Trong ký ức của nhiều bậc cao niên, khoảng hơn 20 năm về trước, cuộc sống người dân vùng biển vẫn còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn. Song, với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó của người dân, cộng thêm sự quan tâm hỗ trợ nhiều mặt từ Đảng, Nhà nước nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây được cải thiện và nâng cao từng ngày.
Từ TP. Đông Hà đi dọc Quốc Lộ 9, đến đoạn gần chân cầu Cửa Việt, nhìn sang phía bên phải sẽ thấy nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát. Đó là Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Nhờ đi biển và kinh doanh dịch vụ bãi tắm mà người dân nơi đây có của ăn của để, tích cóp vốn liếng để xây nhà đẹp, mua xe ô tô sang. Một trong những ngôi nhà khang trang, bề thế nhất nhì Khu phố 5 là của gia đình ông Bùi Đình Sành, Tổ trưởng Tổ tự quản tàu thuyền khu phố.
Mặc dù đã ở độ tuổi ngoài “thất thập” nhưng ông Sành vẫn khỏe mạnh, rắn rỏi như cây phi lao vững vàng trước gió bão. Trước đây, gia đình ông làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Sau này, ông làm Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ tàu đánh bắt xa bờ Việt Hải. Từ năm 2010 đến nay, ông làm Tổ trưởng Tổ tự quản tàu thuyền của khu phố. Đưa ánh mắt về phía những chiếc tàu vỏ gỗ công suất lớn đang nằm nghỉ sau chuyến vươn khơi dài ngày, ông kể với chúng tôi về một thuở thăng trầm của xứ biển nơi đây.
Những năm đầu thập niên 2000, ngư dân thị trấn Cửa Việt và vùng lân cận chủ yếu hành nghề đánh bắt thủy sản trên những chiếc tàu vỏ gỗ công suất nhỏ, cách bờ khoảng 25 hải lý trở vào với ngư lưới cụ thô sơ. Sau khi Nhà nước có chủ trương khuyến khích, hỗ trợ ngư dân bám biển vươn khơi với những quyết sách kịp thời, đúng đắn thì tại các địa phương vùng biển ra đời nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới để giúp nhau phát triển sản xuất. Từ đây, ngư dân Cửa Việt mạnh dạn đóng tàu to, lắp máy công suất lớn, mua sắm thêm ngư lưới cụ và trang thiết bị hiện đại để hành nghề. “Các xã ven biển như Gio Hải, thị trấn Cửa Việt bắt đầu khởi sắc từ những năm 2010. Nhờ chuyển từ đánh bắt thủy sản gần bờ sang xa bờ nên đời sống người dân khấm khá hơn, những ngôi nhà cao tầng được xây dựng ngày một nhiều hơn. Vào năm 2014, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản thì thị trấn Cửa Việt là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh trong việc đóng mới, cải hoán tàu thuyền. Đặc biệt, có nhiều chiếc tàu vỏ thép với công suất hàng trăm mã lực được ra đời, giúp việc khai thác, đánh bắt thủy sản thuận lợi, đạt kết quả cao”, ông Sành hồi tưởng.
Qua thời gian, vị thế trong lĩnh vực khai thác, đánh bắt thủy sản của ngư dân thị trấn Cửa Việt được định hình và có tiếng tăm khắp vùng. Đây là nơi có đội tàu đánh bát xa bờ và sản lượng khai thác thủy sản đứng đầu của tỉnh. Trong đó, có sự góp mặt của dòng họ Bùi Đình với hơn 30 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Điều đáng mừng là thời gian qua, các đội tàu khai thác xa bờ, tổ tự quản bến bãi tàu thuyền trên địa bàn hoạt động có hiệu quả, đảm bảo an toàn cho ngư dân trên biển. Dịch vụ hậu cần hỗ trợ khai thác như cảng cá, bến cá tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp.
