Không để ngôn ngữ trở thành rào cản đối với học sinh dân tộc thiểu số

Hoài Nam |

Giai đoạn 1 Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ (gọi tắt là Đề án) đã kết thúc trên phạm vi cả nước. Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn gặp phải rào cản, khó khăn nhất định. Thực tế này đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) phải triển khai nhiều giải pháp, cách làm quyết liệt, hiệu quả hơn, trong đó cần tăng cường phối hợp với phụ huynh và cộng đồng để việc dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS đạt kết quả cao.

Ở giai đoạn 1, Quảng Trị là một trong những địa phương có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, giúp học sinh DTTS có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS. Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án, chất lượng dạy học tiếng Việt được nâng lên đáng kể, nhờ đó chất lượng giáo dục vùng DTTS trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, Quảng Trị có 100% số trường, điểm trường tiểu học vùng DTTS được tăng thời lượng môn tiếng Việt, hơn 50% học sinh tiểu học vùng DTTS được học hai buổi/ngày; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của hai cấp học mầm non và tiểu học có cơ cấu khá hợp lý để tổ chức các hoạt động dạy học…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Tuy nhiên, có một thực trạng chung đó là ở nhiều trường học, hầu hết các em chỉ sử dụng tiếng Việt lúc đến lớp, còn về nhà chủ yếu giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, nhất là ở những địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, các trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn, đa số học sinh là người DTTS. Theo một số giáo viên ở miền núi, học sinh chỉ dùng tiếng Việt giao tiếp với giáo viên khi cần thiết, ngoài ra các em vẫn thường xuyên sử dụng ngôn ngữ riêng của dân tộc mình. Điều này cản trở phần nào hiệu quả giảng dạy tiếng Việt ở các nhà trường, khiến vốn tiếng Việt của học sinh DTTS còn hạn chế.

Vì vậy, để duy trì và phát huy vốn tiếng Việt được dạy trong nhà trường, việc tăng cường phối hợp với cha mẹ và cộng đồng nhằm giúp trẻ thường xuyên sử dụng tiếng Việt cần được chú trọng ngay từ khi trẻ học mầm non. Ở cấp học này, giáo viên cần khích lệ trẻ thực hành hằng ngày thông qua trao đổi với phụ huynh trong giờ đón trả trẻ và các cuộc họp phụ huynh; khuyến khích phụ huynh học cùng con qua các bài hát, bài thơ trẻ được dạy ở lớp; đọc truyện tranh cho trẻ, tập cho trẻ nói tiếng Việt... Bước vào cấp tiểu học, việc sử dụng thành thạo tiếng Việt rất quan trọng, giúp học sinh nắm được nội dung các bài giảng trên lớp.

Vì vậy, ở giai đoạn này, bên cạnh việc tăng cường dạy tiếng Việt trong nhà trường, các trường cần kết hợp với nhiều phương pháp khác để duy trì vốn tiếng Việt mà học sinh đã được tiếp thu. Thông qua các buổi họp phụ huynh, giáo viên cần thường xuyên trao đổi về tình hình học tập của trẻ, đặc biệt trao đổi về khả năng nói tiếng Việt của trẻ, đề nghị phụ huynh phối hợp để giao tiếp tiếng Việt với con lúc ở nhà. Hướng dẫn phụ huynh cùng phối hợp tạo cho trẻ một “góc học tập” riêng, trang trí hình ảnh kèm chữ viết sao cho sinh động.

Tuy nhiên, muốn có được sự phối hợp tốt thì việc bồi dưỡng tiếng Việt cho phụ huynh là nhiệm vụ không kém phần quan trọng, nhất là khi nhận thức chung của nhiều người DTTS còn hạn chế, vốn tiếng Việt không được phong phú. Vì vậy, ngành GD&ĐT cần chú trọng biên soạn tài liệu, bồi dưỡng, tập huấn về tiếng Việt cho phụ huynh là người DTTS, cộng đồng vùng đồng bào DTTS để xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng.

