếng nói, chữ viết riêng nhưng qua thời gian dần bị mai một. Trong số những người dành tâm sức học tập, nghiên cứu, biên soạn tài liệu, giảng dạy ngôn ngữ này có có thầy Hồ Quang Tuyến (sinh năm 1976), ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh. Thầy đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú với di sản văn hóa phi vật thể “Bảo tồn và phát huy tiếng dân tộc Bru - Vân Kiều”.

Không để ngôn ngữ trở thành rào cản đối với học sinh dân tộc thiểu số

Hoài Nam |

Giai đoạn 1 Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ (gọi tắt là Đề án) đã kết thúc trên phạm vi cả nước. Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn gặp phải rào cản, khó khăn nhất định. Thực tế này đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) phải triển khai nhiều giải pháp, cách làm quyết liệt, hiệu quả hơn, trong đó cần tăng cường phối hợp với phụ huynh và cộng đồng để việc dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS đạt kết quả cao.