Đoạn, ông Sành dẫn tôi đến bãi tắm Cửa Việt - một danh thắng biển đẹp nổi tiếng, cách nhà ông không xa. Ông kể, bãi tắm Cửa Việt được thành lập từ năm 1997, có diện tích khoảng 5.000 m2, là một trong những bãi tắm thu hút lượng lớn khách du lịch trong, ngoài tỉnh và quốc tế. Những ngày bình thường, lượng khách về bãi tắm khoảng 1.000 lượt, vào ngày cuối tuần thì tăng lên gần 2.000 lượt người.
Cùng với hai điểm du lịch nổi tiếng là Cửa Tùng và đảo Cồn Cỏ, Cửa Việt có nhiều lợi thế, quy tụ những điều kiện lý tưởng để khai thác tiềm năng du lịch biển, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như bãi cát bằng phẳng, nước biển trong xanh, hệ thống giao thông thuận lợi… Nhìn ra xa hơn, Cảng Cửa Việt nối liền với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nằm trên EWEC, là điểm giao lưu hợp tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các nước nằm trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ du lịch ở Cửa Việt là cơ hội để mở rộng quy mô hợp tác du lịch với các nước trong khu vực. Với tiềm năng lợi thế đó, những năm qua, Quảng Trị đã chú trọng đầu tư xây dựng Cửa Việt thành một khu dịch vụ du lịch năng động.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá du lịch được tăng cường gắn với việc ban hành các cơ chế chính sách thông thoáng nhằm khuyến khích và thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch biển, đảo cũng được chú trọng. Nhằm tạo điều kiện cho Cửa Việt phát triển, tỉnh còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú phục vụ du lịch, nhất là xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Hiện, Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vì ở đây có nhiều lợi thế đặc thù hơn hẳn những nơi khác.
Trong chiến lược phát triển du lịch biển, đảo, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt với diện tích trên 141 ha. Đến nay, Khu du lịch biển Cửa Việt đã được quy hoạch đầu tư khá hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng, đường ven biển Cửa Việt - Cửa Tùng nối với đường xuyên Á từ TP. Đông Hà về cảng Cửa Việt mở ra cơ hội cho vùng biển hội nhập với EWEC. Cửa Việt đang được xem là một trong những điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách đến từ khu vực Đông Bắc Á khi đến Quảng Trị.
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, theo phương án của tỉnh đến năm 2030 sẽ xây dựng đô thị Cửa Việt trên cơ sở sáp nhập thị trấn Cửa Việt, xã Gio Hải, Bồ Bản đạt tiêu chí đô thị loại V. Định hướng đến năm 2050, xây dựng đô thị Cửa Việt đạt tiêu chí đô thị loại IV, là trung tâm chuyên ngành cấp tỉnh. Để phục vụ cho quá trình phát triển, tỉnh đã đề xuất mở rộng cảng Cửa Việt về phía thượng lưu cầu Cửa Việt. Theo quy hoạch, bến cảng Cửa Việt khi phát triển đến năm 2030 sẽ bao gồm 4 bến cảng tổng hợp phía Bắc với chiều dài 327 m và 5 bến chuyên dùng phía Nam với chiều dài 510 m.
Hiện nay, nhu cầu đầu tư vào tỉnh ngày càng tăng là tín hiệu vui để thúc đẩy phát triển KT - XH trên địa bàn. Đối với các dự án khu vực ven biển, tỉnh xác định Cửa Việt là một trong những vùng trung tâm để có sự đầu tư quy mô, an toàn nhằm thu hút khách du lịch. Đồng thời, ưu tiên phát triển hệ thống các trung tâm đô thị, đặc biệt là khu vực thị trấn Cửa Việt, Cửa Tùng và Bồ Bản, tạo điểm tựa cho các khu dân cư và các khu chức năng khác phát triển theo. Chú trọng thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm xây dựng nên các khu kinh tế năng động, khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven bờ biển, từ đó tạo ra sự đột phá, điểm nhấn kinh tế ở Cửa Việt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của tỉnh trong tương lai.