Với phương châm “Không để ngôn ngữ trở thành rào cản đối với học sinh”, việc tăng cường rèn kỹ năng giao tiếp tiếng Việt cho học sinh bằng các hình thức và nội dung phong phú luôn được nhiều trường học quan tâm. Năm học 2021-2022, được sự hỗ trợ của quỹ HMF, Trường Tiểu học và THCS A Xing (huyện Hướng Hóa) đã xây dựng mô hình Giáo viên trợ giảng. Đội ngũ giáo viên này là người DTTS, có nhiệm vụ đón học sinh đến trường, hỗ trợ học sinh chuẩn bị các đồ dùng học tập trước khi đến lớp và tham gia đứng lớp cùng giáo viên.

Trong quá trình này, giáo viên trợ giảng sẽ quan sát học sinh trong lớp học để có sự hỗ trợ kịp thời, nhất là trong việc giải thích nội dung bài giảng cho học sinh bằng tiếng mẹ đẻ và cả tiếng Việt. Ở một số địa phương khác trong cả nước, chương trình Bà mẹ trợ giảng cũng đã góp phần quan trọng trong việc khắc phục tình trạng bất đồng ngôn ngữ của học sinh khi đến trường, đồng thời tăng khả năng nói và hiểu tiếng Việt cho trẻ. Những bà mẹ trợ giảng với vai trò vừa là người giúp giáo viên truyền tải bài học sang tiếng dân tộc để các em hiểu, vừa hỗ trợ giáo viên khi gặp tình huống khó xử trong lớp.

Những mô hình nói trên rất hữu ích trong việc giúp trẻ DTTS tăng cường tiếng Việt, cần được nhân rộng trong các trường học miền núi ở bậc mầm non và tiểu học. Ngoài ra, để tăng cường tiếng Việt cho học sinh, các trường học cũng cần tổ chức thường xuyên các hoạt động: “Ngày hội giao lưu tiếng Việt”, “Ngày hội đọc sách” nhằm tạo môi trường giáo dục tích cực, thân thiện và tăng cường sự tự tin, kỹ năng đọc, hiểu cho học sinh.

Tiếng Việt rất quan trọng đối với trẻ mầm non và tiểu học vùng DTTS. Nếu không trang bị đầy đủ và đúng phương pháp khoa học thì không thể khai mở được các kiến thức cho trẻ trong học tập. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND thực hiện giai đoạn 2 của Đề án.

Theo đó, Đề án đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trong đó có mục tiêu 100% học sinh tiểu học người DTTS được tăng cường tiếng Việt trước khi vào lớp 1. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Đề án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ, học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS.

Các nhà trường cần phối hợp với chính quyền, đoàn thể tại địa phương và cộng đồng hỗ trợ tuyên truyền ba mẹ trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ; vận động các gia đình người DTTS tạo điều kiện cho con em đến trường và học 2 buổi/ngày, bảo đảm chuyên cần để trẻ có thời gian, cơ hội được tăng cường tiếng Việt.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hướng Hóa chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số

Quỳnh Hương |

Huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có hơn 94 nghìn dân bao gồm 3 dân tộc Kinh, Vân Kiều, Pa Kô sinh sống trên địa bàn 21 xã, thị trấn, trong đó có gần 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung chủ yếu ở 14 xã vùng bản đặc biệt khó khăn. Đảng bộ huyện hiện có 43 tổ chức cơ sở đảng, trong đó 26 đảng bộ cơ sở, 17 chi bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy, 5 đảng bộ bộ phận, với 4.489 đảng viên.

Cô gái Tày Nông Thúy Hằng đăng quang Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2022

PV |

Nông Thúy Hằng từng thi Miss World Vietnam, vào top 8 Người đẹp Truyền thông. Năm 2020, cô cũng góp mặt tại Hoa hậu Việt Nam và dừng chân ở top 35.

Cha mẹ dành ít thời gian chơi và đọc sách cùng con: "Khả năng giao tiếp và ngôn ngữ của trẻ đi xuống trầm trọng"

Hương Giang |

Theo một nghiên cứu mới của National Literacy Trust (NLT), trẻ sẽ gặp khó khăn khi bắt đầu đi học nếu cha mẹ ít trò chuyện và đọc sách cho chúng.

Tiếng Việt là ngôn ngữ phổ biến thứ 21 trên thế giới

CTV Lê Ngọc |

Ngôn ngữ là một phương tiện quan trọng để kết nối con người với nhau, cho phép chúng ta chia sẻ ý tưởng, suy nghĩ và cảm xúc của mình với người khác; nó có sức mạnh để xây dựng xã hội, nhưng cũng có thể phá hủy chúng.