Số hóa ngôn ngữ dân tộc thiểu số góp phần bảo tồn bản sắc dân tộc

Như Quỳnh |

Tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam vừa là vốn quý của dân tộc đó, vừa là tài sản văn hóa chung của đất nước.

Từ khi thành lập nước đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán, quan tâm trong công tác chỉ đạo và thực hiện chính sách về bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của các DTTS. Trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật về giáo dục, văn hóa, miền núi và dân tộc đều khẳng định các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết; giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình. Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ tiếng nói, chữ viết của một số DTTS đang bị mai một, cần phải có thêm nhiều giải pháp để bảo tồn, lưu giữ, phát triển.

Là một quốc gia đa dân tộc nên nước ta có đa ngôn ngữ. Ngoài tiếng Việt được sử dụng làm ngôn ngữ chung thì các DTTS cũng đều có ngôn ngữ của riêng dân tộc mình. Các nhà ngôn ngữ qua nghiên cứu thực tiễn cho thấy một số ngôn ngữ DTTS ở nước ta như: tiếng Arem, Mã Liềng, Rục, Cơ Lao, Pa Dí, Thu Lao, Cuối, Pu Péo… sẽ có nguy cơ mai một.

Hầu hết các ngôn ngữ có nguy cơ mai một đều của các DTTS có dân số rất ít, đời sống kinh tế rất khó khăn; số người biết, thường xuyên sử dụng ngôn ngữ dân tộc không nhiều, không có chữ viết, hoặc không được sử dụng thường xuyên, liên tục; không có năng lực tự bảo tồn và gìn giữ ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc mình.

Những tác phẩm của tác giả người DTTS và đề tài, nghiên cứu về vùng đồng bào DTTS, miền núi tỉnh Quảng Trị - Ảnh: PV
Những tác phẩm của tác giả người DTTS và đề tài, nghiên cứu về vùng đồng bào DTTS, miền núi tỉnh Quảng Trị - Ảnh: PV

Đối với tỉnh Quảng Trị, vùng miền núi có diện tích tự nhiên 313.675 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh. Toàn vùng có 44 xã, thị trấn thuộc địa bàn 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông và các huyện có xã miền núi Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ. Trong đó có 38 xã có đồng bào DTTS Bru-Vân Kiều và Tà Ôi (Pa Kô) sinh sống tập trung theo cộng đồng thôn bản.

Dân tộc Bru-Vân Kiều thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme, hệ Nam Á. Tiếng Bru-Vân Kiều là ngôn ngữ đa âm, có nhiều phương ngữ, sự khác biệt giữa các phương ngữ không nhiều, chỉ thể hiện ở một số từ vựng và cách phát âm và lấy bộ chữ cái Latinh làm cơ sở chữ viết. Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn dùng ngôn ngữ của dân tộc mình trong cộng đồng thiểu số, nhưng ở một số hoạt động giao lưu với cộng đồng, thỉnh thoảng trong sinh hoạt hằng ngày đồng bào DTTS vẫn dùng ngôn ngữ tiếng Việt để giao tiếp.

Nhằm ngăn ngừa sự mai một của ngôn ngữ DTTS, đã có nhiều quyết sách và dự án bảo tồn, gìn giữ tiếng nói và chữ viết của các DTTS được triển khai thực hiện. Nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai dạy tiếng DTTS ở hệ thống trường học; một số ngôn ngữ DTTS được sử dụng trên sóng phát thanh, truyền hình. Đồng thời được sử dụng để in các tác phẩm văn học-nghệ thuật truyền thống, các sáng tác mới và biên soạn các từ điển đối chiếu song ngữ, các sách miêu tả ngữ pháp, các sách giáo khoa. Nhiều thư viện trên cả nước đã nỗ lực số hóa tài liệu bằng tiếng DTTS để lưu giữ lâu dài…

Trong xu thế công nghệ 4.0, ngoài các giải pháp trên thì số hóa ngôn ngữ DTTS cũng là một giải pháp cần được quan tâm, triển khai thực hiện. Việc số hóa ngôn ngữ DTTS sẽ tiến hành thu thập, lưu trữ để xây dựng ngân hàng dữ liệu số không chỉ giúp đồng bào DTTS có ý thức bảo tồn, phát triển tiếng mẹ đẻ, mà còn hình thành một kho tài nguyên thông tin đầy đủ, chân thực về ngôn ngữ DTTS; góp phần bảo tồn ngôn ngữ của các DTTS.

Hiện Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm Khoa học-Xã hội Việt Nam) đã tiến hành phối hợp với nhóm phần mềm Vietkey để triển khai Dự án Số hóa ngôn ngữ các DTTS tại Việt Nam. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện số hóa ngôn ngữ cũng gặp một số khó khăn như: chưa có một quy hoạch tổng thể về phân bổ ký tự cho ngôn ngữ các DTTS, một số font chữ của DTTS đã vi phạm các quy định về tiêu chuẩn ký tự Unicode… Để tiếp tục hoàn thành dự án, các chuyên gia vẫn đang cố gắng khắc phục các hạn chế để hoàn thiện các tiêu chuẩn ký tự Unicode, khi đưa ngôn ngữ DTTS lên internet.

So với các ngôn ngữ DTTS khác thì việc số hóa ngôn ngữ Bru-Vân Kiều sẽ có nhiều thuận lợi vì có nét tương đồng với ngôn ngữ tiếng Việt. Việc số hóa ngôn ngữ có thể thực hiện cùng với việc ghi âm, ghi hình một số sinh hoạt văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều như lễ hội mừng lúa mới, lễ hội trỉa lúa, lễ cầu mùa…

Ngoài ra, trong kho tàng ngữ văn dân gian của người Bru - Vân Kiều có rất nhiều câu chuyện ngụ ngôn, truyền thuyết, chuyện cổ tích... được người dân nơi đây sáng tạo nên và gìn giữ từ đời này sang đời khác. Đây là một kho tư liệu quý giá để chúng ta tiến hành số hóa.

Ngày nay, công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi và được xem là chìa khóa trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa các DTTS, góp phần vào sự ổn định và phát triển đất nước. Phát triển tài nguyên số ngôn ngữ DTTS để trở thành một thư viện hay bảo tàng hiện đại, trong đó có việc bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ của các DTTS, hay ít nhất là lưu trữ lại các cơ sở dữ liệu làm những kho tư liệu điện tử, được xử lý bằng công nghệ thông tin hiện đại.

Bên cạnh số hóa ngôn ngữ DTTS, Đảng và Nhà nước ta cũng ưu tiên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện; ưu tiên bố trí các nguồn lực hỗ trợ phát triển mạng lưới thư viện, không gian đọc, phòng đọc cơ sở, nhà sách, tủ sách… tại vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường phát triển văn hóa đọc cho đồng bào DTTS. Tổ chức và hướng dẫn triển khai xây dựng các bộ tài liệu phù hợp với đặc điểm vùng đồng bào DTTS; khuyến khích, hỗ trợ sưu tầm, lưu trữ, số hóa các xuất bản phẩm bằng tiếng dân tộc; tăng cường luân chuyển tài nguyên thông tin và phục vụ thư viện lưu động đến vùng đồng bào DTTS.

Để đồng bào các DTTS được bình đẳng trong không gian số hóa rất cần những chính sách, giải pháp cụ thể về số hóa ngôn ngữ các DTTS và sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị trong việc tham mưu triển khai thực hiện, đặc biệt là sự tham gia của các văn nghệ sĩ người DTTS, các chi hội văn học nghệ thuật các DTTS, cộng đồng trí thức người DTTS...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hướng Hóa: Tập huấn truyền dạy cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô

Bảo Phú |

Trong các ngày từ 12- 14/ 11/2011, tại xã Hướng Phùng, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tổ chức lớp tập huấn truyền dạy cồng chiêng của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

Thường trực Ban Bí thư dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Huế

PV |

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, tinh thần đoàn kết trong Đảng, trong Nhân dân là sức mạnh nội sinh, là động lực quan trọng để đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trao kinh phí hỗ trợ 35 học sinh dân tộc thiểu số đến trường

Lâm Phương |

Ngày 10/11, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị tổ chức trao kinh phí hỗ trợ dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường năm 2022”.

Khu dân cư Hoong Mới tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Nhơn Bốn |

Ngày 5/11, khu dân cư Hoong Mới, xã Hướng Linh (Hướng Hoá,Quảng Trị) tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất 18/11 (1930 - 2022); phát động xây dựng mô hình khu dân cư “Đẹp về cảnh quan, bảo đảm về môi trường” giai đoạn 2022 – 2025. Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy dự ngày hội.